Dự án nâng cao năng lực Á Âu Asia-Link

27/08/2021 Lượt xem : 485

 

Dự án nghiên cứu khoa học Asia-Link

Dự án nghiên cứu và trao đổi văn hóa quốc tế “Phát triển nguồn nhân lực cho việc rà soát tổng hợp di sản kiến trúc-đô thị ở châu Á và châu Âu” trong giai đoạn 2004-2007 dưới sự bảo trợ của Cộng đồng châu Âu có mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm của giới chuyên môn và cộng đồng. Mục tiêu cụ thể của dự án là phát triển năng lực của các nhà khoa học và giảng viên như những nhân tố thúc đẩy sự lan tỏa kiến thức và phương pháp nghiên cứu, khảo sát, lập tài liệu, bảo tồn và tái phát triển di sản kiến trúc và đô thị.

Vai trò luân phiên của các đối tác trong các hội thảo

 

Dự án nghiên cứu quốc tế này có sự tham gia của các trường đại học sau:

  • Đại học kỹ thuật Dresden, CHLB Đức
  • Đại học tổng hợp L’Aquila, Italia
  • Đại học tổng hợp quốc gia Lào, CHDCND Lào
  • Đại học khoa học và công nghệ Côn Minh, Trung Quốc
  • Đại học xây dựng Hà Nội, Việt Nam

 

Hội thảo tổng kết dự án tại TU Dresden tháng 9-2006

Về mặt tổ chức và nội dung, dự án được thực hiện trong vòng 3 năm từ 2004-2007 bao gồm các giai đoạn tập huấn, khảo sát, hội thảo chính thức, xuất bản kỷ yếu. Dự án chia ra làm 5 trọng tâm chủ đề với 5 hội thảo tại 5 địa điểm như sau:

  • Hội thảo 1: Định nghĩa về di sản văn hóa, thuật ngữ và lý thuyết nền tảng được tổ chức tại Đại học Xây dựng Hà Nội tháng 10-2004.
  • Hội thảo 2: Phương pháp thu thập số liệu, lập tài liệu, phân tích và đánh giá được tổ chức tại Đại học tổng hợp L’Aquila tháng 5-2005.
  • Hội thảo 3: Tái phát triển và lồng ghép di sản văn hóa được tổ chức tại Đại học khoa học và công nghệ Côn Minh, Trung Quốc tháng 9-2005.
  • Hội thảo 4: Quản lý, tương tác khoa học trong nghiên cứu, giảng dạy và thực hành được tổ chức tại Đại học tổng hợp quốc gia Lào tháng 3-2006.
  • Hội thảo 5: Tái tư duy về di sản văn hóa được tổ chức tại Đại học kỹ thuật Dresden, CHLB Đức tháng 9-2006.

Về mặt nội dung chuyên môn, chủ đề trọng tâm của mỗi hội thảo được phát triển thành những câu hỏi/vấn đề nghiên cứu cụ thể trước khi hội thảo diễn ra để các nhóm đại biểu thuộc từng trường đại học chuẩn bị với những đề tài nghiên cứu, dự án bảo tồn và tái phát triển di sản kiến trúc và đô thị tại địa phương mình.

Sản phẩm học thuật của dự án nghiên cứu và trao đổi văn hóa quốc tế này bao gồm:

  • Sách kỷ yếu tựa đề “Tái tư duy về Di sản văn hóa – kinh nghiệm từ châu Âu và châu Á”
  • Bộ tài liệu khoa học tổng hợp về từ khóa Asia_Link
  • Trang web về thông tin và bàn luận trên www.archeritage.org
  • Bộ đĩa CD bản mềm tổng kết dự án

 

Đại diện của nhóm nghiên cứu Việt Nam đến từ Đại học Xây dựng tham gia Dự án bao gồm: Cố GS. TSKH. Nguyễn Mạnh Thu, PGS. TS. Đàm Thu Trang và Th.S Phùng Thị Mỹ Hạnh. Với những tích lũy về kiến thức hàn lâm cũng như kinh nghiệm thực tiễn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị trong nhiều năm, nhóm đã mang đến chia sẻ quan điểm và trải nghiệm với các nhóm thành viên trong Dự án những bài trình bày, tư liệu và chuyến tham quan khảo sát quý báu, bổ ích. Ngược lại, nhóm nhà khoa học đại diện của Đại học Xây dựng cũng đã thu nạp được một khối lượng kiến thức to lớn và sâu rộng về tầm nhìn và kinh nghiệm thực tiễn về công tác quy hoạch, bảo tồn và tái phát triển di sản kiến trúc đô thị đã được triển khai thành công tại Italia, Đức, Lào và Trung Quốc. Từ sự trao đổi, phản biện và học hỏi đó, tập thể dự án đã đúc rút được những quan điểm có tiếng nói chung giao thoa giữa văn hóa châu Âu và châu Á để hoàn thiện hơn về hiểu biết, phương pháp nghiên cứu và đặc biệt là giải pháp và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của quỹ di sản kiến trúc và đô thị trong đời sống đương đại.

Kết quả của dự án nghiên cứu quốc tế này là sự bổ trợ kiến thức và kinh nghiệm cũng như sự nâng cấp đáng kể về nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đối với các nhà khoa học, những người làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp – những người được kỳ vọng ươm mầm và lan tỏa sức ảnh hưởng của mình đối với thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống địa phương và phát triển thích ứng với xu hướng quốc tế hóa. Dự án là tiền đề thành công cho triển vọng hợp tác xa hơn và sâu sắc hơn về mảng di sản văn hóa vốn hết sức rộng lớn và nhiều thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay.

Hội thảo 1 tổ chức tại Viện Goethe, Hà Nội tháng 10-2004

 

Hội thảo 2 tại L’Aquila, Italia tháng 5-2005

 

Khảo sát tham quan làng trung cổ tại vùng Abruzzo, miền trung Italia tháng 5-2005

 

Hội thảo 3 tại Côn Minh, Trung Quốc tháng 9-2005

 

Hội thảo 4 tại Vietiane, CHDCND Lào tháng 3-2006