Bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị thế giới
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị thế giới
1. Mở đầu: Bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị là tinh hoa của cảnh quan văn hoá đô thị. Bài viết
phân tích về bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị trên Thế giới trong sự hình thành và phát triển của đô thị.
2. Bản sắc kiến trúc cảnh quan và sự hình thành đô thị (Hình H.1)[1]
a. Khai thác mặt nước
Sự hình thành và phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị, tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội, địa lí, kinh tế, ban đầu là tự phát, về sau là hệ quả của việc quy hoạch đô thị. Các đô thị thời kỳ ban đầu, do các phương tiện giao thông chưa phát triển thường có vị trí ở đầu mối giao thông, đặc biệt là đường thủy. Nếu đô thị là thành trì thì việc xây dựng còn tuân theo yêu cần quân sự, có thành cao, hào sâu tạo nên hệ thống kênh nước liên hoàn.
Thành phố Jakarta - thủ đô của Indonesia có vị trí bên bờ biển Java, hai bên cửa sông Ciliwung. Sự hình thành thành phố trên cơ sở khai thác mặt biển và hệ thống sông - kênh. Khu cảng biển lớn được tách xa thành phố về phía Đông - Bắc 10km. Do đó đã tạo khả năng khai thác cảnh quan mặt nước và bố cục cảnh quan đô thị. (H1.1)[1]
Thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) chủ yếu nằm bên bờ trái sông nhánh của con sông Trường Giang. Phía bờ phải là khu dinh thự và nhà nghỉ mát, có chú ý khai thác cảnh quan ven bờ. (H1.2)[1]
Thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) là một cảng biển lớn nằm bên bờ Địa Trung Hải. Thành phố đã khai thác mặt biển một cách triệt để với cơ cấu dải dọc bờ. (H1.3)[1]
Paris (Pháp) phát triển cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn trên cơ sở lấy sông Seine làm trục thành phố. Trung tâm Paris, thế kỷ 17, đầu thế kỷ 19 và hiện nay cũng chạy dọc sông Seine.
Thành phố Luân Đôn cũng tương tự như Paris cũng lấy sông Thames là trục cảnh quan và trục bố cục của đô thị. (H1.4)[1]
Thành phố Genuya, miền Bắc Italy là hải cảng lớn bị bao chặt bởi các quả núi với các sườn chảy về bờ biển. Do đó khu xây dựng trải dài theo thung lũng hẹp, hai bên một số con sông nhỏ và trên sườn dốc. Chênh lệch độ cao lớn nhất trong phạm vi xây dựng khoảng 300m, cho nên hệ thống giao thông rất phong phú và đa dạng về hình thức, chủng loại: đường ngầm, đường phố, cầu thang…(H1.5)[1]
San Francisco là thành phố cảng lớn nhất của Mỹ, bên bờ biển, đồng thời lại nằm trên quả đồi. Thành phố được hình thành chủ yếu trên cơ sở mạng lưới giao thông hình học tương phản với đường bờ biển phong phú (nhiều eo vịnh nhỏ) và triền dốc thoải của đồi. (H1.6)[1]
Các ví dụ trên đây cho thấy sự phát triển sau này của các đô thị ven sông biển đã không chỉ phục vụ mục đích giao thương mà còn được khai thác trong việc tạo nên cảnh quan đô thị.
Hình H1. Kiến trúc cảnh quan trong quá trình hình thành đô thị ở một số nước trên thế giới
b. Đặc thù của các đô thị trước hiện đại
Mỗi hành vi đều diễn ra trong một không gian nào đó, và cuộc sống trong đô thị cũng vậy. Theo các nhà nghiên cứu đô thị đẫ tổng kết, về mặt không gian, mọi đô thị cho đến cuối thế kỉ 19 được cấu thành bởi hệ thống không gian các tuyến phố (streets) và các quảng trường (squares). Các công trình kiến trúc xung quanh các quảng trường và các tuyến phố có ý nghĩa rất lớn trong sự sống của các đô thị đó. Dự án phát triển South Amsterdam của Berlage, quy hoạch phát triển Barcelona, dự án nghiên cứu và phục hồi Stuttgart của Rob Krier hay đồ án quy hoạch “Khu phố Pháp” tại Hà Nội là một trong số các đồ án đã có may mắn không bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan của các kiến trúc sư hiện đại. Các dự án này ở các mức độ khác nhau đã kế thừa và phát triển lối sống đặc thù của những đô thị nơi đó từ thời kỳ trước thế kỉ 19.
3. Bản sắc kiến trúc cảnh quan và quá trình phát triển đô thị
Trong sự phát triển đô thị và các dự án quy hoạch hiện nay ít hay nhiều đã kế thừa và phát huy các kinh nghiệm truyền thống trong việc khai thác thiên nhiên vào việc tổ chức cảnh quan đô thị.
a. Khai thác các yếu tố tự nhiên
- Khai thác yếu tố mặt nước và địa hình:
Việc quy hoạch thành phố Ancara (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ) đã khai thác không gian nhìn từ quả đồi trung tâm về bốn phía trong một thung lũng lớn. Điều đó quyết định đến hướng giao thông và cơ cấu quy hoạch của thành phố. (Hình H2.1)[1]
Việc quy hoạch thành phố Matxcơva (CHLB Nga) đã khai thác triệt để cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là dòng sông Matxcơva, tạo nên các nêm đường kính cây xanh - mặt nước chạy xuyên trung tâm. (Hình H2.2)[1]
Ngược lại với các đô thị được xây dựng trên khu vực cảnh quan phong phú, thành phố Braxinlia nằm trên thảo nguyên với khí hậu khắc nghiệt. Do đó các kiến trúc sư thiết kế đã tổ chức hồ và các khu mặt nước. Còn hình hài thành phố thì như một máy bay trên nền màu đỏ của đất.
Xu thế chung trong thế kỷ 21 của các đô thị hiện đại. Mối quan hệ tương hỗ giữa dòng sông và cộng đồng cư dân đô thị, thể hiện qua cách thức ứng xử của cộng đồng với môi trường tự nhiên, là một phần của văn minh đô thị và là tiêu chuẩn để đánh giá trình độ phát triển của đô thị.
Tại Nhật Bản, chiều dài đáng kể và sức chảy đều đều chậm rãi của dòng nước khiến các con sông chảy qua Tokyo rất thích hợp cho vận chuyển đường thuỷ. Tuy nhiên do lũ lụt thường xuyên, hàng loạt con đê và đập bê tông đã được xây dựng. Kết quả là, các con sông ở Nhật Bản có thời từng chảy qua những vùng có môi trường tự nhiên tươi tốt, đã mất đi vẻ đẹp xưa kia của chúng và con người mất đi mối liên hệ với dòng nước tại địa phương của mình. Các con đê bê tông đồ sộ được xây dựng để ngăn lũ lụt tràn bờ và viện cớ đảm bảo an toàn, người dân bị ngăn cách rời xa khỏi dòng nước. Thậm chí cho đến gần đây, một số đoạn kênh và dòng chảy xuyên qua Tokyo vẫn bị bao quanh bởi hàng rào kẽm gai. Dù những hàng rào này nhằm tránh cho con người không bị tai nạn, chúng cũng ngăn cản bất cứ ai đến gần mặt nước.
Đất nước Hà Lan vốn nổi tiếng với những kênh đào đi ngang qua thành phố. Đối với các du khách, chuyến đi thuyền ngoạn cảnh dọc kênh quả là một kỷ niệm khó quên, sau khi được duỗi mình tắm nắng trên mui thuyền, nhâm nhi ly vang đỏ với món pho-mát Hà Lan. Tại xứ sở thấp hơn mực nước biển này, người ta không chỉ khai thác cảnh quan các con sông và kênh đào, mà còn chủ động đưa chúng vào trong khu ở. Trong những khu ở, người ta đào những ao mương nhỏ điều hòa và tổ chức chúng như một tiểu thiên nhiên có điều tiết. Khi có mưa, nước mặt được thu vào và lưu giữ tại đây, ngăn ngập lụt cho khu vực xung quanh. Trẻ em trong khu tự do ra đây chơi đùa, vầy nghịch (mực nước được giữ trong khoảng an toàn đối với trẻ em)
- Khai thác yếu tố cây xanh: (Hình H3)[1]
Từ đầu thế kỷ trước, Le Corbusier đã nhấn mạnh vai trò của cây xanh trong các đô thị hiện đại. Chỉ cần trồng cây hai bên đường là những tòa nhà chọc trời sẽ hết vẻ đồ sộ, lấn át của chúng và thành phố trở lại với tỷ xích thân mật của con người. Khi nghiên cứu về lịch sử cây xanh đô thị trên thế giới, chúng ta biết rằng những đường dạo dưới hàng cây rợp bóng mát luôn luôn là một yếu tố của đô thị. Đó là một trong những đặc sản của đô thị Pháp từ thời Baroque. Những Allee cây xanh xuất phát từ những tuyến đường hình tia cho vua chúa đi săn ở trong những khu rừng đô thị lớn. Còn Boulevard là những đường dạo dưới hàng cây trên những tuyến tường thành, pháo đài trước đây sau này bị san phẳng. Cũng chính vì nguồn gốc Baroque này mà những hàng cây đô thị có tính hoành tráng rất cao và đặc biệt thích hợp với phong cách kiến trúc Phục hưng, Baroque. Đặc biệt ở phương Tây thời kỳ Baroque, gần như tất cả các cây trong những khu vườn, công viên đều được cắt gọt cẩn thận thành những hình khối kỷ hà.
Ở phương Đông, Nhật Bản là nước có truyền thống cắt tỉa cây thành những hình khối, nhưng thường là những khối tự nhiên chứ ít khi là các hình khối kỷ hà. Trong giai đoạn thế kỷ 18,19, khi vấn đề cây xanh, môi trường đô thị ở châu Âu đã trở nên nóng hổi, ở những khu đô thị công nghiệp vốn rất xấu xí, bụi bặm, thì ở Anh người ta đưa ra rất nhiều sáng kiến để đưa yếu tố tự nhiên, đồng nội vào trong lòng đô thị. Ở châu Âu đã thành lập các vườn ươm chuyên nghiệp sản xuất các loại cây đường phố với quy mô lớn, các cây đường phố ở châu Âu được trồng đều tăm tắp, trăm cây như một. Điều này chứng tỏ đã có sự đầu tư thích đáng cho lĩnh vực cây xanh đô thị nhưng nó cũng chỉ là thành công xét trên một phương diện nào đó.
Trên thế giới mỗi nước đều lựa chọn những loại cây đặc trưng để trồng cho đô thị của họ để tạo nên bản sắc của đô thị và trở thành hình ảnh, biểu tượng cho thành phố và đất nước. Ví dụ Canada nổi tiếng bởi cây Phong đỏ, thành phố Weimar nổi tiếng bởi cây Kinh-gô, các thành phố của châu Phi nổi tiếng bởi các cây cọ, Nga nổi tiếng bởi cây bạch dương, Tây Ban nha nổi tiếng với những sân trong (Pattio) trồng cọ. Một số cây xanh đã đi vào thơ ca, âm nhạc, hội họa như Cây phong, cây Bạch dương, cây Olive. Ở Berlin (Cộng hoà liên bang Đức) có một đường phố mang tên một loài cây Unter den Linden. Nghĩa là đường phố dưới tán cây Lin-đen. Hay liễu rủ ven hồ là đặc trưng rất riêng của Trung quốc, và đã được nhân rộng ở nhiều nước. Nước Pháp là một trong những nước đi đầu về cây xanh đô thị và cây xanh đường phố trên thế giới, có kinh nghiệm nhiều trăm năm trong lĩnh vực này. Pháp lại có rất nhiều thuộc địa ở các xứ nhiệt đới, và ở đâu người Pháp cũng áp dụng mô hình đô thị với những tuyến đường có cây xanh nên cũng có nhiều kinh nghiệm về cây nhiệt đới. Họ đã mang cây xanh từ nhiều nước khác trên thế giới về trồng ở nước mình và các nước thuộc địa khác. Do vậy những cây do người Pháp đem về trồng ở đường phố của Việt Nam nên được cân nhắc, nghiên cứu kỹ. Cũng có thể một số loại cây người Pháp đưa vào là không hợp lý nhưng dù sao cũng nên có nghiên cứu kỹ càng trước khi quyết định là một loài nào đó không phù hợp là cây đường phố, vì nếu việc tìm một loài thích hợp ở Việt Nam dễ dàng như vậy thì người Pháp đã không mất công đem những loại cây đường phố ở tận Châu Phi, Châu Mỹ về. Mỗi tiểu bang tại Hoa Kỳ đều có chọn cây tiêu biểu hay biểu trưng (state trees), hoa tiêu biểu (state flowers), chim tiêu biểu (state birds) cho tiểu bang của mình. Trong việc chọn lựa cây tiêu biểu cho tiểu bang của mình, mỗi tiểu bang thường nghĩ đến những sắc mộc mọc tự nhiên trong lãnh thổ của tiểu bang. Cây được chọn là cây đại diện cho tiểu bang do dân chúng cân nhắc chọn lựa. Malaysia là một đất nước với màu xanh ngút mắt trải dài đến vô tận. Như khắp đất nước này chỉ là những rừng cây, thảm cỏ và những công viên rực rỡ các loài hoa. Nhiều nhất là hoa dâm bụt (biểu tượng của Malaysia) và hoa giấy. Ngay trên các tuyến phố hiện đại trong lòng thủ đô Kuala Lumpur, vẫn nguyên vẹn những cánh rừng nhỏ xinh, với nhiều loài cây cổ thụ và hoa dại… tạo nên một không gian trong lành. Những cánh rừng nhỏ ấy làm giảm hẳn sự ồn ào và ô nhiễm tất yếu của khói bụi đô thị. Malaysia còn là đất nước của cọ dầu. Dọc theo các con đường cao tốc, những rừng cọ dầu bạt ngàn, xanh thẳm. Ngày nay tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ kéo theo hàng loạt vấn đề mà có thể chỉ cây xanh mới có thể giải quyết được. Do vậy lĩnh vực cây xanh đô thị ngày càng được chú trọng trên toàn Thế giới. Mảng xanh được phát triển ở mọi nơi và mảng xanh đô thị ngày càng được chú trọng.
Hình H3. Khai thác yếu tố cây xanh trong đô thị
b. Khai thác yếu tố nhân tạo
- Không gian công cộng:
Khái niệm không gian công cộng luôn biến đổi theo thời gian và không gian bởi những không gian đó gắn với nhiều cách làm khác nhau chứ không theo một khuôn mẫu cố định, từ đó tạo nên sự tiếp nối của không gian đô thị. Mặt khác, ý nghĩa của không gian công cộng cũng thay đổi giữa các vùng miền hay châu lục khác nhau như châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ hay Trung Đông. Chẳng hạn, các đô thị ở châu Âu luôn dành cho không gian công cộng một ý nghĩa đặc biệt, thậm chí là ngoại lệ. Do vậy, nhiều thành phố của châu Âu trở nên nổi tiếng nhờ vẻ đẹp và bố cục không gian hài hoà mà hai đặc điểm đó được hình thành không chỉ nhờ vào chất lượng kiến trúc mà cả chất lượng của các không gian công cộng. Diện mạo của những không gian đó rất đa dạng và phong phú tuỳ thuộc vào bản chất và chức năng của chúng như quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng, đại lộ hay đường phố. Do vậy, chúng không gắn với một hình thái đô thị chính xác nào, thậm chí còn thay đổi tuỳ theo vị trí của chúng trong không gian đô thị, từ đó dẫn đến sự phân cấp khá rõ nét giữa những không gian này. Có những không gian công cộng trung tâm có tính biểu tượng cao thể hiện sức mạnh của chính quyền cũng như sự thống nhất trong đa dạng của xã hội, nhưng bên cạnh đó cũng có những không gian công cộng liền kề chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu của những người dân sống xung quanh.
- Quảng trường châu Âu:
Các quảng trường cổ ở châu Âu có những sự cuốn hút kỳ lạ. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, vẻ đẹp vĩnh cửu, dấu ấn thời gian và các sự kiện đã làm cho quảng trường ngày càng trở thành nơi không thể không đến của mỗi người khi đặt chân tới thành phố. Quảng trường châu Âu có thể phân ra làm 4 loại.
+ Loại I: Quảng trường trước một công trình kiến trúc lớn. Quảng trường loại này có một chủ thể là công trình kiến trúc lớn, thường là một công trình quan trọng trong thành phố, công trình kiến trúc được tôn vinh nhưng đồng thời cũng giữ chức năng làm các phông cho quảng trường trong trường hợp ở đây có tổ chức mítting hoặc biểu diễn nghệ thuật. Do đó, quảng trường được định hướng rõ rệt. Quảng trường loại này nói chung là hoành tráng. Ở nước ta các quảng trường trước các nhà hát lớn Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng,… đều thuộc loại quảng trường này.
+ Loại II: Quảng trường có một công trình tượng đài ở giữa, nhưng không phải là quảng trường giao thông. Loại quảng trường này có định hướng rõ rệt do tác động của hướng tượng đài. Quảng trường này là nơi để quần chúng chiêm ngưỡng tượng đài và nghỉ ngơi giao lưu dưới chân tượng đài.
+ Loại III: Quảng trường đóng khung xung quanh. Ví dụ: Quảng trường Đỏ ở Matxcơva. Đây là loại quảng trường có đóng khung kín. Tuỳ theo quy mô của quảng trường mà ta có những cảm giác khác nhau. Nếu quảng trường kín này có quy mô nhỏ như quảng trường Vosges ở Paris, một quảng trường hình vuông, mỗi cạnh xung quanh là những khối nhà ở 3- 4 tầng theo phong cách cổ điển, giữa quảng trường là một đài phun nước 2 tầng, thì ta có cảm giác đây là một không gian ấm cúng, thân mật. Còn quảng trường Đỏ tuy cũng là kiểu khép kín nhưng do diện tích lớn gần 5 ha nên nó không ấm cúng mà mang tính chất trang nghiêm, hoành tráng và cổ kính. Không gian không khép kín hoàn toàn mà khép kín ước lệ về phía nhà thờ Vaxili Blagiennui.
+ Loại IV: Quảng trường dạng đảo giao thông. Loại quảng trường này có một công trình tượng đài ở giữa. Những quảng trường này thường nhỏ, không định hướng, không gian mở và thường nhộn nhịp vì giao thông xung quanh. Loại quảng trường này thường có nhiều trong thành phố, có tác dụng tốt cho giao thông và cũng là những điểm nhấn vì thường có tượng đài ở giữa quảng trường. Tượng đài này được nhìn thấy từ nhiều con đường quy tụ vào quảng trường cho nên chúng đóng góp tích cực vào cảnh quan đô thị.
- Điểm nhấn kiến trúc và điểm nhấn đô thị:
Ở Âu châu và các nước có văn minh từ cái gốc ấy, khái niệm điểm nhấn đô thị đi ra từ những kiến trúc, phát triển về chiều cao là chính. Đó có thể là những tháp canh đặt trên tường thành, các tòa thị chính, nhà thờ và những tháp quan sát hỏa hoạn. Những kiến trúc kiểu này không chỉ cao và mảnh, mà thường có đường bao đặc sắc, tạo nên những tín hiệu dễ nhớ. Ngoại trừ kiến trúc gỗ ở một vài nước Đông và Bắc Âu (cấu trúc theo lối xếp chồng các thân gỗ, liên kết bởi các mộng góc), thì ở châu Âu những kiến trúc ngự trị không gian bao giờ cũng xây bằng đá, gạch và đắp bằng vôi vữa, nhờ đó chẳng những bền vững mà còn được cấu tạo và trang trí cầu kỳ. Kiến trúc điểm nhấn ở các đô thị hiện đại đa phần được tạo nên bởi những công trình có độ cao vượt trội, trước tiên là tháp truyền hình, sau đó là cao ốc chung cư và văn phòng. Các tòa tháp truyền hình được xây ở khắp các đô thị đều được thiết kế như những điểm nhấn, mà trong nhiều trường hợp, đã trở thành những biểu tượng thị giác cho chúng. Trong khi đó những cao ốc, những tổ hợp cao ốc, đa phần được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng, bởi vậy có hình hài phản ánh cấu trúc và vật liệu mà chúng được tạo nên. Nhận ra không nhiều những tòa nhà cao tầng có kiến trúc đặc sắc, trở thành những điểm nhấn không gian và thị giác của thành phố. Trong những năm gần đây, nảy sinh xu hướng tạo dựng những công trình kiến trúc thiên về sự chiêm ngưỡng, về kiến trúc kỳ quan, từ đó khái niệm điểm nhấn đô thị trở nên có ý nghĩa đầy đủ hơn.
4. Quan điểm khai thác cảnh quan trong quy hoạch đô thị (Hình H.4). [1]
Theo những phân tích ở trên, việc tái tạo cảnh quan thiên nhiên là một quá trình tất yếu trong hoạt động sống của con người. Trong quá trình hình thành phát triển xã hội loài người, việc cải tạo môi trường thiên nhiên dần được mở rộng không ngừng và sự tăng trưởng của quy mô tỷ lệ với sự phát triển của kỹ thuật và xã hội đã dẫn tới sự thay đổi chất lượng môi trường và biến cảnh quan thiên nhiên thành cảnh quan nhân tạo với mức độ cao dần. Sự tác động tương hỗ giữa xã hội loài người và thiên nhiên có thể chia làm 3 thời kỳ. [1]
- Thời kỳ cổ đại: Con người sống bằng sản phẩm của thiên nhiên đưa đến. Con người còn là “một thành phần” của xã hội sinh thái, tham gia vào chu trình thiên nhiên cân bằng với các thành viên khác của thế giới động vật.
- Thời kỳ tiền công nghiệp: Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tương đối ổn định. Và với sức lao động chân tay và một phần tận dụng năng lượng gió và nước chưa đủ để cải tạo thiên nhiên với quy mô lớn, do đó thiên nhiên có khả năng tự hồi phục sự cân bằng sinh thái.
- Thời kỳ công nghiệp: Do sự phát triển của kỹ thuật dẫn tới thiên nhiên bị khai thác một cách mạnh mẽ với quy mô rộng lớn. Môi trường lại ô nhiễm với cường độ và nồng độ cao, đặc biệt nhiễm bẩn nước và không khí. Do vậy chúng ta phải đặt ra vấn đề giải quyết vấn đề điều hòa môi trường.
Theo tổng kết, trên thế giới có 5 mô hình quy hoạch trong việc giải quyết mối quan hệ giữa đô thị với thiên nhiên: Cơ cấu hình sao, Cơ cấu phân tán, Cơ cấu gián đoạn, Cơ cấu dải và cài răng lược, Cơ cấu liên tục. Tuy vậy, vấn đề ở chỗ sự áp dụng các mô hình đô thị nêu trên cho từng địa phương cụ thể rất ít khách quan, cho nên cần phải xuất phát trên quan điểm cải tạo cảnh quan để xác định các mô hình quy hoạch cho từng vùng địa lý để có được mối quan hệ thuận hòa giữa đô thị và thiên nhiên.
Hình H4. Các mô hình quy hoạch dựa vào mối quan hệ giữa đô thị và thiên nhiên
Kiến trúc cảnh quan bảo đảm việc bảo vệ và sử dụng thiên nhiên hiệu quả nhất, phục vụ cho việc quy hoạch hợp lý hơn; đảm bảo cho việc tổ chức không gian đô thị có chất lượng cho hoạt động sống của con người. Sự tác động qua lại của thiên nhiên và nhân tạo không được phá vỡ sự cân bằng sinh thái mà cần tạo ra môi trường sống mới, hệ sinh thái mới thích hợp với sự phát triển toàn diện của con người. Kiến trúc cảnh quan tạo hình và trang trí không gian đô thị bằng các yếu tố hình khối nhân tạo và thiên nhiên. Đồng thời có vai trò tích cực trong việc cải thiện chất lượng môi trường sống, tạo lập đô thị thành quẩn thể thống nhất và có giá trị thẩm mỹ cao. Hiện nay, mật độ xây dựng ngày càng cao, xuất hiện nhiều đô thị khổng lồ, công nghiệp và giao thông phát triển không những chỉ ảnh hưởng trong phạm vi đô thị mà còn tác động cả ra ngoài giới hạn hành chính của đô thị. Việc thiết lập cảnh quan đô thị không chỉ là giải quyết tương quan giữa không gian trống và không gian xây dựng mà còn tác động qua lại giữa thiên nhiên trong không gian trống đó với công trình xây dựng, được biểu hiện ở các mặt chủ yếu công năng, thẩm mỹ và sinh thái (theo Vergunov A.P. Luận án tiến sỹ 1983).
5. Kết luận
Bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị là tinh hoa văn hóa đô thị nó được tạo dựng từ sự hình thành đô thị, được bảo tồn và phát triển trong quá trình phát triển đô thị. Vì thế việc phân tích bản sắc các đô thị trên thế giới trong quá trình hình thành và phát triển để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho việc phát triển bản sắc các đô thị của Việt Nam chúng ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hàn Tất Ngạn. (1992). Khai thác mặt nước trong quy hoạch đô thị. Luận án PTS. Hà Nội 1992.
- Hoàng Đạo Thuý. (1971). Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội.
- Nguyễn Đức Thiềm. (2002). Không gian đô thị phương Đông. KTVN 9/2002.
- Đàm Thu Trang. (2013). Tổ chức kiến trúc cảnh quan để tạo lập bản sắc các đô thị Việt Nam
trong tương lai. Đề tài nghiên cứu khoa học nghị định thư cấp nhà nước Việt Nam – Hungary.
- Đàm Thu Trang. (2006). Thiết kế cảnh quan khu ở. Nhà xuất bản Xây dựng.
- Đàm Thu Trang. (2003). Tổ chức kiến trúc cảnh quan các khu ở của Hà Nội nhằm nâng cao
chất lượng môi trường sống đô thị. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Xây dựng.
Đàm Thu Trang, Đặng Việt Dũng, Nguyễn Hoàng Linh
Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội