SINH THÁI CẢNH QUAN VÀ SỰ CẦN THIẾT ÁP DỤNG VÀO QUY HOẠCH CÁC KHU DLST RỪNG Ở VIỆT NAM

27/06/2023 Lượt xem : 1556

 Tại Việt Nam, sinh thái cảnh quan (STCQ) tuy không phải là lĩnh vực mới mẻ nhưng lại hoàn toàn xa lạ đối với các nhà quy hoạch. Chính hạn chế này khiến cho chất lượng quy hoạch các khu du lịch sinh thái (DLST) rừng còn nhiều bất cập do thiếu cơ sở lý luận và phương pháp khoa học. 

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới

Du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và là biện pháp hữu hiệu để tăng trưởng kinh tế, cải thiện GDP và xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là tại các nước có thiên nhiên đa dạng, phong phú. Bước sang thế kỷ XXI, nhiều nước đã lựa chọn phát triển mô hình du lịch sinh thái và nó nhanh chóng chứng minh đây là lựa chọn đứng đắn không chỉ để phát triển du lịch mà còn trở thành một công cụ chủ yếu để ngăn chặn mất mát tài nguyên đa dạng sinh học, đặc biệt ở những hệ sinh thái nhạy cảm và các khu vực tự nhiên cần được bảo vệ. Du lịch sinh thái dần trở thành xu hướng tất yếu.

Công tác quy hoạch các khu DLST rừng ở nhiều nước trên thế giới đã cho thấy vai trò then chốt của một ngành khoa học có tính ứng dụng rộng rãi là sinh thái cảnh quan học.

Sinh thái cảnh quan là gì?

Sinh thái cảnh quan là môn khoa học có nguồn gốc từ truyền thống lâu đời của sinh thái học Trung và Đông Âu, các nhà địa lý, các nhà hoạch định cảnh quan, kiến trúc sư, đặc biệt có nguồn gốc sâu xa liên quan đến các lĩnh vực địa lý, sinh thái học, và quản lý đất đai.

Thuật ngữ sinh thái cảnh quan lần đầu được đặt ra bởi Carl Troll, một nhà địa lý học người Đức, vào năm 1939. Ông đã phát triển các thuật ngữ này và xây dựng những khái niệm đầu tiên của sinh thái cảnh quan. Sau đó sinh thái cảnh quan trở thành môn khoa học phổ biến rộng rãi trong các nước nói tiếng Đức vào các năm 1950 đến 1960, lan rộng ra các nước nói tiếng Anh và Bắc Mỹ những năm 1980.

Đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lĩnh vực này được biết đến ở các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương và Nam Mỹ. Kể từ đó, sinh thái cảnh quan đã lan rộng đôi cánh của mình trên toàn thế giới, trong cả những nước phát triển và đang phát triển, và trở thành “một trong những nhánh trẻ nhất và năng động nhất của địa lý hiện đại hoặc sinh thái hiện đại” (Naveh and Lieberman, 1984).

Du lịch sinh thái rừng và quy hoạch khu DLST rừng

DLST (ecotourism) là sự hợp nhất của du lịch thiên nhiên và du lịch ngoài trời. DLST đang còn rất mới mẻ, do đó thường có sự nhầm lẫn giữa DLST với các loại hình phát triển du lịch khác.

Vậy du lịch sinh thái rừng là loại hình du lịch sinh thái tại các hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Quy hoạch khu du lịch sinh thái rừng là công tác quy hoạch cảnh quan với đối tượng là các khu rừng tự nhiên nhằm mục đích hướng tới tổ chức, tạo lập các không gian chức năng phục vụ hoạt động du lịch của con người trên cơ sở hài hòa với tự nhiên và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực, bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái rừng tự nhiên.

Kinh nghiệm nghiên cứu và áp dụng sinh thái cảnh quan vào quy hoạch khu du lịch sinh thái rừng của một số nước trên thế giới

Ở nhiều nước, các nhà sinh thái cảnh quan tham gia tích cực và không thể thiếu trong các cơ quan thiết kế kiến trúc - quy hoạch cũng như nhiều ngành kinh tế - xã hội khác. Sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến trúc sư và nhà sinh thái cảnh quan đã giúp đưa ra được những giải pháp hợp lý, bền vững không chỉ cho việc quy hoạch các khu du lịch sinh thái rừng, các khu bảo tồn tự nhiên mà còn cho quy hoạch đô thị.

 

Hình 1: Bản đồ GIS phân tích STCQ phục vụ công tác QH 1 khu rừng ở Phần Lan

Tại Phần Lan: Phần Lan đã sớm áp dụng STCQ vào công tác quy hoạch rừng từ những năm 90 của TK 20, được đánh dấu từ dự án hợp tác giữa Doanh nghiệp quản lý rừng nhà nước Metsähallitus và Viện Môi trường Phần Lan. Thời gian này các lý thuyết sinh thái cảnh quan áp dụng tại Phần Lan dựa trên nền tảng của Thụy Điển. Sau đó Metsähallitus đã kết hợp với nhiều nhà khoa học khác xuất bản cuốn Sổ tay hướng dẫn quy hoạch sinh thái cảnh quan. Cuốn sổ tay đưa ra các chỉ dẫn và tiêu chí để đánh giá, phân tích hiện trạng STCQ của các khu rừng tự nhiên; từ đó đưa ra các nguyên tắc cơ bản để quy hoạch rừng nhằm vừa bảo vệ được các hệ sinh thái rừng và phục vụ các hoạt động khác như phát triển du lịch và khai thác gỗ...

Tại Malaixia và Indonexia: Malaisia và Indonesia là hai đất nước giàu tiềm năng du lịch sinh thái rừng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bộ Văn hóa – nghệ thuật và du lịch hai nước đã xác định mục tiêu chỉ đạo của ngành du lịch là hướng tới phát triển bền vững. Lý thuyết sinh thái cảnh quan và GIS là các công cụ quan trọng để họ thực hiện điều này.

Các nhà khoa học sử dụng các nguyên lý sinh thái cảnh quan để phân cấp, đánh giá các hệ sinh thái rừng, từ đó đưa ra các giải pháp quy hoạch nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động khám phá, sinh hoạt và di chuyển của du khách đến hệ sinh thái tự nhiên.

 

Hình 2: Quy hoạch một khu DLST rừng ở Costarica

Mehico là nước có ngành du lịch phát triển ở khu vực Mỹ La Tinh với hơn 13 tỷ đô la/năm. Chính phủ nước này đã sử dụng sinh thái cảnh quan để phân loại, đánh giá và bảo vệ các hệ sinh thái, từ đó đưa ra các định hướng và tập trung phát triển các khu du lịch sinh thái trọng điểm, tạo sự khác biệt trong chương trình và nội dung du lịch sinh thái với khu vực.

Tại đây tập trung phát triển du lịch sinh thái khám phá các khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều giống động, thực vật đặc sắc. Một trong những thành công nhất của ngành du lịch nước này là khu bảo tồn thiên nhiên Bướm chúa nổi tiếng ở bang Michiacan, nơi có số lượng phong phú các loài bướm, trong đó có rất nhiều loại quý hiếm. Năm 2000, nhà nước đã áp dụng sinh thái cảnh quan để lập phương án quy hoạch lại khu du lịch và xây dựng các chương trình tham quan du lịch. Nhớ đó đến năm 2006, số lượng du khách đến đây tham quan đông gấp 12 lần so với năm 2000 và lên tới 275,000 lượt người.

Tại Bắc Mỹ, STCQ phát triển ở các nước Bắc Mỹ chủ yếu mang tính ứng dụng vào công tác quy hoạch sử dụng đất. Năm 1996 Wenche Dramstad, James D Olson và Richard Forman đã xuất bản cuốn Landscape Ecology Principles in Landscape Architecture and Land - use Planning – một cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn và được coi là cầu nối giữa hai lĩnh vực kiến trúc cảnh quan và sinh thái cảnh quan.

Lĩnh vực sinh thái cảnh quan đã đóng góp rất nhiều đối với quá trình xây dựng và bảo tồn cảnh quan khu vực, nhất là trong tổ chức quy hoạch bảo tồn và phát triển du lịch rừng ở Bắc Mỹ. Ví dụ các dự án quy hoạch rừng Maine (Mỹ), quy hoạch hành lang động vật hoang dã từ núi Santa Monica đến núi Santa Susana (Mỹ)...

Sự cần thiết nghiên cứu áp dụng sinh thái cảnh quan vào quy hoạch các khu du lịch sinh thái rừng ở Việt Nam

Tiềm năng và thế mạnh về sự đa dạng sinh thái rừng đã thu hút lượng khách du lịch lớn đến Việt Nam mỗi năm. Các khu rừng có diện tích lớn với hệ sinh thái khổng lồ, có giá trị lớn về môi trường, sự đa dạng sinh học, phong phú về các chủng loại động thực vật, vi sinh vật...thường là một những lựa chọn hàng đầu của khách du lịch.

Cho đến nay đã thống kê được 7.000 loài thực vật bậc cao có mạch, khoảng 800 loài rêu và 600 loài nấm. Theo dự báo của các nhà thực vật học số loài ít nhất sẽ lên đến 12.000 loài. Hệ động vật rừng Việt Nam cũng hết sức phong phú. Hiện đã thống kê được 275 loài thú, 826 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài ếch nhái, 471 loài cá nước ngọt, khoảng 2.000 loài cá biển, thêm vào đó có hàng chục ngàn loài động vật không xương sống ở cạn, ở vùng rừng ven biển và rừng nước phèn. Nhiều loài động vật quý hiếm và chỉ có tại VIệt Nam như: sao la, tê giác Cát Tiên, bò sừng xoắn...

Hiện trạng các khu rừng hiện nay cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại như: sự biến đổi diện tích che phủ rừng, sự suy giảm đa dạng sinh học và tuyệt chủng các loài quý hiếm, sự biến đổi cảnh quan và môi trường theo hướng tiêu cực do nạn phá rừng, khai thác các tài nguyên bừa bãi, cháy rừng, tổ chức DLST thiếu kiểm soát gây tác hại đến tự nhiên...

Công tác quy hoạch các khu DLST rừng sẽ giúp kiểm soát các vấn đề này và phát triển DLST bền vững. Tuy nhiên, hiện trạng quy hoạch các khu DLST nói chung và DLST rừng nói riêng ở Việt Nam đa số chưa tốt như: Hệ thống cơ sở hạ tầng hầu như còn yếu kém (Ví dụ: tại vườn quốc gia Xuân Thủy, hệ thống đường vào Vườn quốc gia hầu như chưa được nâng cấp nên rất khó đi, không có điện sử dụng và nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là nước mưa), quy hoạch các khu DLST tự phát, thiếu kết nối dẫn đến giải pháp sử dụng đất và bảo tồn rừng chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến bảo tồn rừng và đe dọa đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học, yếu kếm trong tổ chức các tuyến giao thông, tuyến tham quan để tiếp cận thiên nhiên, mới chỉ đáp ứng tiếp cận được các hệ sinh thái rừng, các loài thực vật và một số loài côn trùng (Ví dụ: chỉ có VQG Cát Tiên mới tổ chức được các tuyến đường để khách du lịch quan sát được các loại thú lớn như: hươu, nai, lợn rừng, cầy, chồn...vào ban đêm. Vườn quốc gia Xuân Thủy mới chỉ thiết lập được một số tuyến tham quan sơ bộ như các tuyến xem chim, tuyến chiêm ngưỡng cảnh quan độc đáo của hệ sinh thái ĐNN)...

 

Hình 3: Tuyến DLST trong rừng quốc gia Hoàng Liên

Khu DLST rừng là đồ án quy hoạch đặc thù, đòi hỏi phải có kiến thức sâu và tổng hợp về tự nhiên, môi trường, sinh thái... Việc nghiên cứu các đặc điểm tự nhiên đó lại được thực hiện do các nhà quy hoạch, những người không được đào tạo chính thức và cũng không được trang bị các kiến thức cơ bản về lĩnh vực này. Đây là một trong những nguyên nhân cốt lõi ảnh hưởng đến chất lượng các đồ án quy hoạch về việc phối kết hợp giữa các công trình nhân tạo với các yếu tố tự nhiên.

Kiến trúc sư quy hoạch thường không tiếp cận bài bản các kiến thức sinh thái cảnh quan nên có xu hướng xem xét các yếu tố cảnh quan trên các góc độ riêng biệt, không nắm bắt được các nguyên tắc STCQ và mối tác động qua lại giữa các yếu tố ...nên giải pháp quy hoạch khu DLST rừng thường thiếu cơ sở, mang nặng sự cảm tính, ảnh hưởng đến môi trường sống và hệ sinh thái tự nhiên.

Tìm hiểu kinh nghiệm của các nước cho thấy cần thiết gắn kết STCQ và quy hoạch cảnh quan. STCQ cung cấp cho các nhà quy hoạch có một cái nhìn tổng hợp và toàn diện về những quy luật vận động và những tác động của tự nhiên đối với con người cũng như ngược lại quy hoạch sẽ cụ thể hóa các ứng dụng cử STCQ vào thực tiễn một cách trực quan nhất.

Cuối thế kỷ 20, hai nhà sinh thái cảnh quan học người Mỹ Richard Forman và Michel Godron đã xây dựng mô hình PCM (Patch – Corridor – Matrix) là mô hình sinh thái học được nhiều nước áp dụng trong quy hoạch sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan. Theo quan điểm này, cảnh quan được cấu tạo bởi bốn yếu tố cảnh quan dạng đường và dạng vùng là mảnh hay đám (patch), hành lang (corridor), thể nền (matrix) và thể khảm (mossaic). Áp dụng vào cảnh quan khu DLST rừng, các yếu tố này được biểu hiện ra cụ thể là:

Yếu tố mảnh: một khoảnh rừng, một vạt đất bị đốt cháy do cháy rừng, một khoảng trống, một khu đầm lầy hoặc đất ngập nước...(dạng tự nhiên); hoặc một khu vui chơi giải trí,một bãi đỗ xe, khu đất trống cắm trại, ...(dạng nhân tạo)

Yếu tố hành lang: một dòng sông, một dòng suối, đai rừng... (dạng tự nhiên); hoặc một tuyến đường giao thông cơ giới, tuyến đường ống hạ tầng kỹ thuật, kênh dẫn nước nhân tạo...(dạng nhân tạo)

Yếu tố nền: lớp phủ rừng có diện tích lớn nhất, vùng đất trống có các khoảnh rừng rời rạc...(dạng tự nhiên); hoặc khu đất xây dựng quần thể nghỉ ngơi giải trí phân thành các khu chức năng khác nhau,...(dạng nhân tạo).

 

Hình 4: Mô hình P – C – M của Forman

Các nguyên tắc sinh thái cảnh quan được xây dựng trên cơ sở các yếu tố cảnh quan này để chỉ ra ảnh hưởng và mối liên hệ giữa đặc điểm, tính chất của mỗi yếu tố hoặc giữa các yếu tố với nhau hoặc giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo đến hệ sinh thái và sinh vật; cũng như xác định hiệu ứng sinh thái của các yếu tố này đến nguồn tài nguyên, điều kiện sống và tồn tại của sinh vật và con người.

Quy hoạch các khu du lịch sinh thái rừng theo nguyên lý sinh thái cảnh quan tập trung vào nghiên cứu các nội dung sau:

  • Cấu trúc khu DLST rừng: Nghiên cứu các kiểu không gian, cơ cấu sử dụng đất, tổ chức các tuyến giao thông, tuyến cảnh quan, bố cục, sắp xếp các yếu tố cảnh quan tự nhiên và cảnh quan nhân tạo cho toàn bộ khu rừng.
  • Chức năng khu DLST rừng: Nghiên cứu tác động qua lại của các thành phần không gian cảnh quan của khu rừng bao gồm sự vận động của sinh vật, chu trình vật chất và năng lượng, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế xã hội và môi trường, hệ sinh thái...
  • Sự biến đổi: Xác định và kiểm soát chủ động sự biến đổi của cấu trúc, chức năng, khí hậu, địa mạo, địa chất, hệ sinh thái,...của khu rừng dưới tác dụng của giải pháp quy hoạch và tổ chức du lịch theo cả hướng tích cực và tiêu cực.

Có thể áp dụng STCQ vào quy hoạch các khu DLST rừng cho các công việc cụ thể sau đây:

  • Phân tích các yếu tố cảnh quan hiện trạng để phân loại cảnh quan, xác định các tác nhân ảnh hưởng đến sự biến đổi cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học...
  • Đánh giá ảnh hưởng của giải pháp quy hoạch (xác định địa điểm quy hoạch, phân khu sử dụng đất, giải pháp giao thông, giải pháp hạ tầng kỹ thuật...) đến các yếu tố sinh thái cảnh quan.
  • Đề xuất và cụ thể hóa các mô hình quy hoạch khu DLST rừng bền vững (green network, green corridor, greenway...)...

Chính vì những vai trò thực tiễn và khoa học như vậy, việc áp dụng quan điểm STCQ vào công tác quy hoạch các khu DLST rừng là cần thiết để có thể đáp ứng được xu hướng phát triển các khu DLST rừng bền vững ở Việt Nam, đưa ngành du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Huy Bá (1996), Du lịch sinh thái, NXB Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
  2. Nguyễn An Thịnh (2014), Cơ sở sinh thái cảnh quan trong kiến trúc cảnh quan và quy hoạch sử dụng đất bền vững, NXB Xây dựng, Hà Nội.
  3. Wenche Dramstad,James D. Olson, Richard Forman (1996), Landscape Ecology Principles in Landscape Architecture and Land-Use Planning, Island Press, Washington.

Nguồn: Bộ môn Kiến trúc cảnh quan - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch.