Thiết kế cảnh quan thích ứng tự nhiên, văn hóa và xã hội trong bối cảnh phát triển và biến đổi đô thị
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
Thích ứng là gì?
Thích ứng là một trong các chủ đề đang và sẽ thống trị các chương trình nghị sự đô thị của thế kỷ 21. Thích ứng có nghĩa là sự điều chỉnh của chúng ta trong việc vận hành đô thị đối với các tác động sẵn có về mặt tự nhiên và xã hội, ví dụ như biến đổi khí hậu, mực nước dâng, nhu cầu mới trong thời đại mới… Và bởi vì chúng ta không thể biết được chính xác các điều kiện đó sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai, nên chúng ta phải học cách sống và phát triển theo hướng linh hoạt.
Thiết kế kiến trúc cảnh quan thích ứng là một dạng tổ chức có khả năng thích nghi với bối cảnh cũ, hiện tại và tương lai cùng với dòng chuyển động của xã hội và tự nhiên. Thích ứng là một cách tiếp cận trong thiết kế và tổ chức kiến trúc cảnh quan. Tùy theo quy mô không gian mà ta có thể hiểu khái niệm thích nghi ở nhiều mức độ khác nhau: Quy mô cả TP hay dự án, cảnh quan tự nhiên hay nhân tạo…
Về cơ bản, kiến trúc cảnh quan thích ứng phân loại thành cảnh quan thích ứng điều kiện tự nhiên và thích ứng nhu cầu xã hội.
Vai trò của thiết kế cảnh quan thích ứng trong sự biến đổi và phát triển đô thị
Phương pháp Thích ứng đặc biệt quan trọng đối với các TP đang trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Các khu vực này được phát triển thành các trung tâm kinh tế gần như suốt nhiêu năm qua, nhiều thành tố về điều kiện tự nhiên và nhu cầu xã hội đã bị biến đổi. Trong tương lai, việc xây dựng đô thị nói chung và thiết kế cảnh quan nói riêng – ứng dụng cách tiếp cận Thích ứng là một phương pháp mới. Đó là một câu chuyện về việc có thể nhận thức được rủi ro về một khu vực không chắc chắn, nhạy cảm và dễ bị tổn thương (ở Hà Nội có khu vực bãi Sông Hồng hay các khu công nghiệp đang chuyển đổi công năng…).
Trong cách tiếp cận với cảnh quan tự nhiên và nhân tạo, thay vì đối lập với nó, sự thích ứng mang đến tính bền vững, gắn kết chặt chẽ hơn giữa cái mới và cái có sẵn, khả năng phục hồi là lâu dài và liên tục, giảm thiểu rủi ro, cải thiện sức khỏe sinh thái của khu vực và cộng đồng xã hội con người.
Trong bối cảnh thiên nhiên hiện nay biến động mạnh mẽ, thích ứng là một biện pháp ứng xử khôn ngoan để duy trì và phòng thủ nhằm chống chọi với biến đổi điều kiện tự nhiên ví dụ như hiện tượng như hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt, hỏa hoạn, lũ lụt, sạt lở và quan trọng nhất là sự mất đa dạng sinh học, làm suy giảm khả năng tương tác với thiên nhiên của con người.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, xã hội đang chuyển mình với nhiều nhu cầu mới, cảnh quan thích ứng mang đến thiết kế phù hợp với bối cảnh mới ví dụ xu hướng 4.0 tích hợp công nghệ thông minh, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường… từng bước giúp cho ranh giới giữa tự nhiên và nhân tạo xích gần nhau hơn. Ngoài ra cảnh quan thích ứng cũng đem lại nhiều chất cảm nhân văn cho cộng đồng xã hội.
Cảnh quan thích ứng nhu cầu xã hội mới
Cảnh quan thích ứng trong sự biến đổi và phát triển đô thị được hình thành linh hoạt dựa trên đặc thù của môi trường, các địa điểm nơi chốn và văn hóa xã hội để tạo nên một môi trường cảnh quan mới phù hợp hơn.
Trải qua quá trình phát triển mỗi khu vực đều hình thành những nền tảng văn hóa với bản sắc, đặc trưng riêng. Cảnh quan thích ứng cũng theo đó cần phải nghiên cứu sâu sắc về những dấn ấn văn hóa, bối cảnh sinh sống – những yếu tố gắn bó với cuộc sống người dân trong đô thị với mục đích là tạo ra được môi trường sống mới gắn với cảnh quan nhân tạo theo nhu cầu hiện tại tốt nhất cho con người, cộng đồng.
Nhìn vào cảnh quan đó ta có thể thấy mối quan hệ của Quá khứ – Hiện tại và Tương lai, của Tự nhiên – Nhân tạo, của Cảnh quan – Con người.
Lấy ví dụ về dự án Highline – cây cầu đường sắt được cải tạo thành tuyến đi dạo trên cao tại Manhattan, TP New York. Đây là dự án đường sắt cũ đã được làm mới, ban đầu là một tuyến đường sắt cho các chuyến tàu chở hàng cũ, bị bỏ rơi trong hơn 30 năm mà không có người trông coi. Nay TP New York đã trở thành một trong những trung tâm kinh tế hiện đại lớn hàng đầu thế giới, bối cảnh mới của TP được hình thành, con người có nhu cầu tiếp cận và gần gũi với các không gian tự nhiên. Việc cải tạo tuyến phố đi bộ trên cao này đã đáp ứng được đúng với nhu cầu của người dân thành thị, những con người sống tại khu đất chật người đông đang thiếu thốn hệ sinh thái tự nhiên, hoang dã.
Sự thành công của công trình này đã vượt qua khuôn khổ của nước Mỹ và trở thành tâm điểm của rất nhiều cuộc thảo luận về kiến trúc và đô thị hiện nay với chủ đề thích ứng với bối cảnh xã hội. Ban đầu, sự thay đổi cảnh quan New York không phải là một điều dễ dàng vì có những giá trị văn hóa đã bám sâu vào từng công trình, như cây cầu Highline là một dự án đường sắt chở hàng thời kỳ phát triển công nghiệp đã bị bỏ hoang từ rất lâu. Việc thiết kế cảnh quan Thích ứng làm cho dự án mang đậm bản sắc văn hóa lại vừa tiết kiệm trong việc nâng tính thẩm mỹ trong đô thị, từ đó mang lại các giá trị về tinh thần, văn hóa, lịch sử cho TP.
Cuối cùng thì, nhờ đó mà đường sắt High Line đã trở thành một kí ức không gian đẹp không thể bị lãng quên.
Bên cạnh việc thích ứng với nhu cầu xã hội là thích ứng với điều kiện tự nhiên:
Cảnh quan thích ứng điều kiện tự nhiên
Cảnh quan thích ứng với ngữ cảnh thiên nhiên là cảnh quan được hình thành dựa trên đặc thù của môi trường thiên nhiên, biến nó trở thành yếu tố thích ứng và tích cực trong môi trường cảnh quan mới”. (1) Phương pháp chính là tôn trọng thiên nhiên, hòa quyện thiên nhiên vào đô thị để giúp đô thị được “mềm hóa” các khía cạnh “thô cứng” của một khung cảnh đô thị đầy rẫy hàng loạt các nhà cao tầng. Đưa thiên nhiên gần gũi với con người đang là một trong các chủ trương của quản lý đô thị.
Dự án cảnh quan vùng đất ngập nước tại quận Qunli, Trung Quốc đã tổ chức một cảnh quan thích ứng với nền thiên nhiên ở khu vực lõi giữa. Tiếp theo là phần trung gian – có thể gọi là bộ lọc giữa mảng hoàn toàn tự nhiên và phần nhân tạo của TP, thông qua bộ phận là các đường ống nằm ngầm quanh chu vi của khu đất giúp làm sạch nước mưa từ nền bê tông xuống vùng ngập nước tự nhiên. Hệ thống đường dạo và mảng sân được dựng một cách khiêm tốn, len lỏi cánh đồng, đưa thiên nhiên tới gần con người. Công viên hiện đã được liệt kê là một công viên đất ngập nước đô thị quốc gia. (5)
Tại sao lại không dùng cách Thích ứng để sống cùng với những khu vực nhạy cảm có thể gọi là nơi giải trí với hệ sinh thái mong manh?
Suy ngẫm về một số loại hình không gian cảnh quan ở Hà Nội
Hiện nay, Hà Nội đang trong giai đoạn chuyển mình, phát triển, biến đổi với tốc độ nhanh chóng, cảnh quan theo đó cũng bị chi phối và lệ thuộc. Dưới đây là một số trăn trở về các loại hình không gian có thể nói là nhạy cảm, việc tiếp cận và tổ chức cần có sự nghiên cứu, cần gắn liền với phương pháp thích ứng.
Các dự án chuyển đổi chức năng một số loại hình công trình: Nhà xưởng, nhà máy công nghiệp… gắn liền với tạo dựng đặc trưng cảnh quan mới
Hà Nội trong quá trình mở rộng ranh giới đã biến các loại hình nhà xưởng công nghiệp từ vị trí ven đô thành vị trí trung tâm đô thị. Với quy định về sức khỏe cộng đồng, mức độ độc hại sản xuất, một số khu công nghiệp không còn sản xuất nữa, di dời ra vị trí xa hơn trung tâm, từ đó sản sinh ra các không gian nhà xưởng lớn bỏ hoang. Nhiều dự án cải tạo nhà xưởng đã được hình thành, mang đến thành công lớn về dịch vụ, đáp ứng nhu cầu không gian sáng tạo cho giới trẻ, như: Union Hall – COMPLEX 01, 282, Workshop… Mô hình đặc trưng theo kiểu nhà xưởng mang đến nhiều đất diễn cho việc cải tạo không gian cảnh quan gắn liền với chuyển đổi công năng. Vậy thì những không gian chuyển đổi đó không chỉ sáng tạo mà còn thích ứng nhân văn, thích ứng với nhu cầu mới, mang đến hiệu quả sử dụng cao, có ích cho xã hội.
Các không gian cảnh quan với hệ sinh thái mong manh ở Hà Nội có thể kể đến khu vực Bãi giữa Sông Hồng
Đây là không gian mở có quy mô lớn, được người dân đón nhận, sử dụng nhiều trong thời gian qua với các hoạt động như cắm trại, thả diều, nghỉ ngơi, ăn uống… Thông qua thực trạng này, có thể thấy, cộng đồng cư dân Thủ đô khao khát một mảng thiên nhiên rộng lớn, ở khoảng cách gần trung tâm, không đòi hỏi nhiều dịch vụ mà chỉ đơn giản là một nơi để hít thở trong lành, tái tạo lại sức khỏe và trí lực. Tuy nhiên, nên có một hệ thống tổ chức quản lý để tạo nên cán cân bền vững, để tránh tình trạng thiên nhiên bị áp bức, choàng phủ lớp áo nhân tạo xấu xí.
Nông nghiệp trong lòng đô thị – Suy ngẫm về các mô hình cảnh quan nông nghiệp quy mô nhỏ trong TP
Theo đà phát triển mở rộng của các TP trung tâm nói chung và Hà Nội nói riêng, đất nông nghiệp bị đẩy lùi về ra vùng ngoại vi. Nông nghiệp thương mại, thường được xem như là đáp án cho nhu cầu phát triển, dùng để đáp ứng môi trường sống và duy trì cuộc sống đô thị.
Rút kinh nghiệm từ phương pháp tiếp cận và tổ chức cảnh quan các khu vực nhạy cảm, mong manh trên Thế giới, có thể thấy rằng, luôn luôn có giải pháp thích ứng đối với các dự án khác nhau. Các mức độ sử dụng, tần suất sử dụng tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm của các dự án đó. Như vậy, đối với một số khu vực cảnh quan của Hà Nội, nên xây dựng một cách nhìn thích ứng nhằm tạo ra một kế hoạch lộ trình bền vững, cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo, để tái thiết không gian đô thị nhân văn và có chất cảm hơn!
Kết luận
Như vậy, cảnh quan thích ứng (Adaptive Landscape) là cảnh quan được hình thành trên cơ sở sử dụng phương pháp thích ứng những yếu tố thiên nhiên và bối cảnh xã hội để tạo nên một không gian cảnh quan mới, không chỉ chú trọng về ngữ cảnh điều kiện tự nhiên, mà còn quan tâm sâu sắc đến nhu cầu của thời đại mới.
Cuộc khủng hoảng môi trường trong thời đại của chúng ta đòi hỏi phải có hành động và nghiên cứu đưa ra các hướng khả thi để can thiệp vào một vòng xoáy có thể có của sự mất kết nối với thiên nhiên và văn hóa. Ở các TP lớn hiện đại, những cảnh quan đặc thù, nhạy cảm cần phải được lưu ý và tiếp cận một cách Thích ứng.
ThS.KTS. Doãn Minh Thu
Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2021)