ĐỔI MỚI ĐÀO TẠO MÔN HỌC ĐỒ ÁN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH ĐỒ ÁN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TÍCH HỢP
Đồ án Kiến trúc Cảnh quan là môn học thiên về thực hành, trải nghiệm giúp sinh viên vận dụng các kiến thức lý thuyết vào công tác nghiên cứu, thiết kế và thể hiện trên một đồ án giả định.
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
Từ trước tới nay, mô hình triển khai thực hiện một đồ án Kiến trúc Cảnh quan xoay quanh hai chủ thể chính là giảng viên và sinh viên. Trong đó giảng viên đóng vai trò là người ra đề, người hướng dẫn đồ án, người đánh giá đồ án và sinh viên là đối tượng thực hiện. Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp là một mô hình đổi mới trong đào tạo của Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan đối với môn học Đồ án Kiến trúc Cảnh quan với sự thay đổi mô hình triển khai thực hiện với ba chủ thể là Doanh nghiệp đồng hành (với vai trò là Chủ đầu tư), Giảng viên (với vai trò là chuyên gia) và Sinh viên (trong vai trò là người thực hiện-Kiến trúc sư). Ba chủ thể này sẽ tham gia trong vai trò của mình xuyên suốt thời gian thực hiện Đồ án môn học Kiến trúc Cảnh quan, bắt đầu từ khâu ra đề, hướng dẫn đồ án và đánh giá kết quả cuối cùng. Chương trình Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp là sự kết hợp giữa triển khai giảng dạy đồ án song song với tổ chức một cuộc thi tuyển phương án Kiến trúc Cảnh quan cho dự án đầu tư xây dựng thực tế, trong đó có sự đồng hành và hợp tác đào tạo với các tổ chức xã hội bên ngoài nhà trường. Chương trình thực hiện thí điểm lần thứ nhất đã ghi nhận nhiều những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao trải nghiệm thực tế cho sinh viên, đồng thời cũng mang lại những giá trị thực tế đóng góp cho xã hội thông qua kết quả các đồ án cuối cùng.
1. XU THẾ ĐÀO TẠO MÔN HỌC ĐỒ ÁN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN
Năm 2021, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chính thức mở chuyên ngành đào tạo Kiến trúc Cảnh quan. Trong mục tiêu chung nâng cao chất lượng giảng dạy chuyên ngành Kiến trúc Cảnh quan đạt chuẩn kiểm định quốc tế CDIO, đồ án Kiến trúc Cảnh quan được xem như một trong những môn học thiên về thực hành, trải nghiệm giúp sinh viên cọ xát với thực tế qua việc tìm hiểu, nghiên cứu, thiết kế Kiến trúc Cảnh quan trên nền tảng vận dụng khối kiến thức chuyên ngành được học.
Trước xu thế hội nhập sâu và rộng khắp, sự xuất hiện của các giải pháp mới trong lĩnh vực thiết kế - thi công kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam là một cơ hội lớn để thúc đẩy sự chuyên nghiệp và chất lượng của sản phẩm kiến trúc cảnh quan. Song song với đó là thách thức đối với công tác đào tạo chuyên ngành Kiến trúc Cảnh quan tại trường Đại học luôn phải cập nhật và trang bị những kiến thức mới nhất cho sinh viên. Về phía doanh nghiệp, việc quảng bá và nâng cao hiểu biết về sản phẩm mới của mình tới các Kiến trúc sư hành nghề, tới khách hàng và cộng đồng xã hội cũng còn nhiều hạn chế.
Các mô hình đầu tư phát triển các dự án Bất động sản cũng đang có sự vận động nhanh chóng và trở nên đa dạng. Các đơn vị đầu tư ngày càng có những sự quan tâm đặc biệt tới yếu tố kiến trúc cảnh quan trong dự án của mình. Chính vì vậy, nhu cầu tìm kiếm những ý tưởng mới, sáng tạo và đột phá trong thiết kế kiến trúc cảnh quan cho các dự án Bất động sản cũng vì thế mà tăng cao.
2. MÔ HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỒ ÁN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TRUYỀN THỐNG
Từ trước tới nay, mô hình triển khai giảng dạy và thực hiện đồ án nói chung và đồ án Kiến trúc Cảnh quan nói riêng đều được thiết kế với hai đối tượng trung tâm là Giảng viên và Sinh viên. Trong đó Giảng viên hay Giáo viên hướng dẫn sẽ cùng lúc đảm nhiệm hai vai trò, một là chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc - kiến trúc cảnh quan, hai là Chủ đầu tư của dự án. Trong suốt quá trình thực hiện đồ án, Giảng viên sẽ thực hiện đồng thời các công tác như “Ra đề đồ án” (lập nhiệm vụ thiết kế trên cơ sở một dự án giả định, xác định các mục tiêu cần đạt được của một dự án trên cơ sở giả định), “Hướng dẫn đồ án” (soạn thảo tài liệu hướng dẫn, hướng dẫn thực hiện đồ án, góp ý chỉnh sửa đồ án trên cơ sở khối lượng thực hiện của sinh viên), “Đánh giá điểm” (Chấm bài). Sinh viên được thực hiện dưới vai trò là Kiến trúc sư, trong quá trình thực hiện đồ án của mình sẽ chủ động nghiên cứu, lên phương án thiết kế theo các nhiệm vụ được yêu cầu trong đề đồ án được giao, chuẩn bị các khối lượng tương ứng với kế hoạch thực hiện Đồ án và làm việc với các giảng viên được phân công hướng dẫn mình.
Hình 1: Mô hình các chủ thể tham gia thực hiện Đồ án truyền thống (Nguồn: Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan – trường Đại học Xây dựng Hà Nội)
|
Qua theo dõi quá trình thực hiện đồ án Kiến trúc Cảnh quan qua các năm học 2019-2020, 2020-2021 cũng như kết quả ghi nhận được sau mỗi kỳ Đồ án, nhóm nghiên cứu nhận thấy một số những vấn đề đáng quan tâm dưới đây.
2.1. Công tác ra đề đồ án Kiến trúc Cảnh quan
Đối với công tác ra đề đồ án Kiến trúc Cảnh quan. Đề đồ án Kiến trúc Cảnh quan được biên soạn trên cơ sở các dự án thiết kế cảnh quan thực tế mà giảng viên Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan tham gia thực hiện với nhiệm vụ được điều chỉnh cho phù hợp với các tiêu chí đào tạo của ngành Kiến trúc và Quy hoạch trong khung chương trình đào tạo của trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Chính vì thế, đối tượng nghiên cứu (khu đất, tính chất dự án), nhiệm vụ thiết kế và khối lượng yêu cầu thể hiện đối với sinh viên được thiết lập trong Đồ án Kiến trúc Cảnh quan trong những năm vừa qua nhìn chung đã tương đối sát với hoạt động của các dự án đầu tư xây dựng nói chung và các gói thầu thiết kế cảnh quan nói riêng. Tuy vậy, đề đồ án Kiến trúc Cảnh quan được biên soạn dựa trên góc nhìn của các Kiến trúc sư, các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và thi công xây dựng là chính, phần nào chưa phản ánh đúng và đầy đủ nhu cầu của Chủ đầu tư dưới các góc độ như tính kinh tế, tính khả thi, tính nhận diện và chiến lược phát triển dự án.
2.2. Công tác hướng dẫn thực hiện Đồ án Kiến trúc Cảnh quan
Đối với công tác hướng dẫn thực hiện đồ án cho sinh viên, thời lượng dành cho một buổi Đồ án Kiến trúc Cảnh quan thông thường sẽ kéo dài trong 9 tuần học, tương đương 8 buổi làm việc trực tiếp giữa giảng viên hướng dẫn và sinh viên. Suốt quá trình diễn ra đồ án, sinh viên sẽ chuẩn bị các khối lượng công việc theo kế hoạch giảng dạy và thực hiện trao đổi - phản biện với Giảng viên hướng dẫn. Giảng viên hướng dẫn vừa với vai trò là Kiến trúc sư - chuyên gia, vừa với vai trò chủ đầu tư của dự án sẽ dựa trên các tiêu chí chung của nhiệm vụ kết hợp với các quan điểm có tính chủ quan của bản thân để hướng dẫn cho Sinh viên của mình. Theo dõi quá trình này qua các kỳ đồ án, có thể nhận thấy tiến trình thực hiện đồ án của các bạn sinh viên phần nhiều là không theo sát được kế hoạch mà chương trình học đã đề ra, sinh viên thường có dấu hiệu hào hứng một cách tạm thời sau buổi ra đề đầu tiên, có sự tập trung làm việc trong các buổi thông đồ án của tuần thứ hai và thứ ba, sau đó giảm sự tập trung trong khoảng thời gian từ tuần thứ tư tới tuần thứ bảy của kỳ đồ án môn học. Cho tới những giai đoạn khoảng hai tuần trước thời điểm nộp bài, phần lớn sinh viên đêu trong tình trang chậm tiến độ thực hiện đồ án, lúc này tuy sinh viên có sự tập trung cao để hoàn thiện đồ án của mình nhưng lại thiếu sự trao đổi tương tác với các giảng viên trong mục tiêu quan trọng nhất đó là điểm số kết thúc. Qua đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy trải nghiệm làm đồ án của sinh viên có một khoảng cách khá xa với trải nghiệm hoạt động hành nghề, đặc biệt là ở động lực thực hiện và mục tiêu thực hiện đồ án .
2.3. Công tác hướng dẫn thực hiện Đồ án Kiến trúc Cảnh quan
Thứ ba, đối với công tác đánh giá kết quả Đồ án Kiến trúc cảnh quan. Người thầy có vai trò chủ đạo trong công tác này. Việc đánh giá kết quả của một đồ án được đối chiếu trên một hệ quy chiếu theo khối lượng thực hiện và chất lượng của đồ án kết hợp với điểm quá trình của sinh viên. Về đánh giá khối lượng thực hiện, trong đề bài đã có những hướng dẫn cụ thể giúp việc cho điểm được khách quan và chính xác, song về phần đánh giá chất lượng đồ án thì phần nhiều vẫn dựa trên các tiêu chí tương đối mang nặng nhận định chủ quan của Giảng viên hướng dẫn.
Đồ án Kiến trúc Cảnh quan là đồ án môn học được thực hiện vào năm thứ 4 trong chương trình đào tạo Kiến trúc có thời lượng 5 năm, tương đương với 03 tín chỉ. Nhìn chung, mô hình thực hiện đồ án Kiến trúc Cảnh quan truyền thống vẫn đang giúp Sinh viên ngành Kiến trúc thực hành các kiến thức lý thuyết về Kiến trúc Cảnh quan, rèn luyện và phát triển các kỹ năng về phần mềm đồ họa, kỹ năng làm việc nhóm một cách hiệu quả. Song, mô hình đào tạo của Đồ án truyền thống vẫn còn tồn tại khá nhiều những điểm hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được chuẩn đầu ra CDIO trong chương trình mới. Việc cập nhật xu hướng phát triển của các dự án đầu tư phát triển Bất động sản còn có độ trễ, thiếu công cụ để giúp hoạt động thực hiện đồ án tương tác với sự biến đổi nhanh chóng của Xã hội hay sự phát triển của khoa học công nghệ ứng dụng trong ngành Kiến trúc Cảnh quan.
3. Chương trình đồ án kiến trúc cảnh quan tích hợp
Nhằm nâng cao chất lượng đồ án nói chung và tăng khả năng ứng dụng các sản phẩm thực tế trong đồ án môn học của sinh viên nói riêng, đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp hướng đến việc tạo ra một mối liên kết đào tạo chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Cụ thể hơn là sự đồng hành của các Đơn vị đầu tư phát triển Bất động sản, các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Tư vấn - Thiết kế - Thi công - Cung cấp vật liệu/ Cây xanh Cảnh quan với Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Thông qua đề chương trình Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan muốn tạo ra một môi trường giao lưu, học tập cho sinh viên, giúp các em sớm được trải nghiệm hoạt động hành nghề Kiến trúc sư trong cac tiếp cận được những sản phẩm công nghệ Kiến trúc Cảnh quan mới nhất, thiết thực nhất, gần gũi nhất với hoạt động hành nghề sau này.
Cũng thông qua đề án này, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan cũng tạo ra cơ hội để Doanh nghiệp có thể giới thiệu và quảng bá sản phẩm của mình tới thế hệ các Kiến trúc sư tương lai, từ đó nâng cao hình ảnh thương hiệu, phổ biến giải pháp của mình tới cộng đồng xã hội.
Hình 2: Mô hình các chủ thể tham gia thực hiện chương trình Đồ án KTCQ tích hợp (Nguồn: Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan – trường Đại học Xây dựng Hà Nội)
3.1. Đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả đào tạo
Trong lần thực hiện thí điểm lần thứ nhất, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã lựa chọn kết hợp với một doanh nghiệp Đầu tư & Phát triển đô thị để triển khai thực hiện chương trình Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp. Một cuộc thi tuyển phương án Kiến trúc Cảnh quan dành cho sinh viên được tích hợp trong hơn hai tháng triển khai giảng dạy Đồ án Kiến trúc Cảnh quan, đã đưa hoạt động giảng dạy của giảng viên và trải nghiệm thực hiện đồ án của sinh viên tiệm cận hơn bao giờ hết với một hoạt động nghề nghiệp thực tế của các Kiến trúc sư, khi chương trình có sự hiện diện đúng nghĩa của Chủ đầu tư/ Khách hàng trong mọi hoạt động Đồ án.
3.2. Biên soạn Đề bài và Tài liệu hướng dẫn cho Đồ án Kiến trúc Cảnh quan
Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan phối hợp cùng với Đơn vị Doanh nghiệp đồng hành lựa chọn các dự án phù hợp về quy mô và tiêu chí của Đề Đồ án Kiến trúc Cảnh quan. Có thể là một phần hoặc toàn phần của các dự án đã, đang và sẽ triển khai của Doanh nghiệp đầu tư phát triển đô thị. Trong hoạt động này, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan sẽ tư vấn và cùng với Đơn vị Doanh nghiệp đồng hành xây dựng nhiệm vụ thiết kế phù hợp với mục tiêu đào tạo của môn học và những nội dung mà phía Doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu. Đồng thời, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan đã tổng hợp, biên tập dữ liệu cung cấp cho việc thực hiện đồ án của sinh viên.
Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan đã biên soạn tài liệu hướng dẫn, định hướng thiết kế phù hợp với tầm nhìn của Doanh nghiệp về dự án được nghiên cứu trong Đồ án. Trong tài liệu hướng dẫn cũng nêu rõ các trọng tâm cần nghiên cứu, kế hoạch làm việc qua các buổi một cách rõ ràng giúp cho giảng viên hướng dẫn và sinh viên có được hướng tiếp cận phù hợp và có được lộ trình phát triển đồ án của mình qua các buổi hướng dẫn.
3.3. Đổi mới Phương thức Giảng dạy, nâng cao tính chủ động của người học
Buổi giao đề đồ án sẽ giống như buổi phát động một cuộc thi tuyển phương án thiết kế Kiến trúc Cảnh quan tới các bạn sinh viên. Truyền cảm hứng và động lực thực hiện đồ án. Đơn vị doanh nghiệp đồng hành với vai trò Khách hàng đã trực tiếp truyền đạt ý nghĩa - sứ mệnh - tầm nhìn – triết lý của dự án tới các bạn sinh viên. Giảng viên Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan với vai trò là chuyên gia, đơn vị tổ chức sẽ hỗ trợ chuyên môn của buổi ra đề.
Trong suốt quá trình hướng dẫn, giảng viên với vai trò chuyên gia sẽ đồng hành cùng tiến trình phát triển ý tưởng đồ án cùng các nhóm sinh viên mình hướng dẫn. Tại các cột mốc thời gian quan trọng như các buổi chấm tiến độ lần 1 (tuần thứ 4) và buổi chấm tiến độ lần 2 (tuần thứ 6) đồ án của các nhóm sinh viên sẽ được chấm bởi các giảng viên hướng dẫn khác để có được sự đối chiếu khách quan với các tiêu chí đặt ra trong nhiệm vụ thiết kế. Sau mỗi buổi chấm tiến độ, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan đều có các buổi họp để tổng kết và đánh giá tiến trình và kết quả đạt được tại từng mốc thời gian cụ thể, từ đó có sự điều chỉnh, đốc thúc để giúp công tác hướng dẫn được hiệu quả hơn và kết quả sản phẩm cuối cùng được tốt hơn.
Trong chương trình đồ án Kiến trúc Cảnh quan tích hợp, sinh viên hiểu rằng, sản phẩm cuối cùng của Đồ án sẽ hướng tới hai mục tiêu chính: mục tiêu thứ nhất là có điểm đánh giá cuối cùng trong một môn học, mục tiêu thứ hai là hoàn thiện tốt đồ án để có cơ hội tham gia trong một cuộc thi tuyển phương án Kiến trúc Cảnh quan. Nhờ đó, tính chủ động được tăng cường và giúp sinh viên có trải nghiệm học tập tốt hơn thông qua sự có mặt của các tổ chức Xã hội khác ngoài môi trường đào tạo Đại học.
3.4. Đổi mới trong công tác đánh giá và chấm điểm kết thúc Đồ án
Công tác đánh giá Đồ án Kiến trúc Cảnh quan tích hợp được thực hiện qua hai bước. Ở vòng chấm sơ khảo, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan sẽ tiến hành đánh giá đồ án dựa trên các tiêu chí của chương trình đào tạo và đối chiếu theo thang điểm thành phần đã được thống nhất trong đề. Trên cơ sở kết quả thu được của vòng chấm sơ khảo, những bài làm tốt nhất sẽ được lựa chọn để tiếp tục có cơ hội thuyết trình trong vòng chấm chung khảo, với mục đích để tìm ra các đồ án xuất sắc nhất.
Vòng chung khảo là cơ hội để các bạn sinh viên có cơ hội thuyết trình đồ án của mình trước Hội đồng đánh giá đồ án bao gồm: Các giảng viên Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan (vai trò chuyên gia) và đại diện phía Đơn vị đồng hành (vai trò Chủ đầu tư/ Khách hàng). Trong đó cơ cấu điểm đánh giá độc lập từ phía các tổ chức xã hội ngoài nhà trường có tỉ lệ ảnh hưởng 20% tới kết quả chung cuộc của cuộc thi.
3.5. Kết quả chương trình Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp lần thứ nhất
Chương trình Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp lần thứ nhất được triển khai thực hiện từ ngày 24/2/2022 đến ngày 18/5/2022, trong học kỳ 2 năm học 2021-2022, triển khai áp dụng cho các lớp 64KDF và 64KDE đã thành công tốt đẹp và ghi nhận nhiều những cải thiện tích cực trong suốt quá trình kỳ đồ án diễn ra cũng như kết quả cuối cùng.
Tổng kết kết quả, chương trình thu về 25 bài kết thúc. Trong đó có 09 bài được chọn bước vào vòng chung khảo. Chiều ngày 18/05/2022, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan phối hợp cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức buổi Lễ trao Giải thưởng “Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp 2022” lần thứ nhất tại Phòng 37.H3, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.
Hình 3: Lễ bảo vệ phương án và trao giải thưởng chương trình Đồ án Kiến trúc Cảnh quan tích hợp. (Nguồn: Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội)
Hội đồng Ban Giám Khảo bao gồm các thành viên: TS.KTS Phạm Anh Tuấn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan-Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - Trưởng ban); TS.KTS Đặng Việt Dũng (Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan-Trường Đại học Xây dựng Hà Nội); Ths.KTS Phùng Thị Mỹ Hạnh (Giảng viên Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan-Trường Đại học Xây dựng Hà Nội); Ths.KTS Trịnh Anh Tuấn (Giảng viên Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan-Trường Đại học Xây dựng Hà Nội); Bà Đặng Thị Phương Thảo (Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Dịch vụ Thương mại IDES).
Một buổi báo cáo kết quả điển hình bao gồm bài thuyết trình của từng nhóm dự thi trong vòng 10 phút và 10 phút để dành cho hoạt động trao đổi – phản biện nội dung báo cáo giữa các nhóm thuyết trình và Hội đồng Ban Giám Khảo.
Hình 4: Cơ cấu điểm đánh giá bài dự thi chương trình Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp. (Nguồn: Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội)
Cơ cấu giải thưởng cho các đồ án bao gồm: 02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba và 03 giải Khuyến Khích. Kết quả đồ án nhìn chung đa số đạt yêu cầu về tính tổng hợp, có sự đầu tư nghiên cứu kiến thức một cách nghiêm túc để đưa ra nhiều giải pháp có tính thực tế; đồng thời các đồ án đều có ý tưởng xuyên suốt và sáng tạo, bám sát theo chương trình đào tạo hiện nay của Bộ môn kiến trúc Cảnh quan. 09 đồ án được bảo vệ, theo đánh giá của Hội đồng là có chất lượng khá tốt và có sự tiến bộ rõ rệt so với những năm gần đây. Chương trình đồ án tích hợp đã mang đến cơ hội cho các bạn sinh viên được trải nghiệm quy trình thực hiện và bảo vệ phương án thiết kế sát với nghề nghiệp thực tế sau khi ra trường, mô hình này khi áp dụng đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo (Đồ án Kiến trúc Cảnh quan) đồng thời giúp các bạn sinh viên thêm tự tin và bản lĩnh trên con đường học tập và nâng cao trình độ chuyên môn.
4. Kết Luận
Đối với Sinh viên, tính chủ động trong tổ chức và thực hiện Đồ án Kiến trúc Cảnh quan được cải thiện đáng kể. Tính sáng tạo được phát huy song hành với việc tiếp cận các vấn đề thực tiễn được nâng cao, khả năng vận dụng lý thuyết tốt trong đồ án. Trải nghiệm thực hiện đồ án sát với thực tế hành nghề Kiến trúc sư, được tái hiện thông qua một cuộc thi tuyển phương án Kiến trúc Cảnh quan có sự xuất hiện của các Doanh nghiệp đầu tư trong vai trò là các Chủ đầu tư/ Khách hàng.
Đối với Công tác đào tạo, số lượng các bạn sinh viên bỏ đồ án giảm rõ rệt so với số liệu so sánh với năm học 2020-2021, bên cạnh đó chất lượng đồ án ghi nhận sự cải thiện đáng kể. Với sự có mặt của các tổ chức xã hội trong công tác đào tạo, chương trình đào tạo được cập nhật những xu hướng và nhu cầu đang biến đổi nhanh chóng của hoạt động đầu tư phát triển đô thị. Chương trình cũng là một cơ hội giúp quảng bá hình ảnh của cơ sở đào tạo tới xã hội.
Đối với các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp đồng hành, chương trình đã ghi nhận những ý kiến phản hồi rất tích cực. Chương trình là cơ hội hợp tác chuyên môn với nhà trường nhằm nâng cao chất lượng cho dự án, kết quả của chương trình là nguồn tài liệu tham khảo giá trị cho hoạt động đầu tư phát triển đô thị của doanh nghiệp. Qua chương trình, hoạt động quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, hoạt động tìm kiếm và bồi dưỡng nguồn nhân sự chất lượng cao cũng được phía doanh nghiệp đồng hành đánh giá là giàu tiềm năng.
Tổng kết lại kết quả đạt được, Đồ án Kiến trúc Cảnh quan Tích hợp đã thành công trong việc đảm bảo được các tiêu chí trong chương trình đào tạo của môn học Đồ án Kiến trúc Cảnh quan, bên cạnh đó cũng mang lại những giá trị thiết thực cho Sinh viên và các Doanh nghiệp đồng hành, hoàn toàn khả thi để tiếp tục thực hiện cho môn học Đồ án Kiến trúc Cảnh quan những năm học tới.
Tài liệu tham khảo
- Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, 2021, Đề cương chi tiết Đồ án Kiến trúc Cảnh quan.
- Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, 2022, Đề án Đăng ký mở ngành Kiến trúc Cảnh quan.
- Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, 2022, Xây dựng chương trình đào tạo đạt chuẩn LAAB và theo cách tiếp cận CDIO.
Ths.KTS Trịnh Anh Tuấn, Ths.KTS Phan Duy Tú
Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch,
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Phòng 411 Nhà A1, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội số 55 Giải Phóng, Hà Nội, Việt Nam
tuanta@huce.edu.vn; tupd@huce.edu.vn