Vườn đô thị: Tạo một không gian giao tiếp và một xã hội thu nhỏ biết thỏa hiệp
Key-words: Vườn đô thị, tính Kết nối, Không gian giao tiếp, Sinh thái Nhân văn
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
1. Đặt vấn đề
Phong trào sống xanh (Green movement) là một phong trào đa dạng thúc đẩy mối quan tâm của những người bảo vệ môi trường sống và thiên nhiên vì lợi ích của chính nó và vì sự sống còn của con người. Kể từ những năm 1980, biến đổi khí hậu toàn cầu đã trở thành một trong những mối quan tâm chính của phong trào xanh. Những mối quan tâm khác bao gồm nông nghiệp hữu cơ, ô nhiễm, bảo tồn cả cảnh quan chưa phát triển đa mục đích và những nơi hoang dã, bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng, phản đối biến đổi gen cây trồng và vật nuôi, và phản đối năng lượng hạt nhân,… Những phong trào này khởi đầu từ các nước Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) rồi lan sang châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Bỉ,..) và ở châu Á (Nhật) mà tiêu biểu phong trào này bao gồm một loạt các đảng phái chính trị, tổ chức vận động và các nhà hoạt động cá nhân hoạt động ở cấp độ quốc tế, quốc gia và địa phương. Thống nhất bởi mong muốn bảo vệ môi trường, nhưng lại đa dạng về triết lý và chiến lược, kế hoạch hành động, các tác nhân khác nhau của phong trào xanh đã thành công trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về các vấn đề môi trường, đã gây những ảnh hưởng đáng kể đến các chính sách của chính phủ các nước trên toàn cầu. Ngày nay, với những diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của Biến đổi Khí hậu, câu chuyện “sống xanh” không còn là mối quan tâm của “giới nhà giàu” nữa mà nó còn là nhu cầu, là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội về tầm quan trọng cấp thiết của tư duy, thái độ và hành vi, lối sống của chính con người thông qua nhiều khía cạnh đời sống xã hội.
Nhìn từ góc độ quy hoạch và quản lý đô thị, bài toán dịch vụ công (đường sá, nhà cửa, không gian xanh công cộng, cấp thoát nước, rác thải và vệ sinh môi trường, chiếu sáng, ...) ngày càng phải đối mặt với các áp lực tác động từ biến đổi khí hậu (đảo nhiệt đô thị, ngập lụt, ô nhiễm gia tăng, ..) và gánh nặng trách nhiệm quản lý luôn áp lên chính quyền sở tại – đây là tư duy quản lý đô thị lạc hậu cần phải thay đổi. Kinh nghiệm các đô thị trên toàn thế giới chỉ ra rất rõ tính hiệu quả của việc tích hợp sự tham gia của cộng đồng vào trong các vấn đề của đô thị, từ quy hoạch cho tới vận hành các dịch vụ công, thiết kế các không gian công cộng và khuyến khích lối sống xanh và bền vững ở mọi quy mô, cấp độ không gian. Những sáng kiến này đã và đang tạo ra những dịch chuyển mạnh mẽ, tác động rất lớn tới không chỉ chất lượng không gian đô thị mà còn tới sức khỏe tâm lý chung của xã hội.
Vậy câu chuyện “sống xanh”, “không gian xanh” ở các đô thị Việt Nam như thế nào?
2. Thực trạng về nhu cầu xã hội về vườn đô thị
2.1. Trào lưu “Bỏ quê lên phố” và “Bỏ phố về quê”
Quan sát những dịch chuyển xã hội những năm sau Đổi mới 1986, dòng người di cư từ nông thôn lên thành thị và từ những năm 2000 cho tới nay, dòng người đô thị lại dịch chuyển ra các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa (theo một thuật ngữ khá phổ biến là “bỏ phố về quê” hay “bỏ phố về rừng”… Mỗi sự dịch chuyển này đều có những động cơ/mục đích khác nhau: người di cư lên phố phần lớn tìm kiếm cơ hội việc làm, học tập, sự nghiệp cá nhân,.. còn người bỏ phố về quê phần lớn để có mục đích có một cuộc sống “dễ thở” hơn với điều kiện môi trường không gian trong lành hơn và chi phí thấp hơn, nhịp sống chậm hơn và đặc biệt những năm gần đây, việc tìm một không gian thích hợp cho các hoạt động thiền tập, tu tập, điều dưỡng, thực hành tâm linh,.. ngày càng nở rộ như một nhu cầu, một trào lưu trong xã hội hiện đại.
Dù là sự dịch chuyển tuyến tính từ nông thôn- thành thị hay thành thị- nông thôn, thì 2 quá trình này đều có chung 1 bản chất, nhìn từ góc độ tâm lý xã hội, là sự tìm kiếm ngoại lực (tinh thần, vật chất) để thay đổi cái hiện trạng thực tại của con người như một nhu cầu tất yếu. Quá trình di cư hay du lịch cũng là những quá trình tất yếu của xã hội. Điều đáng nói ở đây chính là cần phải hiểu rõ bản chất của chu trình này, những cái được-mất, cơ hội- thách thức, và những tác động tích cực hay tiêu cực của nó để có được những ứng xử và hành động thích hợp.
Có thể nhìn thấy từ khóa rõ ràng nhất của quá trình này là sự mất Kết nối hoặc Đứt-Gãy. Người rời nông thôn đồng nghĩa với việc rời xa đất đai, cây cỏ ruộng vườn, nhà cửa và gia đình làng xóm; mất dần tính kết nối/tiếp xúc thể lý, thường nhật với các yếu tố tự nhiên và văn hóa đã từng nuôi dưỡng tuổi thơ của họ, thay vì tiếp xúc hàng ngày với đất, với nước, với cỏ cây hoa lá bằng “bám đường nhựa, tường beton, máy lạnh,..” của đô thị. Một thanh niên đã di cư từ tuổi 17 lên thành phố, đến tuổi trung niên quay về, liệu còn hiểu biết và có giá trị gì với cộng đồng đó không? Anh không biết làm nông như cha mẹ nữa, cũng chưa từng dự hội làng, cũng có thể chẳng còn dám chắc thế nào là bát canh bát bún đúng phong vị quê nữa. Ngược lại, tôi cũng từng chứng kiến nhiều đám thanh niên cùng rủ nhau bỏ công việc “bàn phím, máy lạnh”, bỏ gia đình, kéo nhau về thuê hoặc mua những mảnh đất hoang ở các vùng xa, với bao kế hoạch và kỳ vọng đi tìm “ý nghĩa cuộc sống” theo một lý tưởng đang trỗi dậy trong xã hội như một “miền đất hứa”, với “hai bàn tay trắng” và phần nhiều với một mớ kiến thức và thông tin dễ dàng có được online, hầu như không hề có bất cứ kinh nghiệm thực tế nào làm việc với đất đai và sự thấu hiểu văn hóa địa phương nơi đến. Trong khuôn khổ bài viết này tôi không đề cập tới những thành công hay thất bại của bức tranh di dân đô thị-nông thôn 2 chiều này, mà tập trung vào tìm hiểu bản chất, yếu tố chi phối của hiện tượng này trong xã hội: sự mất/đứt kết nối mang tính hệ thống.
Sự đứt gãy trong tâm hồn, sự mất kết nối giữa các thế hệ, sự phân cực và phân tầng văn hoá, sự đứt gãy của hệ sinh thái tự nhiên dưới tác động của con người… là những “triệu chứng” cho những căn bệnh trong xã hội, những thảm hoạ thiên tai trong tự nhiên mà chìa khoá cho lời giải này có thể không cần tìm đâu xa, chính là SỰ KẾT NỐI.
2.2. Không gian giao tiếp: chìa khóa của sự kết nối và hàn gắn, chữa lành
Cần thiết có một sự quan tâm tới khái niệm “Không gian Giao tiếp”(Communicative Spaces) trong cuộc sống hàng ngày của một cá nhân, một gia đình, một khu tập thể, một khu phố/ ngôi làng, hay cho tới những cấp độ không gian rộng lớn hơn của một đô thị. Điều này cũng rất quan trọng trong quy hoạch không gian vật lý từ cấp độ gia đình cho tới cộng đồng, khác biệt hẳn với các định nghĩa truyền thống được nêu ra và ứng dụng một cách chung chung như “Không gian Công cộng”, “Không gian vui chơi giải trí”, Không gian tâm linh”.. với các hạng mục sử dụng đất tương ứng.
Đối với mỗi chúng ta, dấu ấn tuổi thơ được khắc họa qua những gì xảy ra trong không gian xung quanh mình, từ chiếc giường ta ngủ, sàn nhà, khung cửa số, góc bàn học, góc bếp, ban công, hiên nhà, sân vườn, góc phố, ngõ chợ, công viên, trường học, cây đa, bến nước, sân đình, dòng sông, ngọn núi,... vô vàn không gian từ trong nhà ra ngoài nhà, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi tới vùng biển cả. Những gì để quên, để nhớ hoặc ghi nhận được trên hành trình tuổi thơ của chúng ta qua cách ta thu nhặt, ghép nối hay loại bỏ những mảnh ghép ký ức đó để rồi định hình thành sự nhận thức, tư duy và cảm nhận về môi trường/cuộc
sống quanh ta (ở cả cấp độ nhỏ hẹp lẫn rộng lớn trong không gian). Thế giới tuổi thơ của chúng ta có quá nhiều điều kỳ diệu và điều đáng ghi nhớ trong ký ức. Và đó là cách tuổi thơ ta lớn lên, trưởng thành. Nhưng tại sao khi "thành người lớn" chúng ta lại mất quá nhiều trí tưởng tượng phong phú, nhiều sắc màu và cảm xúc đẹp đẽ như khi còn trẻ thơ?
Cái thường gặp mà con người hiện đại thời nay chính là sự thờ ơ với cuộc sống xung quanh, bão hoà các giác quan và mất định hướng trong cuộc sống. Một đứa trẻ thời nay thường được cha mẹ bỏ hàng đống của cải để cho con nằm trong những chiếc nôi/ căn phòng rộng rãi, màu sắc, đầy đủ tiện nghi được thiết kế sẵn, đồ chơi nhựa hay chất liệu tổng hợp, những âm thanh điện tử í éo, đầu tư cho con cái vào những khóa "tu luyện" kỹ năng và hình thức nhằm vượt qua những thử thách cạnh tranh khốc liệt để đạt tới những danh hiệu. Dường như con người trong xã hội hiện nay chỉ coi đó là con đường duy nhất để "thành người" với lối tư duy đơn chiều đó. Hệ quả là, sức ép quá lớn để thành công, hay phải vượt qua các “Đỉnh núi” danh vọng/tiền bạc, hay trở thành “Top 5 Top 10”, “Thần đồng hoặc Siêu nhân” đối với trẻ từ những mong muốn được lượng hoá của cha mẹ vô hình chung đẩy con cái vào những bi kịch của sự quá tải, cạnh tranh và thải loại, dẫn đến huỷ hoại bản thân trong sự cạnh tranh khốc liệt để tồn tại ấy mà không ý thức được là mình phải được "sống".
Con người hiện đại cần phải sống một cuộc sống phong phú hơn, đa chiều hơn, nghĩa là "sống có ý thức, sống với lòng trắc ẩn và sống sáng tạo"[1]. Vậy làm gì để thay đổi tính đơn chiều ấy và hướng tới một xã hội sống khỏe mạnh? Hãy quay trở lại với tuổi thơ và nhìn lại cách mà chúng ta "va chạm" với không gian xung quanh ta như thế nào, ta hiểu và ứng xử với không gian ấy ra sao và nó đã giúp ta lớn lên thế nào? Chính những điều căn bản nhất, những sự "va chạm" tương tác của mỗi cá thể sống với môi trường/không gian xung quanh theo dòng thời gian là trường học quý báu nhất khiến chúng ta lớn lên và trưởng thành, chứ
không phải là luồng kiến thức hay nguồn thức ăn dồi dào...
Hình 1: Mối tương quan giữa các không gian trong sự phát triển nhân cách của con người
Tương tác giữa 3 khía cạnh này sẽ chi phối cách con người sử dụng hoặc trải nghiệm không gian địa lý, qua đó dẫn tới việc tích luỹ một hình ảnh hay ý nghĩa của "nơi chốn". Sâu hơn nữa, kết quả của tương tác này sẽ tác động trực tiếp lên sự phát triển toàn diện Thân-Tâm-Trí của con người, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ em. Sự đối thoại hay tương tác trong không gian giao tiếp này chính là sự thể hiện tính Kết nối: kết nối của con người với chính mình, của con người với con người, và của con người với Tự nhiên. Và không gì khác, sự kết nối này được khởi tạo và nuôi dưỡng qua những không gian cần được gọi đúng tên Không-gian Giao-tiếp; chứ không phải là việc nhìn nhận không gian đó mang tính sở hữu (không gian công cộng với không gian tư hữu, cá nhân, hoặc hỗn hợp) mà từ đó nảy sinh biết bao nhiêu bất cập, đối kháng do xung đột lợi ích, theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Thường thì các không gian hay bị lãng quên trong gia đình hay các chung cư ở đô thị như ban công, tầng mái, sân thượng,.. thường là nơi bỏ hoang hoặc chứa đầy rác thải bởi đó là không gian công cộng, bởi ở không gian đó không được quan tâm thiết kế cho một không-gian-giao-tiếp xảy ra. Kết quả là, con người lại đổ xô đi tìm không gian bên ngoài nào đó thật xa xôi và tốn kém để hít thở, đặc biệt khi có biến cố ngoại cảnh (covid, dịch bệnh, biến cố thời tiết khắc nghiệt,..), nhu cầu tìm đến những không gian “tốt hơn” lại càng cao vì nhu cầu chữa lành Thân-Tâm-Trí của cư dân đô thị.
Vậy điều gì giúp cho một không gian giao tiếp có ý nghĩa và mang tính tích cực, hiệu quả đối với con người?
2.3. Khu vườn: linh hồn của một không gian giao tiếp hoàn hảo
Xu hướng có một không gian xanh cho ngôi nhà của mình không còn là mới lạ với cư dân đô thị ở Việt Nam. Thậm chí “vườn nhà” còn là thói quen từ xưa của dân đô thị gốc và ngày càng đậm nét hơn khi dân nhập cư từ nông thôn lên. Sự xoay sở khéo léo để tạo một mảng xanh nhỏ bé trong một không gian chật hẹp của đô thị đã làm nảy sinh vô vàn các sáng kiến và làm cho không gian đô thị trở nên đa dạng hơn rất nhiều.
Có sự khác biệt thú vị về “giới” khi nhìn vườn của “các ông”, vườn của “các bà”. Ta vẫn thường quen mắt nhìn những góc vườn nhỏ của các ông với phong lan hay cây cảnh kèm theo vài lồng chim như một thú vui tao nhã. Còn các hộp xốp đặt ở bất cứ nơi nào có thể trên sân thượng, vỉa hè hay ban công là vườn của các bà nội trợ yêu thích trồng rau. Với sự gia tăng dân số, không gian càng chật hẹp, lại càng có nhiều sáng kiến không gian từ các kiến trúc sư cũng như các cư dân đô thị yêu làm vườn: Vườn đứng, vườn treo, vườn trên mái, vườn thủy canh trong các lọ thủy tinh, … được đưa vào thực hành và xuất hiện tại nhiều ngõ ngách không gian đường phố, khu dân cư hay chính trong hộ gia đình.
Tuy nhiên, thái độ và quan niệm của con người về một khu vườn sẽ quyết định cách làm và cách ứng xử với khu vườn của chủ nhân không gian đó, cũng như phản ánh hình thái và chất lượng của khu vườn. Nếu như cách làm vườn truyền thống nêu trên của “các ông, các bà” mang tính chất thuần túy đáp ứng mục tiêu và thỏa mãn nhu cầu của con người (có rau để ăn, có hoa để ngắm), thì con người hiện đại ngày nay cần ý thức hơn về sự hiện diện và quá trình kiến tạo của cả 1 hệ sinh thái, 1 vũ trụ của những thành tố để làm nên những bông hoa, những cây rau ấy. Một khu vườn không chỉ có Cây và Con người, mà còn là một xã hội thu nhỏ của muôn loài sinh vật, trong đó côn trùng, giun dế, ong bướm và chim chóc,.. là những người bạn không thể thiếu, của ánh sáng mặt trời, của gió và của nước.. Đấy chính là sự sống, là những phương thuốc chữa lành cho chính thể chất và tinh thần của con người.
2.4. Tạo dựng và chăm sóc một khu vườn cũng như bạn xây dựng 1 xã hội thu nhỏ biết thỏa hiệp với thực tế
Dòng vật chất sinh ra từ sự tiêu dùng của con người đang ngày càng bị ô nhiễm và độc hại,khiến sinh ra tâm lý lo ngại “sử dụng những thứ ô nhiễm để làm vườn, ăn rau ‘không sạch’ khi dùng nước tưới hay phân ủ cũng bị ô nhiễm. Việc này đã làm giảm “ý chí” nhiều người và gây sự hoài nghi với việc làm vườn tại gia. Tâm lý hoài nghi và bất an trong xã hội với những thứ như “thực phẩm sạch, an toàn, thậm chí vô trùng” ngày càng gia tăng theo cái “giá” phải trả cho những kỳ vọng đó. Cần lắm một sự thỏa hiệp với thực tế này – hay còn gọi là cách thuận theo tự nhiên và hướng đến tự nhiên để xác định cho chúng ta một thái độ đúng đắn trong việc tạo một khu vườn.
Các nhà làm vườn chuyên nghiệp mách rằng khéo léo trồng pha trộn các loài cây tương sinh với nhau sẽ cho một khu vườn “khỏe mạnh và đẹp”, hơn hẳn là loại vườn trồng riêng rẽ, vừa tránh được sâu bệnh lẫn xoay sở được trong các điều kiện khí hậu bất lợi. Đó là nguyên tắc của việc hiểu và tận dụng nguồn năng lượng của thiên nhiên. Quan trọng hơn cả là khu vườn không chỉ để trồng cây hay rau và hoa phục vụ “sự ích kỷ của con người”, nó còn là một xã hội thu nhỏ của những sinh vật sống tham gia vào quá trình: giun dế, vi sinh vật, ong bướm, chim chóc, sâu bọ… Tạo lập được khu vườn và duy trì nó cũng chính là việc bạn đã học và làm sống được “một xã hội thu nhỏ”. Những trải nghiệm thực tế của tác giả qua các khu vườn được tạo dựng trên ban công, trên sân thượng/mái của các khu tập thể cũ của Hà Nội, .. là những ví dụ thú vị về một “ xã hội thu nhỏ” sống động, có đủ cây ăn quả, có rau, có cỏ thơm, có hoa, có chim, có ong, có bướm…
Có thể khẳng định rằng ở bất cứ không gian nào bạn cũng có thể tạo dựng được một khu vườn phù hợp với không gian bạn có, dù nhỏ hẹp cho đến rộng rãi, dù ít ánh sáng hay dư thừa nắng mặt trời, chỉ cần bạn khởi tâm dựng một khu vườn. Xin được đi sâu vào chi tiết kỹ thuật của khu vườn như là những trải nghiệm thực tế cá nhân: Không gian ban công của vườn nhà tôi cũng rất nhỏ (3,5m2), trên tầng 9 của 1 tòa nhà chung cư, cũng phải có chỗ cho phơi quần áo và máy giặt. Do vậy để xoay sở không gian cho vườn cần rất khéo léo kết hợp cách bắt chậu vào lan can, giàn đứng và giàn linh động (theo kiểu cửa chống mái hiên), và nhất là tận dụng nguyên tắc xen tầng, xen canh, luân canh giữa các cây.
Xen tầng là cách tận dụng 7 tầng không gian thích hợp cho cây là tầng cao (cho cây ăn quả hoặc bóng mát), tầng cây vừa, tầng cây bụi, tầng rau-gia vị, tầng củ, tầng cây leo và cây phủ mặt đất.
Hình 2: Họa đồ trồng xen tầng
Tuy rằng trong không gian ban công chật hẹp (trong trường hợp gia đình tôi ) không thể đáp ứng đủ cả 7 tầng nhưng ta vẫn nên tận dụng tối ưu nhất đại diện cây các tầng có thể nhất.
Xen canh là cách ta phối hợp trồng nhiều loại cây tạo tính đa dạng và tương sinh với nhau – nhằm cho kết quả tốt và tránh sâu bọ. Còn trồng luân canh là nên thay thế luân chuyển cây trồng theo thời vụ, không nên trồng mãi 1 loại cứ gối nhau hết đợt này đến đợt khác. Điều này không chỉ đúng trên quy mô lớn của nông nghiệp mà với mảnh vườn nhỏ này cũng rất đúng.
Hình 3: Họa đồ xen canh cho 1 hộp vườn cơ bản
Cần tận dụng chu trình quay vòng của rác thải sinh hoạt hàng ngày vào sự phát triển của khu vườn. Rau củ quả thừa trong quá trình nấu ăn, theo nguyên tắc của các nhà kỹ thuật thì vẫn nên có thủng ủ phân compost một thời gian, có trộn vi sinh hoặc cho giun/trùn quế để quá trình phân huỷ nhanh. Song với trường hợp khu vườn nhỏ này, tôi dùng cách trực tiếp thái lá rau củ phủ lên bề mặt, trộn vỏ trấu, rồi thỉnh thoảng rải lên lớp đất mỏng (mua sẵn bao đất) thì không có vấn đề gì về chuyện bề mặt đất bị hiện tượng rau thối rữa và ruồi muỗi…
Phần dinh dưỡng cho cây: tôi không hề dùng bất cứ một loại phân bón nào kể cả phân vi sinh. Quan trọng là khâu chuẩn bị đất và cách chăm bón hàng ngày. Bao đất mua sẵn trên thị trường, trộn thêm với 1/3 lượng phân bò ủ mục hay phân trùn quế (cũng bán sẵn trên thị trường), nếu được cần đặt thêm một ít giun/ trùn quế vào đất nữa (cũng bán trên thị trường) để nó làm nhiệm vụ tơi đất. Còn hàng ngày thì ta tận dụng nước vo gạo để một chỗ khoảng 2-3 ngày để chua (làm trà dinh dưỡng cho cây rất tốt)…
Xin được trích dẫn quan điểm rút ra từ kinh nghiệm thực tế của một blogger viết về sự thỏa hiệp trong làm vườn với các chất gây ô nhiễm được thải ra từ hoạt động của con người:
“Qua quá trình ủ phân, những kim loại nặng và chất ô nhiễm phức tạp có thể được chuyển hóa thành những chất đơn giản và bớt độc hại. Thay vì kén chọn những nguyên liệu tuần túy sạch sẽ, không ô nhiễm, chúng ta hoàn toàn có thể thỏa hiệp với những nguyên liệu thông dụng hằng ngày để bắt đầu quá trình sống ôn hòa với tự nhiên. Dẫu biết nguyên liệu ấy không an toàn, nhưng đã quá muộn để sống trong một môi trường ‘chân không vô trùng’.
“Đôi khi, việc lấy hữu cơ hoặc sự an toàn tuyệt đối làm tiêu chuẩn ngăn trở chúng ta thay đổi những hành động cá nhân. Trong khi đó, bằng sự linh hoạt và sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể chuyển hóa những thứ phức tạp thành đơn giản, những thứ độc hại thành kém độc hại, và tận dụng những nguyên liệu, thành phần sẵn có thay vì chờ đợi hoặc tiêu tốn những thành phần có chất lượng cao hơn – điều mà không phải ai, và khi nào, cũng dễ dàng tiếp cận được.” (Blogger Hoang Ngoc Pho)
Hình 4: Vườn ban công 3,5m2 “mùa nào thức ấy” tại căn hộ tầng 9 của khu chung cư
Có vô vàn các sáng kiến cho việc sử dụng dòng năng lượng vật chất trong đời sống hàng ngày với khu vườn: rau củ quả thừa băm nhỏ phủ trên bề mặt chậu cây, nước gạo ngâm 2-3 ngày hoặc nước rửa rau củ quả thừa, hoặc nước thay bể nuôi cá cũng có thể dùng tưới cây, vỏ trứng bóp vụn rắc lên bề mặt chậu ngăn ốc sên cắn thân cây; bã cà phê thải ra có thể dùng để khử mùi nhà vệ sinh xong vài ngày có thể phủ lên trên mặt đất chậu trồng; hoặc khéo léo kết hợp trồng các cây có mùi vị mạnh như cà chua, húng quế, húng chanh, sả, tỏi, xạ hương, … sẽ đuổi được bọn chuột hoặc sâu ăn rau. Cuối cùng, quan trong là việc trồng xen và luân chuyển cây rất quan trọng để khả năng dưỡng đất được duy trì. Nếu đươc bạn nên trồng các loại rau họ đậu thì cũng làm tăng dinh dưỡng cho đất.
Trong thời đại siêu tốc và đầy ô nhiễm này, cần lắm một ý thức, một sự thoả hiệp (có phương pháp) với thực tế, tại sao không?
Hình 5: Minh họa cho một mảnh vườn xen canh
Việc kết hợp các cây tương sinh hay đối kháng (companion) cũng là chìa khóa thành công cho vườn, khi biết cây này sẽ tương sinh hay tương khắc với cây kia để cho kết quả bổ trợ hay “loại trừ/ kỵ dơ” lẫn nhau, ví dụ rau xà lách thì rất “thích” đi kèm với cà rốt, đậu, bí ngô, dưa chuột, nhưng lại “không thích” đi với cải bắp, cà chua hoặc cần tây…
Hình 6: Khu vườn ban công đa tầng tán và đa dạng loài cây
3. Một số giải pháp về Vườn đô thị
3.1. Vườn đô thị: từ vườn gia đình tới vườn cộng đồng là xu hướng tất yếu của cảnh quan đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Một khu Vườn dù nhỏ, ở ban công trong gia đình, trên mái một khu tập thể, hay bất cứ một không gian bị lãng quên nào trong thành phố (góc đường, chân cầu, bờ sông,…) đều có thể khởi tạo thành những Không gian -Giao tiếp mang tính Kết nối kỳ diệu này.
Khu vườn dù được tạo bởi ai hay với mục đích gì chăng nữa cũng là việc làm đẹp cho cuộc sống, cho chính không gian sống lẫn tâm hồn của người sống trong đó. Và nếu như nó được làm bởi mong muốn của nhiều thành viên trong một gia đình: của ông, của bà, của bố, của mẹ, của các con, và của người giúp việc nếu có, cộng thêm kinh nghiệm học được từ các nhà làm vườn chuyên nghiệp, thì vườn sẽ mang một màu sắc ấm cúng, khoẻ mạnh và đầy ý nghĩa là Vườn Nhà. Sẽ là một bầu không khí sống khỏe mạnh khi mà mỗi thành viên trong gia đình cùng chia sẻ ý kiến, mối quan tâm và trách nhiệm tới “không gian chung” của gia đình.
Hình 7: Trẻ con với thói quen buổi sáng ra ngắm vườn nhỏ và niềm vui sướng thu hoạch thành quả
Có rất nhiều sáng kiến về kỹ thuật để có thể tạo ra một khu vườn thuận tự nhiên phong phú và thích ứng với những điều kiện ngoại cảnh hay biến đổi khí hậu ngay tại ngôi nhà hay tại cộng đồng của bạn. Sẽ không còn là khu vườn của những chậu bê-tông, chậu nhựa, chậu sành sứ với chỉ 1 bề mặt trồng cây và nước tưới vào 1 đầu và thoát ra từ đáy chậu như cách làm thông thường hiện nay, sau đây tôi giới thiệu một kiểu trải nghiệm khởi tạo những khu vườn đa phương đa chiều về không gian và đa dạng cây trồng - Vườn Cubic-Lego. Việc tạo ra những khoảng không gian xanh đô thị, từ quy mô lớn tới quy mô nhỏ như căn hộ, thông qua những khu vườn Cubic-Lego này sẽ phong phú hơn rất nhiều, cây cối không chỉ được sắp xếp theo tuyến tính phương nằm ngang (truyền thống) hay phương thẳng đứng (vườn tường hiện đại hoặc vườn treo), mà nó được sắp xếp tổ hợp lại trong 1 khối đa phương, đa chiều như 1 hệ sinh thái thu nhỏ của cấu trúc cubic và tổ hợp linh động như trò chơi xếp Lego. Tổ hợp không gian này có những ưu điểm rất rõ rệt:
- có thể tạo ra các khu vườn đa tầng tán phong phú về cây trồng về chủng loại;
- cho phép tận dụng tối ưu bầu đất của “chậu”, cộng thêm việc đảm bảo độ ẩm và sự thoát nước tự nhiên tối ưu cho vườn;
- dễ dàng lắp đặt và tự thao tác, ít công bảo trì;
- chi phí vật liệu ngang bằng hoặc thấp hơn so với vườn bằng các vật liệu beton, chậu nhựa, chậu bán sẵn trên thị trường;
- tính thẩm mỹ cao và năng suất cao hơn vườn truyền thống;
- không sản sinh ra rác (khi vật liệu làm vườn bị vỡ/bể) và thay thế linh động; và đặc biệt
- phù hợp với mọi không gian (rộng/hẹp) vì rất linh động như cấu trúc Lego.
Với điều kiện không gian đô thị chật hẹp, việc tạo được 1 khu vườn như một không gian giao tiếp và phong phú, linh động và đặc biệt tạo được 1 hệ sinh thái thu nhỏ hoàn hảo trong mỗi đơn vị vườn, - hy vọng đây là 1 cách tư duy mới về thiết kế không gian xanh cũng như góc nhìn mới, trải nghiệm mới với tự nhiên cho cư dân đô thị.
Hình 8: Khu vườn mái đa tầng, đa phương, đa loài với cấu trúc Cubic-Lego ở khu tập thể tại trung tâm thành phố Hà Nội
Hình 9: Vườn cộng đồng của khu tập thể tại Hà Nội: nơi gắn kết các hộ gia đình và các thế hệ
3.3. Đô thị Bọt biển: Xu hướng thẩm thấu với nước và thích ứng với BĐKH
Hơn bao giờ hết, câu chuyện ứng phó với biến đổi khí hậu và đô thị thích ứng với Nước đang và sẽ là những chủ đề cấp thiết và mối quan tâm lớn đối với chính quyền các thành phố trên thế giới nói chung cũng như ở Việt Nam nói riêng, đặc biệt tại các đô thị lớn. Chủ đề Hạ tầng xanh (Green Infrastructure), các giải pháp có nền tảng tự nhiên (Nature- Based Solutions) để ứng phó với Nước, đang là những kim chỉ nam cho nhiều quốc gia hướng tới việc lập chiến lược phát triển đô thị thông minh/ đô thị sinh thái và các kế hoạch hành động thiết thực từ quy mô quốc gia, vùng, thành phố hoặc thậm chí khu vực cộng đồng dân cư trên toàn cầu.
Đô thị Bọt biển (Sponge Cities) là một phần của phong trào toàn cầu này. Trái ngược với tư duy quản lý công nghiệp kiểu “bề mặt và đường ống” (surface & pipeline) trong đó con người khống chế nước bằng đê, kênh, đường ống và nhựa đường và đẩy nước ra khỏi đất càng nhanh càng tốt, những cách tiếp cận mới hơn này tìm cách khôi phục xu hướng tự nhiên của nước là nán lại ở những nơi như vùng đất ngập nước và đồng bằng ngập lụt. Tính thẩm thấu và hiểu sâu con đường đi của Nước sẽ giúp ta có vô vàn phương thức ứng phó tối ưu với Nước. Ngày nay trên thế giới đang xuất hiện nhiều những phong trào nhằm thay đổi tư duy của con người về Nước và nguyên lý thẩm thấu nước của Bọt Biển đã trở thành phao cứu cánh cho con người về cách ứng xử với Nước để tránh những hậu họa do Nước gây ra.
Không còn là cách các kỹ sư hạ tầng tuyên bố “chiến tranh với nước”, kiến trúc sư “đô thị bọt biển” hàng đầu của Trung Quốc (Kongjian Yu) đã đảo ngược khái niệm này bằng cách tuyên bố rằng chúng ta cần “làm bạn với nước” và “làm việc với thiên nhiên, không phải chống lại nó”. “Chúng tôi không sử dụng bê tông hoặc kỹ thuật cứng, chúng tôi sử dụng ruộng bậc thang, học được từ trí tuệ nông dân cổ đại. Chúng tôi tưới tiêu. Sau đó, thành phố sẽ có thể chịu được lũ lụt và sẽ tồn tại trong suốt thời gian lũ lụt. Chúng tôi có thể loại bỏ bê tông và biến hệ thống bảo vệ nước thành một hệ thống sống”.
Trung Quốc hiện là quốc gia đã thông qua sáng kiến Thành phố bọt biển, chủ yếu là do sự thất bại của cơ sở hạ tầng xám thông thường về kiểm soát lũ lụt và hệ thống quản lý nước mưa, do những nỗ lực bền bỉ của các nhà đô thị sinh thái Trung Quốc thông qua các lá thư và đề xuất gửi đến các cơ quan chức năng cấp cao của Trung Quốc kể từ đầu năm 2000. Mặc dù khái niệm này đã được công bố và thực hành từ đầu năm 2000, nhưng chính trận lũ lụt ở Bắc Kinh vào ngày 21 tháng 7 năm 2012 đã khiến 79 người tử vong đã thúc đẩy các cơ quan chức năng cấp cao của Trung Quốc chấp nhận khái niệm Thành phố bọt biển và biến nó thành chính sách toàn quốc. Vào năm 2015, Trung Quốc được cho là đã khởi xướng một sáng kiến thí điểm tại 16 quận. Sáng kiến này đưa ra một giải pháp thay thế để giải quyết các vấn đề lũ lụt ở Châu Á. Trung Quốc tìm cách hạn chế lũ lụt bằng sáng kiến này và có kế hoạch thu hoạch và tái sử dụng 70% nước mưa cho 80 phần trăm các thành phố đô thị[2].
Sau khi đạt được thành công ở Trung Quốc, mô hình thành phố bọt biển đã thu hút các vùng khí hậu quá mức như Dhaka và Kenya, cũng như các thành phố lớn như Berlin và Los Angeles. Các sáng kiến cải tiến về nước đã được áp dụng trên toàn thế giới, bao gồm phục hồi đất ngập nước, hệ thống xả nước bằng nước thu thập từ mái nhà ở Oregon (Mỹ), hệ thống rãnh thoát nước sinh học ở Singapore và không gian công cộng làm cơ sở chứa nước linh hoạt ở Hà Lan.
Các sáng kiến tiếp theo như ở Berlin: là một trong những thành phố đã lựa chọn mô hình bọt biển đô thị. Từ năm 2007, họ đã tăng mật độ đô thị và giải phóng không gian để làm lớp hấp thụ. Mái nhà xanh và vườn thẳng đứng là những công cụ cần thiết. Hay ở Beira (Mozambique): vì là một thị trấn cảng và thực tế được bao quanh bởi Sông Pungwe, Beira là một trong những thành phố châu Phi có thể hưởng lợi nhiều nhất từ việc chuyển đổi mô hình quy hoạch đô thị của mình. Năm 2019, Bão nhiệt đới Idai gần như đã phá hủy thành phố và thành phố này có ý định thiết kế lại thành phố theo hướng tập trung vào mô hình bọt biển. Và Jakarta (quy hoạch đô thị đã chạm giới hạn): Jakarta đang chìm xuống, và có vẻ như cách duy nhất để bảo tồn thành phố là chuyển đổi nó, theo nghĩa đen là từ nền móng trở lên. Một số giải pháp cần được thực hiện là tạo đường cho dòng chảy tự nhiên của các con sông, hạn chế thoát nước ngầm và ngăn chặn việc quá tải một số khu vực bằng trọng lượng của bê tông.
Hình 10: Mô hình đô thị bọt biển ở các cấp độ từ hộ gia đình/ chung cư cho tới cấp thành phố và vùng liên kết ngoại vi
3.2. Hình thành cấu trúc mạng lưới vườn đô thị phân tán
Cần thẳng thắn nhìn nhận sự khác biệt giữa tư duy và tính thực tiễn ưu việt của “đô thị bọt biển” và các đô thị cũ/ thông thường có nhiều bất cập – là cách thay đổi từ tư duy “đường ống/ tập trung” sang “thẩm thấu bề mặt/ phân tán” đối với Nước. Điều này đồng nghĩa với việc thay đổi cấu trúc, phân bố và tính kết nối của các không gian xanh (vườn) tương ứng. Vườn đô thị giờ đây không chỉ là các công viên và những hàng cây hai bên đường được giao trách nhiệm chăm sóc cho công ty công viên cây xanh, với những xe bồn tưới nước tốn kém khi mùa nắng hạn và mùa mưa thì đường sá vẫn ngập lụt. Sự phân tán các khu vườn tới tận cấp độ nhỏ (hộ gia đình) như hệ thống mao mạch thẩm thấu và hấp thụ nước đồng thời giảm nhiệt đô thị mùa nóng. Đây cũng là một nguyên lý của tự nhiên thông qua kiểu hình Nhành cây/Lá cây (branching/tree pattern) trong việc điều hòa nước và chất dinh dưỡng trong vùng không gian (polygone). Nguyên lý phân tán kiểu mao mạch này thể hiện tính tối ưu rất hiển nhiên trong Sinh thái học.
Hình 11: Sự khác biệt giữa 2 cấu trúc kiểu hình mạng lưới (grid pattern) và kiểu Nhành cây (branching pattern) dẫn đến 2 chiến lược khác biệt về đường dẫn với Nước.
Chính vì lẽ đó, các nhà nghiên cứu và thực hành của “đô thị bọt biển” đã đưa ra các “giải pháp nền tự nhiên” (Nature-based solutions) cho các đô thị tương lại bao gồm: Khôi phục khả năng thoát nước/bọt biển tự nhiên và cải thiện khả năng sống của các thành phố (đa dạng sinh học hơn thông qua các khu vườn cộng đồng, vườn nhà, đất ngập nước, “vỉa hè thở”, và không gian mở, mặt tiền và mái nhà xanh, khôi phục bờ biển/bờ sông tự nhiên,.. [3] Không gian xanh được phân cấp từ quy mô các không gian lớn của thành phố (bờ sông, công viên,..) cho tới Vườn góc phố, vườn cộng đồng chung cư,.. và cho tới vườn gia đình (ban công, mái).
Hình 12: Mô hình vườn cộng đồng, vườn mái phổ biến ở nhiều đô thị trên thế giới tạo nên những cộng đồng có lối sống khỏe mạnh, bền vững
Hình 13: Một hình dung về mạng lưới vườn ở 3 cấp độ khác nhau trong thành phố Hà nội
4. Kết luận
Tạo dựng một khu vườn (cho gia đình hay cho cộng đồng, khu vực ta đang sống) chính là 1 việc làm ý nghĩa của việc hàn gắn sự đứt gẫy (các mối quan hệ gia đình- xã hội, hệ sinh thái tự nhiên, ..), tạo cầu nối của sự sống, của tâm hồn con người và mang lại một sự chữa lành đầy tính nhân văn. Tạo dựng và chăm sóc một khu vườn chính là việc chúng ta không chỉ tạo được một môi trường tốt hơn cho ngôi nhà của chúng ta mà còn tạo được “nhiều ngôi nhà” cho muôn loài.
Xét trên góc độ thực tế, khởi tạo được những khu vườn gia đình hay vườn cộng đồng tại khác không gian bị bỏ quên đem lại những tác động to lớn, tích cực trong việc giúp con người kết nối với nhau hơn, kết nối những chu trình vật chất hàng ngày xảy ra trong cuộc sống (giảm thiểu rác thải hữu cơ và tạo ra các sản phẩm phân bón hữu ích, tích tụ nước mưa, hạ nhiệt đô thị, giảm thiểu gánh nặng và áp lực đầu tư hạ tầng cho địa phương và hỗ trợ tối ưu cho các giải pháp thích ứng với Nước và những biến đổi khí hậu mang tính thời đại ..) – đây chính là việc tạo nên một lối sống xanh bền vững và khỏe mạnh của con người hiện đại.
Cần lắm sự chung tay của chính quyền và cộng đồng cư dân đô thị, các tổ chức xã hội để có được những nghiên cứu, những chính sách, những hành động thiết thực đối với các không gian giao tiếp ở các quy mô từ hộ gia đình đến quy mô thành phố. Mong rằng trong tương lai gần, những khu vườn nhà và vườn cộng đồng sẽ ngày càng sinh sôi nảy nở, trở thành những diện mạo mới, lối sống mới khỏe mạnh và bền vững của các đô thị Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Jenifer Fisher, Complanion Plant principles, tham khảo tại www.com
- Osho, 2019, Lòng Trắc ẩn, NXB Hồng Đức
- Bill Mollison, 1981, Introduction to Permaculture, U.S.A Yankee Permaculture Center.
- Stephan Koster, Moritz Reeze, Zian’s Zuo, 2019, Urban Water Management for Future Cities: Technical and Institutional Aspects from Chinese and German Perspective, FUCI volume 12, Springer Editor.
- Sponge Cities, Euro News: https://www.euronews.com/green/2022/10/22/china-s-sponge-cities-are-a-revolutionary-rethink-to-prevent-flooding
[1] : Theo Osho
[2] : Theo Euro News: https://www.euronews.com/green/2022/10/22/china-s-sponge-cities-are-a-revolutionary-rethink-to-prevent-flooding
[3] : Nature Based solutions for water management: https://www.wur.nl/en/show/nature-based-solutions-for-water-management.htm
Tác giả: TS. Ngô Thị Bích Đào, Công ty Tư vấn giải pháp Đô thị và Nông thôn (URS)
Nguồn: Sách " Xu hướng kiến trúc cảnh quan Việt Nam"