Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn cây xanh cho đô thị
Bài báo phân tích, tổng kết mang tính khoa học về các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn cây xanh trồng trong đô thị. Các yếu tố đó bao gồm khí hậu, thổ nhưỡng, kiến trúc quy hoạch và văn hóa xã hội. Nó góp phần giúp các nhà thiết kế, người dân và các nhà quản lý có được các kiến thức tổng hợp để giúp làm tốt hơn trong việc xây dựng các đô thị văn minh xanh sạch và đẹp.
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
Cây xanh là một thực thể không thể thiếu trong đô thị và ngày càng được các nhà quản lý cũng như dân chúng dành cho sự quan tâm đặc biệt. Việc chọn cây xanh cho phù hợp cho đô thị nói chung và từng khu chức năng nói riêng đòi hỏi phải được tính toán thấu đáo trên cơ sở khoa học.
Người dân đô thị thích cây, công viên và rừng đô thị vì nhiều lý do khác nhau đều có một điểm chung đó là môi trường xanh, sạnh và đẹp tự nhiên. Con người đã tiến hóa từ thế giới tự nhiên, khi lối sống của chúng ta trở nên đô thị hơn mong muốn có sự tiếp xúc với thiên nhiên sẽ tăng lên chứ không hề giảm đi. Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống trong các đô thị chúng ta không thể bỏ qua yếu tố vô cùng quan trọng – CÂY XANH.
Cây trồng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố sinh thái như ánh sáng, nhiệt độ, nước, không khí, dưỡng chất… Các yếu tố không tồn tại độc lập mà tác động qua lại, gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành một tổ hợp sinh thái ảnh hưởng tới cây xanh. Ngoài ra, tác động đến cây xanh đô thị còn có các yếu tố nhân tạo như hoạt động của cư dân, giao thông, chiếu sáng…
Xét về mặt công dụng, ngoài việc lấy bóng mát, cung cấp ô xy, tạo cảnh quan, cây xanh đô thị còn phải đảm bảo không gây tổn hại tới sức khỏe con người và môi trường sống. Ví dụ không nên chọn trồng các loại cây có độc tính cao, có mùi khó chịu, cây dễ gây di ứng hay cây dễ bị gãy đổ, có thể gây ra thiệt hại vật chất.(H1)
H1. Hàng cây hoa sữa với mùi hương quá nồng nàn làm ảnh hưởng đến môi trường sống đô thị.
Các yếu tố khi hậu
Ánh sáng, nước, nhiệt độ và không khí là những yếu tố sống còn của cây cối và bất kỳ vật thể sống nào.
Ánh sáng là một yếu tố cần thiết cho sự sinh trưởng, phát triển của thực vật. Nhờ phản ứng quang hợp, cây tạo ra chất hydrat cacbua cho quá trình sinh trưởng của mình, nó hấp thụ các bô nic đồng thời tạo ra khí ô xy. Dựa vào nhu cầu ánh sáng trong toàn bộ quá trình sống của thực vật ta có thể phân thành các nhóm : Cây ưa sáng, Cây trung tính và Cây chịu bóng (râm). Tuy nhiên, cũng cần chú ý, nhu cầu ánh sáng của các loài cây còn thay đổi theo thời gian sinh trưởng (tuổi cây).
Đi đôi với ánh sáng, nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình sống của cây. Thông thường, người ta sẽ chọn cây trồng cho đô thị từ các loại cây bản địa phù hợp đã tồn tại hàng vạn năm. Tuy nhiên, trong điều kiện chăm sóc và khai thác tại đô thị ta có thêm nhiều chọn lựa đáng quan tâm, ví dụ các loại cây tuy không có nguồn gốc bản địa nhưng cùng đới khí hậu, hoặc thậm chí khác đới khi hậu nhưng phù hợp với điều kiện cụ thể, với vi khí hậu tại nơi trồng.(H2)
H2. Hàng sà cừ trên đường Hoàng Diệu - Cây sà cừ có nguồn gốc châu Phi nhưng dễ trồng, dễ sống và có bóng mạt rộng đã được người Pháp gây trồng tại Việt nam.
Không khí và gió cũng là một yếu tố tự nhiên có tác động mạnh tới cây trồng. Gió sẽ khiến gia tăng sự bốc hơi nước từ lá, gió mạnh thổi liên tục sẽ làm thay đổi hình dạng bên ngoài và thậm chí gây gẫy cành, đổ cây. Thông thường, nhiệt độ trong các đô thị lớn thông thường cao hơn 1 – 3 độ so với nhiệt độ chung trong vùng nhưng gió và không khí trong đô thị lại không thay đổi một chiều. Tùy theo vị trí, theo kiến trúc của từng khu vực mà chất lượng không khí và chế độ gió hoàn toàn khác nhau, dù cùng nằm trong một đô thị. Các trục đường giao thông hay khe hẹp tạo nên bởi các cao ốc sẽ tạo điều kiện thông thoáng cho các luồng gió, như vậy cần bố trí cây trồng có sức chịu gió tốt. Ngược lại, sẽ có những khu vực kín gió thích hợp với các loại dây leo, cây cảnh làm đẹp. (H3)
H3. Cây leo dàn ở phố cổ Hội An đã làm đẹp và thơ mộng nhiều thêm cho đô thị cổ này.
Chất lượng không khí cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Không khí đô thị dù nơi ít nơi nhiều nhưng đều bị ô nhiễm ở một khía cạnh nào đó. Các thành phần gây ô nhiễm chủ yếu thông qua các lỗ khí đi vào trong lá, ảnh hưởng tới hoạt động bài tiết sinh lý của thực vật. Vì vậy, chọn cây trồng phù hợp, có tính đề kháng ô nhiễm cao sẽ không chỉ giúp cây tồn tại và phát triển mà còn giúp làm sạch môi trường không khí. Tại các khu ở, nồng độ CO2 luôn cao và ta nên ưu tiên cây có bóng mát, tán lá rộng. Trong khi đó, cây và cỏ ven đường cần gánh vác thêm nhiệm vụ hấp thụ khí thải do các phương tiện vận tải sinh ra, tương tự như vậy với hệ thống cây tại các khu công nghiệp tập trung. (H4).
H4. Hàng cây xanh trên đường Phạm Hùng không những tạo bóng mát mà còn làm trong sạch môi trường đô thị.
Các yếu tố thổ nhưỡng
Cũng như ánh sáng, nước là yếu tố không thể thiếu đối với cây trồng. Có thể coi nước là một yếu tố khí hậu, nhưng trong trường hợp cụ thể ta tạm coi nước là một yếu tố thổ nhưỡng. Khác với trong tự nhiên cây cỏ phải lấy nước từ nguồn nội tại (sông, hồ) hoặc từ mưa, cây xanh đô thị có thể được cấp nước nhân tạo theo một chu trình phù hợp tối ưu. Đây là một ưu thế đặc biệt của cây xanh đô thị so với cây xanh mọc trong tự nhiên, cho phép ta có sự chọn lựa lớn hơn, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế, thuận theo tự nhiên vẫn là giải pháp an toàn và tiết kiệm nhất, ví dụ cây ưa nước nên trồng ven hồ hoặc ở địa hình trũng, cây chịu hạn bố trí nơi khô ráo, trên các công trình…(H5)
H5. Cây Lộc Vừng là cây ưa nước được trồng ven hồ Hoàn Kiếm đã được phát triển rất tươi đẹp.
Tương tự như vậy là các thành phần dưỡng chất trong đất chính là thức ăn cho cây. Trong tự nhiên, người ta phân ra thành rất nhiều dạng đất khác nhau, tương ứng với mỗi loại chất sẽ có các hệ cây xanh phù hợp. Phân loại thep địa hình sẽ có đất đồi núi, đất đồng bằng, đất thấp ven nước, đất ngập mặn… ; phân theo dưỡng chất sẽ có đất mùn, đất phù sa ven sông, đất pha cát, đất phèn… ngoài ra còn có thể phân theo tính chất lý / hóa học của đất… Ở môi trường đô thị ta sẽ gặp thêm một số loại đất như đất thải, đất sau thi công, đất san lấp nền … tạm coi là đất nhân tạo. Vì đây không phải đất tự nhiên (liền thổ) nên không có sự cung cấp nước mao quản từ dưới lên, độ dày tầng đất có hạn, nước hữu hiệu trong đất ít, đất rất dễ bị thoái hoá, vi sinh vật trong đất hoạt động kém. Nhìn chung, từ các công viên hoặc vạt rừng lớn, cây trồng đô thị luôn ở trong tình trạng thiếu đất cả về bề sâu lẫn bề rộng, vì vậy việc cải tạo đất trước khi trồng cũng như chọn cây có khả năng sinh tồn cao luôn cần phải được ưu tiên.
Các yếu tố quy hoạch kiến trúc
Quy hoạch đô thị luôn gắn với quy hoạch không gian xanh, hay nói khác quy hoạch cây xanh, mảng xanh là một bộ phận gắn bó hữu cơ với quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị luôn gắn với việc bảo vệ và tôn tạo môi trường, ngoài việc tạo lập, giữ gìn và phát triển các không gian xanh ở nội thành (vườn hoa, công viên, cây đường phố), rừng ngoại thành, mà còn phải giải quyết các vấn đề liên quan đến giảm thiểu ô nhiễm và độc hại sinh ra trong quá trình hoạt động (sinh sống, sản xuất, đi lại) của con người. Cây xanh, mảng xanh đô thị sẽ phát huy hết tác dụng khi được bố trí đủ số lượng, đúng chất lượng, có tính liên tục và liên quan hữu cơ với nhau.(H6)
H6. Đường Phan Đình Phùng với hai hàng cây trồng đã tạo nên một trong những đường phố xanh, sạch, đẹp và thơ mộng nhất của thủ đô Hà nội.
Độ phủ xanh được đánh giá thông qua diện tích xanh, số cây xanh bình quân đầu người cho từng khu vực. Thông số tiêu chuẩn phụ thuộc vào số dân, sự phân bố công trình, lượng xe lưu thông, các hoạt động sản xuất, … Đồng thời, việc bố trí trồng cây, phát triển mảng xanh phải đảm bảo yêu cầu cải thiện môi trường, ngăn chặn sự lan toả của các chất gây ô nhiễm, tiếng ồn từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, xe cộ, ...
Cần phải đảm bảo tính liên tục của hệ thống cây xanh, mảng xanh trong mặt bằng tổng thể đô thị. Các thành phần của mảng xanh bao gồm vườn hoa, công viên, vành đai cây xanh cách ly các khu chức năng, hệ thống rừng, công viên ngoại vi, các khu di tích lịch sử, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ... Tất cả phải được kết nối với nhau bằng các dãy cây xanh đường phố, xa lộ, cây trồng phân tán trên đường đi, bờ kênh, bờ mương, bờ hồ, ... để tạo nên hệ thống mảng xanh thống nhất và liên tục từ nội đô ra ngoại thành. (H7)
H7. Hàng cây to bóng mát ven đường Nguyễn Ngọc Vũ và sông Tô Lịch đóng vai trò như là tuyến dẫn xanh để liên kết mảng xanh toàn đô thị.
Hệ thống cây xanh, mảng xanh còn cần phải có sự liên hệ hữu cơ, gắn bó với các yếu tố tự nhiên như địa hình, mặt nước. Cây xanh là một trong năm thành phần của cảnh quan thiên nhiên, do đó không thể tách rời cây xanh khỏi các thành phần còn lại như địa hình, mặt nước, không gian và động vật, trong đó dân cự đô thị là trung tâm. Tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên, đặc điểm khí hậu như hướng gió, lượng mưa, thổ nhưỡng, ... khi bố trí cây trồng, phát triển mảng xanh cho từng khu vực, trên cơ sở đất nào cây nấy, đặc biệt chú ý đến đất đai đã thay đổi cấu trúc bởi các công trình xây dựng.
Ngoài ra, còn cần kết hợp với các di tích lịch sử, di tích văn hoá, danh lam thắng cảnh. Di tích lịch sử văn hoá là biểu hiện trực quan của một thời kì nhất định trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, sự phát triển của nền văn minh hoặc hình ảnh của cuộc sống. Đây là một yếu tố rất quan trọng đối với hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, giáo dục văn hoá cho cư dân đô thị.(H8)
H8. Cây xanh và mặt nước Hồ Gươm hoà quyện đã tạo nên một bài thơ cảnh quan đô thị.
Cây xanh, mảng xanh đô thị không nhất thiết phải phân bố đều, mà có thể được phát triển ở những nơi thích hợp nhất, khai thác triệt để các ưu thế nội tại, từ điều kiện tự nhiên cho tới nhân tạo. Đây được cói là phương châm “mềm dẻo” bởi nó phù hợp với thực tiễn đô thị, nhất là khu vực nội thành - nơi mọi vị trí về kiến trúc cơ bản đã được an bài.
Các yếu tố Văn hóa Xã hội
Cây xanh đóng vai trò vô cùng to lớn trong đời sống vật chất và văn hóa của loài người. Cây xanh luôn được đề cao và bảo vệ, một số dân tộc còn có tín ngưỡng thờ cây xanh. Người Việt Nam không hẳn có phong tục thờ cây nhưng trong việc trồng cây cũng có một số quan niệm nhất định về văn hoá. Đầu các làng cổ Việt Nam chúng ta đều bắt gặp những cây Đa, cây Si hay cây Gạo nơi bến nước. Quanh làng là tre nứa, trong vườn là mít, cau, dưới ao hồ chắc chắn phải có hoa sen hoa súng. Cây cối còn mang biểu trưng văn hóa như Cây đa cây đề chỉ những người tiên phong, có ảnh hưởng lớn trong một lĩnh vực nào đó, cây trúc tượng trưng cho người quân tử, măng tượng trưng cho sự tiếp nối trường tồn.
Việc chọn cây xanh theo tiêu chí văn hóa không có tiêu chuẩn cụ thể nàonhưng nhìn chung có thể chọn dựa vào các loại cây tiêu biểu của vùng miền, cây gắn với lịch sử và truyền thống của địa phương.(H9)
H9. Hình ảnh rừng cọ đồi chè và nhà sàn đã tạo nên đặc trưng của cảnh quan vùng trung du Phú Thọ.
Song song với việc chọn và trồng cây, ta có thể gắn thêm các hoạt động đẩy mạnh phong trào trồng cây, chăm sóc và bảo vệ cây như khôi phục lại Tết trồng cây, phát động nhân dân đề xuất các loài cây, hoa tiêu biểu cho vùng hoặc thành phố của mình. (H10)
H10. Hải Phòng đã đi vào thơ và nhạc với hình ảnh của một thành phố mang tên một loài hoa phượng đỏ.
Chính quyền cũng cần có những quy định cụ thể về đánh giá và phân loại cây trồng. Phải coi việc bảo tồn cây quý, cây lâu năm như di sản của đô thị, đồng thời có các mức chế tài và xử phạt mạnh những hành vi phá hoại cây xanh.
Ngoài ra, cũng nên chú ý tới khía cạnh kinh tế. Hệ thống cây xanh đô thị được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cân bằng sinh thái, cải thiện môi trường sống chứ không phải để khai thác như nguồn lâm sản. Tuy nhiên, bên cạnh việc cải tạo môi sinh và cảnh quan nó lại giúp gia tăng giá trị bất động sản một cách không dễ đo đếm được. Chính vì vậy, việc chọn lựa cây trồng cũng như chi phí chăm sóc bảo dưỡng cần được đong đếm một cách chi li để tạo ra hiệu quả cao nhất, kể cả về mặt kinh tế. (H11)
H11.Khu đô thị Ecopark là một ví dụ tốt cho việc cây xanh làm gia tăng giá trị bất động sản.
Thay cho lời kết
Cũng như việc coi trọng và sử dụng cây xanh của con người trên toàn thế giới, từ xưa ông cha ta đã biết sử dụng cây xanh cho cuộc sống hàng ngày của mình. Ở các lăng tẩm, đền chùa, miếu mạo. Cây xanh đã được trồng theo những quy tắc nhất định và mang đặc thù vùng miền. Tuy nhiên, việc trồng cây xanh công cộng với quy mô lớn, tuân thủ quy hoạch, quy chuẩn hầu như không có. Các tài liệu viết về cây xanh đô thị cũng hoàn toàn vắng bóng.
Việc trồng cây xanh đô thị một cách bài bản được coi là bắt đầu từ cuối thế kỷ XXI, khi người Pháp tiến hành cải tạo cơ bản các đô thị lớn tại Việt Nam như Hà Nội và Sài Gòn (nay là thành hố Hồ Chí Minh). Lần đầu tiên, các công viên lớn được xây dựng, điển hình là Bách thảo ở Hà Nội và Thảo cầm viên ở Sài Gòn.
Từ năm 1954, sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nước ta phát triển việc trồng cây xanh đô thị trên quy mô lớn theo mô hình của Liên Xô, điển hình là Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Đây cũng được coi là công trình mở đầu cho ngành thiết kế cảnh quan cũng như quan điểm trồng cây xanh đô thị có hệ thống và có quy hoạch. Từ sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, thiết kế cảnh quan được chú ý đến nhiều hơn, cây xanh đô thị được trồng ngày một nhiều hơn, quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn. Ngày nay, trong khi đời sống kinh tế ngày một nâng cao thì môi trường lại bị ô nhiễm tăng nặng vì vậy việc trồng cây xanh đô thị càng được xã hội quan tâm nhiều hơn bao giờ hết.
Từ khoá : Cây xanh, (Tree), đô thị (Urban)
Tài liệu tham khảo
- Bradshaw (1995), Tree in Urban landscape, Spon
- Các trang Web của công ty công viên cây xanh của các thành phố
- Các văn bản của bộ Xây dựng về tiêu chuẩn cây xanh trồng trong đô thị
- Đặng Kim Chi, Lê Thị Phương Thảo (1980), Cây trồng đô thị tập 1,2, NXB Xây dựng Hà nội
TS. Đặng Việt Dũng - Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch.