GIÁ TRỊ VĂN HÓA GIẾNG LÀNG TRONG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN LÀNG XÃ TRUYỀN THỐNG

04/05/2023 Lượt xem : 2057

Cây đa, giếng nước, mái chùa tự bao giờ đã trở thành kí ức thân thuộc với mỗi người con đất Việt khi nghĩ về quê hương xứ sở. Nếu như cây đa có Thần, mái chùa có Phật thì giếng nước là hồn quê, là nơi trữ nước – tinh khí của đất trời, là biểu tượng cho sự sinh sôi vững bền…

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
  1. Nhận diện giá trị văn hóa giếng làng
  • Giá trị vật chất

Nước cùng với lửa có vai trò quan trọng  trong đời sống của con người. Giếng nước là một trong những phương thức cung cấp nước chính cho cộng đồng người dân làng xã. Người dân làng dùng nước từ giếng làng để phục vụ đời sống, ăn uống, tắm giặt, còn để phục vụ sản xuất sinh hoạt. Những cô thôn nữ sáng sớm ra gánh nước thổi cơm, các cụ già giặt giũ trò chuyện, trẻ con tắm táp nô đùa bên giếng,… dường như mọi hoạt động sinh hoạt thường nhật của người dân đều diễn ra xung quanh giếng làng.

  

Người dân sinh hoạt bên giếng chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội

 

Thiếu nữ gánh nước bên giếng làng

 

Một số tài liệu còn ghi chép, giếng làng ngoài giá trị sử dụng cung cấp nước cho đời sống người dân còn có giá trị lưu giữ. Giặc giã tràn vào, giếng thành nơi lưu giữ những vật dụng thiết yếu. Cụ thể, khi cả làng đang nấu bánh chưng, giặc vào, người làng đưa bánh xuống giếng, vài tháng sau trở về, vớt bánh lên, nấu lại, vẫn ăn được, vẫn giữ được hương vị quê nhà mà sử sách ở Quảng Bình từng ghi chép. Bên cạnh đó giếng nước, cùng với cây đa, mái đình tạo nên bộ cảnh quan có tính thẩm mỹ cao, mang lại giá trị đẹp, tinh tế cho cảnh sắc làng quê.

  • Từ giá trị vật chất đi đến giá trị tinh thần.

Ngoài các giá trị vật chất hiện hữu, làng còn trở thành không gian sinh hoạt văn hóa chung của làng. Nơi đây các đề tài của phủ tổng, chuyện của làng trên xóm dưới, tin vui buồn của nhà này nhà kia, được người dân lan truyền chia sẻ xung quanh giếng làng qua các hoạt động thường nhật như gánh nước, giặt giũ,… hay chỉ là các bác, các cô đi chợ về gặp nhau bên giếng làng lại dừng chân hàn huyên, trò chuyện.

 

Giếng làng Yên Trường, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội

 

Giếng làng là nơi cho bao nhiêu đôi trai gái làm quen gặp gỡ, hẹn hò. Có những đôi vợ chồng đã nên duyên nhờ gặp nhau bên giếng nước. Chính giếng làng là nhân chứng của biết bao mối tình, lắng nghe những lời thề non hẹn biển, những dòng tâm sự tưởng như không bao giờ chấm dứt của những đôi lứa yêu nhau. Rồi cả những đứa trẻ làng được lớn lên dưới sự bao bọc của giếng nước. Những buổi trưa hè trốn giấc ngủ trưa cũng lũ bạn nô đùa bên giếng, những buổi rong chơi lấm lem bùn đất về gột rửa dưới làn nước mát rượi của giếng. Lũ trẻ cứ thế lớn lên theo thời gian dưới sự nuôi dưỡng của dòng nước giếng mát rượi. Giếng làng còn truyển tải thứ năng lượng gắn kết lòng người, khơi gợi lòng yêu nước. Từ nơi giếng nước, những người dân làng kết nối gắn bó, đoàn kết với nhau, tạo nên cộng đồng làng xã gắn bó keo sơn. Tình làng nghĩa xóm trải qua năm tháng vẫn bền đẹp như thế. Làng trên xóm dưới cũng được kết nối gắn bó với nhau thông qua giếng nước. Làng này hết nước sang làng kế bên xin nước, sự chia sẻ nước nôi là khởi đầu cho các sự chia sẻ vật chất khác, từ đó dẫn đến tình cảm cưu mang, yêu thương, tương hỗ nhau giữa các làng. Từ ngọn nguồn cung cấp nguồn nước cho đời sống, giếng nước cứ thế đi sâu vào đời sống tinh thần làng xã.

Giếng làng là biểu trưng cho sự sung mãn, sức sống của làng bởi vậy là giếng mang ý nghĩ tâm linh không kém phần to lớn. Đó là long mạch của làng được người dân tôn thời giữ gìn. Giếng hay còn gọi là “tỉnh” được xếp hàng đầu trong ngũ tự gia đường (tập hợp năm đối tượng thờ tự của mỗi gia đình, gồm Táo: bếp, Tỉnh: giếng, Môn: cổng/ngõ, Hộ: cửa, và Trung lưu: máng xối/giữa nhà). Trong tổng thể cấu trúc tâm linh  ở làng quê, nếu cây đa có thần, chùa có Phật, thì giếng nước có thủy thần, có thần mẹ nước. Với đình làng ở vị trí trung điểm tượng trưng nhân gian; cây đa vươn lên trời tượng trưng cho tính dương, giếng nước lõm sâu vào đất tượng trưng cho tính âm, có nơi cây đa còn soi bóng xuống giếng nước hay bến nước, tạo nên sự hài hòa âm dương của vũ trụ.

 

 

Giếng làng Nôm, Hưng Yên hết sức thiêng liêng đối với người dân họ coi giếng làng là linh khí, là mắt rồng của làng nên họ bảo quản và giữ gìn khuân viên nơi đây vô cùng sạch sẽ, nắp giếng được đậy kín lại nhằm bảo vệ nguồn nước giếng khi không sử dụng.

 

Giếng mắt cá làng Hành Thiện (Xuân Trường, Nam Định) không phải là công trình công cộng dùng trong sinh hoạt hàng ngày, mà đây là công trình tín ngưỡng của làng.

 

Những giá trị văn hóa tinh thần được người đân kết tinh lại trong văn thơ, ca dao, tục ngữ, truyền thuyết,… Giếng nước cứ thế đi vào nghệ thuật bằng những ngôn từ hình ảnh mộc mạc thân quen. Hình ảnh Tấm nuôi cá bống, Mị Châu hóa ngọc đều gắn liền giếng nước; hình ảnh thiếu nữ tắm bên giếng trong tranh vẽ dân gian. Từ câu đố “bằng cái nong, cả lòng đong không hết” cho đến thành ngữ, tục ngữ, ca dao “ếch ngồi đáy giếng”, “đàn ông nông nổi giếng khơi”, “em tưởng giếng nước sâu, em nối sợi gầu dài”… đều liên quan chặt chẽ với giếng nước. Cứ thế những câu tục ngữ, bài ca dao gắn với giếng làng trở thành lời ru êm ái, ngọt ngào của bà, của mẹ, bên vành nôi em nhỏ.

  1. Giá trị hình thái giếng làng truyền thống

 Ở đâu cũng vậy, giếng làng thường được chọn an tọa ở những vị trí phong quang, sạch sẽ, có cảnh quan tươi đẹp, non nước hữu tình, thường là ở đầu làng, hoặc nơi trung tâm dân cư sinh sống, có địa thế cao - thấp vừa phải so với xung quanh, không bị khô hạn về mùa nắng, không bị ngập lụt về mùa mưa. Nơi ấy thường có nguồn nước mạch quanh năm không bao giờ cạn kiệt, cho dẫu hạn hán có tung hoành dữ dội đến mức nào. Khi quần thể làng xã được hình thành giếng làng cũng được xuất hiện theo. Các thầy địa lý tìm mạch nước theo thuật kinh dịch để khơi giếng làng, và đó được coi như long mạch của làng để con dân tấn tới trong hành trang xây đắp cuộc sống, học hành khoa bảng. Theo thời gian và không gian giếng làng có sự biến hóa đa dạng phong phú về hình thái, cấu trúc, vật liệu cấu tạo. Hình thái giếng làng được xác định tùy thộc vào tính chất nguồn nước, địa hình, phong tục tín ngưỡng,… của mỗi làng. Giếng làng có dạng hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, hình bán nguyệt, hình bát giác, hình bầu dục, … hoặc là theo một hình thù kì lạ như bàn chân người, móng chân ngựa, Tuy nhiên giếng được hình thành hình tròn vẫn là chủ yếu. Giếng cấu tạo hình tròn được ví như mặt trăng. Theo thuyết âm dương, vì giếng được đào sâu dưới lòng đất nên giếng là phần âm, mà biểu tượng mặt trăng cũng mang tính chất âm nên từ đó tạo hình giếng tròn thường được lựa chọn. Hơn nữa nếu đào giếng tròn, bao giờ việc tạo hình và chuẩn bị các nguyên vật liệu để kè giếng cũng dễ dàng hơn … Nhiều làng có những chiếc giếng với hình thù kì lạ đặc biệt với những tích chuyện li kì. Như giếng hình  “bàn chân khổng lồ” ở xóm Mát và xóm Tròn (thôn Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ - Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết về một vị Thánh trên trời.

  

Giếng nước hình bàn chân ở thôn Yên Duyệt (xã Tốt Động, Chương Mỹ, Hà Nội)

Giếng nước đá ong hình móng chân ngựa Làng Yên Trường, Chương Mỹ, Hà Nội

 

Vật liệu làm giếng thường từ đá ong hoặc gạch chỉ, đá xanh. Thành giếng cũng được xây bằng đá ong hoặc gạch chỉ, đặc biệt hơn nữa là ghép từ những tảng đá xanh nguyên khối.  

  

Giếng Cầu Cả, Làng Nành, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội –  Miệng giếng hình tròn có đường kính 92 cm, độ sâu 6m  được xây bằng gạch. Thân giếng thẳng.

Giếng Ảng Làng Cao Quang, xã Cao Minh, huyện Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc - Miệng giếng hình tròn đường kính 1.5m, độ sâu 5m được xây bằng đá ong.

 

Giếng có thể to bé nông sâu tùy nhu cầu sử dụng và tính chất địa lý của từng làng. Những giếng bé có kích thước rộng từ 1-2 m, những giếng trung bình và lớn từ 5-6m có khi lên tới hơn 20m. Độ sâu của giếng tùy thuộc vào mạch nước ngầm của từng địa phương. Những giếng khi đào gặp mạch nước ngầm sớm thì độ sau chỉ tầm 1-2 m, giếng nào sâu thì tới 4-5m.

  
  

Giếng Chùa thôn Thích Chung, Bá Hạ, Vĩnh Phúc - Miệng giếng hình vuông được ghép bốn phiến đá to rộng khoảng 1m, độ sâu khoảng 4m, giếng đào trên nền đất đá ong nên rất trong và mát

Giếng làng Ước lế, Thanh Oai, Hà Nội - Giếng hình tròn với đường kính lên tới 20m, độ sâu 2m, giếng được xây và kè bằng gạch chỉ, có bậc tam cấp dẫn xuống

 

Kết luận

Sự phong phú đa dạng về hình thái giếng phản ánh được sự sáng tạo và sự đa dạng văn hóa của cộng đồng dân cư làng xã. Những giá trị tinh thần và vật chất của của giếng làng mang lại có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển của cộng đồng dân cư làng xã. Tuy nhiên những giá trị đó đang dần mất đi. Ngày này nhà nào cũng có giếng riêng, giếng khoan, giếng đào, bể chứa nước mưa,… với những địa phương phát triển hơn thì còn có cả nước máy. Bởi vậy giá trị vật chất quan trọng mà giếng làng mang lại là giá trị sử dụng dường như không còn phù hợp với nhu cầu thời đại. Không được sử dụng nên nhiều giếng làng bị bỏ bê lãng quên, không được chăm chút, thiếu đi sức sống tràn trề vốn có. Nhiều chiếc giếng nước đã bị khô cạn, mặt nước ô nhiễm do sự ô nhiễm nước ngầm xung quanh.

  

Giếng làng An Thái, Phú Thọ không được sử dụng, các cành cây khô che khuất giếng

Giếng Điếm Đông, thôn Thích Chung, Vĩnh Phúc bị bỏ hoang, mạch nước ngầm đã cạn

 

Giá trị sử dụng là ngọn nguồn của các giá trị vật chất và tinh thần khác, nhưng chính vì nó biến mất nên kéo theo hệ lụy làm mất đi các giá trị khác của giếng làng.

Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để giữ gìn được nét đẹp văn hóa giếng làng khi mà giá trị sử dụng không còn nữa. Giá trị sử dụng không  còn nhưng giá trị tinh thần, nhân văn của dân tộc ở giếng làng vẫn còn đó. Giếng làng cần được bảo tồn theo đúng tầm vai trò của nó. Chỉ cần một chút chăm sóc quan tâm như giữ gìn sạch sẽ môi trường nước mặt của giếng, tu tạo lại thành giếng và không gian xung quanh,  khôi phục những giếng bị bỏ hoang… sẽ thổi được một sức sống mới vào hồn cốt cho di sản giếng làng.

Giữ gìn giếng làng không chỉ là giữ gìn một công trình dân sinh, mà đó còn là giữ gìn nét đẹp văn hóa của mỗi làng quê, góp phần tô điểm thêm vào bức tranh tươi đẹp của làng quê Việt Nam.

PGS. TS. Phạm Hùng Cường – Đại học Xây dựng Hà Nội