XU THẾ ỨNG DỤNG MÔ HÌNH VƯỜN CỘNG ĐỒNG TRONG THIẾT KẾ CẢNH QUAN ĐÔ THỊ,HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU HỖ TRỢ ĐẢM BẢO AN NINH LƯƠNG THỰC VÀ PHÁT TRIỂN CẢNH QUAN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG
THE 4TH INTERNATIONAL DESIGN COMPETITION
Kiến trúc cảnh quan đương đại Việt Nam - Truyền thống và hội nhập
Muốn xét tuyển vào ngành Kiến trúc cảnh quan, thí sinh cần thi những môn nào?
Học ngành Kiến trúc cảnh quan không chỉ để thiết kế trồng cây, đi làm sân vườn
Từ xa xưa, những khu vườn đã đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân, chúng giúp người dân tự chủ động được một phần nguồn thực phẩm hàng ngày, góp phần cải thiện cảnh quan không gian và môi trường sống. Tuy nhiên, do tình trạng dân cư đông đúc, quỹ đất eo hẹp, hầu hết người dân thành thị không thể sở hữu riêng cho mình một khu vườn. Chính vì vậy, mô hình vườn cộng đồng ra đời để đáp ứng nhu cầu này. Trên thực tế, vườn cộng đồng là một khái niệm không mới trên thế giới, nhưng vẫn còn ít được nhắc đến và tính toán đến trong các dự án quy hoạch đô thị, thiết kế cảnh quan ở Việt Nam. Loại hình không gian này có thể được định nghĩa là vườn “được quản lý bởi một hội nhóm, mở cửa cho tất cả mọi người, giúp phát triển các hoạt động xã hội, văn hoá, giáo dục, tăng cường mối liên kết xã hội, đồng thời góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học của các cây trồng”. Mặc dù mang đến nhiều tác động tích cực cho xã hội, ở Việt Nam hiện nay loại hình vườn này vẫn đang dừng ở mức tự phát, người dân tự tổ chức vườn cộng đồng tại những mảnh đất trống quanh nhà, những không gian xung quanh các dự án treo, hoặc những không gian công viên bị bỏ hoang thiếu sự chăm sóc. Điều này tuy cũng có những mặt tích cực nhưng lại gây mất mỹ quan đô thị do tính chất tự phát, nhếch nhác. Việc tính đến một phương án để hợp thức hoá và đưa loại hình vườn cộng đồng vào thiết kế cảnh quan đô thị là hết sức cần thiết, có thể mang lại nhiều tác động tích cực.
- Đặt vấn đề
Hiện nay, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2023, thế giới có 56% dân số - tương đương với 4,4 tỷ người sống tại các khu vực thành thị [1]. Con số này được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới. Theo đó, từ nay đến năm 2050, dân số thành thị sẽ tăng gấp đôi và sẽ có khoảng 70% dân số thế giới sống trong các đô thị. Bên cạnh những tác động tích cực như phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng các dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật, quá trình đô thị hoá cũng mang lại rất nhiều tác động tiêu cực cho các thành phố như: ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất; gia tăng bất bình đẳng xã hội; gây quá tải hạ tầng đô thị dẫn đến tắc đường, thiếu không gian xanh, không gian công cộng; ngoài ra quá trình xây dựng đô thị cũng làm giảm mạnh diện tích đất canh tác, làm suy giảm hệ sinh thái và đa dạng sinh học, dẫn đến nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực.
Hiện tượng này đặc biệt nghiêm trọng đối với các khu vực đang phát triển. Theo báo cáo của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO), thời điểm năm 2021, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có 396 triệu người bị suy dinh dưỡng và ước tính có khoảng 1,05 tỷ người bị mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng [2].
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, theo báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2021, diện tích gieo trồng một số cây lương thực ở Việt Nam (lúa, ngô, sắn, khoai lang, ...) đều có xu hướng giảm trong 10 năm (từ 2012 đến 2022) [3]. Nguyên nhân của sự suy giảm này được cho là do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, và đặc biệt là do quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá khiến cho diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp. Làn sóng người nông dân không còn tư liệu sản xuất di cư từ nông thôn ra thành thị cũng gây ra thách thức lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân thành thị.
Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, một trong những đô thị có tốc độ đô thị hoá nhanh và mạnh nhất của Việt Nam cũng đang phải đứng trước rất nhiều các thách thức. Hiện nay, một bộ phận rất lớn người dân vẫn đang phải cư trú và sinh hoạt trong các khu vực có điều kiện sống chật chội, thành phố vẫn còn rất nhiều không gian công cộng như công viên, vườn hoa, vỉa hè chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng tiện ích bị xuống cấp, chất lượng không gian cảnh quan đô thị bị suy giảm, chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dân. Người dân thành phố trong thời gian chờ đợi các dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị đã bắt tay vào tự mình cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, đối mặt với nguồn thực phẩm trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, người dân cũng mong muốn được tự chủ một phần nhu cầu về nguồn thực phẩm sạch. Ngoài ra, nhu cầu được thực hành nông nghiệp để giải trí, giao lưu cộng đồng, tăng cường giáo dục cũng rất quan trọng đối với người dân thành thị. Người dân tự tạo ra các vườn cộng đồng, vườn rau chia sẻ ngay trên các diện tích không gian công cộng ít ỏi mà họ có thể tìm thấy xung quanh khu ở của mình.
Việc hình thành mô hình vườn cộng đồng tự phát này chính là dấu hiệu cho một nhu cầu mới của người dân về một loại hình không gian xanh, công cộng phục vụ cho đời sống hàng ngày, góp phần nâng cao giá trị cảnh quan và đảm bảo một phần nhu cầu lương thực, thực phẩm cho người dân đô thị.
- Các phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp Phân tích và tổng hợp lý thuyết: Để có thể thu thập được các thông tin về khái niệm, lịch sử hình thành và phát triển cũng như vai trò và chức năng của vườn cộng đồng trong đô thị. Nhóm tác giả đã tiến hành tra cứu, tham khảo tài liệu từ các nguồn khoa học tin cậy bằng các ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
- Phương pháp quan sát khoa học: Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã nhiều lần tiếp cận các khu vực nghiên cứu, chụp ảnh, ghi chú, trực tiếp cảm nhận đối tượng nghiên cứu (ở đây là các khu vườn cộng đồng tự phát tại Hà Nội).
- Phương pháp điều tra: Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành điều tra xã hội học với số lượng 100 người để hiểu rõ hơn về nhu cầu, mục đích và thói quen canh tác của người dân trong các khu vườn cộng đồng tự phát.
- Phương pháp phân tích, tổng kết kinh nghiệm: Do là mô hình còn mới ở Việt Nam, nên việc phân tích, tổng kết kinh nghiệm thiết kế, vận hành, quản lý các khu vườn cộng đồng của các nước trên thế giới là hết sức cần thiết, qua đó đưa ra cái nhìn khách quan và đề xuất các phương án phù hợp cho việc phát triển các khu vườn cộng đồng ở Hà Nội, đáp ứng yêu cầu về cảnh quan đô thị và góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
- Nội dung
3.1 Vườn cộng đồng: Khái niệm, sự hình thành và phát triển
Từ xa xưa, những khu vườn đã đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người dân, cả thành thị và nông thôn. Vai trò đầu tiên và thiết thực nhất của vườn là cung cấp nguồn thực phẩm chủ động và tươi ngon, điều này giúp đảm bảo sức khoẻ, tiết kiệm chi phí và gia tăng thu nhập cho gia đình. Việc làm vườn cũng tận dụng được tối đa các diện tích còn trống xung quanh nhà, nếu được quy hoạch hợp lý nó còn có thể góp phần vào cảnh quan không gian của ngôi nhà. Ngoài ra, hoạt động làm vườn còn giúp người dân vận động, tăng cường sức khoẻ, tăng cường giao lưu kết nối với thiên nhiên. Vườn rau còn chính là giáo cụ trực quan, sinh động giúp các gia đình giáo dục trẻ nhỏ về môi trường thiên nhiên.
Vườn cộng đồng là một khái niệm không mới trên thế giới, tuy nhiên nó vẫn còn ít được nhắc đến ở Việt Nam. Loại hình không gian này được định nghĩa là vườn “được quản lý bởi một hội nhóm, mở cửa cho tất cả mọi người, giúp phát triển các hoạt động xã hội, văn hoá, giáo dục, tăng cường mối liên kết xã hội, đồng thời góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học của các cây trồng” [4]. Được biết đến lần đầu tiên với tên gọi “vườn công nhân – jardin ouvrier” tại Pháp vào giai đoạn cách mạng công nghiệp. Các khu vườn giúp các công nhân thường xuyên phải làm việc nhiều giờ trong hầm mỏ và nhà máy có không gian để nghỉ ngơi thư giãn, tập thể dục, đồng thời có thêm nguồn thực phẩm sạch, lành mạnh, bổ sung thêm vitamin nhằm cải thiện tình trạng sức khoẻ. Với niềm vui được sở hữu không gian canh tác riêng, các khu vườn công nhân cũng giúp kéo công nhân ra khỏi các quán rượu, sòng bài sau giờ làm việc và tăng cường thời gian chia sẻ cùng gia đình trong khu vườn.
Hình 1: Những người công nhân bên khu vườn của mình tại Roubaix – Pháp - 1907 Nguồn: Médiathèque de Roubaix | Hình 2: Nhóm vườn công nhân tại Creusot – Pháp - 1939 Nguồn: Académie François-Bourdon |
Sau đó, vào đầu những năm 1970, một phong trào mới mang tên “vườn cộng đồng – community garden” được khởi xướng và nhân rộng ở New York bởi một nghệ sĩ trẻ có tên là Liz Christy. Năm 1973, Liz Christy thành lập tổ chức Green Guerillas với sự tập hợp của các nhà hoạt động ở nhiều ngành nghề khác nhau: thợ làm vườn, nhà thực vật học, nhà nông học, kiến trúc sư, kiến trúc sư cảnh quan, nhà quy hoạch, nhà sinh vật học v.v. Cùng nhau, họ đưa ra các giải pháp nhằm cải tạo cảnh quan đô thị và không gian sống người dân thành phố New York. Cụ thể, họ ném các hạt giống rau và hoa qua hàng rào các khu đất trống, gieo hạt giống hoa hướng dương trên các dải phân cách của nhiều tuyến phố sầm suất, đặt các chậu hoa nhỏ trên bệ cửa sổ của những toà nhà bỏ hoang. Cũng trong năm 1973, Christy và cộng sự đã thành lập khu vườn cộng đồng đầu tiên mang tên Bowery Houston Farm and Garden, biến nó từ một bãi đất trống tràn ngập rác thành một khu vực xanh tươi, xinh đẹp [5].
Hình 3: Nhóm các nhà hoạt động của Liz Christy - 1973 Nguồn: Greg Young - 2023 | Hình 4: Vườn cộng đồng Bowery-Houston – vườn cộng đồng đầu tiên tại New York Nguồn: Greg Young - 2023 |
Sau đó, vào những năm 1990, phong trào vườn cộng đồng lại được quay trở lại châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và xã hội. Ngày nay, số lượng các khu vườn cộng đồng tại nhiều đô thị phát triển trên thế giới là rất ấn tượng: Tại vùng Île-de-France của Pháp theo số liệu thống kê năm 2019, có tới 1064 vườn cộng đồng với tổng diện tích lên tới 799 ha [6], hoặc tại Montréal – Canada với 95 vườn cộng đồng phục vụ cho trên 12.000 người dân đăng ký tham gia [7]. Tại Mỹ, số lượng vườn cộng đồng lên tới 29.000 khu vườn (chủ yếu trong các công viên công cộng) [8].
Hình 5: Bản đồ phân bố và phân loại các loại hình vườn tại vùng Île-de France
Nguồn: L’institut Paris Region BD Jcoli - 2019
3.2 Vai trò của vườn cộng đồng
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò tích cực của vườn cộng đồng đối với người dân thành thị. Thật vậy có một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha nói rằng “có nhiều thứ mọc lên trong vườn hơn những gì người làm vườn đã trồng”[1]. Chúng ta có thể liệt kê một số vai trò quan trọng của vườn cộng đồng như:
- Cung cấp thực phẩm: Giải quyết vấn đề thực phẩm và cải thiện một phần kinh tế hộ gia đình. Chức năng nguyên thuỷ của một khu vườn là sản xuất rau và trái cây nhằm đáp ứng nhu cầu hàng ngày của gia đình. Đây là nguồn cung cấp thực phẩm lành mạnh, đa dạng, rẻ tiền giúp nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày và đảm bảo an ninh lương thực.
- Chức năng trang trí: vườn cộng đồng cũng là một bộ phận của mạng lưới không gian xanh đô thị và đóng góp vào tính thẩm mỹ chung. Với sự hiện diện của đa dạng các loại cây trồng như rau củ, hoa, cây ăn trái v.v. sẽ giúp làm đa dạng hoá cảnh quan đô thị. Nếu được quy định, quy hoạch, thiết kế và quản lý hiệu quả, vườn cộng đồng có thể mang lại các không gian cảnh quan đô thị đặc sắc.
- Chức năng sinh thái: Các khu vườn cung cấp không gian canh tác cho cây cối nhưng đồng thời cũng cung cấp nơi ẩn náu và sinh trưởng cho các loài động vật như chim, chuột, côn trùng v.v. qua đó làm đa dạng hơn hệ sinh thái đô thị.
- Chức năng trị liệu: Đây là một chức năng hết sức quan trọng của vườn cộng đồng. Theo kết quả khảo sát đánh giá tác động của vườn cộng đồng tại Hà Lan vào năm 2010, có tới 56% người được hỏi đánh giá việc giải toả căng thẳng là lý do quan trọng nhất để làm vườn, 50% làm vườn để duy trì sự linh hoạt và 42% lựa chọn làm vườn để duy trì tình trạng sức khoẻ [9]. Việc được vận động và gắn kết với thiên nhiên giúp người dân thành thị giảm áp lực tinh thần mà đô thị mang lại. Bên cạnh đó, các khu vườn còn có khả năng cung cấp các cây thuốc trị bệnh. Thật vậy, ở Tây Âu từ thời trung cổ, các dược sĩ đã trồng và thu hoạch thuốc trong các khu vườn quanh nhà. Thói quen này cũng tương tự đối với người dân ở châu Á và Việt Nam.
- Giảm nhẹ hiệu ứng đảo nhiệt đô thị và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đóng vai trò như một phần của không gian xanh, các khu vườn cộng đồng cũng góp phần tiêu thoát và lưu trữ nước mưa, cung cấp các mảng xanh, góp phần giảm nhẹ hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
- Chức năng xã hội: Vườn cộng đồng, ngay từ trong cái tên đã thể hiện rất rõ ràng vai trò kết nối cộng đồng của nó. Đây là địa điểm để gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm làm vườn và bất cứ chủ đề nào khác trong cuộc sống. Do không giới hạn nào về lứa tuổi, địa vị, trình độ của người tham gia nên những khu vườn cộng đồng cung cấp một không gian bình đẳng cho mọi đối tượng.
- Chức năng giáo dục: Chức năng chính cuối cùng có thể kể đến là chức năng giáo dục. Thông qua các khu vườn cộng đồng, cả người lớn và trẻ em đều có thể học được các kiến thức về thực phẩm, về đời sống thực vật, về môi trường, bí quyết canh tác và cả kinh nghiệm quản lý các dự án trồng trọt nhỏ.
3.3 Hiện trạng vườn cộng đồng tự phát tại Hà Nội
Tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng đã làm giảm đáng kể diện tích không gian xanh của thành phố Hà Nội. Chúng ta dễ dàng có thể bắt gặp trong thành phố (đặc biệt là khu vực trung tâm) các vườn cộng đồng tự phát tại các không gian công cộng như: vỉa hè, sân chung, đất xen kẹt chưa được sử dụng, và đặc biệt là trong các không gian như công viên, vườn hoa, đường dạo ven hồ, những khu vực ít được quản lý, chăm sóc.
Có thể lấy ví dụ như trường hợp các khu vườn tự phát tại KĐTM Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Được khởi công xây dựng vào năm 1997, trải qua nhiều năm đưa vào sử dụng, chất lượng không gian công cộng của khu đô thị này đã xuống cấp, người dân trong thời gian chờ đợi sự đầu tư chỉnh trang của các nhà quản lý đã tự mình tạo lập các vườn cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của mình. Các hoạt động này diễn ra đặc biệt phổ biến trong khu vực công viên Bắc Linh Đàm (hình 6). Theo khảo sát của nhóm tác giả trên 100 người dân đang có hoạt động canh tác trong công viên (người được hỏi có thể lựa chọn nhiều phương án): có đến 57% người được hỏi có thói quen trồng rau xanh, 46% trồng cây gia vị, 67% trồng hoa và 25% trồng cây cảnh trong các khu vườn cộng đồng tự phát của mình. Điều này cho thấy hai vai trò quan trọng về cung cấp nguồn thực phẩm (thông qua các loại rau và cây gia vị) và cải thiện chất lượng cảnh quan đô thị (thông qua các loại hoa và cây cảnh).
Hình 6: Vườn cộng đồng tự phát trong công viên Bắc Linh Đàm
Nguồn: Nhóm tác giả - 2024
Các ví dụ khác có thể kể đến như các khu vườn cộng đồng tự phát trong khu vực công viên Hồ Cần, công viên Nam Trung Yên, công viên Chu Văn An, hoặc công viên Việt Hưng.
Hình 7: Vườn CĐ tự phát – CV Hồ Cần Nguồn: Nhóm tác giả - 2024 | Hình 8: Vườn CĐ tự phát – CV Chu Văn An Nguồn: Nguyễn Trọng Tài - 2023 |
Hình 9: Vườn CĐ tự phát – CV Nam Trung Yên Nguồn: Phan Anh - 2023 | Hình 10: Vườn CĐ tự phát – CV Việt Hưng Nguồn: Thuý Hà - 2022 |
Ưu điểm của việc xuất hiện các khu vườn này là người dân có thêm không gian để thực hành nông nghiệp, có thêm không gian giao lưu, trò chuyện sau những giờ làm việc căng thẳng, tự chủ được một phần lương thực cho bữa ăn hàng ngày. Các không gian công cộng đang bị bỏ ngỏ được cải tạo, tận dụng vào mục đích sử dụng thiết thực hơn, thay vì trở thành bãi đỗ xe thu phí hoặc bãi đổ rác trái phép.
Tuy nhiên, do tính chất tự phát nên các dụng cụ được người dân sử dụng để làm vườn rất đa dạng: khay nhựa, chai nhựa, thùng xốp đã qua sử dụng được tái chế trở thành vật dụng trồng cây. Cành cây, lưới, bạt quây, sắt thép, gạch thừa, khối bê tông tháo dỡ từ các công trình, bàn ghế gỗ được sử dụng để làm bồn cây hoặc hàng rào phân chia ranh giới các khoảng đất. Điều này tạo nên sự chắp vá, nhếch nhác đối với cảnh quan đô thị đồng thời gây ra những nguy hiểm nhất định đối với người sử dụng không gian.
3.4 Kinh nghiệm tổ chức không gian vườn cộng đồng của một số nước trên thế giới
Như đã trình bày ở trên, vườn cộng đồng là loại hình không gian không mới tại các nước trên thế giới, do đó, các nước phát triển như Pháp, Đức, Úc, Nhật đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý, thiết kế vận hành, khuyến khích và đảm bảo chất lượng của các khu vườn này.
Chẳng hạn tại Paris – Pháp, nơi có đến hơn 1000 khu vườn cộng đồng, mỗi khu vườn có một ban quản lý nhỏ, hoạt động dưới sự giám sát của một Hiệp hội được chấp thuận bởi chính quyền thành phố. Mọi hoạt động vẫn do người dân tự vận hành, tuy nhiên thành phố luôn nắm bắt được thông tin và phối hợp tạo điều kiện triển khai. Khi có những khu đất trống tại các không gian công cộng, các vườn hoa, không gian xen kẹt quanh nhà, người dân có thể đề xuất để được thành phố phê duyệt xây dựng vườn cộng đồng, với sự tư vấn của các chuyên gia kiến trúc cảnh quan, quy hoạch, và chuyên gia về vườn. Do đề cao tính cộng đồng nên không hề có tiêu chí thành viên cụ thể nào được ban hành. Chi phí để tham gia trồng trọt trong các khu vườn này cũng mang tính chất tượng trưng (10€ = 270.000 VNĐ/ 1 năm cho 1 gia đình hoặc 1€ cho mỗi trẻ em).
Từ năm 2003, tất cả các thành viên đều phải ký và tuân thủ hiến chương Bàn tay Xanh – “charte Main Verte” của thành phố Paris. Qua đó, người dân cam kết không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học và tận dụng tối đa nước mưa để tưới cây. Đây là một ví dụ rất tốt về việc quản lý, vận hành các khu vườn chia sẻ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và cụ thể hoá phương châm đưa Paris trở nên xanh và sinh thái hơn.
Hình 11: Một khu vườn CĐ ở Paris Nguồn: Mathilde Aupetit - 2020 | Hình 12: Hiến chương Bàn tay Xanh Nguồn: Marie de Paris - 2003 |
Bên cạnh các dự án cải tạo không gian công cộng nhằm đưa thêm các vườn cộng đồng vào các khu đất trống, các không gian bị bỏ hoang hoặc mái của các toà nhà, khi thực hiện các dự quy hoạch không gian đô thị mới, chính quyền các thành phố, các nhà quản lý và các nhà thiết kế kiến trúc, quy hoạch, cảnh quan cũng chủ động dành một phần không gian công cộng (công viên, vườn hoa, quảng trường, không gian trống quanh nhà v.v) để tạo lập không gian vườn cộng đồng cho người dân. Chiến lược này không chỉ giúp tăng cường chất lượng cảnh quan đô thị, đảm bảo một phần an ninh lương thực mà còn giúp giảm chi phí duy trì không gian xanh, không gian công cộng cho Nhà nước. Có thể việc đầu tư xây dựng các khu vườn sẽ cần sự đầu tư lớn ban đầu, tuy nhiên hiệu quả cải thiện chất lượng môi trường sống và chất lượng sức khoẻ vật chất và tinh thần cho người dân sẽ giúp giảm nhẹ gánh nặng chi trả của nhà nước cho an sinh xã hội và sức khoẻ cộng đồng.
Ví dụ, dự án khu đô thị sinh thái Parc du Lac (hình 13) đã dành 1000m2 đất để làm vườn cộng đồng cho các cư dân của mình. Đây là một thiết kế tạo điểm nhấn, thu hút sự quan tâm của khách hàng. Với việc được chủ động thiết kế bởi các kiến trúc sư cảnh quan, yếu tố thẩm mỹ sẽ luôn được đảm bảo.
Một ví dụ khác là một dự án bất động sản đã được thực hiện tại khu đô thị Grand Marbé – Mâcon, Pháp. Có thể thấy khu vực vườn cộng đồng đã được quy hoạch một cách chỉn chu với các nhà kho để trang thiết bị được bố trí đồng bộ, hài hoà với cảnh quan xung quanh. Do đó các khu vườn cộng đồng đã đóng vai trò là một phần của cảnh quan tổng thể.
Hình 13: Vườn cộng đồng trong dự án KĐT sinh thái Parc du Lac - Pháp Nguồn: parc-du-lac-voisins.fr | Hình 14: Vườn cộng đồng dưới chân chung cư tại Grand Marbé – Pháp Nguồn: Rockknittalova – lyon.citycrunch.fr - 2014 |
- Kết luận
Thông qua các kết quả nghiên cứu, chúng ta có thể khẳng định một nhu cầu rất lớn về vườn cộng đồng của người dân. Những khu vườn này đóng vai trò rất lớn cho việc hoạch định chiến lược phát triển lâu dài trong việc đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện chất lượng cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, loại hình không gian này vẫn chưa được chú trọng ở Việt Nam, nó hiện đang dừng ở mức độ tự phát với sự đa dạng về quy mô, cách thức tổ chức, quản lý, vật liệu sử dụng, loại hình cây trồng v.v. Điều này dẫn đến sự mất an toàn và không đảm bảo chất lượng cảnh quan.
Ngày nay, mô hình vườn cộng đồng đang nở rộ trên khắp thế giới nhờ vào những tác động tích cực mà nó mang lại, từ những sản phẩm nông nghiệp sạch, đến những tác động về sức khoẻ thể chất và tinh thần, tăng cường giao lưu, kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng cảnh quan và sinh thái đô thị v.v. Tất cả những tác động trên chứng tỏ vai trò quan trọng của mô hình trong việc cải thiện chất lượng môi trường sống đô thị trên thế giới và ở Việt Nam. Việc ban hành một khung pháp lý chính thức là cần thiết nhằm thúc đẩy và nhân rộng mô hình này ở Việt Nam.
Sự chung tay và phối hợp của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như: nhà quản lý, kiến trúc sư, quy hoạch gia, kiến trúc sư cảnh quan, chuyên gia nông nghiệp, nhà sinh vật học, chuyên gia vườn – cảnh quan vườn v.v. cũng là rất cần thiết để có thể triển khai đồng bộ và hiệu quả mô hình vườn cộng đồng ở các quy mô khác nhau từ lớn đến nhỏ, vì mục tiêu xây dựng tại Hà Nội một thành phố xanh – văn minh – văn hiến, vì một tương lai phát triển bền vững.
- Tài liệu tham khảo
1. Ngân hàng thế giới, Développement urbain - vue d’ensemble / Phát triển đô thị - cái nhìn tổng thể. banquemondiale.org, 2023.
2. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Le risque d’insécurité alimentaire grandit dans les zones urbaines d’Asie et du Pacifique à mesure que s’accélère l’urbanisation, selon un rapport d’organismes des Nations Unies / Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết nguy cơ mất an ninh lương thực gia tăng tại các khu vực đô thị ở Châu Á - Thái Bình Dương do tác động của đô thị hoá nhanh. . fao.org, 2023.
3. Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê. 2021.
4. Từ điển Larousse, Expressions : Jardins communautaires. Online, 2024.
5. Young, G., Liz Christy and the Community Gardens of the East Village / Liz Christy và phong trào vườn cộng đồng tại East Village. boweryboyshistory.com, 2023.
6. Legenne, C., et al., Familial ou partagé : les citadins franciliens de plus en plus adeptes du jardinage / Vườn gia đình hay vườn chia sẻ: cư dân vùng Île-de-France ngày càng thích làm vườn. L’institut paris region, 2020.
7. Laboratoire sur l'agriculture urbaine (AU/LAB), Jardins communautaires / Vườn cộng đồng. Culture ta ville, 2024.
8. Smith, L., Community Gardens in City Parks. Most Policy Initiative, 2024.
9. Berg, A.E.v.d., et al., Allotment gardening and health: a comparative survey among allotment gardeners and their neighbors without an allotment. Environmental Health 2010, 9:74, 2010.
Tác giả: TS.KTS. Nguyễn Quốc Đạt – Email: datnq@hau.edu.vn. Nguyễn Vũ Bảo Minh – Email: minhnvb@hau.edu.vn. Giảng viên - Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Nguồn: Sách " Xu hướng thiết kế Kiến trúc cảnh quan".