Cảnh quan công viên ngập nước

05/12/2023 Lượt xem : 1937

Công viên ngập nước là một ví dụ về thiết kế cảnh quan thích ứng để sống cùng với những khu vực nhạy cảm, nhằm giải trí trong một hệ sinh thái mong manh. Một số các dự án trên thế giới sau đây là bài học kinh nghiệm cho các khu vực đặc thù tại Việt Nam. 

 

Sinh viên Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham quan thực tế tại Tập đoàn Triệu Điền: Hành trình khám phá cây xanh và không gian xanh
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024

1. Công viên ngập nước Qunli

Đây là dự án công viên đất ngập nước rộng 34,2 ha, nằm trong khu vực có mật dộ cao, áp dụng cách tiếp cận sinh thái đô thị bảo tồn thiên nhiên biến vùng đất ngập nước đang hấp hối thành một “bọt biển xanh”. Hệ sinh thái đô thị sáng tạo này bao gồm một khu vực ngập nước có chức năng làm sạch và lưu trữ nước mưa đô thị, nạp lại tầng nước ngầm, bảo vệ môi trường sống bản địa và cũng mang đến những trải nghiệm giải trí và thẩm mỹ. Chiến lược thiết kế đã phải áp dụng nhiều giải pháp liên ngành. Ở lõi giữa là bãi ngập nước nguyên thủy. Tiếp theo là phần trung gian – có thể gọi là bộ lọc giữa mảng hoàn toàn tự nhiên và phần nhân tạo của thành phố, thông qua bộ phận là các đường ống nằm ngầm quanh chu vi của khu đất giúp làm sạch nước mưa từ nền bê tông xuống vùng ngập nước tự nhiên. Hệ thống đường dạo và mảng sân được dựng một cách khiêm tốn, len lỏi cánh đồng, đưa thiên nhiên tới gần con người. Công viên hiện đã được liệt kê là một công viên đất ngập nước đô thị quốc gia.

Hình 1. Cảnh quan thích ứng với thiên nhiên – Công viên ngập nước Qunli

2. Công viên ngập nước Weiliu

Công viên ngập nước Weiliu là một ví dụ về dự án bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên hướng đến sự phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hóa tăng nhanh hiện nay. Dự án công viên sinh thái ven sông dài 3200m, rộng 470m với tổng diện tích 125ha tại Trung Quốc. Dự án là một ví dự điển hình về việc chuyển thể một không gian bị ô nhiễm, suy thoái cả về sinh thái và cảnh quan nguyên gốc thành một công viên sinh thái với hạ tầng xanh. Sự ứng xử thông minh đã tạo nên một không gian cảnh quan thích ứng với BĐKH, loại bỏ các hoạt động của con người làm xáo trộn chu trình sinh thái, trả lại thiên nhiên và các trải nghiệm thiên nhiên cho con người.

Các chiến lược thích ứng bao gồm: Kiểm soát mực nước, kiểm soát những thay đổi về địa hình địa chất, quản lý nước mưa, cải thiện chất lượng môi trường, tái sử dụng nước thải và phục hồi đa dạng sinh học. Điều đó sẽ biến khu vực này thành một công viên đô thị mang lại nhiều giá trị tích hợp về môi trường và cho con người.

Dự án được phân chia thành các khu vực với cao độ khác nhau, trong đó các khu vực thấp nhất được thiết kế để trở thành đất ngập nước tự nhiên, chấp nhận ngập lụt. Trong khi đó, các khu vực có nguy cơ lũ lụt thấp hơn được sử dụng cho các khu đất ngập nước xây dựng. Đồng thời, khu vực cao nhất trong khuôn viên sẽ được chỉ định cho các không gian giải trí và thư giãn. Các yếu tố kỹ thuật sinh học đã được sử dụng như kè mềm, rọ đá, và dốc cỏ, cầu gỗ tự nhiên, thực vật hiện trạng bản địa đã được sử dụng để thích ứng BĐKH, phục hồi đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống.

Về mặt hạ tầng, dự án chú trọng tới việc cải tạo lại các đường đê hay con đường mòn sẵn có thành các hành lang xanh; xây dựng một số điểm vị trí tại vành đai đệm để thu gom, xử lý và tái sử dụng nguồn nước thải; hỗ trợ quá trình phục hồi cấu trúc tự nhiên bằng cách sử dụng sức mạnh tái tạo của chính thiên nhiên. Theo đó, loại bỏ hầu hết các xáo trộn đang diễn ra của con người như đổ rác và nạo vét cát, tái tạo một môi trường sống đa dạng của địa phương. Ngoài hệ thực vật hiện có được làm nền cảnh quan, dự án đã bổ sung thêm các cây địa phương, cây bụi và thực vật thủy sinh để khôi phục nơi trú ẩn và môi trường sống cho các loài thủy sinh, động vật lưỡng cư và chim.

Về mặt nhân văn, dự án nghiên cứu trả lại lối sống nông thôn và trải nghiệm tự nhiên, đáp ứng nhu cầu địa phương cho các hoạt động nông thôn, các khu vực giải trí mang tính chất đô thị nhưng gắn kết với nông thôn như quảng trường dân dụng, sân chơi thủy sinh, trang trại đô thị và khu tập thể dục dạng mộc mạc. Trong mọi trường hợp, nước được sử dụng như một yếu tố thiết kế chính, được đưa vào công viên có tác dụng làm mềm cảnh quan, và hòa hợp với các yếu tố văn hóa địa phương. Thiết kế cảnh quan đã chú trọng tới một số công trình nghệ thuật trong tự nhiên. Dự án hướng đến đầy đủ các dịch vụ sinh thái mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng lồng ghép với hệ thống quản lý lũ thích ứng với các phương án kỹ thuật cải tạo môi trường đất tại khu vực ngập nước hoặc có thể ngập nước, quản lý nước mưa...

 

Hình 2. Công viên ngập nước Weiliu

3. Công viên ngập nước Liupanshui Minghu

Công viên đất ngập nước Liupanshui Minghu (Trung Quốc) được phát triển như một phần của chiến dịch toàn thành phố nhằm cải thiện môi trường đô thị thông qua cơ sở hạ tầng sinh thái. Thiết kế nhằm mục đích cải thiện chất lượng nước, cung cấp khả năng giữ nước mưa, phục hồi dòng sông Thủy Thành (River Shuicheng) và tạo không gian xanh công cộng cho thành phố đông dân cư. Do đó, dự án đã dỡ bỏ bờ kè sông bằng bê tông để nhường chỗ cho việc khôi phục bờ sông tự nhiên và các tuyến đường thủy, được tích hợp vào hệ thống quản lý nước mưa và thanh lọc sinh thái.

Đặc trưng trong phong cách của khu vực này là công viên đất ngập nước có các lối đi lượn giống như dải ruy băng chia cảnh quan thành các vùng đất ngập nước và ao chứa nước. Những khu vực bậc thang này giúp làm chậm dòng nước cao điểm, điều hòa nước mưa theo mùa và khuyến khích sự phát triển của thảm thực vật bản địa và vi sinh vật, giúp loại bỏ các chất ô nhiễm và chất dinh dưỡng khỏi nước. Đường dành cho người đi bộ và đường dành cho xe đạp quét qua cảnh quan để duy trì lối đi ra bờ sông. Một số biển báo được cắm ở đây nhằm mục đích giáo dục du khách về ý nghĩa văn hóa và tái tạo của cảnh quan.

Hình 3. Công viên ngập nước Liupanshui Minghu

Một số cách tiếp cận cảnh quan khu vực nhạy cảm khác trên thế giới:

Rút kinh nghiệm từ phương pháp tiếp cận và tổ chức cảnh quan các khu vực nhạy cảm, mong manh trên Thế giới, có thể thấy rằng, phần lớn sẽ có cơ chế quản lý riêng và giải pháp thích ứng đối với các dự án khác nhau. Các mức độ sử dụng, tần suất sử dụng tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của các dự án đó. 

Như vậy, công viên ngập nước là cảnh quan được hình thành trên cơ sở sử dụng phương pháp thích ứng những yếu tố thiên nhiên và bối cảnh xã hội để tạo nên một không gian cảnh quan mới, không chỉ chú trọng về ngữ cảnh điều kiện tự nhiên, mà còn quan tâm sâu sắc đến nhu cầu xã hội của thời đại mới.

Cuộc khủng hoảng môi trường tại các thành phố lớn đòi hỏi các tầm nhìn và giải pháp có hướng khả thi để can thiệp vào một vòng xoáy có thể mất kết nối với thiên nhiên và văn hóa. Ở các thành phố lớn và hiện đại, có những cảnh quan đặc thù, nhạy cảm càng cần được lưu ý và tiếp cận một cách đặc thù.

  1. Kongjian Yu, Zhang Lei, Dihua Li (2008). Living with Water: Flood Adaptive Landscapes in the Yellow River Basin of China. JoLA - Journal on Landscape Architecture 3(2):6-17. DOI:10.1080/18626033.2008.9723400
  2. Musacchio, L.R. (2018). Ecologies as a complement to ecosystem services? Exploring how landscape planners might advance understanding about human–nature relationships in changing landscapes. Landscape Ecol 33, 847–860. https://doi.org/10.1007/s10980-018-0646-8
  3. Quy hoạch hai bên sông Hồng, Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. 
  1. Stoffle R.W., Toupal R., Zedeño N. (2003). Landscape, Nature, and Culture: A Diachronic Model of Human-Nature Adaptations. In: Selin H. (eds) Nature Across Cultures. Science Across Cultures: The History of Non-Western Science, vol 4. Springer, Dordrecht. https://doi.org/10.1007/978-94-017-0149-5_5
  2. The Boston Harbor Association (2014). Designing with water creative solutions from around the globe, Preparing for the Rising Tide Series. Volume 2.
  3. Viện Quy hoạch Thuỷ lợi (2017). Báo cáo tình hình dân sinh kinh tế vùng bãi Sông, Điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội;

Website:

  1. Archdaily. Qunli Stormwater Wetland Park / Turenscape. Qunli Stormwater Wetland Park / Turenscape | ArchDaily, truy cập ngày 5.11.2023
  2. Báo Lao động, Hà Nội nghiên cứu đưa bãi giữa, bãi bồi vensông Hồng thành công viên, Hà Nội nghiên cứu đưa bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên (laodong.vn), truy cập ngày 5.11.2023
  3. Diễn đàn Doanh nghiệp, https://diendandoanhnghiep.vn/cuoi-nam-2021-do-an-quy-hoach-song-hong-se-duoc-duyet-202106.html, truy cập ngày 5.11.2023
  4. Landezine. Qunli National Urban Wetland. Qunli National Urban Wetland by Turenscape — Landscape Architecture Platform | Landezine, truy cập ngày 5.11.2023
  5. Landezine, Weiliu Wetland Park, https://landezine.com/weiliuwetland-park-by-yifang-ecoscape/, truy cập ngày 5.11.2023

 *ThS.KTS. DOÃN MINH THU

Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch

Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội