Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
GIẢI THƯỞNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Đặt vấn đề
Cầu Long Biên được xây dựng từ 1898 tới 1902 bởi công ty Daydé & Pillé và được sử dụng vào năm 1903. Nó đã trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới vào thời điểm khánh thành và là cây cầu có độ dài thứ hai trên thế giới (sau cầu Brooklyn của nước Mỹ). Đối với Hà Nội, đây là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng và cũng là nhân chứng lịch sử của Thủ đô, cùng Hà Nội trải qua nhiều thăng trầm, biến cố và vinh quang. Ngày nay, cầu Long Biên không chỉ đóng vai trò hạ tầng giao thông quan trọng nối hai bờ sông Hồng; mà còn là điểm thăm quan, chụp ảnh hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách. Cùng với sự phát triển của đô thị và yêu cầu phát triển mạng lưới giao thông đô thị, nhiều cây cầu mới đã và sẽ được xây dựng với những giải pháp kết cấu và kiến trúc hiện đại, biểu tượng cho từng giai đoạn phát triển của Hà Nội, nhưng cầu Long Biên vẫn là biểu tượng không thể thay thế của Thủ đô, bởi nét đẹp kiến trúc cùng những giá trị lịch sử lưu giữ hơn 120 năm qua.
Theo năm tháng và công tác duy tu bảo dưỡng có hạn đang làm cho cây cầu chưa được quan tâm đúng mức và có nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, trước sức ép của đô thị hóa, không gian ven sông hai đầu cầu đang chịu sự xâm lấn mạnh mẽ bởi các hoạt động của con người và làm mất đi những giá trị không gian kiến trúc cảnh quan hấp dẫn của cảnh quan ven sông. Chính vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc và cảnh quan của cầu Long Biên, công tác tổ chức, quản lý và khai thác hiệu quả không gian kiến trúc cảnh quan sẽ là thách thức không nhỏ cho Hà Nội; đòi hỏi phải có những giải pháp tổng thể, với sự tham gia có hiệu quả của các bên liên quan, đảm bảo phát triển không gian cảnh quan ven sông hai đầu cầu, khai thác hiệu quả không gian trên cầu trong tương lai, phát huy vai trò giao thông, bổ sung chức năng về không gian công cộng và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư và du khách.
Thực trạng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên
Cầu Long Biên không chỉ đóng vai trò to lớn trong vận tải đường sắt từ Hà Nội đi Hải Phòng và các tỉnh miền núi phía Bắc, mà còn là tuyến giao thông quan trọng kết nối hai bờ sông Hồng và giảm tải cho cầu Chương Dương. Quy hoạch giao thông trên cầu Long Biên cũng khá đặc biệt với phân luồng giao thông ngược chiều so với thông thường để đảm bảo khả năng kết nối và lưu thông tốt – Đây cũng là cây cầu đặc biệt khi chỉ phục vụ giao thông chính là đường sắt và các phương tiện thô sơ và xe máy. Chính vì vậy, các nút giao tại hai đầu cầu không cần các không gian lớn cho phương tiện ô tô. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc không gian cảnh quan hai đầu cầu bị giới hạn và xâm lấn bởi quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, gần như không còn không gian trống nào cho vườn hoa và cây xanh. Điều này tạo nên sự thay đổi đột ngột về cảm xúc khi tham gia giao thông trên tuyến đường bởi sự chuyển hóa đột ngột từ không gian thoáng của sông cùng cảnh quan ven bờ sông sang không gian chật hẹp do mật độ dày đặc của công trình xây dựng và ngược lại.
Vị trí địa lý đặc biệt và hướng dòng chảy của sông Hồng đã tạo nên sự hấp dẫn cảnh quan từ các góc nhìn với các trường nhìn và điểm nhìn khác nhau: Trên cầu về trung tâm TP, dọc sông, cảnh quan bãi bồi ven sông, ngắm bình minh và hoàng hôn xuyên cầu… Cùng với sự “hiên ngang” của phần kiến trúc cầu còn lại sau chiến tranh đã làm tăng thêm vẻ đẹp và sự hấp dẫn về cảnh quan cho cầu Long Biên. Đặc trưng về không khí trong lành, không gian thoáng và khả năng kết nối thuận lợi với khu vực phố cổ là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn về cảnh quan mà các địa điểm khác không thể có được. Chính vì vậy, Cầu Long Biên trở thành điểm đến, không gian trải nghiệm thú vị, lãng mạn cho người dân và du khách thăm quan mỗi khi có cơ hội đặt chân đến Hà Nội.
Chính vì sự hấp dẫn về cảnh quan gắn với kiến trúc cầu, nhất là cảnh hoàng hôn ven sông, đã tạo ra cơ hội phát triển các không gian giải trí khu vực ven bờ tả Hồng. Cùng với xu hướng “quay lưng” với dòng sông, các khu vực ven sông tại bờ hữu Hồng trở thành nơi tập kết rác thải xây dựng và sinh hoạt mà không có kiểm soát. Những hoạt động này làm giảm đáng kể chất lượng môi trường cảnh quan và đẩy mạnh quá trình xâm lấn cảnh quan ven sông nghiêm trọng tại hai đầu cầu. Đồng thời, làm đứt gãy khả năng kết nối và trải nghiệm cảnh quan từ cầu Long Biên với cảnh quan ven sông Hồng, đặc biệt là bờ hữu Hồng, nơi còn có quỹ đất rất lớn không chỉ phục vụ phát triển nông nghiệp mà còn có nhiều tiềm năng cải tạo chỉnh trang thành các công viên ven sông dạng tuyến tính và là yếu tố sinh thái quan trọng trong cấu trúc của hệ sinh thái đô thị cũng như mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng hiệu quả!
Quá trình đô thị hóa làm gia tăng mật độ xây dựng và xâm lấn hành lang cảnh quan dọc tuyến đường sắt từ trung tâm Hà Nội sang Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Đây là nguyên nhân làm đứt gãy cảnh quan dạng tuyến, kết nối giữa Nhà máy xe lửa Gia Lâm và khu vực 131 gầm cầu ở phố Phùng Hưng. Thời gian qua, khu vực 131 gầm cầu phố Phùng Hưng đã dành được nhiều sự quan tâm của chính quyền và cộng đồng với hàng loạt các hoạt động nhằm khôi phục không gian và tạo điểm nhấn cảnh quan cho khu vực công cộng này. Trong khi đó, Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã có chủ trương chuyển đổi thành Bảo tàng Đường sắt và không gian hoạt động văn hóa công cộng. Đây sẽ là cơ hội lớn không chỉ cho quận Long Biên mà cả TP Hà Nội để có những không gian trải nghiệm sáng tạo theo hướng phát triển cảnh quan thích ứng, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản công nghiệp cũng như hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất công nghiệp thành đất thương mại, dịch vụ hay nhà ở cao tầng vốn đang phổ biến không chỉ tại Hà Nội mà trên cả nước. Phát triển cảnh quan thích ứng nhằm chuyển đổi các khu công nghiệp thành các không gian công cộng là một trong những xu hướng của kiến trúc cảnh quan hậu hiện đại, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển quỹ đất công cộng và nâng cao khả năng tích hợp công năng trong khai thác không gian công cộng trong các đô thị trên thế giới.
Sự hấp dẫn về môi trường cảnh quan đã và đang thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng dân cư và du khách. Những khoảng thời gian hoàng hôn hay thời tiết lý tưởng luôn hấp dẫn cộng đồng hoạt động trải nghiệm trên cầu đã tạo ra những xung đột không nhỏ về giao thông và hoạt động giữa phương tiện, người dân và du khách trải nghiệm. Các điểm dừng nghỉ trên cầu còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng và quy mô; gây ra những tiềm ẩn về nguy cơ mất an toàn giao thông cũng như sự tiện nghi cho người trải nghiệm. Chưa kể, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận nhỏ người dân cũng gây ra những khó khăn lớn khi kích thước cầu có giới hạn và chất lượng xuống cấp theo thời gian.
Mặc dù Hà Nội sở hữu quy hoạch đô thị khá hoàn chỉnh, được quan tâm đầu tư phát triển nhưng cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan chưa thực sự hấp dẫn. Hệ thống không gian xanh chưa hình thành mạng lưới kết nối có hiệu quả giữa các không gian cảnh quan ven sông với hệ thống không gian xanh khu vực nội thị. Mạng lưới các không gian xanh được quy hoạch dạng phân tán dựa trên điều kiện thực tế, khai thác nhiều các không gian xen kẹt đủ lớn trong đô thị cũ hoặc là không gian trung tâm của các khu đô thị mới. Yếu tố tuyến tính trong hệ sinh thái đô thị chưa được quan tâm đúng mức trong Đồ án Quy hoạch Chung lẫn Đồ án Quy hoạch Phân khu – Đây là nguyên nhân cơ bản làm mất đi vai trò tạo lập hệ khung sinh thái và cấu trúc cảnh quan đặc trưng cũng như khai thác hiệu quả hệ sinh thái ven sông, nhất là cảnh quan ven sông Hồng.
Một số đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc cảnh quan cho khu vực cầu Long Biên
Cùng với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065, các Quy hoạch phân khu cần được rà soát và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Để khắc phục sự đứt gãy của hệ sinh thái đô thị, đồ án cần nghiên cứu điều chỉnh cấu trúc khung cảnh quan cho Hà Nội nhằm tăng cường gắn kết các yếu tố tự nhiên có sẵn của cảnh quan mặt nước và ven sông; tăng cường khai thác hệ thống nêm xanh và hành lang xanh dựa vào các khu đất chưa xây dựng và điều chỉnh cục bộ các khu vực đã xây dựng nhằm khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng cảnh quan đô thị; góp phần hoàn chỉnh hệ sinh thái đô thị dựa trên các tiềm năng tự nhiên và đặc trưng không gian của mỗi khu vực. Đối với khu vực ven chân cầu Long Biên, TP cần nghiên cứu các giải pháp mở rộng không gian xanh khu vực chân cầu và ven sông để tăng khả năng kết nối giữa các khu vực nội đô với khu vực cảnh quan ven sông. Tăng tính hiệu quả của hệ sinh thái ven sông nhằm tác động và liên kết sâu vào các khu vực nội đô.
Không chỉ xây dựng Bảo tàng Đường sắt tại vị trí Nhà máy xe lửa Gia Lâm trước đây, TP cần có giải pháp cải tạo cảnh quan tổng thể theo dạng tuyến dọc theo tuyến đường sắt, kết nối cảnh quan Khu nhà máy xe lửa Gia Lâm và khu vực 131 vòm cầu phố Phùng Hưng. Qua đó hình thành một hành lang sinh thái không chỉ kết nối hai bên bờ sông Hồng mà còn lan sâu vào trong đô thị. Khai thác và kết nối không gian trên toàn tuyến để hình thành một bảo tàng đường sắt ngoài trời, hình thành một dạng công viên tuyến tính với nhiều yếu tố không gian trải nghiệm hấp dẫn xen lẫn vào trong không gian cảnh quan đô thị. Giải pháp này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử kiến trúc của cụm công trình Nhà máy xe lửa Gia Lâm, cầu Long Biên, 131 gầm cầu phố Phùng Hưng, mà còn hình thành chuỗi không gian trải nghiệm, hoạt động văn hóa, cộng đồng… biến hóa, hấp dẫn và linh hoạt theo đặc trưng của từng khu vực. Hơn nữa, khi tuyến đường sắt số 1 kết nối nhà ga trung tâm với ga Gia Lâm được xây dựng hoàn thành, tuyến đường sắt trên cầu Long Biên hoàn thành sứ mệnh lịch sử; đây sẽ là cơ hội vô cùng to lớn cho việc xây dựng một công viên dạng tuyến hấp dẫn, có vai trò bổ trợ mạnh mẽ cho giải pháp phát triển bảo tàng đường sắt ngoài trời theo hướng sinh thái khi đan xen yếu tố cảnh quan thiên nhiên dọc tuyến đường sắt đoạn qua cầu Long Biên hiện nay.
Bên cạnh việc hoán đổi tuyến đường sắt thành công viên dạng tuyến, cần chú trọng công tác cải tạo và bổ sung các điểm dừng nghỉ, chụp ảnh hay các không gian thoạt động nhóm dọc theo hai bên cầu nhằm tạo hiệu quả khai thác không gian, tăng tính tiện nghi, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện thô sơ lưu thông trên cầu. Giải pháp này không chỉ tạo hiệu ứng lan tỏa tốt, kích thích cộng đồng dân cư và du khách đến để trải nghiệm không gian kiến trúc cảnh quan mà góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của cây cầu Long Biên, nhất là khi cây cầu hoàn thành nhiệm vụ đối với giao thông đường sắt.
Nhằm nâng cao vai trò và giá trị sinh thái của không gian cảnh quan ven sông, ngoài các hoạt động sản xuất nông nghiệp, TP cần có kế hoạch cải tạo cảnh quan đầu cầu tại hai bờ sông nhằm khai thác giá trị cảnh quan ven sông, tạo không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và sinh thái ven sông. Tăng khả năng tiếp cận, tính kết nối và trải nghiệm cho cộng đồng dân cư; đồng thời hình thành yếu tố cấu thành cảnh quan dạng tuyến dọc theo bờ sông và đóng vai trò là yếu tố hành lang quan trọng trong hệ sinh thái tự nhiên của đô thị.
Bên cạnh sự quan tâm vào điều chỉnh cấu trúc không gian, cải tạo cảnh quan, TP cần có kế hoạch sửa chữa và duy tu cầu bài bản để tăng tuổi thọ của cầu Long Biên và duy trì vẻ đẹp cổ kính của cây cầu hơn 120 năm tuổi này. Sự xuống cấp về chất lượng của cầu Long Biên không chỉ ảnh hướng tới an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng rất lớn tới tuổi thọ cây cầu dưới các tác động cực đoan của thời tiết. TP cần có những cơ chế chính sách nhằm huy động nguồn lực của xã hội cho việc bảo tồn và duy tu cầu Long Biên, nhất là gia tăng quy mô và tần suất bảo dưỡng cầu để đảm bảo tính bền vững trước thời gian và môi trường khí hậu đặc thù của Hà Nội.
Kết luận
Cầu Long Biên là một trong những biểu tượng không thể thay thế của Thủ đô bởi giá trị lịch sử, nét kiến trúc cổ kính và các đặc trưng không gian kiến trúc cảnh quan. TP đã dành nhiều nguồn lực cho việc nghiên cứu bảo tồn và khai thác cầu Long Biên. Tuy nhiên, TP cần có giải pháp tổng quát từ quy hoạch cấu trúc không gian khu vực cầu, cảnh quan ven sông, hệ sinh thái đô thị, thiết kế cải tạo cảnh quan dọc tuyến đường sắt từ 131 vòm cầu phố Phùng Hưng đến Nhà máy Xe lửa Gia Lâm cũng như các tiện ích cảnh quan để bảo tồn và phát huy có hiệu quả cầu Long Biên, gìn giữ giá trị lịch sử, tăng cường và bổ sung các hoạt động văn hóa cho cộng đồng dân cư đô thị.Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, cảnh quan của cầu Long Biên không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, mà cần có sự kêu gọi sự tham gia của các cá nhân, tổ chức nhằm tăng cơ hội tương tác, trải nghiệm và đóng góp của cộng đồng xã hội. Công tác xã hội hóa trong tổ chức, quản lý và khai thác hiệu quả không gian kiến trúc cảnh quan khu vực cầu Long Biên cần gắn trực tiếp tới quyền lợi, hiệu quả hoạt động, thiết thực của chính quyền cùng các cá nhân, tổ chức và cộng đồng dân cư; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính hiệu quả trong công tác triển khai các đồ án, đề án và dự án vào thực tế.
TS.KTS. Phạm Anh Tuấn
Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 6-2024)