Ngành Kiến trúc cảnh quan khát nhân lực vì công ty, doanh nghiệp cần nhân sự này

25/03/2024 Lượt xem : 993

GDVN -Hiện nay, số sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại các cơ sở đào tạo kiến trúc chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động trong xã hội.

Sinh viên Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham quan thực tế tại Tập đoàn Triệu Điền: Hành trình khám phá cây xanh và không gian xanh
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024

Kiến trúc cảnh quan (thuật ngữ tiếng Anh: Landscape Architecture) là ngành học đang ngày càng khẳng định được vị thế quan trọng đối với sự phát triển của đô thị và chất lượng cuộc sống của con người, nhất là về vấn đề môi trường, sinh thái và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, thuật ngữ “Kiến trúc cảnh quan” chưa được nhiều người biết đến, ngành học này thường chỉ được hiểu trong giới hạn khái niệm về “vườn cảnh”, “trồng cây” hoặc cảnh quan gói gọn trong các công trình như công trình tôn giáo, cung điện, lăng tẩm, khu nghỉ dưỡng,...

Ngành Kiến trúc cảnh quan - “Liệu pháp” cân bằng cho đô thị

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn - Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, Kiến trúc cảnh quan là lĩnh vực chuyên môn khoa học tổng hợp, ứng dụng hài hoà các nguyên lý về khoa học và nghệ thuật, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, điêu khắc, hội họa, thậm chí cả kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, địa lý, khí hậu,...

Nếu như kiến trúc gắn nhiều về hình khối và không gian, thì kiến trúc cảnh quan còn giải quyết câu chuyện tổng hoà với thiên nhiên và sự phát triển bền vững, lấy con người và các sinh vật sống làm trung tâm.

Ngành học này đòi hỏi nền tảng kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau, nhằm thiết lập và cải tạo môi trường sống lý tưởng, tạo ra mối quan hệ tổng hòa giữa tài nguyên thiên nhiên, sinh hoạt con người và công trình kiến trúc.

IMG_7027.JPG
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn - Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Huỳnh Thị Bảo Châu - Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho hay: Ngành học bao hàm nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu rộng, tổng hợp ứng dụng các nguyên lý thẩm mỹ về hạ tầng kỹ thuật, điêu khắc, hội họa, lâm nghiệp đô thị, thực vật,... Kiến trúc cảnh quan kết hợp tính đa dạng về mục tiêu và thể loại của đồ án thiết kế, với sự biến đổi không ngừng của điều kiện môi trường.

Từ đó, người học được trang bị những kiến thức về cảnh quan sinh thái, cảnh quan văn hoá để thực hiện nhiều loại đồ án khác nhau trên quy mô toàn cầu, đất nước, vùng miền, địa phương, hay thiết kế sinh thái, đô thị, khu ở, và điều hành các hoạt động liên quan đến môi trường.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải – Trưởng Bộ môn Kiến Trúc, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng – người có hơn 38 năm kinh nghiệm thiết kế công trình và giảng dạy liên tục ở nhiều trường đại học lớn khu vực phía Nam, cho biết: Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của Kiến trúc cảnh quan rất rộng, bao gồm những cấu trúc và cấp độ không gian phong phú, tích hợp các giá trị sinh thái bền vững ở nhiều cấp độ khác nhau.

Người học Kiến trúc cảnh quan có thể tham gia vào giai đoạn đầu của dự án để tạo ra ý tưởng với sự hiểu biết về kỹ thuật và sự tinh tế về sáng tạo cho thiết kế không gian.

Kiến trúc sư cũng có thể đồng hành trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác sử dụng, xem xét đề xuất và giám sát các hợp đồng thiết kế. Đồng thời, họ có thể vừa phác thảo ý tưởng, chuẩn bị kế hoạch tổng thể, vừa thiết kế bản vẽ chi tiết với các thông số kỹ thuật.

4033c36923aa8ff4d6bb.jpg
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lê Trọng Hải – Trưởng Bộ môn Kiến Trúc, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Với sự bùng nổ của việc mở rộng không gian đô thị về cả chiều cao, chiều sâu và bề rộng, nước ta thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước ồ ạt khai thác không gian xen cấy trong các đô thị cũ và mới. Điều này có thể đến mất cân bằng, gây áp lực nặng nề cho nhiều đô thị trong nước ta.

Vì vậy, Kiến trúc cảnh quan trở thành một “liệu pháp” cần thiết, vừa điều tiết vật lý cho đô thị hài hoà, vừa giúp cân bằng hành vi và tâm lý con người trong không gian xã hội hiện nay.

Giải mã nhu cầu “khát” nguồn nhân lực trong nước

Theo Tiến sĩ Lê Trọng Hải, các quốc gia tiên tiến hiện nay thường có một lực lượng kiến trúc sư cảnh quan hùng hậu, được đào tạo bài bản và chuyên môn hóa.

Theo Liên đoàn Kiến trúc cảnh quan Quốc tế, hiện nay, trên thế giới, bình quân số kiến trúc sư cảnh quan chiếm từ 1/7 đến 1/12 tổng số kiến trúc sư đang hành nghề.

Trong khi đó, ở Việt Nam, đa số chuyên gia về kiến trúc cảnh quan là kiến trúc sư từ các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, kiến trúc dân dụng, nội thất, công trình,... có nghiên cứu thêm về cảnh quan, nên có thể mở rộng công tác này để phục vụ cho dự án.

Hiện nay, theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhân lực ngành kiến trúc đang chiếm khoảng 10% tổng nhân lực lĩnh vực xây dựng – kiến trúc. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các nước phát triển đạt khoảng 20-25%. Xét theo chiến lược phát triển của Bộ Xây dựng và xu hướng của quốc tế, nhu cầu nguồn nhân lực hàng năm về Kiến trúc nói chung và Kiến trúc cảnh quan nói riêng rất lớn.

Cơ hội việc làm của ngành này rất rộng mở. Tùy vào vị trí, năng lực và kinh nghiệm làm việc, mỗi người có thể nhận mức thu nhập khác nhau.

Đối với sinh viên mới ra trường làm việc tại các công ty, doanh nghiệp về kiến trúc, xây dựng công trình thì có mức lương khởi điểm từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Mức lương sẽ tăng dần theo thời gian và vị trí việc làm.

Tiến sĩ Huỳnh Thị Bảo Châu cho biết, nhìn chung, quá trình xây dựng và phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay nảy sinh một số vấn đề về tổ chức, quy hoạch không gian, trong đó có lĩnh vực kiến trúc cảnh quan chưa được chú trọng.

Do vậy, hình ảnh đô thị chưa xứng tầm với quan điểm và triết lý tổ chức không gian đô thị hài hòa, chưa cân bằng giữa yếu tố tự nhiên và nhân tạo, cũng như việc tạo dựng được cảnh quan hiện đại, mang đậm bản sắc đô thị.

Mối quan tâm đặc biệt tới chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan được thể hiện rõ rệt từ khoảng 15 năm nay. Tuy nhiên, với số sinh viên tốt nghiệp hàng năm tại các cơ sở đào tạo Kiến trúc sư thì chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động trong xã hội.

IMG_6810.jpeg
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Huỳnh Thị Bảo Châu - Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Quy hoạch Đô thị & Nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, người học lĩnh vực Kiến trúc có khả năng làm việc linh hoạt ở nhiều mảng đa dạng như quy hoạch, thiết kế đô thị, nội thất,... Thế nhưng, theo giới chuyên môn, không phải ngành học nào cũng có thể đào tạo hoàn toàn đầy đủ, chuyên sâu về riêng kiến thức của kiến trúc cảnh quan.

Sinh viên ngành Kiến trúc cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham gia buổi đi thực tế.jpg
Sinh viên ngành Kiến trúc cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham gia trải nghiệm thực tế. Ảnh: NTCC.

"Nhất là trong thời gian tới, xu hướng phát triển năng lực của kiến trúc sư sẽ phân nhánh chuyên sâu hơn. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội quyết định mở ngành và bắt đầu tuyển sinh ngành học mới là Kiến trúc cảnh quan từ năm 2022.

Nếu công ty, doanh nghiệp phát triển theo hướng đồng bộ, thì hầu hết mỗi tổ chức đều cần ít nhất 1 nhân sự Kiến trúc cảnh quan. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước, công ty tư vấn, thiết kế, thi công và cung cấp trang thiết bị liên quan cũng đang thiếu hụt nhân lực ngành này”, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn thông tin.

Thế mạnh riêng của mỗi cơ sở đào tạo ngành học

Theo chia sẻ của Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, người giữ vị trí Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, từ năm 2007, ngành học này đã được nghiên cứu, xây dựng chương trình khung cho cả nước. Sau đó, mỗi cơ sở đào tạo sẽ định hướng ngành học theo mục đích, tôn chỉ và phương pháp khác nhau theo đặc thù của mỗi trường.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chú trọng ưu tiên tới kỹ năng "thực chiến" của người học. Hằng năm, nhà trường kết nối với nhiều doanh nghiệp tư vấn, thi công, ban quản lý dự án,... trên toàn quốc với các hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực chuyên sâu như thiết kế cảnh quan đô thị, khu nghỉ dưỡng, vườn hoa - công viên, quảng trường - đường phố, sân vườn biệt thự, ban công,... Điều này mở ra nhiều cơ hội để sinh viên có thể lựa chọn, làm quen vị trí thực tập và trải nghiệm nghề.

Kiến trúc cảnh quan tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội hiện là ngành duy nhất ở Việt Nam xây dựng theo chuẩn đào tạo Kiến trúc sư của Ủy ban Kiểm định Kiến trúc Quốc gia Hoa Kỳ (NAAB) và giảng dạy theo phương pháp tiếp cận CDIO (Viết tắt của Conceive - Hình thành ý tưởng; Design - Thiết kế ý tưởng; Implement - Thực hiện; Operate - Vận hành).

 

Các phương pháp này trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn sâu, mà còn trang bị kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, lãnh đạo và khởi nghiệp để có thể làm việc trong môi trường toàn cầu.

Đội ngũ giảng viên của bộ môn hầu hết được đào tạo ở nước ngoài như Bỉ, Hà Lan,... cùng mạng lưới đối tác toàn cầu, thường xuyên tham gia các sự kiện của Hiệp hội Kiến trúc cảnh quan Châu Á - Thái Bình Dương.

Tiến sĩ Huỳnh Thị Bảo Châu cũng cho hay: Năm 2010, với sự tài trợ của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và sự hợp tác của khối các trường đại học kiến trúc của Pháp (Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie, Trường Đại học Kiến trúc và Cảnh quan Quốc gia Bordeaux, Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse), Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã triển khai đào tạo chuyên ngành này bằng tiếng Pháp.

Đến năm 2014, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội mở mã ngành chính quy đào tạo Kiến trúc Cảnh quan. Chương trình giảng dạy được xây dựng bởi hệ thống bài tập xưởng (đồ án môn học) dưới dạng gần nhất với hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.

Nội dung kiến thức tập trung vào môi trường, khoa học sinh thái, địa vật lý, lâm nghiệp, khía cạnh xã hội, kinh tế, luật pháp, chính trị,... gắn liền với cách thức tổ chức định tính trong không gian.

Việc giảng dạy được thực hiện dưới hình thức bài giảng lý thuyết trên lớp và chuyên đề, cho đến việc thực hành đồ án xưởng (chiếm trên 43 tín chỉ trên tổng số khối lượng chương trình đào tạo chung là 166 tín chỉ).

Với mục tiêu kích thích tư duy độc lập, tăng cường tự học và phát huy sáng tạo linh hoạt gắn với thực tiễn, người học được xây dựng kỹ năng chẩn đoán đô thị, lập dự án triển khai, thiết kế hình thái không gian cảnh quan, quản lý tiến độ dự án trong điều kiện các đô thị Việt Nam phát triển vượt bậc.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Trọng Hải chia sẻ, tuy hiện nay đề án tuyển sinh của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mới tập trung vào Kiến trúc công trình, nhưng chương trình đào tạo đã chứa đựng khối lượng kiến thức đáng kể về ngành Kiến trúc cảnh quan như: thiết kế đô thị bền vững, thiết kế kiến trúc cảnh quan, thiết kế công viên cây xanh khu trung tâm cấp quận và thành phố, thiết kế kiến trúc sinh thái,...

101A5077.JPG
Sinh viên ngành Kiến trúc công trình, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng. Ảnh: NVCC.

Trong tương lai gần, ngành Kiến trúc kết hợp với ngành Khoa học Xã hội Nhân văn của nhà trường sẽ mở chương trình đào tạo Kiến trúc cảnh quan Việt Nam kết hợp với Kiến trúc cảnh quan Trung Quốc, Nhật Bản trong thời gian đào tạo ngắn, hứa hẹn thu hút đông đảo người học quan tâm tham gia.

Chiến lược phát triển của Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, sẽ trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giảng viên hùng hậu và tài năng, có kiến thức vững vàng, sáng tạo, đáp ứng thị trường lao động, nhu cầu xã hội và hợp tác quốc tế ở Đông Nam Á và thế giới.

Để học tốt ngành Kiến trúc cảnh quan

Theo quan điểm của Tiến sĩ Lê Trọng Hải, khung năng lực của người học ngành Kiến trúc cảnh quan cần có tư duy thẩm mỹ trong việc cảm thụ, đánh giá và thiết lập không gian, khả năng nghệ thuật tinh tế, sáng tạo, khả năng phân tích và nghiên cứu về mối quan hệ giữa không gian với con người, khả năng triển khai và sử dụng kỹ thuật công nghệ, khả năng tích hợp hiểu biết về các khía cạnh sinh thái và môi trường bền vững, khả năng giao tiếp và tư vấn cộng đồng, khả năng trình bày bằng ngôn ngữ đồ hoạ,...

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, ngành Kiến trúc cảnh quan của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội định hướng đào tạo theo chất lượng chuyên sâu, không chạy theo về số lượng, vì vậy chỉ tiêu chỉ tuyển sinh khoảng 50 sinh viên/năm.

Đầu vào ngành Kiến trúc cảnh quan của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội yêu cầu dự thi môn Vẽ Mỹ thuật. Đặc biệt, ngoài các tổ hợp chung là V00, V02, riêng ngành học đặc thù này có thêm tổ hợp xét tuyển là Toán - Địa lý - Vẽ Mỹ thuật (V06), bởi mảng kiến thức địa lý gắn rất chặt chẽ với môi trường, là nền tảng cơ sở để nghiên cứu bản sắc riêng của từng khu vực kiến trúc.

Sinh viên ngành Kiến trúc cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham gia buổi trải nghiệm thực tế.JPG
Sinh viên ngành Kiến trúc cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham gia buổi trải nghiệm thực tế. Ảnh: NTCC

“Để theo đuổi ngành Kiến trúc cảnh quan, trước hết, người học cần yêu thiên nhiên, có đam mê nghiên cứu, tìm hiểu về các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững. Hơn nữa, sinh viên có năng lực mỹ thuật, tư duy sáng tạo và thiên hướng nghiên cứu giao thoa giữa cả khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn sẽ giúp có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình học tập”, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Em Heinrich Nguyễn Nadler - sinh viên lớp 68KDCQC, ngành Kiến Trúc Cảnh Quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ: Em theo đuổi ngành học này bởi niềm đam mê kiến trúc hòa hợp với hệ sinh thái, cây cối, thiên nhiên. Chương trình học tập hấp dẫn, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường cũng rất rộng mở.

7f3463e1-0bd6-4aba-a33c-1d7aa2a7c50d.jpeg
Heinrich Nguyễn Nadler - sinh viên lớp 68KDCQC, ngành Kiến Trúc Cảnh Quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Hơn nữa, gia đình em là dòng họ Nadler ở Đức, có truyền thống theo ngành Kiến trúc nên em được học hỏi, tìm hiểu về lĩnh vực này từ bố và anh trai.

Trong năm ba, sinh viên còn được tham gia học phần Tham quan xuyên Việt nằm trong chương trình giảng dạy của Khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Đồng thời, Nhà trường tổ chức cho sinh viên chuyến tham quan qua nhiều tỉnh, thành trên khắp đất nước nhằm củng cố lý thuyết cho sinh viên năm ba.

Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam