NHẬN DIỆN ĐẶC TRƯNG CẢNH QUAN TRONG KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ CÁC TỈNH MIỀN NÚI TÂY BẮC

07/06/2023 Lượt xem : 1490

Vùng Tây Bắc Bộ gồm 6 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái và Hòa Bình với diện tích trên 5,64 triệu ha; với số dân hơn 3,5 triệu người. Vùng TBB được ngăn cách bởi dãy núi Hoàng Liên Sơn và sông Hồng chảy từ phía Trung Quốc sang. Phía bắc của vùng giáp Trung Quốc; phía nam giáp vùng Bắc Trung bộ với tỉnh Thanh Hóa; phía đông giáp vùng Đông Bắc bộ và Trung du Bắc bộ với các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Ninh Bình, thành ph

Công viên công cộng trên cao High Line, Manhattan New York - Quá khứ và hiện tại
CÁC CÔNG NGHỆ KHẢO SÁT VÀ PHÂN TÍCH CẢNH QUANTHÔNG QUA HÌNH ẢNH BẢN ĐỒ
Talkshow " Truyền thống và Ý tưởng: Thách thức và Xu hướng Thiết kế Cảnh quan và Không gian mở tại Hungary"
THÔNG BÁO TỔ CHỨC THI MÔN VẼ MỸ THUẬT - KỲ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2024
Ngành Kiến trúc cảnh quan khát nhân lực vì công ty, doanh nghiệp cần nhân sự này

Hình H.1. Bản đồ địa giới vùng Tây Bắc Bộ

Vùng miền núi Tây Bắc (MNTB) là vùng đa dạng văn hóa và có cảnh quan đặc trưng, đại diện của hơn 20 dân tộc anh em, nơi có nhiều danh thắng đặc sắc để phát triển kinh tế du lịch. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc các đô thị MNTB dựa trên việc khai thác và tổ chức các giá trị đặc trưng của cảnh quan tự nhiên kết hợp với yếu tố kiến trúc và hoạt động văn hóa bản địa. Duy trì, khôi phục và tôn tạo các hệ sinh thái tự nhiên cũng như những cảnh quan đặc trưng tự nhiên được tạo bởi địa hình đồi núi - sông suối - thảm thực vật; cùng với việc bảo tồn và phát triển các vùng sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp; khai thác và tổ chức các tuyến cảnh quan ven sông, suối mang bản sắc văn hóa địa phương góp phần lưu giữ các hoạt động truyền thống của cư dân các đô thị MNTB.

  1. Đặc trưng về hình thái địa hình tự nhiên tổng thể

            Qua khảo sát về địa hình tổng thể của các đô thị MNTB, nhận diện về đặc trưng hình thái địa hình tự nhiên tổng thể của các đô thị vùng MNTB có thể tổng hợp thành những dạng sau:

a. Đặc trưng hình thái địa hình tự nhiên tổng thể theo mặt bằng: (Hình 1.1)

            - Dạng 1: Dạng thung lũng thuộc lưu vực sông lớn kết hợp với đồi thấp và núi cao (thành phố Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình).

            - Dạng 2: Khu vực thung lũng thuộc lưu vực suối, ngòi nhỏ kết hợp với đồi, núi có độ cao trung bình và lớn (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La)

b. Đặc trưng hình thái địa hình tự nhiên tổng thể theo mặt cắt - siluyet: (hình 1.2)

- Dạng 1: Là hình thức sông, suối kết hợp đồi có đỉnh tròn kiểu bát úp và núi có đỉnh khá nhọn nối với nhau theo kiểu yên ngựa (thành phố Sơn La, Yên Bái, Lai Châu).

- Dạng 2: Là hình thức sông kết hợp với núi có độ cao trung bình và lớn, đỉnh núi nhọn, đường sống núi sắc cạnh (Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình).

Hình 1.1. Nhận diện đặc trưng hình thái địa hình tự nhiên tổng thể

theo mặt bằng của các đô thị MNTB

Hình 1.2. Nhận diện đặc trưng hình thái địa hình tự nhiên tổng thể

theo mặt cắt - Siluyet của các đô thị MNTB

  1. Đặc trưng về cảnh quan mặt nước (Hình 2)

- Đặc trưng về sông của các đô thị MNTB gồm các sông lớn như sông Hồng (Lào Cai, Yên Bái),  sông Đà (Hòa Bình) có dòng chảy ngoằn ngoèo uốn khúc, chảy theo hướng Tây Bắc xuống Đông Nam. Màu nước của sông thường trong vào mùa khô và có màu đỏ đục vào mùa lũ. Các con sông lớn hầu hết đều được kè giật cấp hai bên bờ đoạn chảy qua khu vực đô thị nhằm tránh nguy cơ sạt lở cho đô thị vào mùa lũ.

            - Đặc trưng về suối, ngòi của các đô thị MNTB gồm các suối lớn như Nậm Rốm (Điện Biên), Nậm La (Sơn La), Ngòi Sẻ (Yên Bái): Lòng suối có đá cuội kích thước khá lớn và bờ suối có tổ hợp cảnh quan tự nhiên gồm đá cuội - cây bụi là những đặc điểm dễ nhận biết.

            - Đặc trưng về hồ nước trong các đô thị MNTB: Các hồ nước chính như hồ Đồng Tuyển (Lào Cai), hồ Yên Hòa, hồ trung tâm Km5 (Yên Bái), hồ thủy điện Thác Bà (Yên Bái), hồ Pa Khoang, Huổi Phạ (Điện Biên), hồ Hòa Bình (Hòa Bình), hồ Thủy Sơn (Lai Châu). Các hồ này có tác dụng trữ nước, tạo cảnh quan và làm thủy điện. Vì vậy tạo nên tổ hợp cảnh quan rất đặc trưng là mặt nước - đồi núi - mây trời.

 

Hình 2. Nhận diện đặc trưng cảnh quan mặt nước các đô thị MNTB

  1. Đặc trưng về cây xanh trong cảnh quan tự nhiên (Hình 3)

            Các loại cây xanh đặc trưng của các đô thị MNTB được phân bố theo độ cao của địa hình, cụ thể:

            - Hình thái cây xanh trên khu vực núi cao thường mọc theo mảng và có tầng bậc, phủ kín núi. Các loài cây phổ biến ở khu vực núi cao như: Thông đuôi ngựa, pơmu, sa mộc.

            - Hình thái cây xanh trên đồi có độ cao trung bình và thấp thường mọc phủ kín đồi đan xen các loại cây nông - lâm, phổ biến như: Keo, bạch đàn, quế, trám đen, chè...

            - Hình thái cây xanh khu vực thung lũng và lưu vực sông - suối thường là những loài cây theo mùa như: Ban, đào, mận trắng, tam giác mạch...

 

Hình 3. Nhận diện đặc trưng về cây xanh trong cảnh quan tự nhiên

của các đô thị MNTB

  1. Các tổ hợp cảnh quan mang bản sắc vùng MNTB (Hình 4)

            Vùng miền núi Tây Bắc có các tổ hợp cảnh quan đặc trưng nổi bật mang bản sắc riêng đó là:

            - Tổ hợp cảnh quan tự nhiên núi - suối (tụ thủy), phân bố trên các khe núi thuộc khu vực núi có độ cao lớn và trung bình.

            - Tổ hợp cảnh quan tự nhiên núi- sông - thung lũng, phân bố ở lưu vực sông suối.

            - Tổ hợp cảnh quan tự nhiên đá cuội - cây bụi - mặt nước, phân bố ở lưu vực ven sông, suối.

            - Tổ hợp cảnh quan nhân tạo gồm ruộng bậc thang - nhà sàn - suối phân bố ở lưu vực suối và đồi thấp.

            - Tổ hợp cảnh quan cầu qua sông suối.

            - Hình tượng cọn nước ở khu vực bờ sông, suối phục vụ lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân.

 

 

            Hình 4. Nhận diện các tổ hợp cảnh quan mang bản sắc của các đô thị MNTB

  1. Đặc trưng của hình thái cấu trúc đô thị (Hình 5)

            Có thể nhận thấy đặc trưng của hình thái cấu trúc các đô thị MNTB hầu hết có hình dạng cấu trúc hữu cơ hài hòa với đặc điểm địa hình tự nhiên đồi núi, sông suối và thung lũng. Có thể tổng kết cấu trúc của các đô thị MNTB thành 3 dạng :

a. Dạng 1 - Cấu trúc dạng dải kết hợp dạng tia: Đô thị phát triển xuất phát từ thung lũng, lưu vực sông từ đó phát triển phân tán thành tia nhánh len lỏi xen kẽ với địa hình đồi núi quanh thung lũng và một phần phát triển dọc theo bờ sông và bị giới hạn phát triển bởi địa hình núi cao xung quanh. Đô thị Lào Cai và Yên Bái có cấu trúc dạng này, không gian đô thị phát triển tầng bậc theo độ dốc của sườn đồi núi, một phần đô thị bám dọc hai bên bờ sông.

b. Dạng 2 - Cấu trúc dạng mảng: Đô thị phát triển theo mảng dưới chân núi và bị giới hạn bởi địa hình núi cao xung quanh theo dạng lòng chảo, đô thị nằm trong khu vực thung lũng khá rộng và tương đối bằng phẳng. Đô thị Điện Biên và Sơn La có cấu trúc dạng này.

c. Dạng 3 - Cấu trúc dạng dải: Đô thị phát triển bám dọc theo sông suối khu vực chân núi và bị giới hạn bởi địa hình núi cao hai bên tạo thành thung lũng hẹp. Đô thị Lai Châu và Hòa Bình có cấu trúc dạng này và phát triển bám theo lưu vực sông, suối theo dạng dải.

Hình 5. Nhận diện đặc trưng của hình thái cấu trúc các đô thị MNTB

  1. Cảnh quan hoạt động mang bản sắc vùng MNTB (Hình 6)

            Cảnh quan hoạt động đặc trưng trong không gian các đô thị MNTB dễ nhận thấy qua các hoạt động lễ hội dịp đầu năm mới, dịp thu hoạch vụ mùa; chợ phiên định kỳ hằng tuần, hằng tháng; các cuộc thi truyền thống như thi hái chè... của cộng đồng các dân tộc trong vùng như Thái, Mường, Dao, H'mông, Tày... không gian các hoạt động rất sống động và nhiều màu sắc thể hiện qua trang phục truyền thống cũng như các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc trong vùng MNTB.

Hình 6. Nhận diện cảnh quan hoạt động mang bản sắc vùng MNTB

 TS.KTS. Đặng Việt Dũng

Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Email: dungdv@huce.edu.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Đàm Thu Trang, (2015), Tổ chức Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc các đô thị Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.
  • UBND tỉnh Yên Bái (2012), Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái.
  • Đặng Việt Dũng (2021), Tổ chức kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc các đô thị miền núi Tây Bắc Việt Nam - Áp dụng cho thành phố Yên Bái, Luận án Tiến sĩ.