Gần ba thập kỷ Hà Nội nỗ lực “hướng lòng mình” về sông Hồng và những điều còn bỏ ngỏ

27/09/2023 Lượt xem : 385

Quy hoạch sông Hồng thành trục cảnh quan trung tâm của Hà Nội là mục tiêu được đặt ra trong hàng chục năm qua, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần hóa giải để có thể hiện thực hóa mục tiêu này. 

CÁC CÔNG NGHỆ KHẢO SÁT VÀ PHÂN TÍCH CẢNH QUANTHÔNG QUA HÌNH ẢNH BẢN ĐỒ
Talkshow " Truyền thống và Ý tưởng: Thách thức và Xu hướng Thiết kế Cảnh quan và Không gian mở tại Hungary"
THÔNG BÁO TỔ CHỨC THI MÔN VẼ MỸ THUẬT - KỲ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2024
Ngành Kiến trúc cảnh quan khát nhân lực vì công ty, doanh nghiệp cần nhân sự này
BUỔI TỌA ĐÀM "LỰA CHỌN DANH MỤC CÂY XANH CHO DỰ ÁN"

Sông Hồng - "con sông mẹ" của đồng bằng Bắc Bộ, cũng là dòng chảy huyết mạch của Thủ đô Hà Nội. Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm của lịch sử, kể từ thời vua Lý Công Uẩn rời đô về Thăng Long năm 1010, cho đến nay sông Hồng đã ôm trọn trong lòng mình những ký ức hào hùng, những giá trị lịch sử - văn hóa đậm đà bản sắc, những nét đẹp cổ truyền của nền văn minh lúa nước mà không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của nó. 

Đối với quy hoạch và kiến trúc đô thị của Hà Nội, sông Hồng là cảnh quan tự nhiên hấp dẫn, trù phú, có vai trò điều tiết không gian và khí hậu của thành phố, đồng thời là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai, kết nối bản sắc văn hóa với lối sống đương đại. Hơn hết, khu vực ven sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội - nơi đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa hàng nghìn năm được xem là "lối thoát" cho bài toán khó giải nhiều năm nay của thành phố về vấn đề đất chật, người đông, thiếu không gian xanh. 

Nhận thấy rõ tiềm năng và vị thế của sông Hồng, ngày 25/3/2022, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), với quy mô gần 11.000ha, thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã ở 13 quận, huyện. Đồ án cũng chỉ rõ, tính chất và chức năng chính của phân khu đô thị sông Hồng, bên cạnh là không gian thoát lũ còn là “trục không gian đặc trưng hành lang xanh: cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch”.

Trích Bản đồ Quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất, đề án Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng. (Ảnh: Hanoi.gov)

Sáng 9/8/2023, tại hội nghị đối thoại với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp TP. Hà Nội, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cũng đã nhấn mạnh: “Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt vào sông - nội dung đã được Bí thư Thành ủy chỉ đạo cũng như truyền tải đến các chuyên gia trong tổ tư vấn để triển khai trong thời gian tới”.

Thế nhưng, thực tế đã chỉ ra, những gì được vạch ra trên giấy so với những điều mắt thấy tai nghe ở hiện thực còn chênh nhau một khoảng cách khá xa. Từ năm 1994, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hàn Quốc... đã chú ý đến tiềm năng đất đai và tài nguyên của sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội, đồng thời đưa ra nhiều ý tưởng hình thành “đô thị ven sông”, nhưng cuối cùng cũng chỉ dừng lại ở… ý tưởng. 

Cho đến nay, sau 29 năm và sau những đồ án quy hoạch đã được lập, diện mạo cảnh quan ven sông Hồng, nơi trung tâm Thủ đô Hà Nội, nơi chân cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử, vẫn là những bãi đất trống, những khu dân cư tự phát, những khu nhà ổ chuột và hằng hà sa số những khung cảnh chẳng mấy đẹp mắt, chưa thực sự xứng tầm với vị thế của một "con sông mẹ" chảy qua lòng thành phố. 

PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Khi những vướng mắc vẫn còn tồn tại, tương lai của đô thị ven sông Hồng tại Hà Nội có lẽ còn trải qua một chặng đường dài để trở thành sự thực. Bàn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và TS.KTS. Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. 

Hết thời “quay lưng”, Hà Nội sẽ sớm “quay mặt” vào sông Hồng

PV: Thưa Kiến trúc sư, có thể hình dung như thế nào về việc TP. Hà Nội sẽ hướng mặt vào sông Hồng và định hướng quy hoạch như vậy có ý nghĩa ra sao với Thủ đô? 

PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường: Trước đây, sông Hồng được coi là nằm phía ngoài thành phố, nên chúng ta mới có “Hà Nội”, nghĩa là “nằm phía trong dòng sông”, được bao bọc bởi một bên là sông Nhuệ, một bên là sông Hồng. Từ khi mà phía Bắc sông Hồng phát triển thì chúng ta có quy hoạch sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm và tiến tới phát triển thành phố hài hòa hai bên sông. 

Trước đây khi thành phố quay lưng với sông Hồng, thì toàn bộ không gian giáp đê không phải “bộ mặt” của thành phố, nên chúng ta đẩy mọi chức năng phụ ra phía dòng sông. Bởi vậy, bây giờ quy hoạch Hà Nội “hướng mặt ra sông Hồng” tức là chúng ta sẽ coi khu vực dòng sông và bãi bồi ven sông, cũng như những khu vực lân cận, là trung tâm. Ở đó, những tuyến đường ven đê sẽ là tuyến đường chính và sẽ phải có những công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố, chứ không phải là những khu vực tự phát hay bỏ hoang.

Việc quy hoạch thành phố lấy sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm sẽ giúp Hà Nội có thêm không gian để khai thác du lịch hoặc vui chơi giải trí, đặc biệt là giải phóng quỹ đất bãi bồi hai bên sông. Trước đây, chúng ta chưa khai thác quỹ đất này một cách hiệu quả và cũng chưa thực sự có sự nghiên cứu nghiêm túc làm căn cứ để khai thác. Chính đề án Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng mới được phê duyệt đầu năm nay đã cho thấy mục tiêu nghiên cứu và khai thác tài nguyên đất đai ven sông của Hà Nội trong thời gian tới. 

Về phong thủy, việc thành phố “hướng mặt” ra sông là thuận theo tự nhiên vì đối với bất cứ thành phố nào, con sông chảy qua cũng là một yếu tố rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thành phố đó. “Hướng mặt” ra sông Hồng tức là chúng ta hướng về “minh đường” - nơi có khoảng không rộng rãi, và nơi có nước, có dòng chảy của dòng sông tạo ra sự vận hành của khí. Và chính sông Hồng cũng được “hưởng lợi” khi được đưa vào quy hoạch một cách bài bản, vì quy hoạch sẽ phải tính đến việc làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn cảnh quan ven sông, làm thế nào để tạo điều kiện cho dòng chảy được rộng rãi, có thể tính đến không gian dự trữ để thoát lũ tốt hơn. 

Rõ ràng, quy hoạch sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm là một tín hiệu tốt cho thấy "dòng sông mẹ" và khu vực bãi bồi đang được quan tâm nhiều hơn. Nếu cứ để dòng sông phát triển một cách hoang dại, nếu chúng ta cứ mãi đứng từ bên này sông nhìn sang bên kia và chỉ thấy những khu dân cư tự phát nhem nhuốc, lổn nhổn, thấy toàn đất hoang, thì đó là sự lãng phí tài nguyên, còn con người cho dù đang ở giữa Thủ đô cũng chưa được chăm sóc một cách toàn diện.

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. 

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn: Về cơ bản, đô thị là một cấu trúc phức hợp và không có mặt tiền, cho nên có thể hiểu TP. Hà Nội “hướng mặt ra sông” là thành phố sẽ không lãng quên, “quay lưng” lại với sông Hồng nữa mà khai thác nó như một yếu tố sinh thái của đô thị. Không chỉ Hà Nội mà nhiều thành phố của nước ta đều đã hoặc đang “quay lưng” với những dòng sông, tức là đẩy những chức năng phụ như nơi vệ sinh, tập kết rác thải… về phía sông. Trong khi đó, trên thế giới tại các thành phố lớn như Brussel (Bỉ), London (Anh), Paris (Pháp), Venice (Ý), họ đều khai thác rất tốt những dòng sông chảy trong thành phố và biến chúng trở thành biểu tượng, cảnh quan trung tâm của đô thị. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa làm được điều đó với sông Hồng. 

Nhìn về bản chất, việc quy hoạch thành phố “hướng mặt ra sông” hay lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm là tiến tới khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển không gian cảnh quan ven sông vì vốn dĩ nó đã là một không gian mở, có sự hấp dẫn tự nhiên cũng như giàu tiềm năng để phát triển kinh tế.

Khai thác hay bảo tồn - những mâu thuẫn từ cách tiếp cận 

PV: Theo các chuyên gia, việc khai thác tài nguyên từ sông Hồng và bãi bồi ven sông cần phải cân nhắc đến những vấn đề gì? 

PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường: Đối với các phương án khai thác sông Hồng, từ nhiều năm nay, chúng ta vẫn có nhiều phương án tương ứng với nhiều giai đoạn khác nhau và có sự tư vấn từ chuyên gia quốc tế. Cách đây 15 năm cũng có đoàn chuyên gia của Nhật Bản đề xuất phương án giữ gìn sông Hồng như một trục cảnh quan, gần như không có đụng chạm, khai thác gì nhiều.

Sau đó, cũng có đoàn chuyên gia từ Hàn Quốc đề xuất ý tưởng khai thác “thành phố sông Hồng” như thành phố sông Hàn - Seoul. Giữa hai phương án từ chuyên gia nước ngoài cũng có nhiều điểm khác biệt, chủ yếu về cách tiếp cận bảo tồn nhiều hơn hay khai thác nhiều hơn. Cho đến nay, phương án của chúng ta đang hướng đến sự trung dung, tức là vừa khai thác, vừa bảo tồn cảnh quan của dòng sông. 

Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như thế và cũng phải cân nhắc đến nhiều vấn đề. Câu hỏi trăn trở nhất và vẫn gây nhiều tranh cãi trong những năm qua là về tính an toàn thoát lũ của dòng sông, vì nó quyết định đến việc đất đai giữa 2 con đê sẽ được sử dụng như thế nào. Bởi sông Hồng chảy qua nhiều quốc gia, khu vực và tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chỉ đến từ dòng sông mà còn đến từ cách mà mỗi quốc gia, khu vực tác động vào. 

Trên thực tế, Luật Đê điều cũng đã có sự khống chế để đảm bảo thoát lũ an toàn, tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng nếu quản lý cứng nhắc thì không phát triển được. Nếu tần suất xảy ra lũ lớn thấp, có thể là 200 năm hay thậm chí 500 năm mới xảy ra 1 lần thì tại sao chúng ta không mạnh dạn sử dụng? 

Trái lại, cũng có quan điểm cho rằng tất cả tính toán đều có thể có sai số và tính rủi ro rất cao. Như Trung Quốc vừa hứng chịu đợt mưa rất lớn, lượng mưa lên đến hơn 700mm, nước chảy qua Bắc Kinh thành dòng lũ lớn gây thiệt hại nặng nề. Thông thường, hệ thống thoát nước đô thị được tính toán với lượng mưa khoảng 200 đến 250mm, mưa đạt đến 500mm là đã ngập như trận lụt ở Hà Nội vào năm 2008 rồi. Điều đó cho thấy, gần đây có nhiều khả năng xảy ra mưa lớn bất thường hơn và không thể can thiệp quá nhiều vào dòng sông được. 

Hai quan điểm trên tồn tại song song và xung đột với nhau, không bên nào có thể đúng tuyệt đối. Do đó, bất kể ý định đầu tư, khai thác đất và tài nguyên nào của sông Hồng cũng phải cân nhắc rất kỹ giữa nhiệm vụ thoát lũ và phát triển kinh tế. 

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn: Tôi cho rằng, khó khăn nhất là làm sao để bảo tồn hệ sinh thái ven sông, khôi phục không gian trống đang bị lấn chiếm. Hiện nay, phía ngoài đê sông Hồng vẫn còn tồn tại rất nhiều khu dân cư, trong đó có cả những khu tự phát. Với những khu vực dân cư tạm bợ thì có thể khắc phục được ngay, nhưng với những khu lâu đời, đã có một số dân nhất định thì câu chuyện di dân chưa bao giờ là bài toán dễ dàng.

Trước nguy cơ những khu dân cư ven sông có thể ngày càng mở rộng, khó khăn còn đến từ việc phải giữ được đất để khôi phục tính tự nhiên của cảnh quan ven sông, vì khu vực này tiềm ẩn nhiều rủi ro về thiên tai. Hằng năm vẫn có những thiệt hại về người vì lũ lụt, sạt lở, nhưng vì họ không có chỗ ở, không có đất, không bám trụ được trong khu vực nội đô nên nhiều người vẫn lấn chiếm đất bờ sông để sinh sống và canh tác. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì việc bảo vệ khoảng không ven sông càng trở nên khó khăn và thách thức hơn. 

Muốn giữ được đất thì phải có quy hoạch phát triển cảnh quan ven sông, cần định hướng rõ cảnh quan ven sông Hồng sẽ như thế nào, kết nối với cảnh quan ven các sông khác và với không gian xanh khác của Hà Nội ra sao và giải pháp tạo lập hệ sinh thái hoàn chỉnh của thành phố như thế nào. Phải có chiến lược, quy hoạch định hướng thì mới có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Bên cạnh đó, cũng cần quyết liệt trong công tác thực hiện quy hoạch, vì thực tế vẫn xuất hiện những công trình xây dựng, vẫn có những đồ án đô thị được lập trong khu vực hành lang xanh đã được đề xuất trong đồ án quy hoạch chung của Hà Nội. Như vậy sẽ rất khó để dòng sông Hồng hoàn thành trọn vẹn vai trò là hành lang xanh, trục cảnh quan trung tâm của thành phố, cũng như không thể có những đóng góp tương xứng với tiềm năng vào diện mạo chung của đô thị. 

Thứ hai là hoạt động canh tác công nghiệp ven sông, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở là không phù hợp. Trên phương diện trị thủy, khu vực ngoài đê là khu vực hành lang thoát lũ và chịu ngập lụt thường xuyên khi có thiên tai. Sự ổn định của khu vực ngoài đê là không cao và thường xuyên xuất hiện sạt lở, chính vì vậy việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất từ đất canh tác nông nghiệp sang đất ở là hoàn toàn không có tính khả thi và vi phạm đến các văn bản quy phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi và thủy văn. 

Hiện nay, khu vực bãi bồi ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội vẫn chủ yếu là những bãi đất trống, bỏ hoang, chưa được khai thác phù hợp với lợi thế về vị trí, cảnh quan. (Ảnh: Hà Thu)

Cần nghiên cứu sử dụng hiệu quả đất đai và quy hoạch thuận tự nhiên 

PV: Vậy thưa PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường, chúng ta có tìm được một điểm cân bằng nào giữa hai quan điểm đang xung đột với nhau như ông đã chỉ ra, trong trường hợp của Hà Nội và sông Hồng không? 

PGS.TS.KTS. Phạm Hùng Cường: Theo tôi, điều cốt lõi là phải nghiên cứu sử dụng hiệu quả đất đai; bỏ cả hai xu hướng và quy hoạch một cách nghiêm túc, chứ không phải vì thấy không khai thác được gì, không có hiệu quả gì nên bỏ hoang, để mặc cho người dân tự ý trồng rau màu, canh tác nông nghiệp, thậm chí hình thành những xóm nổi hay nhà ổ chuột ven sông. 

Quy hoạch biến đất ven sông thành không gian xanh cho người dân sử dụng là tốt nhất, có thể cho phép xây dựng thêm các khu vui chơi giải trí. Đương nhiên sẽ phải có cảnh báo thời tiết cụ thể với những khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại ven sông Hồng, nhưng điều đó cũng không quá phức tạp và khó thực hiện. Cũng giống như chúng ta đi tắm biển, biển tĩnh thì xuống chơi, biển động thì lên bờ vậy.

Có thể những lúc nước sông lên cao nhất cũng sẽ làm ngập khu vui chơi, nhưng rõ ràng đó là không gian phát triển rất tốt về cảnh quan, môi trường. Và nếu như 100 năm mới có đợt nước ngập một lần thì khu bãi bồi ven sông Hồng cũng rất sáng giá để đầu tư đó chứ? Nhà đầu tư hoàn toàn có thể xem xét, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.

Những công trình như công viên, khu vui chơi thực ra không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ chảy của dòng nước nếu ngập lụt xảy ra. Tuy nhiên, nếu muốn xây khu đô thị, nhà chung cư ven sông thì vấn đề lại càng khó hơn, vì đó là những công trình kiên cố, ảnh hưởng đến tốc độ thoát nước, dễ gây ngập lụt cục bộ khi có mưa lớn, chưa kể nhà cao tầng có thể cản gió từ sông vào khu vực nội đô.

Nhưng nếu không cho xây nhà, xây chung cư, dự án đô thị thương mại thì lại không thu hút được nguồn lực đầu tư, trong khi nguồn vốn công của chúng ta còn hạn chế, phải huy động thêm nguồn vốn xã hội. Đó chính là câu chuyện mà giới quy hoạch đang trăn trở. 

Hơn hết, nếu là những khu vực ven sông Hồng nhưng không phải là trung tâm Hà Nội thì việc đầu tư xây dựng đô thị chỉ đáng lo ngại về vấn đề thoát lũ. Nhưng riêng với Hà Nội thì còn gặp vướng mắc về cấu trúc quy hoạch của Thủ đô. Ví dụ, nếu phát triển dự án nhà ở tại khu vực chân cầu Long Biên hoặc đoạn từ cầu Long Biên về phía hồ Tây thì sẽ đẩy thêm mật độ dân cư cho trung tâm Hà Nội. Số lượng phương tiện giao thông đổ về khu vực trung tâm sẽ ngày càng tăng lên, khiến cho đường sá lại càng ách tắc hơn. Trong khi đó, chúng ta đang đặt ra nhiệm vụ giãn dân nội đô, nghĩa là không được phép đẩy thêm dân cư vào khu vực trung tâm nữa. 

Đối với vấn đề này, hiện nay trong Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng cũng đã lọc ra một số khu vực dành cho phát triển các dự án nhà ở, chung cư với mật độ xây dựng dưới 15% nhằm huy động vốn phát triển công viên và các hạ tầng ven sông khác. Nhưng có lẽ nguồn vốn này là không đủ, Chính phủ vẫn sẽ cần đầu tư thêm trong tương lai. 

PV: Thưa TS.KTS. Phạm Anh Tuấn, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến bất thường, nước sông Hồng cũng liên tục đạt mức thấp. Liệu điều này có ảnh hưởng đến quy hoạch cảnh quan ven sông Hồng?

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, dưới góc nhìn của một chuyên gia về kiến trúc cảnh quan, ông cho rằng chúng ta nên tiếp cận quy hoạch sông Hồng như thế nào?

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn: Bản thân mực nước của sông Hồng từ trước đến giờ vẫn lên cao xuống thấp thất thường, từ năm 2008 đã có lúc nước sông Hồng cạn chỉ còn 10cm xuống đáy. Bên cạnh sự tác động của biến đổi khí hậu, chế độ thủy văn và lưu lượng nước sông cũng đã thay đổi rất nhiều do tác động của con người, cụ thể là hoạt động của các đập thủy điện từ đầu nguồn.  

Chế độ thủy văn sông Hồng cùng với quỹ đất hai bên bờ sông là những yếu tố chính trong nghiên cứu của quy hoạch cảnh quan. Nếu có giải pháp quy hoạch tốt thì lưu lượng nước và dòng chảy của sông cũng sẽ được ổn định, hệ sinh thái ven sông được duy trì tốt, ví dụ như biện pháp giữ nước mùa mưa và tạo không gian mặt nước cho mùa khô. 

Khác với quy hoạch xây dựng, quy hoạch cảnh quan phải dựa vào tự nhiên, tuân theo các quy luật của tự nhiên để đạt được tính bền vững. Công nghệ có thể can thiệp để biến đổi một số yếu tố, nhưng chỉ ở mức độ nhất định và không thể thay thế hoàn toàn những phương pháp thích ứng với tự nhiên. Cốt lõi của quy hoạch cảnh quan là “thuận thiên”, tức là thuận theo tự nhiên, tìm cách làm thế nào để vừa đáp ứng phát triển kinh tế xã hội, khai thác hiệu quả cảnh quan ven sông, vừa đảm bảo mặt sông được thông thoáng, dòng chảy thuận lợi, hệ sinh thái được duy trì và phát triển ổn định. Từ đó, cả con người và thiên nhiên đều được hưởng lợi. 

Chính vì vậy, quy hoạch sông Hồng trở thành trục cảnh quan trung tâm của TP. Hà Nội cũng cần dựa theo các yếu tố của môi trường, tính toán đến sức tải của thiên nhiên, dòng chảy thuận lợi của dòng sông và đặc trưng cảnh quan ven sông để đưa ra giải pháp cho phù hợp. Quy hoạch thuận theo quy luật tự nhiên thì con người cũng sẽ tránh được những rủi ro. 

PV: Trân trọng cảm ơn chia sẻ của các chuyên gia!

Nguồn: Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.