Xây dựng biểu tượng cho Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam

28/07/2022 Lượt xem : 324

Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Society of Landscape Architecture – VSLA) đã chính thức được thành lập ngày 11/01/2021, đánh dấu một hành trình chinh phục mới, bài bản, mạnh mẽ và quyết liệt hơn của giới KTS Cảnh quan tại Việt Nam. Tổ chức đóng vai trò dẫn dắt hoạt động và đại diện cho tiếng nói của cộng đồng KTS Cảnh quan Việt Nam được pháp luật và xã hội công nhận. Sự ra đời của Chi hội KTS Cảnh quan Việt nam

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới

Để hoàn thiện công tác tổ chức, Chi hội cần có biểu tượng riêng nhằm truyền tải những tôn chỉ hoạt động một cách rõ ràng tới cộng đồng xã hội. Sau một thời gian nghiên cứu sáng tác, biểu tượng của Chi hội KTS Cảnh quan đã được BCH thống nhất và lựa chọn. Tác giả của biểu tượng là KTS Lê Thanh Tài – công tác tại công ty Gon Design Studio, thành phố Đà Nẵng. Biểu tượng đã khái quát được những quan điểm và triết lý hoạt động cốt lõi của Chi hội KTS Cảnh quan của Việt Nam.

Hình 01. Ý tưởng thiết kế biểu tượng của Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam.
Hình 01. Ý tưởng thiết kế biểu tượng của Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam.
 

1. Sự phân chia nhánh nhỏ (KTS CQ VN) từ nhánh lớn (KTS VN)

Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam – Tổ chức được hình thành từ Cây đại thụ lớn của KTS nước nhà, đó là Hội kiến trúc sư Việt Nam. Bởi vậy, biểu tượng của Chi hội được xây dựng xuất phát từ những nét cơ bản của biểu tượng Hội KTS Việt Nam. Hơn nữa, những đường nét mềm mại trên biểu tượng như muốn nhấn mạnh tinh thần xây dựng một tổ chức mà ở đó dưới sự chỉ đạo của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam có những hoạt động thực tiễn để truyền tải thông điệp về Kiến trúc Cảnh quan một cách chính thống và có tác động tích cực hơn tới cộng đồng xã hội – góp phần cùng chung tay xây dựng ngôi nhà chung của Kiến trúc sư cả nước.

2. Ý nghĩa phân mảng và tạo hình

Biểu tượng sử dụng các đường nét mềm mại từ biểu tượng gốc của Hội KTS Việt Nam; nhưng đồng thời thông qua những mảng màu này để truyền tải 4 nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực hoạt động của kiến trúc cảnh quan: cân bằng sinh thái, công năng sử dụng, giá trị thẩm mỹ và giá trị nhân văn.

2.1. Cân bằng sinh thái

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất để đảm bảo sự phát triển bền vững của một không gian kiến trúc cảnh quan. Giải pháp xây dựng những yếu tố nhân tạo dựa trên việc khai thác tối ưu các thành phần tự nhiên trong không gian sống; qua đó giúp định hướng tổ chức không gian và hoạt động cho con người bằng cách sắp xếp một cách hài hòa, cân bằng giữa các yếu tố cấu thành cảnh quan và tuân theo các quy luật vận động của các hệ sinh thái tự nhiên.

2.2. Công năng sử dụng

Bố cục không gian chức năng rõ ràng với các tính chất và nhu cầu sử dụng khác nhau trong các mối quan hệ không thể tách rời giữa các không gian. Tạo hình không gian đáp ứng được thói quen và sự tiện lợi trong hoạt động của con người.

2.3. Giá trị thẩm mỹ

Tạo lập giá trị thẩm mỹ dựa trên sự phối hợp tinh tế các hoạ tiết hoa văn, chất liệu, chất cảm và màu sắc của các vật liệu bề mặt khác nhau trong sự cân bằng, hài hoà và thống nhất về tỷ lệ giữa các thành phần cấu thành không gian cảnh quan. Biến các thành phần này trở thành biểu tượng hoặc không gian đặc trưng cho khu vực thiết kế dựa trên những đặc điểm mang tính khác biệt của mỗi khu vực.

2.4. Giá trị nhân văn

Tạo lập các không gian cảnh quan dựa trên nguyên tắc khai thác và phát huy giá trị văn hoá, tính bản địa nhằm nhấn mạnh giá trị đặc trưng vùng miền, khu vực thiết kế cũng như những giá trị nhân vân cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Nguyên tắc này càng trở nên quan trọng trong thời kỳ quốc tế hoá mạnh như hiện nay; sự giao thoa văn hoá và tốc độ đô thị hoá nhanh đang làm cho những giá trị bản địa, truyền thống dần mai một và những tác động tiêu cực từ sự nổi lên của những tư tưởng sao chép và lắp ghép những giá trị văn hoá khác biệt. Đồng thời các KTS Cảnh quan hướng đến xây dựng những không gian hoạt động có tính bình đẳng và đáp ứng yêu cầu cho mọi đối tượng tham gia trong cảnh quan.

3. Đường nét cách điệu trên biểu tượng

Phần không gian âm bản (màu trắng) mang hình ảnh biểu trưng cho những nhánh cây xanh phát triển từ cây đại thụ lớn – đó là Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đồng thời, hình ảnh nhánh cây thể hiện giá trị không tách rời của yếu tố thiên nhiên trong thiết kế cảnh quan. Điều đó đặt ra yêu cầu phải đảm bảo mối quan hệ giữa việc kiến tạo không gian cảnh quan hài hòa với điều kiện thiên nhiên và các giá trị đặc trưng của mỗi khu vực. Ba nhánh cây trong biểu tượng còn thể hiện những giá trị, phạm vi hoạt động của kiến trúc cảnh quan xoay quan 3 nhóm lĩnh vực cơ bản: Quy hoạch cảnh quan, thiết kế cảnh quan và quản lý – vận hành không gian kiến trúc cảnh quan.

4. Màu sắc chủ đạo trên biểu tượng

Màu xanh lục được gọi là màu của môi trường thiên nhiên, của sự phát triển; nó cũng là màu đại diện cho cảnh quan. Hơn nữa, màu xanh lục là màu của thực vật – màu của sự sống và là yếu tố quan trọng góp phần to lớn tạo nên sự cân bằng và bền vững của tự nhiên. Chính vì vậy gam màu xanh lục được lựa chọn là màu chủ đạo trong biểu tượng của Chi hội KTS cảnh quan Việt Nam.

Lời kết

Mỗi một tổ chức khi hình thành đều hướng đến những giá trị cốt lõi trong tư tưởng và triết lý hoạt động. Biểu tượng của tổ chức cũng là một cách thức để truyền tải những thông điệp này, đồng thời mang giá trị nhận diện của tổ chức. Với biểu tượng được chọn, Chi hội KTS cảnh quan Việt Nam mong muốn góp phần cùng Hội KTS cả nước hướng đến sự tiện nghi và phát triển bền vững cho các không gian hoạt động trên mọi miền của Tổ quốc.

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn
Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam
KTS. Huỳnh Công Vũ
Giám đốc Công ty TNHH MTV Gon Design Studio

© Tạp chí kiến trúc