Dự án Vịnh Hòn Lan Mũi Kê Gà thuộc Xã Tân Thạnh huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận Việt Nam

18/07/2023 Lượt xem : 828

Thông tin dự án

Tên dự án: Thanh Long Baywalk

Tư vấn Thiết kế: TA Landscape Architecture

Năm thiết kế: 2020

Năm hoàn thành: 2022

Quy mô: 17,000 m2

Địa điểm: Xã Tân Thành, Huyện Hàm Thuận Nam, Tỉnh Bình Thuận

 

SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ

 

Quảng trường biển Thanh Long Baywalk là không gian xanh yên bình miền gió cát, quảng trường biển hẹn nhịp sống cộng đồng. Là thiết kế tích hợp tính công cộng với định hướng sinh thái và giải pháp tạo hình điểm nhấn cảnh quan mang tính bản địa. Là không gian quảng trường với hành lang cột và đường bao quanh như một dải lụa hồng mang sắc màu quả thanh long bản địa đã định hịnh nên một quảng trường rộng lớn phục vụ cho các lễ hội và hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Là nơi mà không có bất kì một không gian “chết” nào, kể cả bên dưới cầu, sự sống từ các tầng cây bụi từ thấp lên cao và lên cao nữa đã mang lại bầu không khí luôn tươi mát cho vùng không gian khô cằn.

Từ một vùng đất khô cằn hoang sơ, sự hiện diện của quảng trường như một điểm kết nối giữa con người với tự nhiên. Được sải bước chân trên những nền cát rộng lớn, được chạm tay vào những tán dừa xanh mát, được bắt trọn vẻ đẹp của một vịnh biển đẹp như tranh vẽ, được ngắm nhìn cận cảnh hay thậm chí là chạm tay vào cả ”bầu trời sao”.

Thanh Long Baywalk

“Ngày thanh long bay trên tán rừng dừa

Đêm dải ngân hà dạo bước ngắm trời sao”

Địa điểm dự án

Toạ lạc tại khu bờ đá tự nhiên tạo ra hình mũi và hình thành điểm chắn sóng và các bãi biển cát tự nhiên và rừng dừa xanh mát hay còn được biết đến cái tên Vịnh Hòn Lan-Mũi Kê Gà thuộc xã Tân Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Với vị thế biển trong xanh, vịnh thiên đường, không gian nơi đây được ví như viên ngọc của loài rồng nhô lên từ sỏi đá khô cằn, với những rặng dừa xanh mát, những hàng phi lao đung đưa theo chiều gió đem lại sức tươi mới cho cả một vùng. Tổng thể cảnh quan hiện hữu hội tụ giá trị nét cảnh quan hoang sơ, bình dị vốn có của thiên vùng biển: nắng và gió, sỏi cát và đá. Từ đó những cảm hứng thiết kế từ chất liệu thiên nhiện đan cài cùng với những giá trị bản sắc hiện hữu sẽ làm tôn lên vùng đất cát trắng ấy.

Đề bài thiết kế

Đặc trưng nổi bật của Bình Thuận là du lịch sinh thái biển với những bãi cát trắng thoai thoải kéo dài, nước biển xanh và đồi cát ven biển. Đó là những lợi thế để phát triển ngành du lịch mà thiên nhiên ưu đãi cho Bình Thuận. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần đầu tư Nam rất quan tâm đến các giá trị sinh thái, bản địa của khu vực và luôn hướng đến các giải pháp phát triển bền vững với môi trường mong muốn tạo lập một điểm đến công cộng hấp dẫn dành cho mọi người trải nghiệm và sáng tạo. Chủ đầu tư đồng thời cũng rất quan tâm đến các giá trị sinh thái, bản địa của khu vực và luôn hướng đến các giải pháp phát triển bền vững với môi trường, định hướng hình thành không gian mới sao cho đan cài và hòa nhập với môi trường tự nhiên xung quanh, toát lên được các giá trị bản sắc đặc trưng nơi chốn của khu vực. 

Cảm hứng thiết kế

Gieo mầm CÔNG CỘNG: Quảng trường Saint Peter ở Vatican là hình mẫu quảng trường kinh điển với đường hành lang cột đá ôm quanh định hình thành không gian công cộng đậm chất châu Âu. Lấy cảm hứng từ thủ pháp định hình không gian quảng trường của Quảng trường Saint Peter, khi đặt vào bối cảnh vùng bãi biển tự nhiên hoang sơ này, liệu có hàng cột nào phù hợp với bối cảnh bằng chính loại cây đặc trưng và hiện hữu tại đó: cây dừa.

Vun đắp MÔI TRƯỜNG: Như cách bình thường chúng ta đi ra biển, ta đi xuyên qua hàng dừa xanh mát ven biển, đi xuống bãi cát mềm mịn để đón không gian biển bừng mở. Để tiếp nối câu chuyện về hàng dừa hiện trạng vốn đã sinh trưởng tại đó từ trước đến nay, tựa làn gió biển thổi “hồn dừa” vào khu đất gợi nên câu chuyện về sức sống mãnh liệt của thiên nhiên tươi đẹp trước sóng gió thử thách, hàng dừa mới được trồng dẫn hướng trực tiếp ra biển như một con đường chào đón mọi người đến với bãi biển xanh ngọc tuyệt đẹp. Tiếp nối câu chuyện về hàng dừa, cảm hứng về “viên sỏi xanh” và “dòng chảy cát” in vào nền quảng trường tạo nên sự hòa mình của cái nhân tạo vào với bối cảnh tự nhiên xung quanh. 

Nuôi dưỡng BẢN SẮC: Bên cạnh các hình ảnh  tự nhiên của vùng biển như cây dừa, viên sỏi, bãi cát, Bình Thuận còn là một nơi nổi tiếng với các hình ảnh văn hóa khác: từ vùng đặc sản của loại trái cây nổi tiềng Thanh Long cứ tới mùa thu hoạch là như “nhuộm hồng” cả vùng; hay Tháp Chàm Poshanu là một công trình kiến trúc của vương quốc Chăm Pa có giá trị nghệ thuật, lịch sử, văn hóa, kiến trúc nên đã dần trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến đây; hoặc là từ sự kiện thiên vãn vũ trụ năm 1995 đã diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần, và Bình Thuận chính là nơi quan sát được nhật thực với phần Mặt Trời bị che khuất lớn nhất , đã trở thành một cú hích lớn đưa Bình Thuận trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.

Ý tưởng thiết kế

Dải lụa GIỮA Rừng dừa:

Quảng trường được hình thành bởi đặc tính bao bọc không gian của hành lang cột tích hợp dải lụa màu thanh long uốn lượn giữa rừng dừa,. Tạo hình phần cột kết cấu của cầu theo dáng dừa vươn thẳng, ẩn lớp cột vào không gian rừng dừa bằng lớp “vỏ thân dừa” tạo hình thủ công bằng bê tông sợi, Cầu (Dải lụa) đặt cạnh Cột (Rừng dừa) nhấn mạnh ý tưởng dải lụa màu thanh long mang chức năng đường dạo lưng chừng trời, uốn lượn giữa những tán dừa, tạo không gian trải nghiệm dừa trên và dưới, tối ưu tầm nhìn vịnh biển. Chúng ta thường chỉ được đi dưới và nhìn từ dưới lên những tán dừa, nhưng Thanh Long Baywalk sẽ cho bạn chạm tay đến và cảm nhận lá dừa từ trên cao. 

Vòng trăng TRÊN Đêm sao:

Cảm hứng dựa trên sự kiện thiên văn vũ trụ năm 1995 -khởi nguyên phát triển du lịch Bình Thuận.Hình ảnh vòng trăng lơ lửng giữa vị trí cửa ngõ trục đường kết nối liên khu vực tạo điểm nhấn để dừng lại và tìm thấy hình ảnh tháp Chàm Poshanu Bình Thuận đang ẩn mình trong lòng trăng. Nhận ra sự tương đồng của ruột quả Thanh Long, đặc sản của vùng đất này với hình ảnh bầu trời sao trên vùng biển Bình Thuận, các tấm ốp kim loại đục lỗ ban ngày là những “hạt thanh long” và ban đêm là “vũ trụ sao”, gợi nên những xúc cảm liên tưởng cho người đến quảng trường vào những thời điểm khác nhau.

Sóng cát DƯỚI Sỏi xanh:

Lát nền là cát, cát cũng chính là lát nền. Giải pháp lát nền mang tính sinh thái với việc sử dụng toàn bộ gạch bê tông đúc sẵn, tự chèn trên nên cát tự nhiên, cả trong nền quảng trường lẫn đường giao thông, giúp tạo điều kiện thấm thoát nước xuống bên dưới lòng đất. Không gian nhân tạo mới chỉ là sự chạm nhẹ trên mặt đất. Mảng xanh được hình thành từ 3 lớp cây phủ nền-cây bụi-cây dừa với những chủng loại bản địa chịu nắng chịu gió từ chính gốc vùng vịnh biển, ít cần công chăm sóc đã tái hiện những ốc đảo xanh trên nền.

 

Đội ngũ thiết kế:

Vũ Việt Anh                           : Chủ trì thiết kế

Phạm Thị Ái Thủy                : Phó giám đốc

Khổng Minh Trang               : Quản lý thiết kế cảnh quan

Nguyễn Quang Hữu Tuấn  : Quản lý thiết kế kiến trúc

Phạm Ngọc Thắng              : Kiến trúc sư thiết kế cảnh quan

Huỳnh Hữu Chí                    : Kiến trúc sư khai triển kỹ thuật

Phạm Lê Ngân Giang         : Kiến trúc sư khai triển kỹ thuật

-

Đơn vị cộng tác:

Hình ảnh               : Triệu Chiến (http://trieuchien.com/ )

Phim                      : Hoàng Lê (https://www.chimnonstudio.com/)

Tư vấn ánh sáng: Công ty TNHH Thiết kế ánh sáng ASA (ASA Lightings Design Studios)

Đơn vị thi công   :Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (Daidung Metallic Manufacture Construction and Trade Corporation)

Đơn vị giám sát : Công ty Cổ phần Tư vấn Quản lý Chất lượng Đầu Tiên - First Quality Management Consultant Corporation (FQM Corp)