Di sản của Kiến trúc sư Jože Plečnik tại Ljubljana – Thiết kế Cảnh quan và kiến trúc đô thị lấy con người làm trung tâm

23/10/2023 Lượt xem : 419

Công viên công cộng trên cao High Line, Manhattan New York - Quá khứ và hiện tại
CÁC CÔNG NGHỆ KHẢO SÁT VÀ PHÂN TÍCH CẢNH QUANTHÔNG QUA HÌNH ẢNH BẢN ĐỒ
Talkshow " Truyền thống và Ý tưởng: Thách thức và Xu hướng Thiết kế Cảnh quan và Không gian mở tại Hungary"
THÔNG BÁO TỔ CHỨC THI MÔN VẼ MỸ THUẬT - KỲ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2024
Ngành Kiến trúc cảnh quan khát nhân lực vì công ty, doanh nghiệp cần nhân sự này

Cộng hòa Slovenia là một quốc gia thuộc khu vực Trung Âu, có biên giới với Italia, Áo, Hungary, Croatia và biển Adriatic phía Đông Nam. Trong lịch sử, Slovenia đã từng là một phần của Đế chế La Mã, bị cai trị bởi các nhà nước phong kiến Áo, Đức vào thời kỳ Trung Cổ, bị chiếm đóng bởi Đế chế Áo-Hung thời kỳ cận đại và thuộc về Công hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư cho đến khi tuyên bố độc lập vào năm 1991.

Jože Plečnik (1872 – 1957) là một kiến trúc sư người Slovenia, người có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc hiện đại của Vienna, Praha và Ljubljana, thủ đô của Slovenia, đáng chú ý nhất là thiết kế Cầu Ba Chẽ mang tính biểu tượng và quảng trường Nhà quốc hội, cũng như tuyến xanh dọc theo sông Ljubljanica, các tòa nhà chợ Trung tâm Ljubljana, khu phức hợp tang lễ Ljubljana, công viên, quảng trường đô thị... Dấu ấn thiết kế của ông ở Ljubljana được so sánh như ảnh hưởng của Antoni Gaudí đối với Barcelona. Phong cách của ông gắn liền với phong cách kiến trúc Vienna Secession (một kiểu kiến trúc theo trường phái Art Nouveau). Ngoài Ljubljana, ông còn làm việc ở Vienna, Belgrade và Praha. Ông cũng là thành viên sáng lập của Trường Kiến trúc Ljubljana, tham gia theo lời mời của Ivan Vurnik, một kiến trúc sư nổi tiếng khác của Ljubljana. 

Hình 1. Kiến trúc sư Jože Plečnik (1872 – 1957)

 

Hình 2. Ranh giới và vị trí khu vực và các điểm Di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị của KTS Jože Plečnik tại Ljubljana (nguồn: bộ hồ sơ Di sản UNESCO tại https://whc.unesco.org/en/list/1643/documents/)

Năm 2021, tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận danh hiệu Di sản đối với các tác phẩm của KTS Jože Plečnik tại thành phố Ljubljana với các giải pháp thiết kế đô thị lấy con người làm trung tâm. Ranh giới của Di sản nằm tại khu vực phố cổ thành phố Ljubljana với quy mô diện tích khoảng 19.132 hecta và vùng đệm khoảng 210.908 hecta. 

Hình 3. Khu vực phố cổ và tuyến cảnh quan ven sông Ljubljanica – một trong các thiết kế của KTS Jože Plečnik

(nguồn: https://travelslovenia.org/)

Các công trình mà Jože Plečnik thực hiện ở Ljubljana giữa Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai là một ví dụ về thiết kế cảnh quan và kiến trúc đô thị lấy con người làm trung tâm, của thành phố sau sự tan rã của Đế quốc Áo-Hung, khi chuyển từ một thành phố cấp tỉnh thành thủ đô biểu tượng của người dân Slovenia. Kiến trúc sư Jože Plečnik đã góp phần vào sự chuyển đổi này bằng tầm nhìn nhân văn sâu sắc của mình đối với thành phố, dựa trên sự tương tác của kiến trúc cảnh quan với thành phố cổ hiện hữu đồng thời phục vụ nhu cầu của xã hội hiện đại thế kỷ 20. Hệ thống di sản này bao gồm một loạt các không gian công cộng (quảng trường, công viên, đường phố, lối đi dạo, cầu) và các công trình công cộng (thư viện quốc gia, nhà thờ, chợ, khu phức hợp tang lễ) được tích hợp một cách tinh tế vào bối cảnh đô thị, tự nhiên và văn hóa đã tồn tại và đã góp phần tạo nên diện mạo và dấu ấn mới cho thành phố. Cách tiếp cận đô thị tôn trọng bối cảnh và hướng đến con người cao này, cũng như cá tính trong thiết kế đặc biệt của Plečnik trở nên nổi bật so với các nguyên tắc chủ nghĩa hiện đại chiếm ưu thế khác trong thời đại của ông. Đây là một trường hợp đặc biệt về việc tạo ra không gian công cộng, tòa nhà và khu vực xanh theo tầm nhìn của một kiến trúc sư trong một thời gian giới hạn, không gian hạn chế của một thành phố hiện tại và với nguồn lực tương đối hạn chế khi đó. 

Hình 4. Phương án cải tạo cảnh quan kết nối hai bờ sông Ljubljanica của Plečnik những năm 1920

Trong phương án cải tạo tổng thể dọc bờ sông trung tâm, Plečnik xác định vị trí cho các cây cầu cho đương đại và kể cả dự tính trong tương lai. Cách tiếp cận thiết kế thực dụng của ông đã giải quyết nhu cầu vận hành, kiểm soát của hệ thống mặt nước trong thành phố và góp phần cung cấp nước vào đời sống của người dân. Khi nhiệm vụ quản lý nước hiệu quả ở Ljubljana vốn bị lãng quên từ lâu thì qua đề xuất của Plečnik hệ thống mặt nước không chỉ đóng vai trò điểm nhất cảnh quan mà còn là một cơ sở hạ tầng đa dạng. 

Hình 5. Trục mặt nước sông Ljubljanica (1915) trước khi có giải pháp can thiệp cảnh quan của Jože Plečnik

(nguồn: Kerry O’Connor, 2014)

Hình 6. Kiến trúc cảnh quan trục mặt nước sông Ljubljanica ngày nay qua sự can thiệp của Jože Plečnik

(nguồn: https://notaboutthemiles.com/best-things-to-do-in-ljubljana-slovenia)

 

Hình 7. Tầm nhìn từ lâu đài trên đồi về phía quảng trường Prešernov và cầu Ba chẽ (nguồn: tác giả, 2005)

Hình 8. Cầu Ba chẽ (1932) kết nối hai bờ sông Ljubljanica được Plečnik cải tạo nhằm gia tăng lựa chọn giao thông cho người dân

(nguồn: https://travelslovenia.org/)

Plečnik bắt đầu thiết kế hạ tầng và cảnh quan mặt nước cho thành phố Ljubljana vào cuối những năm 1920 với một loạt cây cầu mới, đặc biệt nhất là cầu Ba Chẽ, phiên bản mở rộng của cây cầu cũ kết nối khu phố trung cổ và khu phố mới. Các cây cầu của ông thiết kế có chiều rộng gần bằng chiều dài và có chức năng như các quảng trường đô thị, tận dụng khu vực ở những khu vực đông đúc nhất của thành phố để buôn bán, đi dạo và biểu diễn. Tại các giao điểm của cầu Ba Chẽ với dãy chợ có mái dọc sông Ljubljanica, Plečnik đã có giải pháp kết nối tầng trung gian để có sự chuyển tiếp không gian liên tục trên bờ kè sông Ljubljanica một cách an toàn và sống động với các không gian có mái và không có mái. 

Hình 9. Chợ có mái dọc sông Ljubljanica – nơi giao lưu xã hội và văn hóa cộng đồng

(nguồn: https://www.visitljubljana.com)

Hình 10. Kết nối giữa cầu Ba Chẽ và không gian chợ có mái dọc sông Ljubljanica

(nguồn: Kerry O’Connor, 2014)

Khu chợ có mái dọc sông Ljubljanica với lối kiến trúc gợi nhớ đến các cung điện Venice là một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất của thành phố Ljubljana. Khi Plečnik thiết kế dãy công trình chợ có mái dọc sông theo phong cách Phục hưng Italia, ông đã chọn các hàng cột cổ kính ở giữa lối tiếp cận từng gian hàng bánh mì, hàng thịt, cá và đồ lưu niệm. 

Hình 11. Mặt tiền kiến trúc dãy chợ có mái và lối xuống sông Ljubljanica

(nguồn: bộ hồ sơ Di sản UNESCO tại https://whc.unesco.org/en/list/1643/documents/)

Thiết kế cảnh quan đô thị “Ljubljana của Plečnik” dựa trên sự đối thoại kiến trúc giữa những can thiệp của ông và thành phố cũ hiện có. Dựa trên cảnh quan đô thị nhân tạo và các đặc điểm tự nhiên của nó, hai trục không gian đô thị đã được hình thành: trục trên mặt đất và trục trên mặt nước. Hai trục này được nối với nhau bằng các trục ngang, giúp hình thành mạng lưới đô thị của thành phố. Trục không gian – đường đi bộ Xanh bắt đầu từ Cầu Trnovo và chạy qua Quảng trường Cách mạng Pháp, dọc theo phố Vegova với Thư viện và Đại học Quốc gia, và kết thúc tại Quảng trường Quốc hội với Công viên Zvezda. Chạy song song là trục nước – Lối đi dạo dọc theo kè và cầu của sông Ljubljanica – kéo dài từ quận Trnovo đến Cửa cống sông Ljubljanica. Trung tâm thành phố lịch sử được kết nối với các điểm quan trọng ở cả vùng ngoại ô nông thôn và thành thị, cũng như với mạng lưới không gian rộng lớn hơn của Ljubljana: Nhà thờ Thánh Michael, Nhà thờ Thánh Francis Assisi, Plečnik's Žale - Khu vườn của các Thánh.

 

Hình 12. Nhà hát mùa hè Križanke (1952-1956) được Plečnik cải tạo từ một tu viện cũ (nguồn: tác giả, 2005)

Nhà hát mùa hè Križanke được Plečnik cải tạo và chuyển đổi từ một tu viện cũ thời trung cổ thành một trong những điểm văn hóa chính của thành phố với sức chứa 1400 người, là nơi thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc và lễ hội của Ljubljana. Plečnik đã tuân theo các nguyên tắc thời Phục hưng cũng như tổ chức hài hòa các yếu tố cũ và đương đại khi cải tạo khu phức hợp này với một dãy cửa sổ trên tường tu viện hướng tầm nhìn vào bên trong và thiêt kế lát lại nền nhấn ngôn ngữ hình học và bổ sung đèn chiếu sáng quanh sân. 

Hình 13. Thiết kế chi tiết cảnh quan sân vườn khu phức hợp hà hát mùa hè Križanke (nguồn: tác giả, 2005)

Trung tâm thành phố được thiết kế một cách mới mẻ và phát triển một loạt không gian công cộng (quảng trường, công viên, đường phố, lối đi dạo, cầu) và các tổ chức công cộng (thư viện, nhà thờ, chợ, khu phức hợp tang lễ). Các tổ hợp công trình này là một ví dụ nổi bật về đổi mới đô thị được phát triển trong bối cảnh các tòa nhà và không gian hiện có và được điều chỉnh để phù hợp với cư dân. Cùng với điều đó, các giải pháp can thiệp của Plečnik đã tạo ra một loại không gian và kiến trúc đô thị khác, không giới hạn ở một mục đích sử dụng cụ thể nào đó mà thay vào đó tạo ra sự kết nối giữa các mục đích sử dụng và ý nghĩa khác nhau, đồng thời tạo ra bản sắc mới cho không gian. Các yếu tố kiến trúc, kiểu loại và không gian của kiến trúc cổ điển được tổng hợp, biến đổi và hiện đại hóa một cách sáng tạo.

Hình 14. Khu vực trung tâm - Trục đi bộ từ cầu Trnovo đến quảng trường Nhà quốc hội

Di sản thiết kế cảnh quan đô thị của KTS Jože Plečnik tại thành phố Ljubljana được công nhận do đã thỏa mãn Tiêu chí thứ IV trong bộ tiêu chí xét duyệt Di sản UNESCO. Tiêu chí này yêu cầu Di sản được chọn phải là ví dụ nổi bật về một loại hình công trình, quần thể kiến trúc hoặc công nghệ hoặc cảnh quan minh họa (các) giai đoạn quan trọng trong lịch sử loài người.

Hình 15. Nhà thờ thánh Michael trên vùng đầm lầy Ljubljana với vật liệu địa phương 

(nguồn: https://www.visitljubljana.com/)

Những giải pháp can thiệp do kiến trúc sư Jože Plečnik thiết kế trên khắp thành phố Ljubljana trong thời gian ngắn giữa hai cuộc Thế chiến kết hợp lại đã trở thành một ví dụ nổi bật về đổi mới đô thị lấy con người làm trung tâm nhằm mục đích xây dựng quốc gia sau sự sụp đổ của Đế quốc Áo-Hung. Chúng dựa trên mối quan hệ hài hòa với bối cảnh của không gian và tiềm năng tự nhiên của nó. Thành phố không được xây dựng mới hoàn toàn mà được cải thiện bằng những giải pháp can thiệp ở quy mô nhỏ hoặc quy mô lớn – các quần thể kiến trúc, tòa nhà và điểm nhấn đô thị mới. Mối quan hệ với quá khứ được thiết lập theo nhiều cách khác nhau, từ việc điều chỉnh mạng lưới đô thị và kết hợp các cấu trúc hiện có thông qua việc gợi nhớ kiến trúc và bằng cách thiết lập cảnh quan mới cho thành phố. Không gian đô thị mới không bị giới hạn trong một mục đích sử dụng cụ thể mà có nhiều chức năng khác nhau và tổng thể do đó mang đậm những ý nghĩa mới.

Hình 16. Khu vườn của các vị Thánh thuộc phức hợp tang lễ Žale (1937-1940) - (nguồn: tác giả, 2005)

Khu phức hợp tang lễ Žale được Plečnik thiết kế mang tính biểu tượng bao gồm nhà nguyện ở trung tâm, các nhà nguyện cho nhiều vị thánh và công viên phong phú cây xanh, đài phun nước, đường đi dạo… Plečnik đã thể hiện thông điệp trong tổ hợp công trình mang tính biểu tượng này rằng các nền văn minh, các tôn giáo và tộc người khác nhau đều bình đẳng trước cái chết. 



Hình 17. Khu phức hợp tang lễ Žale (1937-1940) - (nguồn: tác giả, 2005)

Thiết kế đô thị ở Ljubljana, là kết quả của các giải pháp can thiệp của Jože Plečnik, bao gồm các đặc điểm dễ nhận biết của một thành phố thủ đô mang tính biểu tượng được kiến trúc sư tạo ra giữa hai Thế chiến. Cảnh quan đô thị của Ljubljana minh họa một cách toàn diện việc nâng cấp không gian hiện quan tâm đặc biệt đến yếu tố địa hình và dựa trên việc sử dụng và thể hiện các tầng bậc lịch sử liên tiếp. Địa hình không gian được thể hiện thông qua thiết kế cảnh quan đô thị theo 2 trục: trục đất và trục nước. Thiết kế của cả hai tuyến không gian đều bắt nguồn và rút ra từ việc sử dụng không gian liên tục, xác định vị trí và mục đích sử dụng của quảng trường, chợ, cầu, công viên và các không gian công cộng khác cũng như các công trình kiến trúc. Một loạt không gian công cộng mang lại cho thành phố những tiện ích cộng đồng, từ không gian tâm linh (Nhà thờ Thánh Michael và Thánh Francis thành Assisi, Plečnik's Žale – Khu vườn của các vị thánh), không gian thư giãn (công viên khảo cổ dọc theo Bức tường La Mã, và lối đi dạo dọc bờ kè sông Ljubljanica, bến tàu Trnovo), đến các hoạt động chợ (Chợ Plečnik), giao lưu xã hội (Quảng trường Quốc hội, cầu Ba Chẽ, Cầu Cobblers') và các hoạt động trí tuệ và văn hóa (Phố Vegova, Thư viện Quốc gia và Đại học).

Thành phố đã có một cơ chế bảo vệ thống nhất đảm bảo rằng các khu vực hiện chưa được xây dựng sẽ không bị xâm phạm, không gian đó vẫn duy trì mục đích sử dụng truyền thống và cung cấp sự bảo vệ toàn diện khỏi các biện pháp can thiệp có khả năng gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của tài sản nối tiếp.

Hình 18. Cầu Trnovo phía Tây Nam trung tâm thành phố có bờ kè thích ứng với ngập lụt

Hình 19. Bờ kè bậc thang và hàng cây liễu trên sông Ljubljanica phía Nam thành phố (nguồn: Kerry O’Connor, 2014)

Dọc theo sông Ljubljanica, ở khu vực ngoại vi trung tâm, thiết kế bờ kè sông đồng bộ với mật độ cư trú các khu vực lân cận. Ở phía nam ngoại ô của thành phố dòng sông bị lõm xuống cách mặt nước liền kề từ 4.5-6m và bờ sông được thiết kế một lối đi dạo rợp bóng mát có các lối đi xuống dành cho người đi bộ. Ngay sát mặt nước, một gờ đá có bậc thang có độ khớp nối cao cung cấp chỗ ngồi trên bậc thang và đánh dấu độ cao tương đối của dòng sông. Các bờ dốc được trồng cây giúp tạo ra sự ngăn cách từng phần và cũng là không gian công cộng trong thành phố. Plečnik đã thiết kế những hàng liễu dọc bờ sông có tác dụng đóng khung không gian và phân định các khu vực riêng biệt.

Hình 20. Rào chắn sông Ljubljanica – công trình hạ tầng kỹ thuật mang tính biểu tượng của Plečnik

(nguồn: https://www.visitljubljana.com/) 

Chuỗi thiết kế này đã duy trì các đặc điểm và thiết kế đô thị ban đầu, trong đó phản ánh việc bảo tồn và nâng cao bối cảnh của không gian. Các bộ phận nối tiếp đã được bảo tồn một cách trung thực thiết kế ban đầu của chúng trong cách sắp xếp bên ngoài, bên trong cũng như trên mặt tiền, đồ nội thất bên trong và sự chú ý tuyệt vời đến từng chi tiết. Vật liệu xây dựng đã được gia cố ở hầu hết các thành phần vào những năm 1990, nhưng bất kể việc sửa chữa riêng lẻ hay các biện pháp can thiệp bảo tồn và phục hồi vốn là hệ quả của việc sử dụng liên tục, tính xác thực của vật liệu nói chung vẫn không bị ảnh hưởng. Việc mở rộng phát triển đô thị không làm ảnh hưởng đến khu vực di sản; trong một số trường hợp, việc sửa chữa được thực hiện để đáp ứng các yêu cầu sử dụng hiện đại và đảm bảo độ an toàn cao hơn cũng như độ ổn định về cấu trúc của công trình. Với một số trường hợp ngoại lệ, các chức năng và cách sử dụng ban đầu của tất cả các thành phần cũng như tính năng của chúng đều được bảo tồn và người dân có thể tiếp cận không gian ngoài trời. Các đặc điểm của thiết kế đô thị ban đầu cũng được bảo tồn, mặc dù những thay đổi một phần đã xuất hiện do thảm thực vật phát triển quá mức và ở một số nơi do áp lực giao thông địa phương, vốn đã được giải quyết một cách chiến lược trong suốt thập kỷ trước.

Yêu cầu bảo vệ và quản lý khu vực Di sản

Di sản kiến trúc và cảnh quan của Plečnik là di tích có tầm quan trọng quốc gia và được bảo vệ bởi Pháp lệnh chính thức. Tất cả các phần thành phần nối tiếp đều có kế hoạch bảo tồn làm cơ sở cho bất kỳ sự can thiệp nào vào khu vực Di sản. Các công trình được điều phối bởi Viện Bảo vệ Di sản Văn hóa (IPCHS) Slovenia và được giám sát bởi người bảo tồn được chỉ định đặc biệt đối với di sản của Plečnik. Hệ thống quản lý bổ sung cho hệ thống hiện có nhằm bảo tồn di sản của kiến trúc sư Jože Plečnik ở Ljubljana từ các góc độ chuyên môn, tổ chức cũng như pháp lý và tài chính, đồng thời có sự tham gia của chủ sở hữu, người quản lý cũng như các cơ quan công quyền. Việc quản lý tài sản hoạt động ở hai cấp độ. Tất cả các bộ phận cấu thành đều có kế hoạch quản lý và quy trình cụ thể để thực hiện và phê duyệt các kế hoạch đó. Tình trạng bảo tồn được IPCHS giám sát, đặc biệt nhấn mạnh vào các yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến tài sản, đặc biệt là áp lực phát triển và du lịch. Sự phối hợp của các chủ sở hữu cá nhân, người quản lý, tổ chức công và cơ quan chuyên môn hình thành Cơ quan quản lý được đảm bảo bởi một người quản lý chung có trách nhiệm chung trong việc thực hiện kế hoạch quản lý chung. Bảo tàng Kiến trúc và Thiết kế Ljubljana, với tư cách là người quản lý chung được chỉ định, hợp tác với các tổ chức ở cấp tiểu bang và địa phương chịu trách nhiệm bảo vệ, giám sát, trình bày, giáo dục và nghiên cứu, quảng bá và du lịch văn hóa.

ThS. KTS. Phùng Thị Mỹ Hạnh ghi chép trong chuyến tham quan Ljubljana năm 2005 và tổng hợp các nguồn tài liệu liên quan