Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông Hồng (Đoạn chảy qua khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội)

15/07/2024 Lượt xem : 613

Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
GIẢI THƯỞNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Talk show online - Kết nối
KIẾN TRÚC CẢNH QUAN TẠO LẬP BẢN SẮC ĐÔ THỊ

 

Đặt vấn đề

Thành phố Hà Nội được hình thành và phát triển từ một khu vực đầm lầy với hệ thống sông hồ dày đặc; chính vì vậy, thành phố được mệnh danh là đô thị của sông hồ và hình thành cấu trúc của một đô thị nước đặc biệt. Cấu trúc tự nhiên của các dòng sông đóng vai trò xương sống và định hình cấu trúc cảnh quan, định hướng quá trình định cư của con người, đồng thời là mạng lưới giao thông đường thủy và là hệ thống thoát nước quan trọng của đô thị cổ. Cùng với đó, những dải đất cảnh quan ven bờ sông đóng vai trò quan trọng dạng tuyến trong hệ sinh thái của đô thị. Tuy nhiên, trước sức ép của quá trình đô thị hóa, giá trị của đất đai đang làm cho các dải đất ven sông với vẻ đẹp của tự nhiên dần bị bê tông hóa và bị thay thế bởi các công trình xây dựng. Hiện tượng này không chỉ làm mất đi yếu tố sinh thái ven sông quan trọng; mà còn tác động không nhỏ tới khả năng tiêu thoát nước trong khu vực nội đô và khả năng thoát lũ trên những dòng sống lớn của thành phố. Bài viết tập trung bàn luận những vấn đề cơ bản về thực trạng cảnh quan ven sông Hồng và đề xuất một số giải pháp nhằm tổ chức, bảo tồn và phát huy có hiệu quả không gian kiến trúc cảnh quan ven sông Hồng, đoạn chảy qua khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội.

Hạn hán và lũ lụt trên sông Hồng là các “tai biến” thiên nhiên có từ lâu đời trong lịch sử: (trái) Lũ sông Hồng năm 1926 (Gauthier, 1930. NLV/M6409), (phải) hạn hán trên sông Hồng (FR CAOM 30Fi119/70)
 

Thực trạng không gian kiến trúc cảnh quan sông Hồng

Không gian cảnh quan ven sông Hồng chịu tác động rất lớn từ chế độ thủy văn của dòng sông. Hệ thống sông Hồng là một dòng sông hùng vĩ quốc tế bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào Việt Nam trước khi đổ ra bển Đông. Sông có chiều dài 1.149km, trong đó có 510km chảy trong lãnh thổ Việt Nam và 40 km chảy qua khu vực Hà Nội. Giống như hầu hết các con sông lớn ở vùng gió mùa châu Á, chế độ thủy văn của sông Hồng khá đa dạng; mực nước ở Hà Nội dao động từ +1,41 đến +14,8 m vào các thời điểm khác nhau trong năm với lưu lượng trung bình 2.640m3/s và tổng lượng khoảng 133,68 tỷ m3/năm; trong đó 51,82 tỷ m3/năm chảy từ lãnh thổ nước láng giềng (chiếm 38,8 % lượng toàn lưu vực) vận tốc nước có thể đạt tới 3,45 m/s. Nhìn chung, mực nước sông Hồng tăng tương đối chậm, ngoại trừ sau các cơn bão, mực nước có thể tăng rất nhanh từ 1,0 đến 4,0 m trong vòng 24 giờ. Sông cũng mang theo một lượng lớn trầm tích phù sa, đặc biệt khi có lũ lụt. Trung bình nước sông Hồng mang theo 1.000 gam phù sa/m3 và khoảng 114-115 triệu tấn/năm. Lượng nước và phù sa khác nhau quanh năm, có nơi chiếm 65-80% là nước và 90% là phù sa vào mùa mưa (Phạm, 2013). Tuy nhiên, chế độ thủy văn này trở nên ổn định hơn nhiều khi xây dựng thủy điện Hòa Bình và một loạt các đập thủy điện trên thượng nguồn của dòng sông cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sự ổn định dòng chảy có thể tạo điều kiện cho khai thác cảnh quan ven sông ở nhiều mức độ khác nhau theo tần suất lũ; nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức về tính chủ động trong hoạt động quản lý dòng chảy liên hồ chứa tại thượng nguồn. Sự kiểm soát này càng gặp nhiều khó khăn đối với những đập chứa bên ngoài lãnh thổ của Việt Nam.

Tại khu vực trung tâm của thành phố Hà Nội, cảnh quan hai bờ sông Hồng có sự khác biệt lớn về cấu trúc không gian và chất lượng cảnh quan ven sông. Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, những dải đất ven bờ hữu sông Hồng tại khu vực trung tâm dần biến mất, được thay thế bởi các khu dân cư; trong khi đó, bờ tả sông Hồng vẫn chưa chịu nhiều áp lực bởi sức ép của phát triển đô thị. Các quá trình biến đổi này dần biến dòng sông mất dần vai trò hành lang sinh thái và trở thành những không gian kém hấp dẫn. Đô thị đang quay “lưng” lại với dòng sông, làm mất đi không gian thoáng, tự nhiên và hấp dẫn của đô thị. Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro bởi xói lở ven bờ, các giải pháp kè cứng bờ sông đã trở nên phổ biến tại các dòng sông, sông Hồng cũng không là ngoại lệ. Giải pháp cứng hóa này làm mất đi tính tự nhiên và làm gia tăng nguy cơ sạt lở.

Cứng hóa bờ sông bằng biện pháp kè đá dọc bờ sông Hồng (Phạm, 2010)
 

Những vị trí hấp dẫn để quan sát cảnh quan thành phố, đặc biệt khúc sông Hồng chảy theo hướng Bắc Nam và qua khu vực trung tâm của thành phố, cùng với những địa điểm gắn với kiến trúc cầu (nhất là cảnh hoàng hôn ven sông khu vực cầu Long Biên)… đã tạo ra cơ hội phát triển các không gian giải trí khu vực ven bờ tả sông Hồng. Cùng với xu hướng “quay lưng” với dòng sông, các khu vực ven bờ hữu sông Hồng trở thành nơi tập kết rác thải xây dựng và sinh hoạt mà không có kiểm soát. Những hoạt động này làm giảm đáng kể chất lượng môi trường cảnh quan và đẩy mạnh quá trình xâm lấn cảnh quan ven sông nghiêm trọng. Đồng thời, các lớp nhà ở đã làm đứt gãy khả năng kết nối và trải nghiệm cảnh quan đô thị với cảnh quan ven sông Hồng; đặc biệt là bờ hữu sông Hồng, nơi còn có quỹ đất không chỉ phục vụ phát triển nông nghiệp mà còn có nhiều tiềm năng cải tạo chỉnh trang thành các công viên ven sông dạng tuyến tính và là yếu tố sinh thái quan trọng trong cấu trúc của hệ sinh thái đô thị cũng như mở rộng không gian sinh hoạt cộng đồng hiệu quả.

Một số giải pháp đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là cơ hội để khắc phục sự đứt gãy của hệ sinh thái đô thị. Đồ án cần nghiên cứu điều chỉnh cấu trúc khung cảnh quan của thành phố nhằm tăng cường gắn kết các yếu tố tự nhiên có sẵn của cảnh quan mặt nước và ven các dòng sông Hồng, sông Đuống với các dòng sông nội đô như sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ,…; mở rộng các không gian ngập nước nhằm gia tăng khả năng chống ngập úng cho nội đô, giảm áp lực ngập lụt cho hạ lưu. Tuy nhiên, giải pháp này cần được tính toán bài bản, kỹ lưỡng và phụ thuộc nhiều vào quỹ đất trên mỗi đoạn sông Hồng; tăng cường khai thác hệ thống nêm xanh và hành lang xanh dựa vào các khu đất chưa xây dựng và điều chỉnh cục bộ các khu vực cần thiết nhằm khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng cảnh quan đô thị; xây dựng cảnh quan ven sông bằng giải pháp kỹ thuật “mềm” theo dạng các nguyên lý phục hồi và phát triển hệ sinh thái ven bờ. Các giải pháp sinh thái không chỉ cải thiện chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan, tăng tính đa dạng sinh học và sinh cảnh sống cho các loài sinh vật từ trên bờ xuống dưới nước, mà còn góp phần cải thiện điều kiện vi khí hậu, tạo điều kiện cộng đồng dân cư có thêm nhiều không gian hoạt động ngoài trời và tiếp cận với yếu tố nước, yếu tố tự nhiên; từng bước thay thế những bờ kè bê tông, đá trước đây bằng các giải pháp thân thiện môi trường và sinh thái.

Khai thác tự do và xâm phạm cảnh quan tại bờ tả sông Hồng đã làm giảm đáng kể chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan và giá trị của hệ sinh thái ven sông Hồng. (Phạm, 9/2023)
 
Mảng xanh ven sông đầy giá trị tự nhiên bởi canh tác nông nghiệp lâu năm và thảm thực vật phục hồi, có giá trị to lớn trong cải thiện môi trường vi khí hậu. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng cho việc đa dạng hóa chức năng các mảng xanh này phục vụ cho hoạt động công cộng tại những địa điểm phù hợp sẽ cải thiện đáng kể nhu cầu vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho cộng đồng khu vực ven sông (Phạm, 2010)
 

Giải pháp biến đổi các khu vực cơ sở hạ tầng, nhà máy và xí nghiệp không còn được sử dụng hoặc không được sử dụng, nhất là các bến thuyền, cảng đường sông hay bãi tập kết vật liệu – hàng hóa đã dừng hoạt động thành không gian cảnh quan ven sông có giá trị.

 

Cải tạo vùng ngập lũ sông IJssel [(trái – tình trạng cũ, phải – tình hình mới): Để giảm thiểu nguy cơ lũ lụt, các khu vực hiện chủ yếu được giao cho canh tác nông nghiệp, được bố trí hệ thống kênh rạch đan xen. Điều này sẽ tạo cơ hội cho thiên nhiên phát triển trong quá trình chuyển đổi linh hoạt từ đất ẩm sang đất khô, đồng thời tạo ra một khu vực thiên nhiên đặc biệt. Khu vực bên ngoài đê sẽ được tái phát triển để tạo cơ hội sử dụng chung cho mục đích giải trí. (https://www.mvvainc.com)
 

Những nơi bị bỏ quên này, nhất là các bến thuyền và cảng đường sông, là một phần di sản văn hóa của quá trình phát triển đô thị, chúng cần được bảo tồn giá trị lịch sử, phát huy giá trị thông qua việc biến đổi thành những không gian cảnh quan đặc sắc; đồng thời đa dạng hóa các loại hình không gian công cộng gắn với dòng sông, đưa dòng sông quay trở lại với giá trị vốn có, gắn bó dòng sông với hoạt động của cộng đồng cư dân đô thị, nhất là khu vực từ cầu Long Biên đến cầu Thanh Trì – nơi có mật độ dân cư đông khu vực ngoài đê hữu sông Hồng.

 

Cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan hai bờ sông nhằm tạo ra những không gian công cộng hấp dẫn. Kết hợp khai thác các giá trị văn hóa lịch sử và có giá trị di sản văn hóa vật thể như cầu Long Biên, hình bóng đô thị hình thành bởi công trình kiến trúc khu vực trung tâm… sẽ là cơ hội rất lớn cho việc tạo lập các không gian công cộng và khai thác các điểm ngắm bình minh hay hoàng hôn của thành phố.

Chuyển đổi cảnh quan công nghiệp đóng tàu ven sông với sự can thiệp tối thiểu, tái sử dụng và làm mới hình ảnh của các vật thể kiến trúc đang mục nát thành những địa điểm thơ mộng để bày tỏ sự tôn trọng đối với quá khứ của địa điểm và giá trị di sản công nghiệp tại Công viên Zhongshan Shipyard, Quảng Đông, Trung Quốc (https://assets.latzundpartner.de)
 

Để ứng phó với chế độ thủy văn của dòng sông, giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ven sông cần được đề xuất dựa trên sự tính toán và phân vùng ngập lụt khu vực ngoài đê theo chu kỳ lũ. Từ đó, xác định địa điểm và tổ chức xây dựng các công trình hoạt động văn hóa cộng đồng. Giải pháp này không chỉ thu hút cộng đồng dân cư khu vực tham gia hoạt động ngoài trời, gắn kết cộng đồng cư dân khu vực, bảo vệ vùng đất ven sông; mà còn tạo lập các vùng cảnh quan thích ứng với điều kiện tự nhiên, tần suất lũ trên sông và hình thành các vùng cảnh quan có khả năng phục hồi theo hướng tự nhiên và thích ứng với các điều kiện biến đổi trong tương lai.

Cải tạo cảnh quan ven bờ sông Đông thành công viên ven cầu Brooklyn từ khu bến cảng trên địa điểm có lối vào hạn chế, chiều rộng tổng thể hẹp, ô nhiễm tiếng ồn cực cao từ đường cao tốc trên cao liền kề, điều kiện kết cấu đường nước phức tạp và mục tiêu thu giữ và tái chế nước mưa. Các mục tiêu của công viên vừa đầy tham vọng vừa đơn giản: Bảo tồn trải nghiệm ấn tượng và đặc điểm hoành tráng của bờ sông công nghiệp đồng thời đưa lại các hệ sinh thái tự duy trì cho địa điểm và đầu tư vào các khả năng phục vụ xã hội và giải trí mới. (https://scenariojournal.com)
 

Kết luận

Dòng sông Hồng nói riêng và hệ thống sông hồ nói chung có vai trò quan trọng trong cấu trúc không gian đô thị nước Hà Nội. Cùng với quá trình phát triển của đô thị, các dòng sông dần không còn giữ vai trò chính trong định hướng cấu trúc không gian đô thị cũng như vai trò là thành phần cơ bản và quan trọng cấu thành hệ sinh thái của đô thị. Định hướng lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho việc hồi sinh vai trò vốn có của sông Hồng trong cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan của Hà Nội.

Khai thác hành lang sinh thái ven sông Hồng trở thành công viên văn hóa, lịch sử, tự nhiên trung tâm dạng tuyến tính, từ đó kết nối với hành lang sinh thái dọc các tuyến sông nhánh, kênh và các tuyến đường giao thông và kết nối các không gian xanh đô thị khác khu vực nội đô là cơ hội lý tưởng cho việc thiết lập khung cấu trúc của Thủ đô dựa vào tự nhiên và từng bước hình thành cấu trúc hệ sinh thái tự nhiên đô thị hoàn chỉnh.

Đề xuất xây dựng công trình công cộng gắn với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch khu vực An Dương – Nghĩa Dũng trong dự án HAIDEP dựa trên điều kiện địa hình tự nhiên, tần suất lũ và hình thành điểm kết nối cho bờ tả sông Hồng và tả sông Đuống. (JICA, 2007)
 

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hai bờ sông Hồng, xác định các địa điểm phù hợp cho việc xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi và giải trí là cần thiết nhằm không chỉ cải thiện sự thiếu hụt về các công trình công cộng cho khu vực trung tâm; mà còn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của Thủ đô. Đồng thời, thúc đẩy sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực nội đô lịch sử với không gian cảnh quan sinh thái ven sông Hồng nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, cải thiện điều kiện sống và sinh kế của dân cư khu vực ven sông thông qua các hoạt động trải nghiệm thiên nhiên và phát triển kinh tế đêm cho khu vực trung tâm của Hà Nội.

TS. Phạm Anh Tuấn
Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam;
Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội.
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)

Tài liệu tham khảo
– Gauthier, Julien (1930) Digues du Tonkin. Hanoi: imprimerie d”extrême-orient. (NLV, M6409);
– JICA, (2007), Chương trình phát triển Đô thị Tổng thể Thủ đô Hà Nội nước CHXHCN Việt Nam (HAIDEP), Báo cáo cuối cùng;
– Phạm Anh Tuấn, (2013) Đô thị nước Hà nội, nghiên cứu mối quan hệ có thể giữa hạ tầng, đô thị và cảnh quan ven đê sông thành phố, Luận án Tiến sỹ, Đại học Tổng hợp KU Leuven, Bỉ;
– Scenario Journal, Brooklyn Bridge Park. https://scenariojournal.com/strategy/brooklyn-bridge-park/;
– Utrecht University, Room for ther river, <https://www.uu.nl/en/research/water-climate-and-future-deltas/storylines/flood-risk-management/integrated-flood-risk-management-in-practice/room-for-the-river>;
– Viện quy hoạch thủy lợi Bắc Bộ, (2010) Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, Báo cáo tổng hợp, Hà Nội;
– World Architects, (2002) Turenscape: Zhongshan Shipyard Park, <https://www.world-architects.com/en/turenscape-haidian-district-beijing/project/zhongshan-shipyard-park>.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc.