MÔ HÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC THEO KHUNG TRÌNH ĐỘ QUỐC GIA VIỆT NAM CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG HÀ NỘI
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực tháng 7/2019, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thực hiện công bố chung của 7 trường đại học đào tạo khối kỹ thuật trong nước, năm 2020 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội bắt đầu chuyển đổi mô hình đào tạo theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam (KTĐQGVN). Mô hình đào tạo mới bao gồm 3 bậc trình độ tương ứng với KTĐQGVN và văn bằng được cấp sau khi tốt nghiệp, gồm có:
- Bậc 6, trình độ đại học, tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân.
- Bậc 7, trình độ thạc sĩ, gồm có:
+ Trình độ thạc sĩ, tốt nghiệp được cấp bằng thạc sĩ.
+ Trình độ kỹ sư/kiến trúc sư (gọi tắt là trình độ kỹ sư*), tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư/kiến trúc sư.
Sau khi tốt nghiệp, người học có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng kỹ sư/kiến trúc sư và thạc sĩ.
- Bậc 8, trình độ tiến sĩ, tốt nghiệp được cấp bằng Tiến sĩ.
Mô hình các chương trình đào tạo chuyển đổi của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được sơ đồ hóa ở Hình 1.
Hình 1: Mô hình các chương trình đào tạo chuyển đổi
Chương trình cử nhân được thiết kế cho thời gian 4 năm, định hướng cơ bản, đào tạo ngành rộng; chương trình cử nhân trang bị cho người học kiến thức khoa học, kỹ thuật nền tảng và năng lực nghề nghiệp cơ bản để có khả năng thích ứng với những công việc khác nhau trong lĩnh vực được đào tạo. Người tốt nghiệp chương trình cử nhân đạt bậc trình độ 6 trong KTĐQGVN.
Sau khi có bằng cử nhân, người học có thể đi làm hoặc học tiếp lên chương trình thạc sĩ hoặc kỹ sư với thời gian đào tạo 1,5-2 năm.
Chương trình kỹ sư được thiết kế áp dụng cho các ngành kỹ thuật/kiến trúc, đào tạo theo nhu cầu xã hội, kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Chương trình trang bị cho người học kiến thức kỹ thuật nâng cao và năng lực nghề nghiệp chuyên sâu, đáp ứng ngay yêu cầu của thực tế công việc. Người tốt nghiệp chương trình kỹ sư đạt bậc trình độ 7 trong KTĐQGVN và có thể nhận bằng thạc sĩ sau khi học chuyển đổi một số học phần.
Việc tổ chức đào tạo được thực hiện theo 2 giai đoạn.
- Giai đoạn 1: Đào tạo cử nhân, khối lượng kiến thức khoảng 130 tín chỉ (TC), thời gian đào tạo 4 năm, chuẩn đầu ra đạt bậc 6 theo KTĐQGVN, cấp bằng cử nhân.
- Giai đoạn 2: Đào tạo thạc sĩ hoặc kỹ sư, khối lượng kiến thức từ 60 TC, thời gian đào tạo 1,5-2 năm, chuẩn đầu ra đạt bậc 7 theo KTĐQGVN, áp dụng cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng thạc sĩ hoặc kỹ sư/kiến trúc sư.
Trường hợp Sinh viên học cùng ngành/chuyên ngành ở 2 giai đoạn nêu trên, thời gian đào tạo rút ngắn xuống còn 5 đến 5,5 năm theo một chương trình tích hợp. Nguời tốt nghiệp được cấp 2 văn bằng cử nhân, kỹ sư/kiến trúc sư.
Với mô hình đào tạo mới được triển khai trên đây, từ kỳ tuyển sinh năm 2020 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội sẽ cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao ở hầu hết các ngành/chuyên ngành hiện đang đào tạo với các bậc trình độ linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động cũng như kế hoạch học tập của từng sinh viên. Định hướng xây dựng Chương trình đào tạo tiếp cận CDIO tạo điều kiện cập nhật, tham khảo chương trình của các nước phát triển để hội nhập quốc tế, gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trên nền tảng truyền thống của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Mô hình đào tạo chuyển đổi theo KTĐQGVN là cơ sở nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, đưa hoạt động đào tạo chuyển sang một giai đoạn phát triển mới tương xứng với vị thế cơ sở giáo dục hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc của Việt Nam./.
Nguồn: Đại học Xây dựng Hà Nội