Giới thiệu các đồ án đạt Giải thưởng “Đồ án sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Ngành Kiến trúc Cảnh quan” mùa 2 - năm 2023

30/11/2023 Lượt xem : 4027

SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ

Giới thiệu các đồ án đạt Giải thưởng “Đồ án sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Ngành Kiến trúc Cảnh quan” mùa 2 - năm 2023

 

01 GIẢI NHẤT:

Đồ án"Thiết kế KTCQ khu du lịch sinh thái Dần Xây kết hợp với hoạt động cải thiện thu nhập cho cộng đồng dễ bị tổ thương xã An Thới huyện Cần Giờ TPHCM" của sinh viên Võ Duy Tài, GVHD: TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM;

Đồ án đã đi sâu phân tích, đánh giá về điều kiện tự nhiên. Đồ án có cách trình bày khác biệt, thể hiện đẹp mắt, thông tin rõ ràng, mạch lạc phong phú. Các đề xuất nhìn chung phù hợp với khu vực bảo tồn sinh thái về quy mô, hình thức, vật liệu xây dựng; Đồ án có ý tưởng sáng tạo, các giải pháp mang giá trị nhân văn đồng thời góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương; tạo sự cân bằng phát triển hài hòa của môi trường và các giá trị kinh tế mà không phá vỡ các giá trị văn hóa bản sắc của địa phương. Đồ án sẽ hoàn chỉnh hơn nếu phân tích rõ hơn về các giá trị văn hóa, con người, lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể… của khu vực nghiên cứu; Vùng cảnh quan bảo tồn rừng ngập mặn hiện hữu bị tác động khi tác giả đề xuất di dời khu trung tâm hoạt động của khu du lịch (khu A) về phía Bắc khu đất, và chuyển đổi khu trung tâm dịch vụ hiện hữu thành khu bảo tồn rừng ngập mặn.

01 GIẢI NHÌ:

Đồ án "Thiết kế kiến trúc cảnh quan công viên lưu trữ tro cốt hậu hoả táng xã Đại Lào, Bảo Lộc, Lâm Đồng" của sinh viên Nguyễn Thị Minh Nguyệt, GVHD TS. Phạm Thị Ái Thuỷ, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM;

Đồ án dũng cảm suy nghĩ lại các quan niệm truyền thống về các nghi thức của tang lễ thông qua thiết kế cảnh quan trong rất nhiều quan điểm khác biệt về văn hóa tín ngưỡng. Tác giả cho thấy sự thay đổi quan niệm của thế hệ mới đối với sự tưởng niệm người đã khuất, của người trẻ suy nghĩ về sự đóng góp về mặt môi trường, để lại các giá trị nhân bản và nhân văn cho thế hệ mai sau. Đồ án có tính sáng tạo cao trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan tổng thể, cơ sơ khoa học phong phú; có nghiên cứu và ứng dụng các nguyên tắc tổ chức không gian cảnh quan theo phong thuỷ. Phương pháp thể hiện đồ án diễn tả được tính chất trang nghiêm của một công viên nghĩa trang, phản ánh cách tiếp cận chủ đề cẩn thận và có ý thức. Ý tưởng “thiết kế rừng chôn cất từ đầu” là mới và khác với các “khu rừng chôn cất tự nhiên kiểu mẫu” ở châu Âu hay châu Mỹ sử dụng rừng hiện có. Tuy nhiên, đây là mô hình tổ chức công viên nghĩa trang mới, các đề xuất về hình thức lưu trữ tro cốt dạng mộc thụ táng có thể chưa phù hợp với bối cảnh văn hoá, tín ngưỡng truyền thống của người Việt Nam.

02 GIẢI BA:

  1. Đồ án "Thiết kế KTCQ sân golf sinh thái thung lũng Ma Thiên Lãnh TP Tây Ninh tỉnh Tây Ninh" của sinh viên Nguyễn Đức Long Quân, GVHD: TS Vũ Việt Anh,Trường Đại học Kiến trúc TPHCM;

Đồ án phân tích rõ đặc trưng cấu trúc cảnh quan hiện hữu của khu vực thiết kế; Cơ sở khoa học của đề tài phong phú; tác giả có kiến thức tốt về loại hình quy hoạch và thiết kế cảnh quan sân golf; giải pháp có sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề sinh thái môi trường của loại hình sân golf. Giải pháp thiết kế cảnh quan có tính sáng tạo và thẩm mỹ cao. Phương pháp thể hiện đẹp và rõ ràng. Giải pháp thiết kế cho thấy lịch sử của cảnh quan với giá trị tiềm ẩn của nó kết hợp với cảnh quan sân gôn độc đáo bởi những cánh đồng lúa, tàn tích điêu khắc từ khai thác lộ thiên, vùng nước, hố cát và bãi cỏ sân golf, truyền tải những ấn tượng đa dạng về cảnh quan điển hình Phong cảnh Việt Nam quanh năm; Nếu giải pháp này được áp dụng thực tế thì phương án thiết kế sẽ đại diện cho một sân gôn phát triển bền vững tạo bản sắc rất riêng. Phương án sẽ trở nên hoàn chỉnh nếu các yếu tố cảnh quan văn hoá bản địa cần được quan tâm khai thác nhiều hơn.

  1. Đồ án "Cửu Xá làng, Panduranga Xứ Chiêm Thành, không gian nghỉ dưỡng văn hoá sinh thái và phát triển làng nghề truyền thống dân tộc Chăm Ninh Thuận" của sinh viên Huỳnh Minh Tân, GVHD: Ths. Nguyễn Quốc Vinh, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM.

Đồ án đã phân tích đặc trưng cảnh quan hiện trạng phong phú và được thể hiện đẹp mắt. Giải pháp thiết kế kiến trúc phản ánh được đặc trưng của kiến trúc Chămpa, đồng thời đã đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy những nét đặc trưng đó và tạo ra một không gian nghỉ dưỡng sinh thái hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Đồ án sẽ hoàn chỉnh hơn khi tổ chức cảnh quan mô phỏng làng nghề Chăm được làm rõ nét hơn từ phân tích đặc trưng văn hoá làng Chăm truyền thống đến giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan mô phỏng làng Chăm của khu du lịch. Tại một số góc nhìn, các giải pháp can thiệp về cấu trúc không thể hòa hợp với thiên nhiên của vịnh và có phần hơi cứng nhắc.

05 GIẢI KHUYẾN KHÍCH: 

  1. Đồ án "Hồng Nhất Độ" Không gian ký ức Lam Hồng" của sinh viên Trương Quang Tài, GVHD: Ths Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng;

Giải pháp kiến trúc cảnh quan có tính sáng tạo và thẩm mỹ cao. Không gian ký ức Lam Hồng phản ánh những giá trị văn hoá di sản của địa phương bên dòng sông Lam. Đồ án có phương pháp thể hiện tốt. Đồ án sẽ hoàn thiện hơn khi nội dung khai triển thiết kế cảnh quan được đầu tư nhiều hơn và dựa trên các điều kiện hiện trạng.

  1. Đồ án "Thiết kế đô thị khu dân cư khu vực chợ nổi Cái Răng, thuộc một phần phường Lê Bình quận Cái Răng và một phần phường An Bình, Q. Ninh Kiều, TP Cần Thơ "của sinh viên Ngô Thanh Tâm,GVHD: TS. Trần Thị Việt Hà, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM;

Đồ án đã nghiên cứu được những đặc điểm văn hóa, lịch sử, kinh tế và tự nhiên của khu vực chợ nổi Cái Răng, một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồ án cũng đã đưa ra được những giải pháp quy hoạch hợp lý để bảo tồn và phát triển chợ nổi, tạo ra một không gian sống hiện đại và sinh thái cho cư dân 2 bờ sông, gắn kết và kích thích khơi lại các hoạt động sôi nổi tấp nập của Chợ Nổi Cái Răng. Tác giả giữ lại khu vực nhà trên cọc ven sông nhờ vậy lưu giữ được hình thái kiến trúc đặc trưng của khu vực chợ nổi Cái Răng nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đồ án được thể hiện nghiêm túc, cách trình bày hồ sơ bản vẽ khá ấn tượng với cách thể hiện mô hình trong tập hồ sơ bản vẽ. Đồ án sẽ hoàn thiện hơn đầu tư thêm  các giải pháp thiết kế cảnh quan gắn với các mục tiêu về tái cấu trúc gắn kết với môi trường tự nhiên và đa dạng hóa sinh kế gắn với khai thác du lịch cộng đồng dựa trên những phân tích sâu hơn về điều kiện hiện trạng khu vực. Một số nội dung tham khảo từ nghiên cứu khác cần trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo trong đồ án để đảm bảo tính minh bạch và giá trị của các thông tin tham khảo.

  1. Đồ án "Thiết kế kiến trúc cảnh quan công viên thực vật ngập nước thuộc khu Bắc Trần Phú P.5,8,9 TP Tuy Hoà Tỉnh Phú Yên" của sinh viên Dương Hoài Bích Dân, GVHD: TS Vũ Việt Anh, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM;

Đồ án phân tích đánh giá được các đặc trưng của môi trường sinh thái của khu vực thiết kế công viên ngập nước (như địa hình, thổ nhuỡng, chế độ thuỷ văn, hệ động thực vật…). Đồ án được thể hiện đồ án nghiêm túc, phong phú về nội dung, một số nội dung khai triển chi tiết kiến trúc cảnh quan được thể hiện khá đẹp mắt. Đồ án sẽ hoàn chỉnh hơn khi các giá trị phi vật thể của văn hoá bản địa khu vực được phân tích và làm rõ hơn trong giải pháp thiết kế của đồ án. Giải pháp thiết kế cảnh quan tổng thể cần có sự hài hoà về hình thái cảnh quan để làm nổi bật đặc trưng của khu vực. Ý tưởng thiết kế nhà kính cho khu trưng bày xương rồng chưa thực sự phù hợp đối với công viên thực vật ngập nước.

  1. Đồ án "Thiết kế KTCQ khu công nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học vi tảo kết hợp tham quan nghỉ dưỡng tại hồ Đa Mi huyện Tánh Linh tỉnh Ninh Thuận" của sinh viên Lão Thị Giang, GVHD: TS Vũ Việt Anh, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM;

Đồ án có những phân tích sâu về đặc trưng cảnh quan sinh thái của khu vực nghiên cứu; Cơ sở khoa học phong phú, ý tưởng ứng dụng công nghệ sinh học vi tảo trong thiết kế cảnh quan hướng đến phát triển bền vững (làm sạch  môi trường nước, pin mặt trời sinh học, khu phức hợp thu hoạch và chế biến vi tảo, vườn cây cơ học, mái che vi tạo…) có tính sáng tạo. Đồ án sẽ có tính khả thi cao khi các đặc trưng văn hoá, phi vật thể, mối tương quan giữa khu vực canh tác nông nghiệp và khu phức hợp thu hoạch và chế biến vi tảo trong phát triển hệ sinh thái bền vững gắn với phát triển nông nghiệp địa phương của khu vực nghiên cứu thiết kế được làm rõ hơn.

  1. Đồ án "Thiết kế KTCQ công viên văn hoá sinh thái phân khu sông Hồng quận Tây Hồ TP Hà Nội" của sinh viên Nguyễn Phan Thuỷ Tiên, GVHD: Ths Hoàng Lê Nam, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM.

Đồ án phân tích rất tốt bối cảnh, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, cảnh quan, đối tượng sử dụng… của khu vực nghiên cứu thiết kế. Ý tưởng thiết kế kiến trúc cảnh quan phong phú và sáng tạo và được thể hiện đẹp. Đồ án có tính khả thi cao khi các ý tưởng thiết kế nếu gắn kết nhiều hơn với bối cảnh hiện trạng khu vực (về cách thức sử dụng không gian bờ sông Hồng của cộng đồng, các yếu tố lịch sử…). Các đường nét thiết kế và phương pháp thể hiện nếu đơn giản hơn sẽ tạo cảm nhận thị giác mạnh hơn cho ý tưởng thiết kế.

 

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn