ĐÁNH GIÁ TIỀM NĂNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH DI SẢN NÔNG THÔN CỦA LÀNG CẦN KIỆM, THẠCH THẤT, HÀ NỘI
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
Lịch sử phát triển
Cần Kiệm là một địa danh có lịch sử phát triển lâu đời trong huyện Thạch Thất là một vùng đất với nhiều di tích lịch sử lâu đời được đánh giá cao và thường được gọi trong dân gian với tên “xứ Đoài” như nhắc đến một vùng đất chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của văn minh người Việt cổ. Nơi đây là vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng, thuộc bậc thềm phía tây Hà Nội nên có lịch sử dân cư và tổ chức hành chính từ rất sớm. trải qua hàng ngàn năm, cùng với sự biến đổi về địa giới hành chính, thì tên huyện cũng thay đổi nhiều lần. Theo một số học giả, cách đây hàng nghìn năm, địa phận phía tây huyện Thạch Thất là những đồi gò, núi thấp, là nơi cư trú của các cộng đồng bộ lạc người Việt cổ vào thế kỷ Hùng Vương – nơi đóng đô của các vua Hùng.
Xã Cần kiệm nằm ở ven con sông Tích uốn lượn ở ven phía Tây làng với địa thế gò đồi thấp có độ cao thoải dần từ phía Đông sang Tây. Lịch sử phát triển của xã Cần Kiệm cũng nằm trong tiến trình phát triển lịch sử của vùng đất Thạch Thất. Đến thời Hán, địa phận trong sông Tích là những cộng đồng dân cư đông đúc thuộc phía Nam đất huyện Mê Linh - quận Giao Chỉ. Địa phận ngoài sông Tích cổ xưa là những vùng sình lầy, trên những gò đất cao đã hình thành nên những cộng đồng dân cư sinh sống và thuộc Câu Lậu - quận Giao Chỉ. Nhiều học giả có những đánh giá khác nhau; đến năm Vĩnh Lạc thứ 2 (1404) tên huyện gọi là Thạch Thất.
Trước Cách mạng Tháng 8/1945 huyện Thạch Thất thuộc phủ Quốc Oai - tỉnh Sơn Tây, năm 1948 Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành sắc lệnh số 48-1948 bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận…huyện Thạch Thất thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngày 21/4/1965 hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành một đơn vị hành chính là tỉnh Hà Tây (cũ), Thạch Thất thuộc tỉnh Hà Tây. Ngày 21/12/1975 hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây (cũ) và Hoà Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Ngày 29/12/1978 cắt huyện Thạch Thất sát nhập vào thành phố Hà Nội. Ngày 12/08/1991 tách tỉnh Hà Sơn Bình thành 2 tỉnh Hà Tây (cũ) và Hoà Bình, chuyển huyện Thạch Thất từ Hà Nội về tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2008, xã Cần Kiệm là một trong 23 xã và thị trấn của tỉnh Hà Tây sáp nhập về thành phố Hà Nội, thuộc địa giới hành chính huyện Thạch Thất hiện nay là một trong 29 quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Cơ cấu làng, xã, thôn
Toàn xã nằm trên một khu vực bán sơn địa địa hình đồi núi thấp xen kẽ đồng bằng. Nhìn chung địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam về phía sông Tích. Trên địa bàn xã có một số ao hồ, ruộng trũng. Diện tích chủ yếu là đất ruộng nằm ở các thung lũng, ven đồi núi thấp. Sông Tích chảy qua địa bàn và bồi đắp phù sa cho đồng ruộng. Đặc điểm địa hình của Cần Kiệm mang lại cảnh quan bình dị đẹp đẽ và đặc trưng nông thôn chưa bị tác động của đô thị hóa.
Trước đây xã Cần Kiệm có 3 thôn chính là Phú Đa ở khu vực trục đường trọng tâm kết nối xã Cần Kiệm và xã Thạch Xá bên cạnh, thôn Phú Lễ bám sát con sông Tích và thôn Yên Lạc ở phía Bắc trên một khu vực có địa hình cao. Xã thôn trong xã nằm rải rác trong địa bàn xã và bám sát con sông Tích uốn lượn quanh làng như một yếu tố cảnh quan và tâm linh chủ đạo. Trong cơ cấu hiện nay xã Cần Kiệm có 6 thôn được tách ra từ 3 thôn chính ở trên thành: Phú Đa 1; Phú Đa 2; Phú Lễ; Yên Lạc 1; Yên Lạc 2; Yên Lạc 3 với tổng dân số xã: 8.473 người. Tổng số hộ: 2.079 hộ. Các thôn được kết nối với nhau bởi các tuyến đường chính xuyên qua trung tâm các thôn và kết nối với các xã lân cận. Do có con sông lọt sâu vào ranh giới các làng nên việc kết nối giao thông còn thông qua một số cây cầu như cầu Láng Cát, cầu Vàng.
Cấu trúc làng Cần Kiệm
Các khu dân cư của Cần Kiệm có cấu trúc phân tán dựa theo sự biến đổi của địa hình đồi núi thấp trong xã. Nhìn tổng thể, các thôn cư trú của Cần Kiệm được phân bố rải rác nhưng tập trung ở 3 khu vực chính là: Khu vực phía Đông Bắc xã gồm có thôn Yên Lạc 1 và Yên Lạc 2 với địa hình cao dốc dần xuống phía ven sông Tích; Khu vực trung tâm hành chính phía Đông Nam của xã gồm có thôn Phú Đa 1 và Phú Đa 2 nằm trên các đồi núi thấp dốc dần về phía Tây dọc trục đường nối sang xã Thạch Xá và Khu vực ven sát sông Tích ở phía Tây Nam xã gồm có thôn Phú Lễ 1 và Phú Lễ 2 có địa hình thấp nhất trong toàn khu vực.
Xã Cần Kiệm có một số khu vực trung tâm chính, tập trung các công trình công cộng và tôn giáo tĩn ngưỡng:
- Trung tâm hành chính xã: nằm trên trục đường liên xã ở lối vào phía Đông Nam kết nối với đường Tây Phương sang xã Thạch Xá. Khu vực trung tâm này bám quanh trục đường với các công trình hành chính như UBND xã Cần Kiệm, đình Phú Đa, đài tưởng niệm liệt sỹ trên đồi thông Quang Huy, chùa Cực Lạc, nhà lưu niệm Bác Hồ và một số quán thờ khác.
- Khu vực các công trình tâm linh thôn Phú Lễ ven sông Tích bao gồm đình Phú Lễ, chùa Nghiêm Quang.
- Khu vực công trình tâm linh thôn Yên Lạc 1 gồm có đình thôn Yên Lạc và hệ thống di sản cảnh quan nông thôn bao gồm cây đa 9 gốc hàng trăm năm, giếng thôn Yên Lạc và cảnh quan nông nghiệp ven sống Tích.
Các công trình kiến trúc nhà ở vẫn chủ yêu là nhà thấp tầng, từ 1- 3 tầng, dạng nhà mái ngói 1 tầng phong cách truyền thống còn khá nhiều, chiếm tới khoảng 60%. Chỉ có các nhà giáp trục đường chính của làng đang hình thành dần các dạng nhà cao 3-4 tầng, có cửa hàng.
Đồng ruộng chiếm khoảng 67% diện tích toàn xã, nằm chủ yếu ở phía Tây và Nam của xã. Đồng ruộng bằng phẳng, không nhiều ao, đầm. Công trình truyền thống còn lại là cầu (quán) trên cánh đồng. Một số nghĩa địa nằm khá rải rác.
(Nguồn tài liệu: Dựa trên bản đồ Quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Cần Kiệm năm 2012).
Về mặt xã hội, Cần Kiệm là một địa phương có bề dày lịch sử lâu đời với một số lượng lớn các di sản văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa dân gian đặc sắc với nhiều lễ hội, hoạt động văn hóa. Làng cũng có truyền thống yêu nước, làm cách mạng chống giặc ngoại xâm từ xa xưa. Cần Kiệm nằm trong khu vực phía Tây Hà Nội hay còn được gọi là xứ Đoài địa linh nhân kiệt gắn với vùng đất gốc của người Việt cổ và nền văn minh Việt cổ, nơi chứng kiến quá trình hình thành và phát triển của những nhà nước đầu tiên của người Việt. Vì vậy, người dân Cần Kiệm cũng có nền tảng nhận thức văn hóa sâu sắc và lòng tự hào về những di sản quê hương mình có.
Sơ đồ cấu trúc không gian và định vị các di sản văn hóa của xã Cần Kiệm
Không gian cảnh quan
Xã Cần Kiệm có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, địa hình – địa mạo, hệ sinh thái tự nhiên và truyền thống văn hóa – lịch sử lâu đời nên diện mạo cảnh quan rất phong phú và hấp dẫn. Sự phân bố của các khu vực cư trú của người dân có sự phân tán giữa 3 khu vực chính là thôn Phú Đa, thôn Yên Lạc và thôn Phú Lễ dựa trên sự thích nghi với điều kiện địa hình tự nhiên và sự gắn kết chặt chẽ với yếu tố sông ngòi là một yếu tố then chốt mang lại bản sắc cho không gian cảnh quan đặc sắc của Cần Kiệm. Các khu vực cư trú được chọn đều là những khu vực có địa hình cao ráo, có tầm nhìn tốt và gắn với các tuyến được liên xã chính. Nằm giữa các khu vực dân cư là các mảng xanh và sông ngòi được hình thành nên từ chính kinh nghiệm xây dựng môi trường cư trú thích ứng với điều kiện tự nhiên. Chính nền tảng văn hóa tạo lập môi trường cư trú này theo thời gian đã góp phần đem lại cho không gian cảnh quan xã Cần Kiệm một cấu trúc và diện mạo rất riêng và có giá trị đặc sắc.
Không gian cảnh quan thôn Yên Lạc
Không gian cảnh quan ở Cần Kiệm có những đặc trưng chính là cảnh quan khu vực có đồi núi, cảnh quan khu vực ven sông và cảnh quan đồng ruộng. Những khu vực đồi núi thường được bố trí các công trình có ý nghĩa tôn giáo hoặc tâm linh như đình, chùa, miếu, quán, nhà thờ hoặc đài tưởng niệm liệt sĩ. Các công trình được bố trí trên những điểm cao nhất của đồi hoặc gò, có lối lên được xây dựng theo thực tế địa hình. Hệ thực vật trên vùng bán sơn địa khá phong phú với những cây xanh đặc trưng ở các tầm cao khác nhau như thông, bạch đàn, dương xỉ, đa, si... Tại Cần Kiệm, những khu vực có cảnh quan đặc trưng đồi núi là thôn Phú Đa 1, thôn Yên Lạc 2 và 3 với mật độ dày đặc các công trình tôn giáo, tâm linh được xây dựng theo các điểm cao nhất tại các thôn xóm.
Cảnh quan đồi núi Nứa
Những khu vực cảnh quan ven sông thường là nơi cư trú của người dân với ưu thế thuận lợi giao thông đi lại và gắn chặt với mặt nước phụ vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp và xây dựng. Tại Cần Kiệm, các thôn có đặc trưng cảnh quan ven sông là thôn Phú Đa 2, thôn Phú Lễ và thôn Yên Lạc 1. Cảnh quan khu vực ven sông là sự hòa quyện của hệ thống công trình tôn giáo, công trình nhà ở, không gian cây xanh và không gian mặt nước tạo thành đặc trưng cảnh quan điển hình của làng xã truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng. Các thành tố cảnh quan cơ bản được người dân nhiều đời nay dựa trên đặc điểm địa hình và quan niệm tâm linh tổ hợp một cách tự nhiên và linh hoạt như tổ hợp cây đa – bến nước – sân đình.
Cảnh quan đặc trưng ven sông của thôn Phú Lễ
Cảnh quan sông Tích
Sân trước đình Phú Lễ ven sông Tích
Khu vực đồng ruộng ở xã Cần Kiệm là những nơi có địa hình bằng phẳng giữa xen kẽ các đồi núi chủ yếu ở phía Đông Nam, Tây Nam và Tây Bắc gắn với dòng sông Tích. Một phần đồng ruộng len lỏi giữa các khu vực cư trú có địa hình cao.
Cảnh quan đồng ruộng ở Cần Kiệm
Cần Kiệm có điều kiện địa lý với các ưu thế về địa hình, địa mạo bán sơn địa nên cảnh quan trong đó có hệ thống cây xanh mang đặc trưng riêng. Như đã trình bày ở mục 4.1 về không gian cảnh quan, Cần Kiệm có ba hình thái cảnh quan đặc trưng là cảnh quan đồi núi, cảnh quan ven sông và cảnh quan ruộng đồng. Với những hình thái cảnh quan đó thì hệ thống cây xanh cũng có nhưng giống loài và sự sinh trường cũng như diện mạo tương ứng.
Những cây xanh đặc trưng ở Cần Kiệm là cây thông, cây dương xỉ trên đồi gò, cây tre trúc, cây mít, cây đa, cây ngọc lan, cây liễu... ở khu vực bằng phẳng hơn. Các cây xanh đều được người dân lựa chọn phù hợp với vị trí trồng và đặc tính sinh trưởng của chúng. Ngoài ra, các cây xanh được chọn lọc và sử dụng trong các cụm công trình văn hóa và tôn giáo còn phải mang ý nghĩa nhất định.
Một số cây xanh phổ biến ở Cần Kiệm
Cây trúc trên đồi
Cây mít trong vườn nhà truyền thống
Cây hoa phượng gần chùa Kim Long
Cây hoa ngọc lan
Ở thôn Yên Lạc 1, cây đa 9 gốc có tuổi đời hơn 500 năm đã trở thành một niềm tự hào lớn đối với người dân Cân Kiệm vì sự lâu đời và sự đóng góp của cây đa này vào đặc trưng cảnh quan truyền thống của làng trong suốt một chiều dài lịch sử.
Cây đa 9 gốc thôn Yên Lạc 1 trên 500 năm tuổi
Sử dụng vật liệu, phương thức xây dựng truyền thốn
Huyện Thạch Thất là địa phương có nhiều đá ong nhất xứ Đoài do có đặc trưng ở vùng bán sơn địa nên người dân từ xa xưa đã sử dụng vật liệu địa phương là đá ong để xây dựng nhà cửa và các công trình công cộng như đình, đền, chùa, miếu, cổng, giếng... vì thuận tiện cho việc vận chuyển và giá thành thấp. Ngoài ra, vật liệu đá ong có những ưu điểm là có đồ bền cao lên đến hàng trăm năm, điều phối nhiệt tốt, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hàng chục năm trước nghề đào đá ong rất phổ biến để phục vụ nhu cầu xây dựng nội bộ làng xã và thậm chí còn bán ra ngoài. Ngoài việc sử dụng đá ong cho những công trình phổ biến là nhà dân và công trình công cộng, đá ong còn được nâng tầm giá trị với một tác phẩm mỹ nghệ điêu khắc.
Đá xuất hiện khắp mọi nơi, có khi ở dạng lộ thiên, cũng có khi nằm sâu dưới các lớp đất. Trong lòng đất thì đá mềm dẻo nhưng đào lên gặp ánh nắng mặt trời, dầm sương dãi gió đá càng cứng chắc với thời gian. Việc sản xuất đá ong là công việc năng nhọc, hoàn toàn làm thủ công, chỉ với cái thuổng, cái mai nhỏ bằng thép, người thợ sẽ thuốn định hình viên đá tùy theo kích cỡ của mình. Đá ong khi khai thác được chia làm ba loại: lớp đầu tiên là đá sản, kế đó là lớp thân và cuối cùng là đá chân. Trong đó đá thân là loại có khả năng chịu lực tốt nhất. Quá trình “ong hóa” đã làm cho đá khi thành viên có hoa văn trên bề mặt. Khi sử dụng đá ong để xây dựng, người ta không cần trát vữa lên bề mặt đá mà cứ để nguyên bề mặt thô mộc, xù xì, thô ráp, vàng sậm và lỗ chỗ như tổ ong tạo nên vẻ đẹp bí ẩn, trầm mặc cho những công trình xây dựng bằng đá ong.
Ngày nay do công việc khai thác và chế tác đá ong hết sức vất vả và thu nhập không nhiều nên không còn nhiều người làm nghề này nữa. Thay vào đó, người dân xây nhà bằng vật liệu gạch nung và bê tông cốt thép với sự hỗ trợ của công nghệ xây dựng nên tốc độ hoàn thiện nhanh.
Ngoài việc xây dựng nhà ở bằng vật liệu đá ong thì, Cần Kiệm cũng có nhiều người nghề làm mộc tập trung nhiều ở thôn Yên Lạc. Một số công trình tôn giáo và nhà ở truyền thống vẫn giữ kết cấu chịu lực bằng gỗ nguyên bản từ khi mới xây dựng.
Phương thức xây dựng truyền thống
Nhà ở xây từ đá ong
Hệ sinh thái
Theo lời kể của người dân Cần Kiệm, thì trước đây ở xã có hệ sinh thái tự nhiên hết sức phong phú với địa hình gò đồi xen kẽ với đồng bằng do rừng nguyên sinh và cây xanh còn nhiều và mật độ cư trú thấp. Khi có có nhiều động vật lớn như hổ, chòn. Tuy nhiên, hiện nay do việc khai thác rừng gia tăng và cây xanh bị suy giảm và cùng với việc sử dụng nhiều phân hóa học cho đồng ruộng và lối sống hiện đại có nhiều hóa chất nên không còn thấy nhiều chim, cò và các động vật hoang dã khác.
HIỆN TRẠNG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VÀ KHÔNG GIAN, CÔNG TRÌNH PHỤC VỤ
Các hoạt động, loại hình, tua tuyến
Tuy có vị trí nằm gần trung tâm thành phố Hà Nội và nằm ngay cạnh chùa Tây Phương, nhưng hoạt động du lịch tại làng Cần Kiệm còn chưa phát triển tương xứng với tài nguyên và tiềm năng du lịch. Hàng năm lượng khách đến thăm làng không nhiều, trong đó 2 điểm thu hút du khách nhất là chùa Cực Lạc và Khu du lịch sinh thái Quang Huy.
Các doanh nghiệp du lịch
Hiện tại, trên địa bàn xã Cần Kiệm có Khu sinh thái Quang Huy, bao gồm: Khu tiếp đón du khách, khu phòng hội nghị trong nhà, khu hội nghị ngoài rời, Phòng hát karaoke, khu phòng ngủ, phòng massage, khu nhà hàng, khu nhà sàn phục vụ ăn uống, khu dã ngoại thiên nhiên hoang dã, khu lửa trại cho đoàn thể, học sinh, sinh viên.
Cộng đồng tham gia
Chưa có hoạt động du lịch cộng đồng tại làng, người dân không tự tổ chức kinh doanh các hoạt động du lịch. Một số lao động trong làng làm việc tại Khu du lịch Quang Huy và bán hàng tại khu vực chùa Tây Phương và chùa Cực Lạc.
Các không gian, trung tâm dịch vụ du lịch:
Khu Du lịch sinh thái Quang Huy có hệ thống dịch vụ du lịch tương đối đầy đủ. Khu vực chùa Cực Lạc và trung tâm xã có một số cửa hàng dịch vụ, đáp ứng một phần nhu cầu ăn, uống của khách du lịch trong ngày.
Như vậy, xã Cần Kiệm sở hữu nhiều tiềm năng có giá trị cao về kiến trúc cảnh quan và hệ sinh thái nông thôn, nông nghiệp cũng như hệ thống giá trị di sản vật thể và phi vật thể kết hợp với một số mô hình phát triển du lịch đã và đang hoạt động trên địa bàn xã.
ThS. KTS. Phùng Thị Mỹ Hạnh tóm tắt