KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TẠO LẬP BẢN SẮC ĐÔ THỊ

29/05/2024 Lượt xem : 790

 Bài báo đề xuất các phương pháp, phân tích, quy hoạch và thiết kế Kiến trúc cảnh quan để tạo lập bản sắc đô thị.

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
  1. Mở đầu

    Giữ gìn và phát huy bản sắc đô thị là nhiệm vụ của bao nhiêu thế hệ người dân, mà trong đó kiến trúc cảnh quan vừa là phương pháp, là công cụ và cũng là đối tượng để thực hiện nhiệm vụ đó. Trong bài báo này, nhóm tác giả xin đưa ra các cách thức trong thiết kế, quy hoạch Kiến trúc cảnh quan để tạo lập bản sắc đô thị.

  2. Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc đô thị

2.1.  Phân tích cảnh quan và phân vùng cảnh quan

2.1.1. Phân tích cảnh quan: Có rất nhiều phương pháp phân tích cảnh quan:

  1. Phân tích cảnh quan theo mức độ phức tạp khác nhau của địa hình để đưa ra mật độ xây dựng tương ứng ví dụ với địa hình đơn giản, mật độ dày; với địa hình phức tạp, mật độ thưa. Phân tích cảnh quan chủ yếu có tác dụng bảo vệ cảnh quan để tránh san lấp nhiều.
  2. Phân tích cảnh quan bằng phân vùng nhìn và các điểm nhìn trong điều kiện khác nhau từ đó để phân vùng cảnh quan, nhưng không dựa trên sự phân tích các yếu tố cảnh quan thiên nhiên mà chủ yếu dựa trên yếu tố thị giác.
  3. Phân tích theo tính chất cảnh quan: Cảnh quan thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, theo vùng địa lý, có cảnh quan vùng núi cao, cao nguyên và trung du theo thành phần tạo lập cảnh quan có yếu tố địa hình, mặt nước, động vật, thực vật. Đồng thời cảnh quan nhân tạo đã hình thành cũng cần được đánh giá phân tích để khai thác, cải tạo và phát triển trong quá trình hình thành và mở rộng đô thị. Việc phân tích cảnh quan được tiến hành dựa trên cơ sở đánh giá khái quát tính chất cảnh quan để đưa ra các vùng cảnh quan đặc trưng: cảnh quan di tích, cảnh quan đồi núi, cảnh quan mặt nước, cảnh quan nông - lâm nghiệp, cảnh quan khu xây dựng

2.1.2. Phân vùng cảnh quan

           Quy hoạch xây dựng đô thị là một môn khoa học tổng hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau như kiến trúc công trình, địa lý học, lịch sử, sinh thái học đô thị, kinh tế học v.v… Song trên quan điểm bảo vệ, khai thác và nhân giá trị cảnh quan trong các đô thị để xây dựng giá trị thẩm mỹ đô thị, bản sắc đô thị một cách hữu hiệu nhất, bảo đảm sự tổng hòa của cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo thì việc qui hoach đô thị cần phải thích ứng những nguyên tắc cở bản của kiến trúc cảnh quan trong việc khai thác cảnh quan để xác định vị trí đô thị, thiết lập hình thể, cấu trúc và phân bố các khu chức năng trong đô thị. Và coi đó là một trong những cơ sở khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu, thiết kế qui hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.

            Phân vùng KTCQ đô thị một cách rõ ràng giúp dễ dàng nhận diện được cảnh quan đặc trưng và hình thái cấu trúc không gian đô thị từ đó tạo lập nên bản sắc các đô thị. Phân vùng KTCQ của đô thị giúp cho cảnh quan nhân tạo không lấn át thiên nhiên, các vùng cảnh quan trong không gian đô thị được tổ chức có kiểm soát từ đó đô thị giữ được đặc trưng hình thái cảnh quan tổng thể.

            Phân vùng cảnh quan theo khu vực chức năng và đề ra các nguyên tắc phát triển về chiều cao cho từng khu vực. Ví dụ nguyên tắc phát triển cao tầng tập trung ở trung tâm mới, thấp tầng của trung tâm cũ là nguyên tắc quy hoạch không gian tổng thể của nhiều đô thị trên thế giới. Các thành phố trên thế giới có phân vùng KTCQ rõ ràng thường tạo lập được bản sắc đô thị. (H1,2)

 

Hình 1. Thành phố Lyon- Pháp. Cảnh quan tổng thể thống nhất về hình thái, mái nhà màu đỏ. [4]

Hình 2. Cảnh quan thành phố Dubai Phân biệt rõ hình thái không gian khu trung tâm và bên ngoài. [4]

  • Thiết kế KTCQ

Thiết kế cảnh quan là một dạng nghệ thuật. Tuy nhiên, nó khác với những loại hình nghệ thuật ba chiều khác là ngoài việc sắp đặt các yếu tố để tạo ra một cấu trúc thị giác nó còn chịu sự chi phối của yếu tố chiều thời gian, vòng tuần hoàn của sự sinh sôi nẩy nở, trưởng thành và lụi tàn của các dạng sống như đồi núi, cây cối, sông ngòi, và biển cả…

2.2.1. Thiết kế KTCQ theo điều kiện cảnh quan tự nhiên

  1. Thiết kế KTCQ đô thị phù hợp với điều kiện địa hình

Theo đặc điểm cấu trúc địa hình đồi núi gồm các sườn núi đồi, thung lũng, hẻm núi.  đô thị được bố trí cả trên phần lồi và phần lõm của địa hình. Trong trường hợp địa hình là đồi, hình thể đô thị có cơ cấu tập trung hoặc cài răng lược. Do cấu trúc địa hình phức tạp nên đô thị có cơ cấu dải hoặc cài răng lược theo các sườn và khe của địa hình

  1. Thiết kế KTCQ đô thị phù hợp với điều kiện mặt nước

Không gian mặt nước trong đô thị thường là yếu tố cơ bản để cơ cấu quy hoạch và tổ chức cảnh quan đô thị. Các con sông vùng hạ với mặt nước phẳng lặng thường là trục bố cục và là tổ hợp không gian công viên, mặt nước chính của đô thị ví dụ như sông Hàn của thành phố Đà nẵng. Hồ nước cũng góp phần quan trọng trong việc xác định hình thái quy hoạch đô thị, và thường được tổ hợp là trung tâm của đô thị ví dụ hồ Gươm là trung tâm của khu vực cổ và hồ Tây là trung tâm của khu vực mới của Hà nội.  Khu mặt nước đóng vai trò quan trọng trong hình thành cảnh quan khu trung tâm công cộng và khu xây dựng đô thị. Mặt khác, mặt nước không chỉ quyết định về hình thể cho đô thị mà còn được khai thác triệt để trên quan hệ hữu cơ với việc tìm tòi hạt nhân cấu trúc đô thị cũng như trong tìm tòi ý tưởng ý đồ tạo dáng cho đô thị. Hình dạng của mặt nước cũng góp phần quyết đinh hình dạng không gian trống, là tiền đề góp phần xác định giải pháp bố cục và sự phân bố các khu chức năng và hình thể đô thị.

 

  1. Thiết kế KTCQ tạo lập bản sắc đô thị nhờ cây xanh (H3)

- Lựa chọn cây xanh trồng trong đô thị: Trong nghiên cứu mở rộng loài cây trồng trong đô thị, chúng ta nên nghiên cứu những cây đặc sắc của từng vùng, miền. Thí dụ: Cây hoa Ban tượng trưng cho vùng Tây Bắc, Muồng hoàng yến là cây trồng đẹp của miền Nam, cây Kơ Nia trên hình tượng văn học đã trở thành cây biểu tượng của Tây Nguyên, Trúc tím hoặc Trúc đen ở Hà Giang, Lào Cai. Phượng Tím Đà lạt, hay Phượng đỏ Hải Phòng.

- Bổ sung và trồng thí điểm một số cây lá màu: Ở các đô thị Việt Nam, cây xanh chủ yếu mang màu xanh và ít thay đổi lá theo mùa như châu Âu hay châu Mỹ. Chúng ta không có những mùa thu vàng hay mùa lá phong đỏ rực. Chúng ta cũng không thấy được sự biến đổi về màu sắc của lá thật rõ ràng giữa các mùa. Chỉ duy nhất có cây bàng là thay đổi lá theo mùa: Mùa đông áo đỏ, mùa hạ áo xanh và đây cũng là đặc trưng cây xanh ở phố cổ Hà Nội. Nếu chúng ta bổ sung và trồng thí điểm một số cây là màu trên đường phố sẽ tạo được sự hấp dẫn và kỳ lạ cho đô thị.

Hình 3. Tổ chức KTCQ tạo lập bản sắc đô thị nhờ cây xanh (nguồn: internet)

  1. Tổ hợp cảnh quan tự nhiên

     Xây dựng và bảo vệ môi trường thiên nhiên đô thị là biện pháp quan trọng để tạo dựng và giữ gìn bản sắc của đô thị. Trong các khu vực có địa hình đồi núi, mặt nước, các yếu tố thiên nhiên phải đ­ược coi là chủ đạo trong tổ chức không gian;  Không phá vỡ, lấn át cảnh quan thiên nhiên, biết khai thác các đặc trư­ng của cảnh quan vào tổ hợp không gian, tạo bản sắc riêng biệt là các nguyên tắc phải tuân thủ. Các tổ hợp cảnh quan tự nhiên được sử dụng:  Địa hình + Mặt nước; Địa hình + Cây xanh; Mặt nước + Cây xanh. Địa hình + Khí hậu.

            2.2.2. Hình thái  KTCQ

  1. Hình thái tổng thể của đô thị: Là sự kết hợp giữa cảnh quan tự nhiên và không gian đô thị. Đô thị ven sông chạy dài theo chân núi theo hình dạng dải. Đô thị trong thung lũng có sông bên trong và bao quanh bởi núi cao là dạng mảng. Đô thị kết hợp ven sông và thung lũng kết hợp đồi núi thường có dạng tiêu, hay tia có vòng hoặc bán vòng.
  2. Trục không gian KT - CQ đặc trưng

Không gian cảnh quan ven sông, hồ cần khai thác đư­ợc vẻ đẹp của không gian mở với cây xanh, mặt n­ước, có môi trư­ờng tốt nên là một trong những không gian đư­ợc chú trọng khai thác nhằm tạo lập bản sắc trong đô thị. Các công trình ven sông, hồ đ­ược tổ hợp hoặc ẩn vào cây xanh, hoặc đ­ược làm nổi bật trên nền màu sẫm của cây, thảm cỏ hoa, hoặc soi bóng trên mặt n­ước. Đô thị nằm hai bên sông cũng th­ường tổ chức các tuyến đi bộ, kết hợp công trình văn hóa dịch vụ với các không gian mở nghỉ ngơi, điểm vui chơi. Ví dụ như trục cảnh quan hai bên bờ sông Hương (thành phố Huế), trục ven sông Hàn thành phố Đà Nẵng...

  1. Các điểm nhấn và tổ hợp không gian đặc trưng

            Tạo lập điểm nhấn kiến trúc và tượng đài: Tượng đài kết hợp với địa hình và điều kiện tự nhiên. Xây dựng chùa trên sườn dốc như tổ hợp tượng phật và chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng. Các tổ hợp không gian đặc trưng kết hợp kiến trúc, quảng trường, sườn dốc như khu trung tâm Buda của thành phố Budapest, hay đường hoa và kiến trúc ở thành phố Chicago...Không gian có chiều sâu, nhiều lớp cảnh, tạo sự huyền bí đó là cầu trúc cảnh quan tổ hợp chùa, sông Hương và lăng tẩm ở Huế. (H 4,5)

 

 

 

            2.2.3. Thiết kế KTCQ trên cơ sở các yếu tố văn hóa, lịch sử

            - Đô thị là kết tinh của văn hóa nhân loại. Sự phát triển của đô thị là một quá trình diễn biến dần dần. Lịch sử và văn hóa của đô thị hàm chứa nét đặc trưng và diện mạo của đô thị. Nét đặc trưng văn hóa biểu hiện sự phát triển, tích lũy, lắng đọng và đổi mới của đô thị. Quan niệm giá trị xã hội về đô thị của con người thay đổi cùng với sự sinh tồn và phát triển của đô thị. Do đô thị đổi mới và phát triển, những thứ cũ kỹ và vô giá trị sẽ không ngừng bị vứt bỏ và đào thải, còn văn hóa tinh thần và vật chất có giá trị trong đô thị như công trình kiến trúc cổ, di tích cổ... được nâng niu gìn giữ. Chúng trở thành chứng cứ lịch sử phát triển đô thị và dấu ấn hoạt động của con người. Những dấu tích lắng đọng văn hóa này sẽ trở thành đặc tính tri thức văn hóa chung của nhân loại, tạo nên nét đặc sắc văn hóa của đô thị, trở thành nội dung quan trọng của việc tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị.

            - Quan niệm văn hóa là tiền đề sáng tạo cảnh quan đô thị. Nét đặc sắc của đô thị là sự biểu hiện hình tượng không gian bên trong bên ngoài của hình thái vật chất đô thị. Khi chúng ta hồi tưởng lại thành phố mà mình đã tới hoặc vừa mới tới, ấn tượng sâu nhất thường là tiêu chí hình tượng đô thị. Những kiến trúc cổ mang tính lịch sử, công trình kiến trúc công cộng và quảng trường nổi tiếng dẫn tới sự phản ứng của thị giác mọi người, mang lại cho mọi người ký ức và liên tưởng sâu sắc; những đường phố phồn hoa trong thành phố, nét đặc sắc khu vực của thành phố, diện mạo tinh thần của mọi người, niềm vui thích của họ... tạo thành bản sắc cho đô thị. Cho dù ngày nay là thời đại văn hóa của các dân tộc hòa nhập với nhau, nhưng tính dân tộc và tính địa phương vẫn là một nguyên tắc chủ yếu của tổ chức KTCQ đô thị.

  1. Yếu tố kiến trúc truyền thống: Không gian bản làng truyền thống, không gian đô thị cổ như Hà nội, Hội An vẫn được gìn giữ nhằm bảo tồn và tạo lập bản sắc đô thị. Các công trình kiến trúc công cộng mang giá trị lịch sử và văn hóa tiêu biểu của các quốc gia
  2. Cảnh quan hoạt động truyền thống: Lễ hội, chợ phiên, hoạt động văn hóa truyền thống mang tính đặc trưng của các dân tộc trên thế giới và Việt Nam.
  3. Phong tục, tập quán, lối sống: Lối sống, thói quen sinh hoạt của các dân tộc thiểu số (dân tộc Mông, Dao, Mường, Tày sinh sống phân bố theo độ cao của địa hình...)

            2.2.4. Thiết kế KTCQ trên cơ sở sinh thái và phát triển bền vững.

Sinh thái cung cấp một nền tảng không thể thiếu được cho kiến trúc cảnh quan và quy hoạch vùng. Nơi nào mà kiến trúc sư cảnh quan nắm vững được sinh thái học, người đó là cây cầu giữa khoa học tự nhiên với nghề quy hoạch và thiết kế, người sở hữu nhận thức rõ nhất của thế giới tự nhiên thông qua khoa học và nghệ thuật. Đó sẽ là những đóng góp đặc biệt và đảm bảo của kiến trúc sư cho sự thích hợp và lợi ích xã hội phong phú.

Đô thị cần tự nhiên nhiều như nông thôn. Chúng ta rõ ràng phải nghiên cứu kỹ các giá trị  mà chúng ta đang nắm giữ. Chúng ta không chỉ cần những góc nhìn đẹp về tự nhiên và con người, mà còn cần một phương pháp thực hiện nhằm đảm bảo sản phẩm của nhà thiết kế không can thiệp quá nhiều vào tự nhiên. Không thể có cùng một lựa chọn cả đô thị và nông thôn vì cả hai đều đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong quyển sách “Thiết kế với thiên nhiên”, Ian L. McHarg đã đánh giá sức mạnh và tầm quan trọng của mặt trời, mặt trăng, các vì sao, sự thay đổi mùa, thời gian gieo hạt và thu hoạch, mây, mưa và các dòng chảy, đại dương và rừng núi, các sinh vật và cỏ cây. Chúng tồn tại cùng con người, chung sống cùng với hiện tượng của vũ trụ, tham gia vào sự tiến hoá bất tận, sự diễn đạt sinh động của quá khứ, những đối tác đặc biệt cùng tồn tại và cùng con người sáng tạo tương lai [5].

Để đề xuất giải pháp quy hoạch cảnh quan bền vững với môi trường tự nhiên, Ian L. McHarg đã đưa ra phương pháp phân tích và đánh giá hiện trạng thông qua hệ thống bản đồ chồng lớp, mỗi yếu tố tự nhiên được thể hiện tổng hợp trên cùng một bản đồ với mức độ đậm nhạt khác nhau về màu sắc để thể hiện mức độ, tầm quan trọng và khả năng can thiệp của con người trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, bản đồ chồng lớp thể hiện cụ thể bản chất của các khu vực phù hợp cho công tác bảo tồn hay khai thác ở các mức độ tối ưu hay không. Các yếu tố được phân tích và đánh giá gồm các yếu tố tồn tại khách quan trong khu vực nghiên cứu như: địa chất, sức tải của đất, thổ nhưỡng, khoáng sản, nước, mặt trời, mưa, thoát nước mặt, đa dạng sinh học, sinh cảnh sống, các hiện tượng tự nhiên, tính phù hợp phát triển đô thị, giải trí, nông nghiệp, lâm nghiệp… Thông qua phương pháp bản đồ nhằm bộc lộ các tiềm năng cũng như thách thức cho sự phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc phù hợp với quy luật tự nhiên cũng như giảm thiểu tác động trong quá trình khai thác tới các yếu tố tự nhiên đó.

 

Hình 6 . Phương pháp chồng lớp bản đồ trong phân tích và đánh giá hiện trạng để thể hiện tiềm năng phát triển và khoanh vùng khu vực bảo tồn trong quy hoạch và thiết kế cảnh quan. (Nguồn: Ian L. McHarg, 1969, trang 110-11)[5]

  1. Tạo lập cảnh quan tự nhiên, giảm thiểu tổ chức cảnh quan nhân tạo: Ví dụ ở các bờ kè sông, hồ sử dụng kè mềm (thảm cỏ, hoa) hoặc để cây bụi, cây dại mọc bên mép nước (lau, sậy...) nhằm tạo lập tối đa cảnh quan tự nhiên.
  2. Tôn trọng tuyệt đối thiên nhiên: Không chặt cây, phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy; Không san gạt đồi núi nhằm giữ gìn hình thái tự nhiên của của địa hình.
  3. Tạo đa dạng sinh học: Ví dụ như tạo ra hệ sinh thái khu vực nước nông, nước sâu cho các loài sinh vật có môi trường sống phù hợp; Các mảng cây xanh nhiều lớp, nhiều tầng bậc trồng trong đô thị như ở Singapore, Malaysia...
  4. Kết luận

Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc đô thị để có thể thành công cần phải tổng hợp từ việc phân tích, quy hoạch và thiết kế cảnh quan. Bên cạnh đó cần phải khai thác đầy đủ và tổng hợp các giá trị và yếu tố tác động của cảnh quan đến đô thị đó như cảnh quan tự nhiên, văn hóa, chức năng, sinh thái....

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hàn Tất Ngạn (1992), Khai thác tổ chức cảnh quan trong sự hình thành và phát triển đô thị Việt Nam, Luận án PTS, Hà Nội.
  2. Đàm Thu Trang (2003), Tổ chức kiến trúc cảnh quan các khu ở của Hà nội, Luận án Tiến sỹ.
  3. Đàm Thu Trang (2015), Kiến trúc cảnh quan tạo lập bản sắc đô thị Việt nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.
  4. Phạm Hùng Cường (2014), Quy hoạch đô thị, NXB Khoa học & Kỹ thuật.
  5. Ian L.Mcharg (1969), Design with nature, John wiley and Sons, INC. New York. Chichester. Brisbane. Toronto. Singapore.

Đàm Thu Trang, Đặng Việt Dũng. Bộ Môn KTCQ - ĐHXDHN