Định hướng tổ chức cảnh quan bản, làng các dân tộc thiểu số vùng miền núi Tây Bắc phục vụ phát triển du lịch bền vững

07/05/2025 Lượt xem : 22

Vùng miền núi Tây Bắc (MNTB) sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng, được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Vùng miền núi Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, với vẻ đẹp không đâu có của núi rừng và văn hóa. 

XU THẾ ỨNG DỤNG MÔ HÌNH VƯỜN CỘNG ĐỒNG TRONG THIẾT KẾ CẢNH QUAN ĐÔ THỊ,HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU HỖ TRỢ ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC VÀ PHÁT TRIỂN CẢNH QUAN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG
HÌNH DUNG VỀ VÙNG ĐẤT LẤN BIỂN HÀ LAN: THIẾT KẾ CỦA OMA NĂM 1986
THE 4TH INTERNATIONAL DESIGN COMPETITION
Kiến trúc cảnh quan đương đại Việt Nam - Truyền thống và hội nhập
Muốn xét tuyển vào ngành Kiến trúc cảnh quan, thí sinh cần thi những môn nào?

Bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa cũng đồng nghĩa với việc tạo nên sức hấp dẫn với số đông du khách muốn tìm hiểu văn hóa, phong tục bản địa. Tuy nhiên đã có tình trạng nhạt dần bản sắc tại một số địa bàn các tỉnh MNTB, chưa kể tính đa dạng văn hóa ở đây dù có sẵn, rất đậm ở đời thường, nhưng chưa được khai thác tốt mà vẫn mờ nhạt trong các sản phẩm du lịch.

  1. Đặt vấn đề

Các tỉnh miền núi Tây Bắc (MNTB) là vùng đất còn hoang sơ, thiên nhiên thuần khiết với cảnh quan núi rừng hùng vĩ và hệ sinh thái phong phú. Ở đây có hơn 20 dân tộc cùng sinh sống, với những nét văn hóa tộc người đa dạng và đặc sắc. Trong đó, những nét văn hóa sinh hoạt đời thường, phong tục, truyền thống canh tác, lễ hội, ẩm thực, âm nhạc của các dân tộc được giữ gìn còn nguyên vẹn. Vùng đất này đã và đang tạo nên sức cuốn hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Vùng MNTB sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng, được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt. Tuy nhiên đã và đang có tình trạng nhạt dần bản sắc tại một số địa bàn các tỉnh MNTB.

Bảo tồn bản sắc để tăng sức hấp dẫn, giữ gìn bản sắc văn hóa cũng đồng nghĩa với việc tạo nên sức hấp dẫn với số đông du khách muốn tìm hiểu văn hóa, phong tục bản địa. Chưa kể, tính đa dạng văn hóa ở Tây Bắc, dù có sẵn và đậm nét, nhưng chưa được khai thác tốt mà vẫn mờ nhạt trong các sản phẩm du lịch. Vì vậy việc định hướng tổ chức cảnh quan bản, làng các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng MNTB là rất cần thiết và cấp bách nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa bản địa cũng như phục vụ phát triển du lịch bền vững.

 

  1. Cơ sở về tổ chức kiến trúc cảnh quan (KTCQ) tạo lập bản sắc không gian bản, làng các dân tộc thiểu số vùng MNTB cho mục tiêu phát triển kinh tế du lịch

2.1. Đặc điểm về dân cư, dân tộc các tỉnh MNTB

- Tỷ lệ dân số dân tộc trong các tỉnh MNTB:

Các tỉnh có số người dân tộc thiểu số nhiều hơn người Kinh: Yên Bái, Lào Cai: Kinh (46,5%), H'mông (13,7%), Tày (13,1%), Dao (10,1%), Thái (8,2%); Điện Biên, Lai Châu: Thái 32,4%, H'mông 23,3%, Kinh 23,9%, Dao 7,12%; Sơn La: Thái 53%, Kinh 20,7%, H'mông 10,7%, Mường 8,4%; Riêng tỉnh Hòa Bình người Kinh chiếm tỷ lệ lớn: Kinh 77,8%, Mường 19,1%, Thái 1,4%

- Tỷ lệ dân số dân tộc theo không gian địa lý: Đứng về góc độ dân tộc, văn hóa truyền thống thống theo không gian địa lý, có thể nhấn mạnh tổ chức văn hóa xã hội các tỉnh vùng MNTB theo số lượng dân số nổi trội như sau: Dân tộc Thái ở Lai Châu (Thái trắng) và Sơn La (Thái Đen); Dân tộc H'mông ở Lào Cai; Dân tộc Tày ở Yên Bái; Dân tộc Mường ở Hòa Bình. Đặc điểm nổi bật của các dân tộc vùng MNTB là cơ cấu dân tộc đa dạng nhất toàn quốc với hơn 20 dân tộc anh em hình thành nhiều nhóm ngôn ngữ. Ngôn ngữ phổ thông nhất là tiếng Kinh, tiếng Thái. Ở một số tỉnh người Kinh chiếm tỷ trọng rất thấp chỉ khoảng 4 - 4,5% như Yên Bái. Nhiều dân tộc có nền văn hóa đặc sắc như: Thái, Mường và H’mông. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa đặc trưng riêng gắn với nhiều nghề truyền thống (mang tính nghệ thuật cao) có thể kể đến nghệ thuật tạo hình trên thổ cẩm của người Thái; nghệ thuật thêu, vẽ hoa văn của người Mông và Dao; nghệ thuật tranh trổ trên giấy, chạm khắc bạc, hàng mây tre đan và đồ trang sức thể hiện sinh động đặc sắc đời sống tinh thần của các dân tộc trong vùng. Sự khác biệt về điều kiện sinh sống và phương thức lao động sản xuất cũng gây ra sự khác biệt lớn về văn hóa.

- Về phân bố: Cơ bản vùng Tây Bắc là không gian văn hóa của dân tộc Thái, Thái là dân tộc có dân số lớn nhất vùng. Tây Bắc là vùng có sự phân bố dân cư theo độ cao rất rõ rệt: Vùng rẻo cao (đỉnh núi, độ cao trên 1500m) là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, Tạng - Miến, với phương thức lao động sản xuất chủ yếu là phát nương làm rẫy, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên; Vùng rẻo giữa (sườn núi, có độ cao 700-1000m) là nơi cư trú của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer,  phương thức lao động sản xuất chính là trồng lúa cạn, chăn nuôi gia súc và một số nghề thủ công; Vùng thung lũng, chân núi là nơi sinh sống của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, Thái - Kadai, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn để phát triển nông nghiệp và các ngành nghề khác. Trong quá trình lịch sử phát triển, pha trộn chủng tộc và văn hóa diễn ra một cách sống động, như tộc người Kinh, Thái, Mường...

2.2. Nhu cầu thưởng thức cảnh quan của khách du lịch

- Nhu cầu ngắm nhìn cảnh quan từ trên cao, thưởng thức cảnh quan lớn với trường nhìn rộng. Do vậy việc bố trí các tuyến cảnh quan, các điểm cảnh quan gắn với địa hình tự nhiên, đặc biệt khai thác các điểm nhìn, các điểm ngắm cảnh hòa nhập với thiên từ trên cao xuống là rất cần thiết.

- Xu hướng du lịch sinh thái và đậm chất hoang dã đang ngày càng phát triển do vậy đòi hỏi cảnh quan tự nhiên phải được bảo tồn và tạo lập mang tính đặc trưng và giàu bản sắc.

- Xu hướng du lịch gắn với yếu tố bản sắc và truyền thống văn hóa bản địa cần được gìn giữ và phát huy.

- Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát Then, nhạc cụ Pí cặp, Pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở truyền thống, các phiên chợ bản…

2.3. Tổ chức KTCQ dưới góc độ môi trường sinh thái và phát triển bền vững

Vai trò và giá trị của không gian cảnh quan tự nhiên phải được coi đó là một nguồn lực, nguồn tài nguyên cần được ứng xử, khai thác một cách khoa học và nhân văn để hướng tới sự phát triển bền vững. Nhiều không gian cảnh quan tự nhiên có giá trị, đã trở thành di sản văn hóa thiên tạo hoặc danh lam thắng cảnh; Không chỉ đóng vai trò là khách thể mà là chủ thể trong quá trình lập QHXD đô thị. Điều đó cũng đồng thời có ý nghĩa tôn trọng, thích nghi, ít phá vỡ môi trường sinh thái tự nhiên, và tránh được những rủi ro từ các thảm họa do tự nhiên gây ra. Chúng ta rõ ràng phải nghiên cứu kỹ các giá trị  mà chúng ta đang nắm giữ. Chúng ta không chỉ cần những góc nhìn đẹp về tự nhiên và con người, mà còn cần một phương pháp thực hiện nhằm đảm bảo sản phẩm của nhà thiết kế không can thiệp quá nhiều vào tự nhiên.

Trong quyển sách “Thiết kế với thiên nhiên”, Ian L. McHarg đã đánh giá sức mạnh và tầm quan trọng của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, sự thay đổi mùa, thời gian gieo hạt và thu hoạch, mây, mưa và các dòng chảy, đại dương và rừng núi, các sinh vật và cỏ cây. Chúng tồn tại cùng con người, chung sống cùng với hiện tượng của vũ trụ, tham gia vào sự tiến hoá bất tận, những đối tác đặc biệt cùng tồn tại và cùng con người sáng tạo tương lai [14].

Để đề xuất giải pháp quy hoạch cảnh quan bền vững với môi trường tự nhiên, Ian L. McHarg đã đưa ra phương pháp phân tích và đánh giá hiện trạng thông qua hệ thống bản đồ chồng lớp, mỗi yếu tố tự nhiên được thể hiện tổng hợp trên cùng một bản đồ với mức độ đậm nhạt khác nhau về màu sắc để thể hiện mức độ, tầm quan trọng và khả năng can thiệp của con người trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, bản đồ chồng lớp thể hiện cụ thể bản chất của các khu vực phù hợp cho công tác bảo tồn hay khai thác ở các mức độ tối ưu hay không. Các yếu tố được phân tích và đánh giá gồm các yếu tố tồn tại khách quan trong khu vực nghiên cứu như: địa chất, sức tải của đất, thổ nhưỡng, khoáng sản, nước, mặt trời, mưa, thoát nước mặt, đa dạng sinh học, sinh cảnh sống, các hiện tượng tự nhiên, tính phù hợp phát triển đô thị, giải trí, nông nghiệp, lâm nghiệp… Thông qua phương pháp bản đồ nhằm bộc lộ các tiềm năng cũng như thách thức cho sự phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy luật tự nhiên cũng như giảm thiểu tác động trong quá trình khai thác tới các yếu tố tự nhiên đó.

 

Hình 1. Phương pháp chồng lớp bản đồ trong phân tích và đánh giá hiện trạng để thể hiện tiềm năng phát triển và khoanh vùng khu vực bảo tồn trong quy hoạch và thiết kế cảnh quan. (Nguồn: Ian L. McHarg, 1969, trang 110-11) [14]

2.4. Đặc điểm tổ chức cảnh quan bản, làng các dân tộc thiểu số vùng MNT

a. Tỉnh Lai Châu:

Tỉnh Lai Châu có nhiều dân tộc sinh sống, đa dạng về văn hoá và phong tục tập quán nhất là các dân tộc như Kinh, Thái, Giáy, Mông.... Các hình thức văn hoá phi vật thể như sinh hoạt chợ phiên, lễ hội thôn bản và các ngày lễ tết trong năm mang đậm tính văn hoá dân tộc vùng cao như trang phục, hình thức nhà cửa và các hình thức văn hoá phi vật thể khác đã tạo nên một nét văn hoá điển hình. Các vùng cảnh quan, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các vùng sinh thái mặt nước, hang động có trong thành phố và phụ cận làm tăng tính hấp dẫn khai thác về mặt du lịch, bố cục kiến trúc và cảnh quan.

Hình 2. Không gian bản, làng truyền thống ở Lai Châu

b.Tỉnh Điện Biên

Đặc trư­ng về cảnh quan của tỉnh Điện Biên:

Có nguồn tài nguyên môi tr­ường tiềm năng và cảnh quan tự nhiên sơn thủy hữu tình, là văn hóa kiến trúc Thái - Mông truyền thống, là hệ thống các di tích lịch sử. Do đó, đây đư­ợc coi là những tài sản cần phải đ­ược bảo tồn và phát triển. Các đặc tr­ưng đó bao gồm:

+ Các khu rừng tự nhiên và phòng hộ bao quanh thung lũng lòng chảo Điện Biên. Thảm thực vật mang tính chất nhiệt đới với độ che phủ tự nhiên khá cao. Hiện tại đạt 50% chủ yếu là rừng mới tái sinh. Rừng khu Mường Phăng còn nhiều gỗ quý nh­ư lát, chò chỉ, pơmu. Các lâm sản như­ cánh kiến đỏ, song, mây, trầm h­ương, quế sa nhân với nhiều loại động vật hiếm.

+ Hệ thống sông Nậm Rốm và các l­ưu vực gắn kết với hàng trăm suối chi lư­u khác. Nhiều kênh, ao, hồ trải rộng khắp thành phố và vùng phụ cận như­ hồ Pa Khoang, hồ Huổi Phạ,... kênh thủy nông Tả, Hữu,...

+ Hệ thống các di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, thành Hoàng Công Chất...

+ Các bản Thái - Mông truyền thống còn cả ở nội đô và vùng phụ cận.

+ Tài nguyên nhân văn: Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội hoa ban, tín ngư­ỡng dân tộc trên vùng đất văn hóa lâu đời của dân tộc Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc.

Hình 3. Không gian bản, làng truyền thống ở Điện Biên

c.Tỉnh Lào Cai

Khu vực làng xóm của Lào Cai đang đối mặt với tình trạng mất cân đối. Phần lớn khu vực làng xóm không thể phát triển được so với thành phố Lào Cai, do đó dân số ngày càng giảm dần. Phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và thực hiện các hoạt động nông nghiệp một cách hiệu quả hơn là cách làm chậm lại sự giảm dân số nhanh chóng tại các làng xã. Các làng bản bị chia cắt với thành phố bởi tuyến đường cao tốc. Hiện chưa có nhiều tuyến đường kết nối khu vực làng xã với trung tâm thành phố.

Hình 4. Không gian bản, làng truyền thống ở Lào Cai

d.Tỉnh Yên Bái

Nhìn chung điều kiện tự nhiên, địa hình, địa mạo, sinh thái của tỉnh Yên Bái rất đa dạng. Không gian làng bản của các dân tộc thiểu số ở Yên Bái có sự hòa quyện giữa kiến trúc, cảnh quan tự nhiên và sinh hoạt văn hóa. Với đặc trưng nhà sàn, ruộng bậc thang, lối sống gắn kết với thiên nhiên, những bản làng này không chỉ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa mà còn có tiềm năng lớn về du lịch cộng đồng.

Vị trí và bố cục không gian làng bản được phân bố theo địa hình: Người Mông sinh sống ở vùng núi cao, bản làng phân tán trên sườn đồi hoặc thung lũng nhỏ; Người Thái định cư ven sông, suối, tập trung ở thung lũng để canh tác lúa nước; Người Dao, Tày, Nùng thường sống ở vùng đồi thấp, gần rừng và nguồn nước. Các bản làng không tập trung quá dày đặc, có khoảng không gian giữa các ngôi nhà để trồng cây, làm sân phơi hoặc nuôi gia súc. Lối đi trong bản là đường đất hoặc đá, thường men theo địa hình tự nhiên.

Hình 5. Không gian bản, làng truyền thống ở Yên Bái

e. Tỉnh Sơn La

Cảnh quan không gian bản, làng của tỉnh Sơn La mang đậm bản sắc văn hóa và phong tục tập quán của các dân tộc sinh sống tại đây như Thái, Mông, Dao, Khơ Mú…

Đặc trưng cảnh quan nổi bật như:

Các bản, làng thường nằm dọc theo thung lũng, ven suối hoặc sườn đồi thoải để thuận tiện cho canh tác nông nghiệp và sinh hoạt. Cấu trúc phân tán nhưng gắn kết: Nhà ở không san sát nhau mà có khoảng cách nhất định, tạo sự thông thoáng nhưng vẫn có tính liên kết trong cộng đồng; Mỗi bản làng đều có cây xanh, rừng đầu nguồn hoặc ruộng bậc thang xung quanh, giúp điều hòa vi khí hậu và tạo cảnh quan đặc trưng; Canh tác nông nghiệp gắn với địa hình: Người dân chủ yếu làm nương rẫy, trồng lúa nước, chăn nuôi trên đồi hoặc ven suối, hình thành các thửa ruộng bậc thang đặc trưng. Lễ hội gắn với mùa vụ như lễ hội Cầu Mưa, lễ hội Hạn Khuống của người Thái thể hiện sự gắn bó với thiên nhiên.

Cảnh quan bản, làng ở Sơn La không chỉ phản ánh cách thích nghi của con người với điều kiện tự nhiên mà còn thể hiện giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của vùng Tây Bắc Việt Nam.

Hình 6. Không gian bản, làng truyền thống ở Sơn La

f. Tỉnh Hòa Bình

Tổ chức KTCQ của không gian bản, làng tỉnh Hòa Bình mang yếu tố văn hóa bản địa gồm có các vùng cảnh quan di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các vùng sinh thái mặt n­ước, hang động có trong thành phố Hòa Bình và phụ cận sẽ làm tăng tính hấp dẫn khai thác về mặt du lịch. Di sản văn hóa làm phong phú thêm ý tư­ởng tổ chức KTCQ và thiết kế đô thị. Nằm rải rác tại khu Chăm Mát, Sủ Ngòi... là các bản làng mang nét truyền thống văn hóa Mường với kiến trúc nhà sàn. Đặc biệt bản, làng vẫn giữ được tục uống rượu cần, một số điệu múa, lời ca Mường, nghệ thuật cồng chiêng... như­ng chỉ thể hiện trong ngày đại lễ.

Hình 7. Không gian bản, làng truyền thống ở Hòa Bình

2.5. Nhận diện đặc trưng cảnh quan trong không gian bản, làng các tỉnh MNTB

2.5.1. Đặc trưng về cây xanh trong cảnh quan tự nhiên (Hình 8)

Các loại cây xanh đặc trưng của các đô thị MNTB được phân bố theo độ cao của địa hình, cụ thể:

- Hình thái cây xanh trên khu vực núi cao thường mọc theo mảng và có tầng bậc, phủ kín núi. Các loài cây phổ biến ở khu vực núi cao như: Thông Đuôi ngựa, Pơmu, Sa mộc...

- Hình thái cây xanh trên đồi thấp thường mọc phủ kín đồi đan xen các loại cây nông lâm, phổ biến như: Keo, bạch đàn, quế, trám đen, chè...

- Hình thái cây xanh khu vực thung lũng và lưu vực sông suối thường là những loài cây theo mùa như hoa ban, đào, mận trắng, tam giác mạch...

Hình 8. Nhận diện đặc trưng về cây xanh trong cảnh quan tự nhiên của vùng MNTB

2.5.2. Các tổ hợp cảnh quan mang bản sắc vùng MNTB (Hình 9)

            Không gian kiến trúc cảnh quan bản, làng vùng miền núi Tây Bắc có các tổ hợp cảnh quan tự nhiên đặc trưng nổi bật mang bản sắc riêng đó là:

            - Tổ hợp cảnh quan Núi - Suối (tụ thủy), phân bố trên các khe núi thuộc khu vực núi có độ cao lớn và trung bình.

            - Tổ hợp cảnh quan Núi- Sông - Thung lũng, phân bố ở lưu vực sông suối.

            - Tổ hợp cảnh quan Đá cuội - Cây bụi - mặt nước, phân bố ở lưu vực ven sông, suối.

            - Tổ hợp cảnh quan nhân tạo gồm Ruộng bậc thang - Nhà sàn - Suối phân bố ở lưu vực suối và đồi thấp.

            - Tổ hợp cảnh quan cầu qua sông, suối.

- Hình tượng cọn nước ở khu vực bờ sông, suối phục vụ lấy nước sinh hoạt và tưới tiêu của người dân.

Hình 9. Nhận diện các tổ hợp cảnh quan mang bản sắc trong không gian làng, bản các DTTS vùng MNTB

2.5.3. Cảnh quan hoạt động mang bản sắc vùng MNTB (Hình 10)

            Cảnh quan hoạt động đặc trưng trong không gian bản, làng vùng MNTB dễ nhận thấy qua các hoạt động lễ hội dịp đầu năm mới, dịp thu hoạch vụ mùa; chợ phiên định kỳ hằng tuần, hằng tháng; các cuộc thi truyền thống như thi hái chè... của cộng đồng các dân tộc trong vùng như Thái, Mường, Dao, H'mông, Tày... không gian các hoạt động rất sống động và nhiều màu sắc thể hiện qua trang phục truyền thống cũng như các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc trong vùng MNTB.

Hình 10. Nhận diện cảnh quan hoạt động mang bản sắc vùng MNTB

  1. Định hướng tổ chức cảnh quan bản, làng các DTTS vùng MNTB phục vụ phát triển du lịch bền vững

3.1. Định hướng tổng thể

1) Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong vùng với việc bảo tồn và trùng tu các không gian di tích lịch sử - văn hóa. Nghiên cứu các dự án bảo tồn các không gian bản, làng của các dân tộc, làng cổ...; Nghiên cứu về các lễ hội dân gian, các hoạt động truyền thống của các địa phương trong vùng (hội thi, múa xòe, múa sạp, chợ phiên...). Xây dựng các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, bảo tàng để lưu giữ, tuyên truyền, quảng bá các hình ảnh về hoạt động văn hóa, quá trình lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng các dân tộc.

2) Vùng MNTB là vùng có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ, là vùng dự trữ sinh quyển quốc gia, được phát triển bền vững dựa trên nền sản xuất nông, lâm nghiệp sinh thái có công nghệ chế biến hiện đại.

3) Vùng MNTB là vùng đa dạng văn hóa và có cảnh quan đặc trưng, đại diện của hơn 20 dân tộc anh em, nơi có nhiều danh thắng đặc sắc để phát triển kinh tế du lịch. Trong tương lai chất lượng sống của người dân đô thị và nông thôn sẽ được nâng cao dựa trên cơ sở tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội - hạ tầng kỹ thuật của vùng, giảm khoảng cách thu nhập giữa miền xuôi và miền ngược.

4) Bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; gắn với phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh, cân bằng sinh thái, điều tiết nguồn nước, hạn chế lũ lụt và hạn hán cho vùng đồng bằng sông Hồng. Xây dựng và bảo vệ hệ thống vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu di tích lịch sử văn hóa - cách mạng, các danh lam thắng cảnh cùng với việc bảo tồn các loài động vật hoang dã, phát triển nguồn gen quý hiếm phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.

5) Xây dựng mô hình cấu trúc không gian đô thị vùng MNTB dựa trên việc quy hoạch các điểm dân cư đô thị - nông thôn và hệ thống các trung tâm kinh tế - kỹ thuật chính; thích ứng và linh hoạt với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

3.2. Định hướng tổ chức không gian KTCQ

1) Không gian KTCQ bản làng các DTTS vùng MNTB có bản sắc được phát triển dựa trên nguyên tắc "bảo vệ tầm nhìn" và đảm bảo "tính liên tục" của hình ảnh cảnh quan trong không gian bản làng; Tổ chức KTCQ tạo lập bản sắc dựa trên việc thiết lập và kết nối 3 cấp độ không gian từ tổng thể đến không gian cấp khu vực và những không gian nhỏ với nhau, tạo thành hệ thống các cấp độ không gian bản, làng có bản sắc.

2) Tạo lập bản sắc không gian bản, làng MNTB dựa trên việc khai thác và tổ chức các giá trị đặc trưng của cảnh quan tự nhiên kết hợp với yếu tố kiến trúc và hoạt động văn hóa bản địa.

3) Duy trì, khôi phục và tôn tạo các hệ sinh thái tự nhiên cũng như những cảnh quan đặc trưng tự nhiên được tạo bởi địa hình đồi núi - sông suối - thảm thực vật; cùng với việc bảo tồn và phát triển các vùng sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp; khai thác và tổ chức các tuyến cảnh quan ven sông, suối mang bản sắc văn hóa địa phương góp phần lưu giữ và tổ chức thường xuyên các hoạt động truyền thống của cư dân các bản, làng MNTB.

4) Quy hoạch cảnh quan tổng thể của các không gian bản, làng MNTB phải được tiến hành đồng thời với quy hoạch xây dựng phát triển tổng thể đô thị và nông thôn; dựa trên nguyên tắc tôn trọng và giữ gìn cảnh quan tự nhiên, tránh san ủi tạo địa hình bằng phẳng, tránh làm đường lớn, quảng trường rộng, "đồng bằng hóa" cảnh quan dẫn đến làm mất bản sắc của các tỉnh miền núi. Các khu vực phát triển kề cận đô thị cần được kết nối cả về hạ tầng và cảnh quan. Những khu vực phát triển mới không kề cận với đô thị cần được tổ chức thành các khu bản, làng hoàn chỉnh có bản sắc nhằm bảo vệ văn hóa bản địa.

5) Các hành lang giao thông cần được quy hoạch và bảo vệ hợp lý với quy hoạch sử dụng đất và tổ chức cảnh quan có bản sắc hai bên tuyến.

6) Các tuyến cảnh quan mặt nước, ven sông, suối, hồ cần được tổ chức đảm bảo tính thông suốt và tạo thành những không gian mở. Các hành lang xanh không gian mở cần được sử dụng để định dạng những khu vực phát triển mới cũng như kết nối với các khu vực chức năng khác trong không gian tổng thể vùng  MNTB.

3.3. Về công tác quản lý

1) Tham gia của cộng đồng trong quản lý cảnh quan bản, làng:

  • Xây dựng mô hình Ban quản lý bản, làng gồm đại diện cộng đồng, già làng, người có uy tín, phối hợp với chính quyền địa phương và các chuyên gia.
  • Tham vấn cộng đồng: Mọi dự án cải tạo, phát triển cảnh quan cần có sự tham vấn, đồng thuận của cộng đồng.
  • Đào tạo, nâng cao năng lực với việc tập huấn cho người dân về quản lý du lịch, bảo tồn văn hóa, kỹ năng làm du lịch cộng đồng.

2) Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn giá trị cảnh quan thiên tạo và nhân tạo:

  • Bảo tồn không gian truyền thống gắn với đời sống cộng đồng;
  • Khoanh vùng bảo tồn với việc xác định các khu vực có giá trị đặc trưng về cảnh quan, kiến trúc truyền thống, tập quán sinh hoạt...
  • Quy định xây dựng: Ban hành các quy chuẩn, hướng dẫn xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình công cộng phù hợp với bản sắc văn hóa địa phương.
  • Phục dựng không gian cộng đồng: Nhà văn hóa, sân sinh hoạt cộng đồng, khu lễ hội… mang đậm bản sắc của các dân tộc.
  • Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng: Khai thác giá trị văn hóa vật thể (kiến trúc, trang phục, ẩm thực…) và phi vật thể (lễ hội, tín ngưỡng, nghề truyền thống).
  • Du lịch trải nghiệm cộng đồng (homestay, farmstay): Được phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, bảo vệ không gian bản, làng.
  • Quản lý du lịch có sự tham gia của cộng đồng, cùng chia sẻ lợi ích, cùng bảo vệ tài nguyên.

 

  1. Kết luận

Tình hình phát triển kinh tế của các địa phương vùng MNTB còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp và chưa đồng đều do đó chính quyền và người dân chưa thực sự chú tâm đến vấn đề tổ chức kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị, dẫn đến tình trạng đô thị còn lộn xộn và thiếu đồng bộ về hạ tầng và cảnh quan chung.

Yếu tố nhận thức về bảo vệ môi trường, môi sinh còn thấp dẫn đến tình trạng phá vỡ cấu trúc cảnh quan thiên nhiên ở một số địa phương, vẫn còn xảy ra hiện tượng san gạt địa hình, khai thác rừng, đốt rừng làm nương rẫy của đồng bào DTTS. Cùng với tâm lý "kinh" hóa, “quốc tế” hóa dẫn đến cóp nhặt hình thức kiến trúc của các công trình xây dựng dẫn đến làm xóa nhòa và mất dần bản sắc địa phương. Xu hướng lợi ích cục bộ như hiện tượng lấn chiếm sông, suối, ao, hồ, các công trình xây dựng quay lưng ra sông làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của không gian vùng MNTB. Xu thế phát triển nóng của thị trường bất động sản dẫn đến hiện tượng san lấp đồi, chia lô bán nền làm ảnh hưởng không tốt đến quy hoạch tổng thể của đô thị và nông thôn và làm gia tăng sự thiếu kiểm soát của quá trình đô thị hóa.

Vì vậy việc định hướng tổ chức cảnh quan không gian bản, làng các DTTS vùng MNTB là rất cần thiết và cấp bách nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, kiến trúc cảnh quan bản địa cũng như phục vụ phát triển du lịch bền vững. Từ đó đề ra các giải pháp, chính sách phù hợp, trong bối cảnh hiện nay khi tốc độ phát triển và tốc độ đô thị hóa các khu vực bản, làng các DTTS vùng MNTB đang diễn ra nhanh, khó kiểm soát.

Bài viết đã nhận diện được các đặc trưng của KTCQ bản, làng các DTTS vùng MNTB, từ đó đề xuất định hướng tổ chức cảnh quan nhằm tạo lập bản sắc và phục vụ phát triển du lịch bền vững. Bài viết đề xuất công tác quản lý cảnh quan bản, làng các DTTS vùng MNTB phục vụ phát triển du lịch bền vững gắn với sự tham gia của cộng đồng địa phương dưới các góc độ: Tham gia của cộng đồng trong quản lý cảnh quan bản, làng; Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn giá trị cảnh quan thiên tạo và nhân tạo.

Tổ chức cảnh quan cần được gắn kết hữu cơ, đồng bộ giữa yếu tố cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nhân tạo và cảnh quan hoạt động. Đề xuất các giải pháp tổ chức KTCQ tạo lập bản sắc không gian bản, làng các DTTS vùng MNTB dựa trên nguyên tắc gồm 3 cấp độ không gian được gắn kết hữu cơ với nhau: Không gian cấp độ Tổng thể; Không gian cấp độ Khu vực và Không gian cấp độ Nhỏ. Một không gian bản, làng được nhận diện là có bản sắc khi khả năng kết nối các cấp độ không gian Tổng thể - Khu vực - Nhỏ luôn đảm bảo được tính liên tục của tuyến - chuỗi hình ảnh có bản sắc và không bị ngắt quãng trong phạm vi của tầm nhìn. Bài viết 

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Đặng Việt Dũng, Tổ chức kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc các đô thị miền núi Tây Bắc Việt Nam – Áp dụng cho thành phố Yên Bái, Luận án TS, Hà Nội, 2021.
  2. Phạm Hùng Cường (2006), Phân tích và cảm nhận không gian đô thị, NXB Khoa học & Kỹ thuật.
  3. Phạm Hùng Cường (2014), Quy hoạch đô thị, NXB Khoa học & Kỹ thuật.
  4. Lê Bá Thảo (1998), Việt Nam: Lãnh thổ và các vùng địa lý, NXB Thế giới, Hà Nội.
  5. Lê Bá Thảo (2004), Thiên nhiên Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội
  6. Nguyễn Đình Thi (chủ biên), Phát triển bền vững kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội năm 2024.
  7. Đàm Thu Trang, Đặng Việt Dũng, Nguyễn Hoàng Linh (2018), “Bản sắc kiến trúc cảnh quan đô thị thế giới”, Tạp chí Xây dựng - Bộ Xây dựng, ISSN 0866-8762, (6/2018), tr. 14-18.
  8. Đàm Thu Trang, Đặng Việt Dũng, Nguyễn Hoàng Linh (2018), “Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên thế giới”, Tạp chí Xây dựng - Bộ Xây dựng, ISSN 0866-8762, (6/2018), tr. 44-48.
  9. Đàm Thu Trang, Đặng Việt Dũng, Nguyễn Hoàng Linh (2018), “Tổng quan về nghiên cứu và áp dụng sinh thái cảnh quan vào quy hoạch du lịch sinh thái rừng ở Việt Nam”, Tạp chí Xây dựng - Bộ Xây dựng, ISSN 0866-8762, (6/2018), tr. 94-98.
  10. Đàm Thu Trang, Đặng Việt Dũng (2020), “Nguyên tắc xây dựng kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc đô thị miền núi Tây Bắc Việt Nam”, Tạp chí Xây dựng - Bộ Xây dựng, ISSN 0866-8762, (7/2020), tr. 168-172.
  11. Đàm Thu Trang, Đặng Việt Dũng (2020), “Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc đô thị”, Tạp chí Xây dựng - Bộ Xây dựng, ISSN 0866-8762, (7/2020), tr. 200-203.
  12. Sở XD tỉnh Yên Bái (2014), Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Yên Bái đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Yên Bái.
  13. UBND tỉnh Yên Bái (2012), Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Yên Bái, Yên Bái.
  14. Ian L.Mcharg, Design with nature, John wiley and Sons, INC. New York. Chichester. Brisbane. Toronto. Singapore.

Tác giả: TS Đặng Việt Dũng, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.