CÁC NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TẠO LẬP BẢN SẮC ĐÔ THỊ MIỀN NÚI TÂY BẮC VIỆT NAM

14/04/2023 Lượt xem : 1285

Tác giả phân tích về Kiến trúc cảnh quan 6 đô thị đặc trưng cho miền núi Tây Bắc từ đó đề ra các nguyên tắc xây dựng KTCQ để tạo lập bản sắc các đô thị miền núi Tây Bắc.

SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
  1. MỞ ĐẦU

  Vùng núi Tây Bắc Bộ rất đa dạng về hệ sinh thái cảnh quan vùng, miền cũng như về văn hóa cộng đồng của các dân tộc cư trú như người Kinh, Thái, Mông, Dao, Nhắng, Hà Nhì, Mường... Tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa, các đô thị đã mất dần đi các bản sắc vốn có của nó vì thế trong bài báo này tác giả xin phân tích một số đô thị của vùng và từ đó làm cơ sở để đưa ra các nguyên tắc xây dựng kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc đô thị cho vùng miền núi Tây Bắc.

  1. THỰC TRẠNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN  CỦA CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NÚI TÂY BẮC

  Để có được một bức tranh toàn cảnh về thực trạng kiến trúc cảnh quan các đô thị miền núi Tây Bắc, tác giả xin chọn sáu thành phố đặc trưng, đại diện cho sáu tỉnh của vùng để phân tích. Và từ đó làm cơ sở để đề ra một số nguyên tắc xây dựng kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc cho các đô thị của vùng.

2.1. Thành phố Lai Châu:

   Thành phố nằm trong một thung lũng khá hẹp chạy dài từ Tây Bắc xuống Đông Nam, với địa hình tương đối bằng phẳng, dốc theo 2 hướng Tây Nam và Đông Nam. Phía Tây và Tây Nam là các dãy núi cao, phía Bắc và Đông Bắc có xen kẹp địa hình bát úp và phía Nam là các cánh đồng lúa và đồi chè (H1).

Hình 1. Địa hình tự nhiên tổng thể thành phố Lai Châu

  Thành phố Lai Châu có điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo, sinh thái rất thuận lợi cho việc tạo bố cục kiến trúc cảnh quan đô thị sinh động và hấp dẫn. Điều kiện cảnh quan đẹp, hùng vĩ mang đặc tính của một khu vực núi cao. Nằm trong địa hình lòng chảo, giữa hai dãy núi, về phía Bắc có dãy Sùng Phài, phía Nam có dãy Nậm Loỏng, về phía Đông có các đồi chè, tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp (H2,3). Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo địa hình tạo ra một hệ thống mặt nước hài hoà.

 

  

Hình 2,3 Cảnh quan đặc trưng của đô thị nằm trong thung lũng, xung quanh là núi

   Bên cạnh đó thành phố Lai Châu có nhiều dân tộc sinh sống, đa dạng về văn hoá và phong tục tập quán nhất là các dân tộc như Kinh, Thái, Giáy, Mông.... Các hình thức văn hoá như sinh hoạt chợ phiên, lễ hội thôn bản và các ngày lễ tết trong năm mang đậm tính văn hoá dân tộc vùng cao như trang phục, hình thức nhà cửa và các hình thức văn hoá phi vật thể khác đã tạo nên một nét văn hoá điển hình. Các vùng cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các vùng sinh thái mặt nước, hang động có trong thành phố và phụ cận làm tăng tính hấp dẫn về cảnh quan (H4).

Hình 4. Không gian làng bản truyền thống ở Lai Châu

   Tuy nhiên các công trình công cộng chưa tạo được đặc trưng của văn hóa bản địa. Nhà ở, đặc biệt ở khu vực nội thị phần lớn là nhà thấp tầng được xây dựng mới với hình thức còn thiếu thống nhất và thiếu bản sắc. Các công trình phụ trợ, giao thông quá nhạt nhòa (H5,6).

  

Hình 5, 6 Kiến trúc nhà ở và công trình công cộng.

2.2. Thành phố Điện Biên Phủ

Thành phố Điện Biên Phủ nằm trong khu vực đa dạng về địa hình gồm vùng thung lũng bồn địa xen với đồi gò thấp thoải bán sơn địa, từ sự lan tỏa của vùng núi vòng cung bao bọc vùng lòng chảo, từ sự trùng điệp của các dãy núi vùng Tây Bắc (H7).

Hình 7. Địa hình tổng thể thành phố Điện Biên Phủ

Với cảnh quan tự nhiên sơn thủy hữu tình, văn hóa kiến trúc Thái - Mông truyền thống và hệ thống các di tích lịch sử đư­ợc coi là những tài sản cần phải đ­ược bảo tồn và phát triển để kết hợp hài hòa với các mục tiêu phát triển đô thị mới (H8,9).

    

Hình 8,9. Toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ

Các tài nguyên cảnh quan như: Các khu rừng tự nhiên và phòng hộ bao quanh thung lũng lòng chảo Điện Biên; Thảm thực vật mang tính chất nhiệt đới với độ che phủ tự nhiên khá cao; Hệ thống sông Nậm Rốm và các l­ưu vực gắn kết với hàng trăm suối, chi lư­u khác; Nhiều kênh, ao, hồ trải rộng khắp thành phố và vùng phụ cận như­ hồ Pa Khoang, hồ Huổi Phạ,... kênh thủy nông Tả, Hữu,...; Hệ thống các di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, thành Hoàng Công Chất... Các bản Thái - Mông truyền thống còn cả ở nội đô và vùng phụ cận. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội hoa ban, tín ngư­ỡng dân tộc trên vùng đất văn hóa lâu đời của dân tộc Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc (19 dân tộc).

 

Hình 10,11. Cánh đồng Mường Thanh và Sông Nậm Rốm

Tài nguyên cảnh quan, danh lam thắng cảnh: Vùng thung lũng thoáng, bán sơn địa có cánh đồng Mường Thanh (H10), vùng lòng chảo Điện Biên đ­ược bao bọc bởi các vòng cung núi non trùng điệp, một hệ thống sông và suối liên hoàn, các vùng cảnh quan, vùng lòng chảo đã đi vào huyền thoại, thi ca. Nhiều địa danh đã trở thành địa chỉ tâm linh; thế uốn l­ợn của sông Nậm Rốm, nơi tụ thủy của cả vùng lòng chảo (H11) với những bản Thái - Mông truyền thống lâu đời ôm vòng quanh cánh đồng Điện Biên và các ruộng bậc thang tạo cảnh sơn kỳ thủy tú (H12). Đặc biệt Điện Biên Phủ là nơi có hệ thống di tích chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và các di tích nổi tiếng trong lịch sử dụng n­ước và giữ nước của dân tộc.

Hình 12. Không gian bản làng truyền thống ở Điện Biên

2.3.Thành phố Lào Cai

   Thành phố Lào Cai nằm trong khu vực thung  lũng sông Hồng, được tạo bởi hai dãy núi Con Voi và Hoàng Liên Sơn. Địa hình có xu thế dốc dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo xu thế dốc từ dãy Hoàng Liên Sơn xuống sông Hồng và bị chia cắt nhỏ bởi các sông suối, khe tụ thuỷ, đồi núi... Ranh giới thành phố nằm ở cả hai bên bờ sông Hồng, xung quanh có các dãy đồi núi bao bọc. Thành phố có 3 dạng địa hình là địa hình đồi núi, địa hình thung lũng và địa hình đồng bằng ven sông (H13).

Hình 13. Địa hình tổng thể thành phố Lào Cai

   Cảnh quan tự nhiên hài hòa, đặc thù với các dòng sông và hệ thống mặt nước trong lòng đô thị (H14,15,16). Tuy nhiên đô thị bị chia cắt bởi hệ thống hạ tầng. Tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai là nguyên nhân khiến thành phố bị chia cắt giữa khu vực nội thị và ngoại thị. Kiến trúc đô thị chưa có sự đồng bộ. Khu vực trung tâm thành phố Lào Cai với các mạng lưới đường chính và đường phụ có cấu trúc xương cá với các khu phố mang nét đặc trưng của phố thương mại truyền thống với các hoạt động buôn bán sầm uất (cửa hiệu nhỏ, buôn bán trên vỉa hè) (H17). Mật độ và tỷ lệ công trình xây dựng hài hòa đem lại vẻ hấp dẫn, thân thiện cho khu vực. Lào cai vẫn còn các làng bản với lối kiến trúc và quy hoạch rất đặc trưng (H18), tuy nhiên khu vực làng xóm của Lào Cai đang đối mặt với tình trạng mất cân đối. Các làng bản bị chia cắt với thành phố bởi tuyến đường cao tốc.

 

Hình 14. Tỉnh ủy Lào Cai.

Hình 15. Cửa khẩu Lào Cai

Hình 16. Công viên Nhạc Sơn

Hình 17. Khu vực phố cũ  Lào Cai.

  Lào Cai có nhiều đền thờ rất đặc trưng về kiến trúc và văn hóa như đền Thượng, thờ Đức thánh Trần (Tướng quân Trần Hưng Đạo); Đền Cấm và nổi bật là khu di tích Đền mẫu được hình thành từ thế kỷ 18. Thành phố Lào Cai còn có các điểm di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa như khu thành cổ, pháo đài cổ… và khu di tích lịch sử cách mạng Cam Đường, đây là khu di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Lào Cai. Những di tích lịch sử văn hóa trên đã được quy hoạch và tôn tạo nhằm gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và là điểm tham quan du lịch.  

Hình 18. Không gian làng bản truyền thống ở Lào Cai

2.4. Thành phố Yên Bái

   Thành phố nằm hai bên sông Hồng, với cấu tạo địa hình gồm dải phù sa ven sông, đồng bằng phù sa cổ thềm sông, các đồi núi thấp đỉnh tròn hình bát úp, các thung lũng, khe suối len lỏi xen kẽ đồi núi và cánh đồng lượn sóng chạy dọc theo triền sông (H19).

Hình 19 Địa hình tổng thể thành phố Yên Bái

   Hệ thống mặt nước phong phú với sông Hồng chảy qua và hệ thống hồ, đầm, khe, suối. Với thành phố Yên Bái, đất đồi rừng đóng góp tích cực vào việc tạo cảnh quan đặc trưng. Công trình thương mại của thành phố gần đây đã có xu hướng phát triển mới theo dạng tổ hợp cao tầng hiện đại, tạo điểm nhấn trong không gian đô thị. Không gian xanh và mặt nước của thành phố rất lớn, nhưng còn ở dạng tự nhiên chưa được khai thác sử dụng. Các công viên, vườn hoa trong thành phố còn thiếu, đặc biệt là các khu vui chơi giải trí. Nhà ở chủ yếu là thấp tầng do dân tự xây dựng, nhưng hiện nay thành phố đang xúc tiến thí điểm xây dựng nhà chung cư cao tầng trên đại lộ Nguyễn Thái Học (H20,21).

  Nhìn chung điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo, sinh thái của thành phố Yên Bái đa dạng. Mới thoạt nhìn có cảm nhận là có điều kiện thuận lợi để tạo dựng cảnh quan đô thị đặc thù, tuy nhiên do địa hình bán sơn địa, độ cao không cao hẳn, không thấp hẳn, chênh nhau không nhiều nên không gian đô thị thành phố Yên Bái còn phân tán, rời rạc, chưa thật gắn bó, còn thiếu các không gian lớn, trọng điểm. Vì vậy chưa tạo được ấn tượng mạnh khi đến thăm thành phố.

  

Hình 20, 21. Toàn cảnh thành phố Yên Bái

Tuy nhiên vẫn còn các làng bản với kiến trúc, quy hoạch truyền thống, gắn với thiên nhiên (H22).

Hình 22. Không gian làng bản truyền thống ở Yên Bái

2.5. Thành phố Sơn La

  Thành phố Sơn La có suối Nậm La chảy qua, bắt nguồn từ dãy núi Pác-Mơ phía nam thành phố (H23,24). Địa hình tổng thể thành phố Sơn La gồm: Núi cao chiếm diện tích lớn; Địa hình ven đồi chiếm diện tích nhỏ và rải rác; Địa hình ruộng ở dọc hai bên suối Nậm La (H25).

Hình 23 Địa hình tổng thể thành phố Sơn La

  

Hình 23,24. Suối Nậm La chảy qua thành phố

  

Hình 25. Trung tâm thành phố Sơn La

  Hệ thống các công trình văn hóa phong phú với nhà văn hoá trung tâm tỉnh, nhà văn hoá thiếu nhi, bảo tàng Sơn La, th­ư viện và một số điểm di tích lịch sử nh­ư các di tích Cách mạng (cây đa bản Hẹo, Nhà tù Sơn La…), di tích văn bia nhà Lê, các khu du lịch di tích cách mạng gắn với các danh thắng (H25). Sơn La vẫn còn các làng bản với các kiến trúc và quy hoạch đặc trưng (H26).

Hình 26. Không gian làng bản truyền thống ở Sơn La

2.6.Thành phố Hòa Bình

Thành phố Hoà Bình có địa hình thung lũng nằm hai bên bờ sông Đà, xung quanh là đồi và núi bao bọc (H27). Sông Đà chia thành phố Hoà Bình thành hai bờ là bờ phải và bờ trái đều có địa hình thung lũng sông lẫn địa hình núi. Ngoài sông Đà và hồ Hoà Bình, thành phố Hoà Bình còn có một số hồ nhỏ nh­ư: hồ Quỳnh Lâm, hồ Dè, hồ Minh Thịnh, hồ và đập suối Đúng (H28,29).

Hình 27. Địa hình tổng thể thành phố Hòa Bình

  

Hình 28,29. Sông Đà và đập thủy điện Hòa Bình

Toàn bộ không gian đô thị phân bổ ở thung lũng vùng núi là những dãy núi cao thuộc Đà Bắc, Kỳ Sơn, Cao Phong. Không gian đô thị còn phân tán rời rạc chư­a thật gắn bó, công trình trọng điểm làm điểm nhấn chư­a có, các trung tâm lớn chư­a hình thành vì vậy chư­a tạo đư­ợc ấn tư­ợng mạnh khi tới thăm thành phố. Việc sử dụng đất phát triển đô thị sẽ phải khai thác các s­ườn dốc cao hơn để tạo đặc trư­ng kiến trúc cảnh quan của thành phố. Hình thành các không gian chức năng, các hệ thống trung tâm hợp lý sẽ tạo được các trục không gian cảnh quan, các điểm nhấn, tầm nhìn đẹp cho mọi góc cạnh của đô thị.

Các vùng cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các vùng sinh thái mặt nước, hang động có trong thành phố và khu vực phụ cận sẽ làm tăng tính hấp dẫn khai thác về mặt du lịch. Di sản văn hóa làm phong phú thêm ý tưởng tổ chức kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị. Nằm rải rác tại khu Chăm Mát, Sủ Ngòi... là các bản làng mang nét truyền thống văn hóa Mường với kiến trúc nhà sàn. Đặc biệt làng bản vẫn giữ được tục uống rượu cần, một số điệu múa, lời ca Mường, nghệ thuật cồng chiêng... nhưng chỉ thể hiện trong ngày đại lễ (H30).

Hình 30. Không gian làng bản truyền thống ở Hòa Bình

  1. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TẠO LẬP BẢN SẮC ĐÔ THỊ MIỀN NÚI TÂY BẮC

Sau khi đã phân tích Kiến trúc cảnh quan của của các đô thị đặc trưng của vùng, tác giả xin đề xuất các nguyên tắc để xây dựng kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc cho vùng.

3.1. Không gian KTCQ các đô thị MNTB có bản sắc được phát triển dựa trên nguyên tắc "bảo vệ tầm nhìn" và đảm bảo "tính liên tục" của hình ảnh cảnh quan trong đô thị; Tổ chức KTCQ tạo lập bản sắc các đô thị MNTB dựa trên việc thiết lập và kết nối ba cấp độ không gian từ tổng thể đến không gian cấp khu vực và những không gian nhỏ với nhau, tạo thành hệ thống các cấp độ không gian đô thị có bản sắc:

- Không gian cấp độ tổng thể có bản sắc: Phải được khai thác dựa trên hướng quan sát và tầm nhìn chủ đạo của đô thị; Phải có tiêu chí riêng về hình thái cảnh quan tự nhiên tổng thể, giúp nhận diện được đặc trưng của cảnh quan; Những không gian cấp độ tổng thể thiếu đặc trưng cần được tổ chức thêm yếu tố kiến trúc có đặc điểm riêng, nổi bật nhằm tạo lập bản sắc cho cảnh quan của không gian.

- Không gian khu vực có bản sắc: Được tổ chức dựa trên nguyên tắc khai thác và tạo lập các tổ hợp cảnh quan có đặc trưng riêng; Đảm bảo tính liên tục của hình ảnh cảnh quan đặc trưng trong việc nhận diện theo tuyến - chuỗi; Yếu tố văn hóa của hoạt động trong không gian cấp độ khu vực phải được tổ chức thường xuyên và mang đặc trưng nổi bật.

- Không gian nhỏ: Thiết lập các điểm cảnh quan - các không gian nhỏ trong đô thị như vườn hoa, quảng trường, phố đi bộ, các công trình điểm nhấn... thành hệ thống KTCQ đặc trưng và được nhận diện rõ nét trong phạm vi tầm nhìn gần qua việc khai thác các yếu tố cảnh quan tự nhiên, kiến trúc mang đặc trưng bản địa gắn kết với các hoạt động văn hóa truyền thống của địa phương.

 3.2. Tạo lập bản sắc đô thị MNTB dựa trên việc khai thác và tổ chức các giá trị đặc trưng của cảnh quan tự nhiên kết hợp với yếu tố kiến trúc và hoạt động văn hóa bản địa.

3.3. Duy trì, khôi phục và tôn tạo các hệ sinh thái tự nhiên cũng như những cảnh quan đặc trưng tự nhiên được tạo bởi địa hình đồi núi - sông suối - thảm thực vật. Cùng với việc bảo tồn và phát triển các vùng sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, khai thác và tổ chức các tuyến cảnh quan ven sông, suối mang bản sắc văn hóa địa phương góp phần lưu giữ và tổ chức thường xuyên các hoạt động truyền thống của cư dân các đô thị MNTB.

3.4. Quy hoạch cảnh quan tổng thể của các đô thị MNTB phải được tiến hành đồng thời với quy hoạch xây dựng phát triển đô thị : dựa trên nguyên tắc tôn trọng và giữ gìn cảnh quan tự nhiên, tránh san ủi tạo địa hình bằng phẳng, tránh làm đường lớn, quảng trường rộng, "đồng bằng hóa" cảnh quan dẫn đến làm mất bản sắc của các đô thị miền núi. Các khu vực phát triển kề cận đô thị cần được kết nối với các khu đô thị hiện hữu cả về hạ tầng và cảnh quan. Những khu vực phát triển mới không kề cận với đô thị cần được tổ chức thành các khu đô thị hoàn chỉnh có bản sắc nhằm bảo vệ văn hóa bản địa.

3.5. Các hành lang giao thông cần được quy hoạch và bảo vệ hợp lý với quy hoạch sử dụng đất và tổ chức cảnh quan có bản sắc hai bên tuyến.

3.6. Các tuyến cảnh quan ven sông, suối, hồ cần được tổ chức đảm bảo tính thông suốt và tạo thành những không gian mở của đô thị. Các hành lang xanh không gian mở cần được sử dụng để định dạng những khu vực phát triển đô thị cũng như kết nối với các khu vực chức năng khác của đô thị.

4. KẾT LUẬN:

Kiến trúc cảnh quan các đô thị miền núi Tây Bắc đa dạng, phong phú với cảnh quan tự nhiên như núi đồi, đồng ruộng, sông suối và sự kết hợp hài hòa của các làng bản với kiến trúc truyền thống đặc trưng. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, các đô thị đã bị đô thị hóa như các đô thị miền xuôi, phá núi, đồi, lấp sông ngòi, phá vỡ cảnh quan tự nhiên và làm mất bản sắc với các công trình kiến trúc không có đặc trưng. Vì thế tác giả xin đóng góp một số nguyên tắc xây dựng kiến trúc cảnh quan để giữ gìn và tạo lập bản sắc các đô thị miền núi Tây Bắc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Đàm Thu Trang, (2015), Tổ chức Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc các đô thị Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.
  • UBND tỉnh Yên Bái (2012), Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái.
  • Đặng Việt Dũng (2021), Tổ chức kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc các đô thị miền núi Tây Bắc Việt Nam - Áp dụng cho thành phố Yên Bái, Luận án Tiến sĩ.

TS.KTS. Đặng Việt Dũng

Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Email: dungdv@huce.edu.vn