Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới

08/08/2024 Lượt xem : 563

Sinh viên Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham quan thực tế tại Tập đoàn Triệu Điền: Hành trình khám phá cây xanh và không gian xanh
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
  1. Mở đầu:

Sinh thái cảnh quan (STCQ) có nguồn gốc từ truyền thống lâu đời của sinh thái học Trung và Đông Âu, các nhà địa lý, các nhà hoạch định cảnh quan, kiến trúc sư, đặc biệt có nguồn gốc sâu xa liên quan đến các lĩnh vực địa lý, sinh thái học, và quản lý đất đai.

Thuật ngữ sinh thái cảnh quan được đặt ra bởi Carl Troll, một nhà địa lý học người Đức, vào năm 1939. Ông đã phát triển các thuật ngữ này và xây dựng những khái niệm đầu tiên của sinh thái cảnh quan. Cuối thế kỷ XIX, Học thuyết cảnh quan được hình thành và cùng phát triển độc lập ở hai nước Nga và Đức, sau được phổ cập trên thế giới nhất là sau Thế chiến thứ II Ở Tây Âu, cảnh quan học được chú ý nhiều ở Tây Đức, Áo, Thuỵ Điển. Cảnh quan học cũng được phát triển ở các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh, Úc, Canada nhưng chủ yếu mang tính ứng dụng. Sau đó STCQ trở thành môn khoa học phổ biến rộng rãi trong các nước nói tiếng Đức vào các năm 1950 đến 1960, lan rộng ra các nước nói tiếng Anh và Bắc Mỹ những năm 1980. Đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lĩnh vực này được biết đến ở các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Đại Dương và Nam Mỹ. Kể từ đó, sinh thái cảnh quan đã lan rộng đôi cánh của mình trên toàn thế giới, trong cả những nước phát triển và đang phát triển, và trở thành một trong những nhánh trẻ nhất và năng động nhất của địa lý hiện đại hoặc sinh thái hiện đại.

Các giai đoạn phát triển của STCQ gắn liền với các vấn đề đặt ra mà sinh thái cảnh quan có nhiệm vụ giải quyết.

  1. Tình hình nghiên cứu STCQ quan trên thế giới

2.1. Giai đoạn giải quyết các vấn đề sinh thái học và môi trường hiện đại

  1. Giai đoạn thứ nhất định hướng giải quyết vấn đề thành lập các bản đồ sinh thái

Từ năm 1939 đến 1970, STCQ định hướng tập trung nhiều vào việc ứng dụng nghiên cứu tiềm năng sinh thái ở mức độ lãnh thổ rộng lớn, được phát triển chủ yếu ở Đông Âu, Canada và Australia như: Xây dựng bản đồ sinh thái ở Canada, địa hệ ở Liên Xô. Việc thành lập bản đồ sinh thái trong các nghiên cứu sinh thái cảnh quan ở giai đoạn này yêu cầu phải khảo sát chi tiết sự phân hóa lãnh thổ và sinh thái học. Các đơn vị cảnh quan cơ sở được coi là mang thuộc tính sinh thái, yêu cầu phải được phân tích và phân loại chi tiết. Do quan tâm tới tất cả các thành phần địa lý (các hợp phần cảnh quan) nên xây dựng bản đồ sinh thái cho phép phân tích cấu trúc cảnh quan của một lãnh thổ ở tỷ lệ xác định trong nghiên cứu các vấn đề sinh thái học. Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong quản lý đất đai và kiến trúc cảnh quan.

  1. Giai đoạn thứ hai – giải quyết các vấn đề môi trường liên quan đến biến đổi sử dụng đất và biến đổi cảnh quan

Hướng nghiên cứu này nhằm giải quyết các vấn đề môi trường – hậu quả do các hoạt động phát triển của các nước Tây Âu và Mỹ.

Tại Mỹ, nhiều loài động và thực vật quý hiếm ở miền Tây nước Mỹ trở nên suy thoái, một số có nguy cơ tuyệt chủng. Thực trạng đó có liên quan chặt chẽ với các hoạt động khai thác khoáng sản ở các khu vực rừng núi Tây nam nước Mỹ dẫn tới phân mảnh lớp phủ rừng, các khoảnh rừng bị thu hẹp diện tích hơn và tăng độ cách ly với nhau, không còn là nơi sống thuận lợi cho các loài sinh vật cư trú.

Tại Châu Âu, sau chiến tranh thế giới thứ 2 đã diễn ra một cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp và kỹ thuật. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế cũng như trong xu thế biến đổi cảnh quan. Hệ quả các cảnh quan tự nhiên bị suy giảm mạnh mẽ và bị thay thế bởi các cảnh quan văn hóa ví dụ cảnh quan nông nghiệp, cảnh quan quần cư nông thôn... Tại các khu vực này, vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm và nhu cầu cấp thiết phải đánh giá ảnh hưởng của con người đến môi trường và các ảnh hưởng của khai thác rừng ở Mỹ và các hoạt động thâm canh nông nghiệp ở Châu Âu tới môi trường tự nhiên. Các nghiên cứu sinh thái cảnh quan đã đặt mục tiêu nghiên cứu chức năng các cảnh quan nhằm quản lý và sử dụng hợp lý chúng và đảm bảo các điều kiện tốt vừa khai thác vừa duy trì môi trường ở chất lượng tốt.

2.2. Giai đoạn 1980 – 1990, giai đoạn đáng chú ý nhất trong lịch sử phát triển STCQ quốc tế

Hiệp hội STCQ quốc tế được thành lập năm 1982 đã tạo cơ hội cho các nhà địa lý học phát triển một hệ thống bản đồ sinh thái cùng các nhà sinh thái học quần thể và quần xã, các nhà quy hoạch và thiết kế cảnh quan. Sinh thái cảnh quan trở thành môn khoa học liên ngành, kết nối các nhà khoa học ở nhiều chuyên ngành khác nhau. 

Từ đầu những năm 1980, những luận điểm về nguyên lý quan hệ tương tác giữa cấu trúc cảnh quan và quá trình sinh thái trong cảnh quan được các nhà khoa học Hà Lan và Tiệp Khắc (cũ) thống nhất. Những công bố bằng tiếng Anh trong giai đoạn này có vai trò đặt nền móng cho STCQ lý thuyết ở Châu Âu và Bắc Mỹ. 

Hai nhà STCQ Mỹ Forman và Gordon đã coi cảnh quan có vai trò quan trọng trong nghiên cứu sinh thái học và đề xuất khái niệm đặc trưng sinh thái của cảnh quan là mảnh (patch), hành lang (corridor), thể nền (matrix) của cảnh quan. Nhà STCQ Zev Naveh công bố những luận điểm cơ sở hình thành nền tảng lý thuyết STCQ, tầm quan trọng của cách tiếp cận hệ thống trong nghiên cứu STCQ và lần đầu tiên làm rõ vai trò của con người trong cảnh quan. 

Những tư tưởng này tiếp tục được phát triển thành những ấn phẩm tiêu biểu đầu tiên về STCQ ở cả hai mặt lý thuyết và ứng dụng, đặc biệt trong công tác quy hoạch và thiết kế cảnh quan.

2.3. Giai đoạn 1990 đến nay, giai đoạn phát triển mạnh mẽ của STCQ thế giới

Giai đoạn này là giai đoạn STCQ phát triển mạnh mẽ bằng việc tái thành lập các chi hội IALE có truyền thống lâu đời ở Châu Âu, sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm nghiên cứu STCQ Đông Á, thành lập các trung tâm STCQ Châu Đại Dương, Châu Mỹ La tinh và Châu Phi. Hệ quả là sự phân hóa rõ rệt thành các trung tâm nghiên cứu STCQ độc lập. Đông thời có sự gắn kết nghiên cứu chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu trong các trung tâm, có phương pháp luận và đối tượng nghiên cứu riêng.

Sinh thái học cảnh quan giai đoạn này nghiên cứu mối tác động giữa các kiểu phân bố không gian (spatial patterns) và các quá trình sinh thái. Đó là các lĩnh vực nghiên cứu về những nguyên nhân, hậu quả của đa dạng không gian với các cấp độ khác nhau trong mối liên quan với cấu trúc, chức năng của các hệ sinh thái. Nó đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và thiết kế các quy hoạch tổng thể trong các mối liên hệ hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo tồn. Thực chất đây là lĩnh vực nghiên cứu liên ngành kể cả bảo tồn thiên nhiên, du lịch, xây dựng, kiến trúc, phát triển cơ sở hạ tầng…

Ở nhiều nước, các nhà sinh thái cảnh quan học tham gia tích cực và không thể thiếu trong các cơ quan thiết kế kiến trúc - quy hoạch cũng như nhiều ngành kinh tế - xã hội khác, trong đó có lĩnh vực du lịch sinh thái. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa kiến trúc sư và nhà sinh thái cảnh quan học đã giúp đưa ra được những giải pháp hợp lý, bền vững cho quy hoạch đô thị và nhất là cho việc quy hoạch các khu du lịch sinh thái.

  1. Tình hình nghiên cứu áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch khu du lịch sinh thái (DLST) rừng nói riêng

Nhóm tác giả xin tổng phân tích tình hình nghiên cứu áp dụng sinh thái cảnh quan cho công tác quy hoạch tại một số nước trên thế giới như sau:

3.1. Tại Châu Á:

Các nghiên cứu về sinh thái cảnh quan cho thấy nguyên tắc của nó đã được thực hiện thành công trong quy hoạch không gian xanh và thiết kế ở nhiều nước châu Á. 

  1. Tại Singapore

Các nhà quy hoạch kết hợp với các nhà sinh thái cảnh quan đã xây dựng thí điểm một mô hình cho hệ thống không gian xanh của Thành phố Nanyang. Ngoài ra họ còn đưa ra mô hình đường xanh (còn được gọi là "các công viên kết nối") nhắm mục tiêu giám sát áo đường, hệ thống thoát nước dự trữ và không gian dự trữ cho sự phát triển tuyến đường xanh. 

Sau khi áp dụng thành công phương pháp tiếp cận sinh thái cảnh quan trong quy hoạch tổng thể thành phố , chính quyền Singapore đang tiếp tục nghiên cứu để cung cấp ứng dụng thực tế các nguyên tắc sinh thái cảnh quan vào mỗi giai đoạn của thiết kế không gian xanh ở cấp cộng đồng địa phương.

  1. Tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, do lãnh thổ rộng lớn và phân hóa sâu sắc nên các nghiên cứu STCQ được thực hiện thống nhất với những đặc điểm phân hóa của các vùng lãnh thổ theo hướng địa lý và sinh thái ứng dụng. STCQ đạt được những thành tựu quan trọng về quy hoạch sử dụng đất và phân tích động lực của cảnh quan, phát triển lý thuyết, phương pháp và ứng dụng.

Các nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh vào lý thuyết và ứng dụng trong khi nghiên cứu phương pháp giải thích cho những thành phần nhỏ, cảnh quan đô thị và ngoại ô, vùng và lưu vực, những vùng cảnh quan lạnh và khô cằn, cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan đất ngập nước là những đối tượng nghiên cứu chính.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, lĩnh vực sinh thái cảnh quan được đẩy mạnh nghiên cứu và thử nghiệm ứng dụng vào công tác quy hoạch tại Trung Quốc. Các nhà quy hoạch tích hợp quy mô đô thị, thành phố và khu vực lân cận của cảnh quan dựa trên nguyên tắc sinh thái cảnh quan. Điều đó đã tạo thành nêm xanh trong các đô thị, liên kết nông thôn đến trung tâm thành phố. 

  1. Tại Đài Loan:

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi lý thuyết sinh thái cảnh quan du nhập vào Đài Loan nhờ mối liên hệ chặt chẽ với các nước nói tiếng Anh khác, sinh thái cảnh quan và GIS đã có vai trò tích cực trong công tác quy hoạch xây dựng các đô thị của Đài Loan.

Sử dụng các nguyên tắc sinh thái cảnh quan (mảnh – hành lang – nền), các chuyên gia Đài Loan quan niệm môi trường xã hội loài người như một vùng khảm. Không gian ngôn ngữ và các phân tích sinh thái cảnh quan cho thấy một khuôn khổ để nhận thức mô hình không gian và các dòng chảy sinh thái ngang qua cảnh quan đô thị. Hơn thế nữa, phân tích sinh thái cảnh quan đã giúp người Đài Loan tích hợp ba quá trình: phát triển đô thị, phân vùng cảnh quan, biến đổi thủy văn trong một khuôn khổ lý thuyết toàn diện.

Các khái niệm về yếu tố khảm rất hữu hiệu cho việc phân tích dạng đô thị của Đài Loan. Sự biến đổi của các thể khảm của cảnh quan giúp các nhà quy hoạch Đài Loan thấy được quá trình phát triển của đô thị. Đo lường sự thay đổi của yếu tố khảm đã cung cấp các chỉ số định lượng và các hình thức không gian hữu hình của sự phát triển tự nhiên và đô thị.

Nhờ đó ba quá trình không gian riêng biệt – phát triển đô thị, phân vùng cảnh quan và thủy văn - đã được tích hợp dưới nguyên nhân và hệ quả của một chuỗi các suy nghĩ. Sự biến đổi yếu tố khảm trở thành khái niệm trung tâm trong chuỗi. .

  1. Tại Malaysia và Indonesia:

Tại Malaysia và Indonesia, sinh thái cảnh quan lại được áp dụng chủ yếu trong việc phát triển du lịch sinh thái tại các khu vực tự nhiên. Đây là hai đất nước giàu tiềm năng du lịch sinh thái rừng với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Bộ Văn hóa – nghệ thuật và du lịch hai nước đã xác định mục tiêu chỉ đạo của ngành du lịch là hướng tới phát triển bền vững. Sinh thái cảnh quan và GIS là các công cụ quan trọng để họ thực hiện điều này.

Các nhà khoa học dựa vào các khái niệm của sinh thái cảnh quan để phân cấp, đánh giá các hệ sinh thái. Từ đó dựa vào các nguyên tắc sinh thái cảnh quan để đưa ra các giải pháp quy hoạch nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động khám phá, sinh hoạt và di chuyển của du khách đến hệ sinh thái tự nhiên.

  1. Tại Iran

Sinh thái cảnh quan có vai trò rất quan trọng đối với quy hoạch đô thị tại Iran. Các nhà quy hoạch cho rằng hệ thống sinh thái đô thị có thể kết nối sinh thái mặt đất, vật lý, và các thành phần kinh tế xã hội của vùng sinh thái đô thị trong một phương pháp tiến cận sinh thái cho quy hoạch cảnh quan của môi trường đô thị. Kinh nghiệm của nước này và lý thuyết đã chứng minh rằng các tuyến và hành lang sinh thái đóng vai trò quan trọng cho sự bền vững của môi trường đô thị và sự chuyển đổi trực tiếp các chức năng sinh thái của đô thị.

Nhằm quy hoạch mạng lưới sinh thái trong đô thị của Iran, các nhà quy hoạch áp dụng các phương pháp tiếp cận sinh thái cảnh quan để xác định tình huống hiện tại, phân tích tự nhiên, xây dựng các yếu tố sinh thái. Từ đó áp dụng các chiến lược nhằm cải thiện cấu trúc và chức năng của tự nhiên, xây dựng hệ thống sinh thái đô thị và cuối cùng đề xuất một mô hình sinh thái cho áp dụng sinh thái học vào quy mô cảnh quan.

3.2. Tại một số nước La tinh:

Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lĩnh vực sinh thái cảnh quan được biết đến ở các nước Nam Mỹ. Các nước này nhanh chóng tiếp nhận nó và áp dụng rộng rãi trong quy hoạch,  xây dựng và bảo tồn tự nhiên.

Những năm gần đây nhiều nước ở khu vực Mỹ La Tinh dấy lên phong trào phát triển DLST kết hợp bảo vệ môi trường thiên nhiên. Theo số liệu công bố của Ủy ban kinh tế Mỹ La Tinh và Hiệp hội du lịch thế giới, từ năm 2000 đến nay số khách đến các khu bảo tồn thiên nhiên thế giới như khu rừng sinh thái tự nhiên Amazon (Brazil), rừng nguyên thủy ở Costarica, Venezuela, Panama lên gấp 3 lần so với trước.

Nguyên nhân không nhỏ của phát triển du lịch sinh thái các khu vực này là do sự áp dụng của các lý thuyết sinh thái cảnh quan trong công tác quy hoạch đã giúp cho công tác phân loại, bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan hiệu quả hơn giúp gìn giữ được các giá trị tự nhiên hoang dã. Điều này giúp thu hút sự quan tâm của các du khách yêu thích khám phá thiên nhiên.

  1. Tại Costarica

Costarica là một nước nhỏ tại Mỹ La Tinh với diện tích khoảng 50,000km2. Trong đó diện tích rừng và đồng cỏ chiếm hơn 70% diện tích cả nước. Nhờ các chuyên gia sinh thái cảnh quan đã đưa ra các phân tích và giải pháp hợp lý, nước này đã bảo vệ được 5% các loài động vật trên thế giới.

Costarica tập trung xây dựng hơn 20 khu bảo vệ sinh thái, bảo tồn tự nhiên và vườn quốc gia trong cả nước. Quy hoạch cảnh quan tại nước này có vị trí quan trọng trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định. Điều này dựa trên áp dụng sinh thái cảnh quan nhằm lập kế hoạch theo định hướng sinh thái cho sự phân tích cẩn thận cảnh quan nhấn mạnh rằng tuân thủ các quan điểm sinh thái là một nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện.

Việc đánh giá cảnh quan thông qua hệ thống bản đồ GIS giúp cho chính phủ Costarica phân tích cảnh quan để sử dụng cân nhắc sinh thái. Ví dụ trường hợp nghiên cứu quy hoạch khu du lịch sinh thái Công viên biển quốc gia của Las Baulas ( PNMB ) , nhằm mục đích bảo vệ các địa điểm làm tổ của rùa. Phương pháp này sử dụng các tiêu chí sinh thái cảnh quan chiến lược để xử lý dữ liệu có sẵn và áp dụng phân tích đất phù hợp, phân tích rủi ro và tiềm năng sử dụng đất. Tất cả sau này đã góp phần hỗ trợ các chính sách sử dụng đất tiếp tục như quy hoạch cảnh quan. 

  1. Tại Mexico:

Mexico là nước có ngành du lịch phát triển ở khu vực Mỹ La Tinh với hơn 13 tỷ đô la/năm. Chính phủ nước này đã sử dụng sinh thái cảnh quan để phân loại, đánh giá và bảo vệ các hệ sinh thái, từ đó đưa ra các định hướng và tập trung phát triển các khu du lịch sinh thái trọng điểm, tạo sự khác biệt trong chương trình và nội dung du lịch sinh thái với khu vực.

Tại đây tập trung phát triển du lịch sinh thái khám phá các khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều giống động thực vật đặc sắc. Một trong những thành công nhất của ngành du lịch nước này là khu bảo tồn thiên nhiên Bướm chúa nổi tiếng ở bang Michiacan, nơi có số lượng phong phú các loài bướm, trong đó có rất nhiều loại quý hiếm. Năm 2000, nhà nước đã áp dụng sinh thái cảnh quan để lập phương án quy hoạch lại khu du lịch và xác định các phương án tham quan du lịch. Nhớ đó đến năm 2006, số lượng du khách đến đây tham quan đông gấp 12 lần so với năm 2000 và lên tới 275,000 lượt người.

3.3. Tại Bắc Mỹ:

Trung tâm STCQ Bắc Mỹ là một trong hai trung tâm nghiên cứu STCQ lớn nhất thế giới. Các nhà sinh thái học là những người có vai trò ảnh hưởng quan trọng nhất ở trung tâm này, đã định hướng phát triển STCQ theo hướng sinh thái học.

Ngược lại với cách tiếp cận của châu Âu, sinh thái cảnh quan Bắc Mỹ tìm hiểu dòng chảy của năng lượng và vật chất lên cảnh quan, trong đó có thể bao gồm nhiều hệ sinh thái tương tác lẫn nhau.

Hình 1. Mô hình phân tích hồi quy xu thế phát triển của STCQ Bắc Mỹ (Turner, 2005)

 

Trung tâm STCQ Bắc Mỹ là một trong hai trung tâm nghiên cứu STC lớn nhất thế giới. Các nhà sinh thái học là những người có vai trò ảnh hưởng quan trọng nhất ở trung tâm này, đã định hướng phát triển STCQ theo hướng sinh thái học.

Ngược lại với cách tiếp cận của châu Âu, sinh thái cảnh quan Bắc Mỹ tìm hiểu dòng chảy của năng lượng và vật chất lên cảnh quan, trong đó có thể bao gồm nhiều hệ sinh thái tương tác lẫn nhau. Các nhà sinh thái học cảnh quan Bắc Mỹ tập trung vào các quy mô không gian, quy tắc sắp xếp, sự phân bố, và nội dung của hệ sinh thái.

Bốn hướng nghiên cứu chính ở Bắc Mỹ là:

  • Ảnh hưởng của sụ phân hóa không gian tới một số quá trình sinh thái - Động lực học cảnh quan.
  • Ngưỡng và yếu tố phi tuyến.
  • Quy hoạch, quản lý, khôi phục cảnh quan.

Tại Bắc Mỹ, quy hoạch cảnh quan và sinh thái cảnh quan đã phát triển độc lập với nhau. Trọng tâm chính của kiến trúc và quy hoạch cảnh quan là việc sử dụng và thiết kế cảnh quan cho con người. Các đặc tính đất và đặc điểm văn hóa được kiểm tra và phân tích kỹ lưỡng. Sử dụng đất của con người được đặt vào bối cảnh để có tác động ít nhất lên tự nhiên.

Quy hoạch cảnh quan và sinh thái cảnh quan phát triển độc lập với nhau. Trọng tâm chính của kiến trúc và quy hoạch cảnh quan là sử dụng và thiết kế cảnh quan cho con người. Trọng tâm của sinh thái cảnh quan là trên khía cạnh lý thuyết chứ không phải là các ứng dụng thực tế để quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, các nhà sinh thái cảnh quan: Richard Forman, Michel Godron, và kiến trúc sư quy hoạch cảnh quan: Ian McHarg, John Lyle, Frederick Steiner, và Phil Lewis đã phát triển phương pháp tiếp cận quy hoạch sinh thái kết hợp cả hai lĩnh vực với nhau với 5 phương án tiếp cận là:

  • Phương pháp tiếp cận quy hoạch sinh thái của Richard Forman

Richard Forman dựa trên các nguyên tắc của sinh thái cảnh quan. Ông xem xét bối cảnh không gian rộng lớn, kiểm tra chặt chẽ các cấu trúc không gian, chức năng, và thay đổi theo thời gian, sau đó sử dụng các kiến thức thu được lập quy hoạch và quản lý cảnh quan.

Mục tiêu của kế hoạch là chuẩn bị "một khuôn khổ không gian mở cung cấp cho hệ thống tổng hợp tài nguyên đất và nước, được hỗ trợ bởi một cơ sở hợp lý cho việc ra quyết định sử dụng đất"

  • Phương pháp tiếp cận quy hoạch sinh thái của Ian McHarg Ông đã giới thiệu phương pháp tiếp cận có hệ thống để quy hoạch vùng dựa trên các nguyên tắc hợp tác của con người và đối tác sinh học.

Bước đầu trong quá trình quy hoạch vùng là thu thập và phân tích dữ liệu. Bước thứ hai là chuẩn bị bản đồ phù hợp tạo điều kiện cho việc sử dụng tiềm năng. Bước cuối cùng là tìm ra mức độ tương thích trong sử dụng đất.

  • Phương pháp tiếp cận quy hoạch sinh thái của John Lyle

Theo Lyle, thiết kế hệ sinh thái đưa ra khái niệm từ phạm vi sinh thái . “Xem xét cảnh quan như một thể năng động”. Ông cũng sử dụng khái niệm xác định cấu trúc và chức năng trong phân tích cảnh quan. Theo ông, môi trường nhân tạo cần phải có cấu trúc và chức năng phức tạp hơn.

  • Phương pháp tiếp cận quy hoạch sinh thái của Frederick Steiner

Phương pháp quy hoạch sinh thái của Steiner đề xuất "sử dụng thông tin sinh học và văn hóa xã hội để đề xuất cơ hội và thách thức trong việc quyết định sử dụng cảnh quan". Mô hình quy hoạch sinh thái này liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ đơn biến giữa các yếu tố khác nhau về thể chất và sinh học cảnh quan.

  • Phương pháp tiếp cận quy hoạch sinh thái của Phil Lewis

Theo Lewis (1996), quá trình quy hoạch vùng nên được liên kết với ý tưởng liên quan đến phát triển bền vững và việc bảo vệ, phục hồi, tăng cường các phương cải thiện cuộc sống. Lewis nhấn mạnh tầm quan trọng của quy mô quy hoạch không gian mở. Phát triển bền vững cần được quy hoạch ở quy mô quốc gia, quy mô khu vực và quy mô địa phương.

  1. Tại Canada:

Đặc trưng của nghiên cứu ứng dụng STCQ vào quy hoạch ở Canada là có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quy hoạch và quản lý đất đai chuyên nghiệp với các nhà sinh thái học và địa lý học của các trường đại học. Hội nghị STCQ thế giới tại Ottawa năm 1991 có vai trò quan trọng để đẩy mạnh sự thống nất về quan niệm sinh thái cảnh quan ở Canada trên cơ sở những khuynh hướng phát triển khác nhau.

  1. Tại Mỹ:

STCQ phát triển theo hướng xây dựng các phương pháp định lượng hóa không gian, nghiên cứu cảnh quan văn hóa, mở rộng các khais niệm và phương pháp luận của sinh học – sinh thai học trong STCQ.

3.4. Tại Châu Âu: 

  1. Tại Đức và Hà Lan

Trong những năm 1970, STCQ được phát triển mạnh tại các nước nói tiếng Đức, Hà Lan, được công nhận là công cụ khoa học chính thức phục vụ cho quy hoạch và kiến trúc cảnh quan. Năm 1975, nhà STCQ học người Đức Woebse công bố sổ tay hướng dẫn về STCQ chủ yếu dành cho các kiến trúc sư với các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cảnh quan bao gồm khả năng duy trì chức năng và cấu trúc tự nhiên và cân bằng sinh thái. Theo hướng dẫn này, các bản đồ tỷ lệ nhỏ(1:200.000) và tỷ lệ lớn (1:25.000) ở quy mô địa phương được sử dụng để chỉ thị lựa chọn thành phần loài thực vật và kiểu thảm thực vật cho mục đích phát triển cảnh quan nông lâm nghiệp, quy hoạch hệ thống đường chính, khai khoáng và quy hoạch các khu bảo tồn.

Tại Hà Lan, hiệp hội STCQ thành lập năm 1972 với đa số hội viên là các nhà khoa học bảo tồn và chuyên gia quy hoạch. Chỉ trong 3 năm (1972-1974), khảo sát STCQ đã được thưc hiện tại 5 trong 11 tỉnh của Hà Lan và có 60 dự án khác nhau đã được thực hiện.

Quan điểm về sinh thái cảnh quan có nhiều điểm khác nhau, bao gồm cả vấn đề bảo tồn để quy hoạch cảnh quan. Diện tích nhỏ của Hà Lan đòi hỏi việc lập kế hoạch trên cơ sở khoa học nghiêm ngặt và rộng khắp.

  1. Tại Séc và Slovakia

Đây là quốc gia có truyền thống nghiên cứu và ứng dụng STCQ vào công tác quy hoạch. Trong đó phải kể đến Miklos là người có vai trò quan trọng trong phát triển các bộ luật về quy hoạch STCQ (LANDEP). Các hướng nghiên cứu của Tiệp Khắc tập trung giải quyết các vấn đề quy hoạch và ra quyết định sử đụng đất đai ở quy mô quốc gia theo phương pháp tích hợp của LANDEP.

Trên cơ sở kế thừa nền khoa học Tiệp Khắc, Séc nghiên cứu những chủ đề chính về sử dụng, quản lý và bảo vệ cảnh quan nông thôn, các vấn đề sinh thái, kinh tế xã hội trong các khu bảo tồn thiên nhiên, các khía cạnh kinh tế, xã hội, kỹ thuật và môi trường của cảnh quan nông thôn.

Trong khi đó tại Slovakia chủ yếu tích cực vào các hoạt động môi trường: đánh giá sức tải môi trường, đánh giá tác động môi trường, tăng cường xây dựng hướng tiếp cận xã hội trong STCQ. Đặc biệt phương pháp luận về LANDEP tiếp tục được Miklos và Ruzicka khởi xướng tích hợp trong công tác quy hoạch lãnh thổ và quản lý tài nguyên.

  1. Tại Nga:

Sinh thái cảnh quan được nghiên cứu theo định hướng cảnh quan địa lý: nghiên cứu cấu trúc và chức năng của cảnh quan, quan hệ định lượng giữa các yếu tố trong cảnh quan, sự phát triển của cảnh quan.

  1. Tại Phần Lan:

Sự phát triển của quy hoạch trên cơ sở nghiên cứu sinh thái cảnh quan ở Phần Lan được đánh dấu từ dự án hợp tác giữa Doanh nghiệp nhà nước Metsähallitus và Viện Môi trường Phần Lan. Thời gian này các lý thuyết sinh thái cảnh quan áp dụng tại Phần Lan dựa trên nền tảng của Thụy Điển. Phương pháp đánh giá đa dạng sinh học được phát triển thành một dự án độc lập bởi Siitonen và Letinen trong hai năm 1999, 2000.

Phương pháp và các nguyên tắc triển khai quy hoạch đã được Metsähallitus xây dựng từ năm 1996 và áp dụng rộng rãi cho các dự án khai thác và phát triển rừng của Phần Lan. Trên nền tảng lý thuyết sinh thái cảnh quan, nghiên cứu đã giúp Metsähallitus chỉ trong khoảng thời gian năm 1996 – 2000 quy hoạch sinh thái cảnh quan cho hơn 6.4 triệu ha rừng thuộc quản lý nhà nước của Phần Lan. Các nguyên tắc quy hoạch sinh thái cảnh quan sau đó được phổ biến rộng rãi cho các tổ chức và cá nhân quan tâm. Các nguyên tắc đề cập đến những vấn đề trong tâm trong quy hoạch sinh thái cảnh quan: giá trị của môi trường sống và sự xuất hiện các loài, liên kết sinh thái, các khu vực tăng cường đa dạng sinh học, phục hồi sinh thái, sử dụng các quy định phòng hỏa, tỷ lệ của rừng cây lá rộng chiếm ưu thế, ứng xử với rừng cây bị sâu hại, tỷ lệ rừng cây lâu năm.

 

Hình 2: Phân tích STCQ phục vụ quy hoạch bảo tồn một khu DLST rừng ở Phần Lan

  1. Kết luận

Sinh thái cảnh quan không phải là lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ ở Việt Nam, tuy nhiên chủ yếu mới được nghiên cứu áp dụng trong phạm vi lĩnh vực địa lý, môi trường, bảo tồn tự nhiên và ứng dụng vào sinh vật học, nông lâm nghiệp. Ứng dụng sinh thái cảnh quan vào kiến trúc, quy hoạch một cách bài bản vẫn chưa được coi trọng, mặc dù việc đưa một số vấn đề nghiên cứu của sinh thái cảnh quan như hành lang xanh, hành lang sinh thái...đã được đề cập đến trong một số vấn đề nhỏ lẻ, cục bộ.  Trong khi đó trên thế giới, nhất là tại các nước phát triển, sinh thái cảnh quan có vai trò ngày càng to lớn trong công tác quy hoạch, xây tại tất cả các khâu từ phân tích đánh giá hiện trạng đến giải pháp thực hiện vì thế học hỏi kinh nghiệm của thế giới để áp dụng cho Việt nam là điều cần thiết và có giá trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO. 

  1. Wu J, Hobbs R (2007) Landscape ecology: the state of the science. In: Wu J, Hobbs R (eds) Key topics in landscape ecology. Cambridge University Press, Cambridge
  2. Wu J, Hobbs R (2002) Key issues and research priorities in landscape ecology: an idiosyncratic synthesis. Landscape Eco 17:355-365
  3. Ludwig, Tong way D, Freudenberg D, Noble, Hodgkin son K (1997) Landscape ecology, function, and management: principles from Australia's rangelands. CSIRO, Collingwood
  4. Forman RTT (1995) Land mosaics: the ecology of landscapes and regions. Cambridge University. Press, Cambridge
  5. Nave Z, Lieberman AS (1984) Landscape ecology: theory and application. Springer, New York
  6. Turner MG, Gardner RH, O'Neill (2001) Landscape ecology in theory and practice: pattern and process. Springer, New York
  7. Burl F, Beaudry J (2003) Landscape ecology: concepts, methods, and applications. Science, Enfield
    1. Farina A (1998) Principles and methods in landscape ecology. Chapman & Hall, London
    2. Mitchell D (2000) Cultural geography: a critical introduction. Blackwell, Oxford
  8. Tress B, Tress G (2001) Capitalizing on multiplicity: a transdisciplinary systems approach to landscape research. Landscape Urban Plan 57:143-157
  9. Forman RTT (1981) Interaction among landscape elements: a core of landscape ecology. In: Tallying SP, de Veer AA (eds) Perspectives in landscape ecology: contributions to research, planning, and management of our environment. Puck, Wagering
  10. Forman RTT, Gordon M (1986) Landscape ecology. Wiley, New York
  11. Đàm Thu Trang (2018) Introduction to landscape ecology. Giới thiệu sinh thái cảnh    Tạp chí xây dựng. Bộ xây dựng số 3. 2018
  12. Đàm Thu Trang (2018) Nghiên cứu quá trình sinh thái cảnh quan. Tạp chí xây dựng. Bộ xây dựng số 3. 2018
  13. Đàm Thu Trang (2018) Sinh thái cảnh quan trong kiến trúc cảnh quan. Tạp chí xây dựng. Bộ xây dựng số 3. 2018

    Đàm Thu Trang, Đặng Việt Dũng, Nguyễn Hoàng Linh, Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch,Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.