Cầu vượt giao thông - cảnh quan đô thị
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
“Biến không gian gầm cầu vượt thành các không gian có quy hoạch, tổ chức cảnh quan, phân khu chức năng hợp lý như các không gian mở, không gian xanh, vườn hoa, khu dịch vụ giải trí, nghỉ ngơi thư giãn kết hợp các bãi đỗ xe... chính là một giải pháp hữu hiệu và nhân văn mà người dân mong chờ từ các nhà quản lý đô thị.”
Năm 1842, một cây cầu vượt dành cho đường sắt được xây dựng trên không vắt ngang tuyến đường trục chính của thành phố Brighton, đánh dấu sự ra đời của một dạng công trình giao thông mới trong đô thị. Từ đó cầu vượt giao thông (overpass hay skyfloyer) trở thành thuật ngữ chỉ tất cả các dạng công trình cầu, đường giao thông, đường sắt để phục vụ sự di chuyển các phương tiện giao thông trên không tại các vị trí giao cắt với đường giao thông khác. Trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị hiện đại, cầu vượt giao thông trở thành một công cụ hữu hiệu, có vai trò vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề ùn tắc, phân luồng di chuyển các phương tiện tại các nút giao thông.
Cầu vượt Nal enoy ở Lebanon
Với khối tích to và diện tích chiếm đất lớn, cầu vượt có ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo cảnh quan đô thị nói chung và hình thái không gian khu vực xung quanh nó nói riêng. Chính vì vậy, để xây dựng một cây cầu vượt phù hợp với cảnh quan đô thị đòi hỏi sự nghiên cứu nghiêm túc và thống nhất của các chuyên gia hàng đầu trên mọi lĩnh vực như giao thông, cầu đường, kiến trúc, quy hoạch, mỹ thuật, môi trường, xã hội học, đô thị học....
Tuy nhiên, ở Việt Nam cầu vượt ngoài những mặt tích cực trong giải quyết giao thông thì vấn đề hoà nhập với cảnh quan đô thị dường như đang bị bỏ ngỏ, chưa được quan tâm đúng mức, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Nhiều chuyên gia cũng như người dân đều nêu ý kiến, chưa một cầu vượt giao thông nào để lại ấn tượng về mặt kiến trúc, được nhắc tới như một tác phẩm đẹp đóng góp cho cảnh quan đô thị.
Trước hết xét ở góc độ cảm thụ không gian đô thị, các cây cầu vượt trong nội thành phần lớn đang phá vỡ hình thái không gian đường phố xung quanh. Sự không đồng bộ trong cập nhật, thiết kế quy hoạch chung và quy hoạch mạng lưới giao thông nội thị dẫn đến tình trạng các công trình trên tuyến phố được phê duyệt chỉ tiêu quy hoạch xây dựng trước, sau đó hệ thống giao thông mới được thiết kế mang tính giải pháp tình thế. Các chỉ tiêu về khoảng lùi công trình, lộ giới đường, khoảng cách từ mặt công trình đến cạnh cầu vượt, góc cảm thụ không gian đường phố... không được đảm bảo dẫn đến không gian đường phố trở bị dồn ép, gây cảm giác chật chội, bí bách. Đường giao thông trong khu vực nội đô các thành phố của Việt Nam có hình thái không gian đặc trưng là độ rộng mặt đường không lớn, vỉa hè còn nhỏ hẹp, các công trình kiến trúc hai bên đường phần lớn thấp tầng, khối tích nhỏ, thiếu các khoảng không gian cách ly. Các cầu vượt giao thông nói không quá, đã và đang trở thành "những quái vật khổng lồ" đè nén, nuốt chửng các công trình kiến trúc xung quanh, phá vỡ không gian cảnh quan chung của đường phố...
Không chỉ các cầu vượt trong nội đô, ngay cả các cầu vượt mới xây tại khu vực ngoại vi cũng không tránh được tình trạng này. Ví dụ khi dự án The Vista tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM được xây xong thì người đi đường thấy giật mình khi nhìn công trình đồ sộ với năm toà nhà chính, mỗi toà gồm 28 tầng lại chạm mặt với cầu vượt nút giao thông Cát Lái. Tính về khoảng cách thì công trình đồ sộ này chỉ cách cầu vượt lớn nhất nhì tại thành phố tại nút giao thông Cát Lái trên dưới 10m.
Vấn đề nằm ở chỗ theo quy chuẩn, quy định thì cả Dự án trên và dự án cầu vượt đều tuân thủ đúng về chỉ giới xây dựng, khoảng lùi. Theo lý giải của các nhà quản lý thì khi thiết kế cầu vượt mới chỉ nghĩ tới xây dựng một con đường, một công trình giao thông chứ chưa tính đến không gian. Thiết kế đô thị không có dẫn đến tổ chức cảnh quan tổng thể cũng không có, cho nên dự án The Vista mặc dù làm đúng quy hoạch được duyệt, cầu vượt cũng làm đúng thiết kế, nhưng hai công trình này dồn và ép nhau, làm ảnh hưởng tới không gian cảnh quan.
Ví dụ cụ thể trên là điển hình cho ta thấy rõ quy hoạch giao thông cầu vượt nếu không đồng bộ với quy hoạch chung thông qua công cụ thiết kế đô thị thì sẽ trở nên một vấn đề nghiêm trọng phá vỡ không gian cảnh quan của đô thị.
Thực trạng thứ hai chúng ta cần nói đến là cách ứng xử với phần không gian không phải là nhỏ phía dưới gầm cầu vượt. Hiện nay các không gian này phần lớn đều bị bỏ quên, không được quan tâm đúng mức. Chức năng của các không gian này trong nội đô phần lớn được tận dụng làm các bãi đỗ xe, điểm tập kết máy móc hoặc vật liệu xây dựng, nơi tập trung xe ôm, người lao động, thậm chí trở thành chỗ ở của người lang thang, trẻ em bụi đời, người ăn xin, nơi đổ, tập kết rác thải...
Tổ chức không gian mở tại nút giao cầu vượt ở Thượng Hải
Tình trạng không được quản lý bài bản tạo nên môi trường không lành mạnh, bẩn thỉu, ẩm thấp, mất vệ sinh... đã và đang dần biến các gầm cầu vượt trở thành những điểm đen trong không gian cảnh quan đô thị. Chính vì vậy, xử lý cảnh quan dưới gầm cầu vượt không chỉ là vấn đề thẩm mỹ, môi trường mà còn có vai trò vô cùng quan trong để giải quyết công tác quản lý xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, văn minh của đô thị. Biến không gian gầm cầu vượt thành các không gian có quy hoạch, tổ chức cảnh quan, phân khu chức năng hợp lý như các không gian mở, không gian xanh, vườn hoa, khu dịch vụ giải trí, nghỉ ngơi thư giãn kết hợp các bãi đỗ xe... chính là một giải pháp hữu hiệu và nhân văn mà người dân mong chờ từ các nhà quản lý đô thị.
Nói đến tác động của cầu vượt giao thông đến cảnh quan đô thị chúng ta không thể bỏ qua vấn đề môi trường như không khí, ánh sáng, tiếng ồn... Thực tế cho thấy các khu vực xung quanh cầu vượt đều đang bị ô nhiễm các môi trường một cách nghiêm trọng. Người sử dụng các công trình kiến trúc gần cầu vượt, người tham gia giao thông tại các tuyến đường đi dưới cầu vượt luôn phải chịu tình trạng bụi bặm và tiếng ồn do các phương tiện giao thông trên cầu gây ra cả ngày lẫn đêm. Đó là chưa kể các cầu vượt cong, đèn xe khi cua trên cầu này có thể chiếu thẳng vào căn hộ nhà dân, khi ấy sinh hoạt sẽ rất bất tiện.
Trình diễn nghệ thuật ánh sáng cho không gian cầu vượt
Các giải pháp cảnh quan cụ thể nhằm khắc phục ảnh hưởng môi trường như sử dụng cây xanh, các tường chắn bụi, chắn ồn bằng kính, vật liệu nhẹ, vật liệu sinh thái... vốn thông dụng trên thế giới thì vẫn là những ý tưởng xa vời, không biết bao giờ mới thực hiện được. Các loại vật liệu mới và kết cấu tấm chắn hiện đại được lắp đặt tại các vị trí chính, được xác định và gây ảnh hưởng nhiều đến cư dân xung quanh, vừa giảm thiểu tác động, nhưng cũng là dành chỗ tốt cho các hình thức trang trí đô thị phù hợp.
Nhìn ở góc độ vi khí hậu, cầu vượt thường có diện tích mặt bên cầu tương đối lớn, nếu vị trí đặt cầu vượt không thuận lợi, không nghiên cứu kỹ tác động của cầu vượt đến vấn đề thông gió, chiếu sáng không gian đường phố thì đây sẽ là yếu tố tác động đến môi trường vi khí hậu của cả một khu vực đô thị.
Sự ảnh huởng của cầu vượt đến cảnh quan đô thị còn thể hiện ở hình thức kiến trúc. Các KTS trên thế giới thường ví cầu vượt giao thông như một tác phẩm điêu khắc khổng lồ tác động sâu sắc đến sự cảm thụ của con người về cảnh quan chung. Chính vì vậy, cầu vượt không chỉ góp phần giải quyết bài toán giao thông mà còn nhằm tạo điểm nhấn kiến trúc đặc sắc trên không gian đường phố, không gian cửa ngõ, không gian nút cảnh quan đô thị... Không ít các cầu vượt được xây dựng tại các nước trên thế giới đã trở thành các biểu tượng kiến trúc tượng đài hoành tráng hay thậm chí là cả công viên xanh trong thành phố.
Tuy nhiên thực trạng kiến trúc cầu vượt trong các đô thị của Việt Nam mới chỉ thuần tuý giải quyết bài toán giao thông, chưa có sự nghiên cứu bắt tay giữa các KTS và kĩ sư giao thông. Kết cấu thông dụng vẫn là bê tông cốt thép nặng nề, các dạng kết cấu tiên tiến như kết cấu thép, kết cấu dây văng, kết cấu nhẹ... đưa vào còn rụt rè do vấn đề công nghệ phức tạp và giá thành cao. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu kìm hãm tư duy bay bổng, sự tìm tòi sáng tạo cho hình thức kiến trúc cầu vượt.
Nếu như ta nhìn cầu vượt dưới góc độ là một tác phẩm điêu khắc lớn trong cảnh quan đô thị thì giải pháp xử lý thẩm mỹ bề mặt là vô cùng quan trọng để tăng tính biểu cảm của công trình. Tuy nhiên đây vẫn là mặt hạn chế trong công tác hoàn thiện của các cầu vượt. Dù đi bất cứ đô thị nào của Việt Nam, ta cũng chỉ thấy các khối bê tông xám xịt, xù xì, nặng nề vắt ngang khoảng không gian đường phố, phần chân đế nếu được ưu tiên hơn thì xử lý bằng cách soi rãnh thành các ô, sơn giả vật liệu đá, đôi chỗ trên bề mặt là các bức tranh graffiti tự phát... Màu sắc và vật liệu nghèo nàn khiến người tham gia giao thông có cảm nhận cảnh quan nút giao thông cầu vượt như một công trường xây dựng lúc nào cũng đang trong tình trạng hoàn thiện dở dang.
Để giải quyết bài toán cảnh quan này thực ra không quá khó khi thị trường sơn và vật liệu hoàn thiện bề mặt ở nước ta tương đối phong phú và đa dạng về mẫu mã và chủng loại. Vấn đề chỉ là cần nghiên cứu kỹ để có được những tác phẩm điêu khắc thật sự có giá trị đóng góp cho cảnh quan đô thị.
Nhìn dưới góc độ cảnh quan, chúng ta không thể không nói đến thực trạng của các yếu tố kiến trúc cảnh quan như cây xanh, mặt nước, hệ thống trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật (đèn đường, đèn trang trí, hộp điện...), biển hiệu, biển báo, biển quảng cáo, băng rôn biểu ngữ... trong tổ chức cảnh quan khu vực cầu vượt.
Yếu tố cây xanh khu vực cầu vượt mới chỉ được xử lý đơn giản là tổ chức một số vườn hoa, bồn hoa tại các vị trí bùng binh, giải phân cách, đảo chuyển luồng. Cây bóng râm, cây dây leo để tổ chức mảng xanh trên mặt đứng thân cầu hoặc các giải pháp sử dụng tường cây chắn bụi, chắn tiếng ồn kết hợp tăng tính thẩm mỹ của kiến trúc cầu vượt hoàn toàn không được quan tâm đến. Chúng ta thấy rõ điều này tại một số nút giao thông như Phạm Hùng - đường 32, cầu vượt nút Ngã Tư Sở.
Cầu vượt giao thông còn là các vị trí điểm cao để người tham gia giao thông thưởng thức, cảm nhận cảnh quan không gian xung quanh cầu vượt. Vì vậy nghiên cứu tổ chức cây xanh, mặt nước, không gian mở khu vực cầu vượt một cách chuyên nghiệp, đồng bộ có vai trò hết sức quan trọng để tạo nên bộ mặt đẹp cho cảnh quan đô thị.
Các giải pháp về kiểu dáng, màu sắc, hình thức các thiết bị chiếu sáng, đèn trang trí, hộp điện, thùng rác... cũng cần được nghiên cứu cụ thể để nâng cao chất lượng thẩm mỹ chung của cầu vượt.
Với ưu điểm về vị trí và tầm nhìn, cầu vượt là nơi lý tưởng để lắp đặt hệ thống biển quảng cáo. Tuy nhiên quy mô và hình thức đặt biển quảng cáo như thế nào để không ảnh hưởng tới cảnh quan chung là vấn đề đáng quan tâm. Nếu được nghiên cứu hợp lý, để biển quảng cáo góp phần tăng tính sống động, làm đẹp cho cảnh quan đường phố, ngược lại sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực.
Đơn cử như ở cầu vượt Ngã Tư Sở, riêng hai trụ chính nằm trên đường Láng - Trường Chinh không chỉ bị phun, dán các mẩu tin "khoan cắt bê tông", "tuyển gia sư", "cho thuê nhà", "sửa chữa điện lạnh"..., mà còn là chỗ dựa cho hàng chục tấm biển "sửa chữa giày dép", "cắt chìa khoá" và "mua xe đạp cũ, mới"... làm mất mỹ quan đô thị.
Với bài viết trên chúng ta có được cái nhìn sơ lược về tác động to lớn của cầu vượt giao thông tới cảnh quan đô thị. Qua đó cho ta thấy cần phải có một thái độ thận trọng và những nghiên cứu sâu sắc để cầu vượt không trở thành những khối bê tông xấu xí mà trở thành những tác phẩm điêu khắc đẹp và hoành tráng đóng góp cho cảnh quan đô thị.
Ths. KTS. Nguyễn Hoàng Linh