Thiết kế kiến trúc cảnh quan khu vực bãi giữa Sông Hồng – Thích ứng biến đổi khí hậu

19/07/2022 Lượt xem : 843

Bãi bồi, bãi giữa Sông Hồng khu vực nội đô Hà Nội có đặc điểm thủy văn, địa chất, sinh học đa dạng hứa hẹn một cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Một thuộc tính quan trọng của khu vực này là sự chuyển tiếp giữa không gian thiên nhiên, mặt nước cây xanh tự nhiên và không gian đô thị, giữa không gian đóng và không gian mở, giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái mặt nước. Bãi bồi, bãi giữa ven sông biến đổi tùy theo chu kỳ mực nước dâng

HẠ TẦNG CẢNH QUAN - GIẢI PHÁP CHO HẠ TẦNG NÔNG THÔN THEO HƯỚNG SINH THÁI VÀ PHÁT TRIỂN MÔI TRƯỜNG BỀN VỮNG
Công viên công cộng trên cao High Line, Manhattan New York - Quá khứ và hiện tại
CÁC CÔNG NGHỆ KHẢO SÁT VÀ PHÂN TÍCH CẢNH QUANTHÔNG QUA HÌNH ẢNH BẢN ĐỒ
Talkshow " Truyền thống và Ý tưởng: Thách thức và Xu hướng Thiết kế Cảnh quan và Không gian mở tại Hungary"
THÔNG BÁO TỔ CHỨC THI MÔN VẼ MỸ THUẬT - KỲ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2024

 

Những “căn bệnh” chính của BĐKH đối với khu vực ven biển là nước biển dâng, xâm nhập mặn. Đối với khu vực ven sông, chủ yếu là mực nước lên xuống thất thường khiến các dải thực vật bị khô hạn vào mùa cạn và ngập lụt vào mùa mưa. Tác động của sự biến đổi thất thường mực nước sông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hệ động thực vật, sự mất cân bằng sinh thái thiên nhiên, mà còn ảnh hưởng tời các hoạt động sản xuất nông nghiệp của cư dân ven sông. Điều kiện nóng khô và cạn nước sẽ khiến một số loại cây trồng không sống được, chỉ một số loài cây dại vẫn sống được. Khi nước ngập vào mùa lũ, chỉ một số loài cây thích nghi sống trong nước ngập. Một số cây cao tạo nên những điểm nhấn của không gian mặt nước. Trong mùa nước, hoạt động sản xuất và đi lại của cư dân ven sông gặp nhiều khó khăn. Những sinh hoạt vui chơi giải trí bị ngừng trệ. Tất cả đặt ra những bài toán đầy thách thức cho việc cải tạo cảnh quan bãi bồi bãi nổi ven sông. Câu hỏi được đặt ra là: (1) Bằng cách nào chúng ta có thể khai thác cảnh quan thiên nhiên ven sông một cách hữu hiệu mà vẫn có thể đảm bảo thực hiện các mục tiêu kép: Bảo tồn được hệ sinh thái thiên nhiên và nhân văn, tạo dựng môi trường nghỉ ngơi kết hợp các hoạt động kinh tế du lịch? (2) Bằng cách nào để có thể kết nối cộng sinh mối quan hệ giữa không gian thiên nhiên trên sông và ven sông với không gian của khu phố cổ phố cũ như một không gian mở hướng từ nhà phố ra công viên sông? (3) Trong điều kiện của những biến đổi thất thường của thiên nhiên do BĐKH, việc tổ chức cảnh quan cần phải được giải quyết như thế nào để có thể đáp ứng các nhu cầu rất khác nhau của hai mùa khô và mùa nước? Câu trả lời là: Cần phải có một cách ứng xử thích ứng với việc tổ chức cảnh quan khu vực này; cần tạo một chìa khóa để mở được cánh cổng cho những mâu thuẫn cần giải quyết bằng một chiến lược thiết kế thích ứng; cần phân tích, lựa chọn những vấn đề cốt lõi và ưu tiên “chẩn trị” trên “cơ thể” của không gian khu ven sông.

Bãi bồi, bãi giữa sông Hồng là một khu vực có vẻ đẹp tự nhiên, hoang dã với một không gian mở có quy mô lớn. Việc khai thác không gian này may mắn còn bỏ trống, ngoài việc trồng trọt của một vài hộ dân, hoặc một vài dịch vụ tự do phi chính thống. Tuy nhiên, với sự tiếp cận dễ dàng hơn trước, nơi đây đã bắt đầu được người dân và khách du lịch quan tâm và yêu thích bởi được gần gũi với thiên nhiên, cây xanh, mặt nước, được xa rời chốn thành thị nhộn nhịp. Về quản lý đô thị, đây cũng là khu vực được chú trọng nghiên cứu trong tương lai, với mục tiêu là hình thành một công viên văn hóa phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch.

 

Dự án Weiliu Wetland Park [5]
 

Mục tiêu

 

  • Nhận thức và đánh giá giá trị của không gian bãi bồi bãi giữa sông Hồng, như một địa điểm tập trung nhiều yếu tố cấu thành hệ sinh thái thiên nhiên, đồng thời cũng là không gian đô thị có giá trị văn hóa lịch sử (khu phố cổ, phố cũ); xuất phát từ chủ trương của thành phố (TP) Hà Nội và Quận Hoàn Kiếm về việc phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành Công viên văn hóa du lịch, với kiến trúc cảnh quan thích ứng trên cơ sở không làm ảnh hưởng dòng chảy, hệ thống đê điều, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn của đô thị;
  • Nghiên cứu chiến lược tích hợp và dài hạn các giai đoạn trong tổ chức cảnh quan nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, đồng thời không phá vỡ cấu trúc thiên nhiên; nhận diện và phân tích những yếu tố tiềm năng và bất lợi trong giải pháp quy hoạch và kiến trúc cảnh quan của công viên bãi giữa ven sông Hồng dưới góc độ BĐKH; chỉ ra được những yếu tố bất lợi và có lợi mà BĐKH có thể mang lại cho cảnh quan khu vực.

Thực trạng về tự nhiên và kinh tế xã hội

Sông Hồng đoạn qua TP Hà Nội có chiều dài lên đến 117km với bề rộng bãi sông khác nhau theo từng phân đoạn, đi qua khu vực đô thị trung tâm đông dân cư.

Số lượng người sống ở các khu vực bãi sông, nơi chịu các rủi ro về nhập lũ trên địa bàn TP Hà Nội là rất lớn, lên đến hơn 622 nghìn người, chiếm khoảng 8,22% tổng số dân số của TP. Các tuyến sông có nhiều dân cư sinh sống ở vùng bãi sông. Khu vực Hữu Hồng hơn 200 nghìn người, Tả Hồng hơn 91 nghìn người, Hữu Đáy hơn 196 nghìn người và Tả Đáy hơn 98 nghìn người. Nhiều khu vực dân cư đô thị thuộc các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Long Biên, Gia Lâm với lượng dân cư sống ở vùng bãi sông là khá lớn.

Tổng diện tích đất tự nhiên ở các khu vực bãi sông của TP là hơn 39.756ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 20.081ha (chiếm 50,51%), diện tích các khu dân cư hiện có là 4.557ha (chiếm 11,46%), còn lại là đất tự nhiên. Có thể thấy rằng mặc dù là các khu vực bãi sông song mật độ dân cư tập trung khá cao, lên tới 1600 người /km2. Tỷ lệ diện tích đất dân cư so với đất tự nhiên cũng khá lớn (13%) với các khu ở mật độ cao. (Nguồn: Điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ cho các tuyến sông có đê trên địa bàn Hà Nội). Tình trạng xâm lấn đất tự nhiên chuyển hóa dần thành các khu ở bất quy tắc đang diễn ra tại các khu dân cư ven sông.

Khu vực bãi giữa có cốt cao nên không bị ngập lụt. Cây xanh và hệ thực vật tồn tại lâu dài xen kẽ một vài ruộng rau của người dân ven sông. Trong khi đó, các lạch cạn ven bờ có xu thế được bồi đắp, cả tự nhiên và nhân tạo. Việc quản lý, khai thác, sử dụng ở cả hai khu vực bãi giữa và bãi bồi ven bờ sông Hồng gần như chưa được quan tâm.

Cụ thể, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang nghiên cứu phát triển bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hóa du lịch nhằm khai thác vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng. Nằm tại địa bàn phường Chương Dương và Phúc Tân, diện tích khu vực này không cố định mà phụ thuộc mùa mưa lũ từng năm, tiếp giáp với 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên. Khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, trong đó, có một phần (khoảng 1ha) thuộc địa phận quận Long Biên [7].

Từ thực trạng trên cho thấy chúng ta đang có một quỹ đất giá trị trong đó có một phần bãi giữa khá ổn định hệ sinh thái tự nhiên, và một phần bãi bồi ven bờ không ổn định vì cao độ thấp thường xuyên ngập nước, đồng thời tiếp giáp gần với khu dân cư.

Chu kỳ mực nước tại bãi bồi, bãi giữa Sông Hồng [4]
 

Bài học kinh nghiệm

Trong bài báo “Live With Water: Flood Adaptive Landscapes in the Yellow River Basin of China” – Kongjian Yu đã chỉ ra tầm quan trọng của cảnh quan thích ứng với mặt nước là một trong những cảnh quan có giá trị của nền văn hóa di sản và cần được tích hợp vào cảnh quan đô thị ngày nay.

Sau đây là ví dụ về công viên sinh thái ven sông và kinh nghiệm ứng phó với BĐKH:

Weiliu Wetland Park – Yifang Ecoscape

 

Dự án Weiliu Wetland Park [5]
 

Dự án công viên sinh thái ven sông dài 3200m, rộng 470m với tổng diện tích 125ha. Đây là khu vực ngập nước ven sông Trường An, là nhánh lớn nhất của sông Hoàng Hà tại khu ngoại ô TP Hàm Dương-Xianyang, Trung Quốc. Dự án là một ví dự điển hình về việc chuyển thể một không gian bị ô nhiễm, suy thoái cả về sinh thái và cảnh quan nguyên gốc thành một công viên sinh thái với hạ tầng xanh. Sự ứng xử thông minh đã tạo nên một không gian cảnh quan thích ứng với BĐKH, loại bỏ các hoạt động của con người làm xáo trộn chu trình sinh thái, trả lại thiên nhiên và các trải nghiệm thiên nhiên cho con người.

 

Các chiến lược thích ứng bao gồm: Kiểm soát mực nước, kiểm soát những thay đổi về địa hình địa chất, quản lý nước mưa, cải thiện chất lượng môi trường, tái sử dụng nước thải và phục hồi đa dạng sinh học. Điều đó sẽ biến khu vực này thành một công viên đô thị mang lại nhiều giá trị tích hợp về môi trường và cho con người.

Dự án được phân chia thành các khu vực với cao độ khác nhau, trong đó các khu vực thấp nhất được thiết kế để trở thành đất ngập nước tự nhiên, chấp nhận ngập lụt. Trong khi đó, các khu vực có nguy cơ lũ lụt thấp hơn được sử dụng cho các khu đất ngập nước xây dựng. Đồng thời, khu vực cao nhất trong khuôn viên sẽ được chỉ định cho các không gian giải trí và thư giãn. Các yếu tố kỹ thuật sinh học đã được sử dụng như kè mềm, rọ đá, và dốc cỏ, cầu gỗ tự nhiên, thực vật hiện trạng bản địa đã được sử dụng để thích ứng BĐKH, phục hồi đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống.

Về mặt hạ tầng, dự án chú trọng tới việc cải tạo lại các đường đê hay con đường mòn sẵn có thành các hành lang xanh; xây dựng một số điểm vị trí tại vành đai đệm để thu gom, xử lý và tái sử dụng nguồn nước thải; hỗ trợ quá trình phục hồi cấu trúc tự nhiên bằng cách sử dụng sức mạnh tái tạo của chính thiên nhiên. Theo đó, loại bỏ hầu hết các xáo trộn đang diễn ra của con người như đổ rác và nạo vét cát, tái tạo một môi trường sống đa dạng của địa phương. Ngoài hệ thực vật hiện có được làm nền cảnh quan, dự án đã bổ sung thêm các cây địa phương, cây bụi và thực vật thủy sinh để khôi phục nơi trú ẩn và môi trường sống cho các loài thủy sinh, động vật lưỡng cư và chim.

Về mặt nhân văn, dự án nghiên cứu trả lại lối sống nông thôn và trải nghiệm tự nhiên, đáp ứng nhu cầu địa phương cho các hoạt động nông thôn, các khu vực giải trí mang tính chất đô thị nhưng gắn kết với nông thôn như quảng trường dân dụng, sân chơi thủy sinh, trang trại đô thị và khu tập thể dục dạng mộc mạc. Trong mọi trường hợp, nước được sử dụng như một yếu tố thiết kế chính, được đưa vào công viên có tác dụng làm mềm cảnh quan, và hòa hợp với các yếu tố văn hóa địa phương.
Thiết kế cảnh quan đã chú trọng tới một số công trình nghệ thuật trong tự nhiên như: Hai cây cầu đầy màu sắc ở khu vực đầm lầy, các lối đi lát ván, đài quan sát…

Dự án hướng đến đầy đủ các dịch vụ sinh thái mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng lồng ghép với hệ thống quản lý lũ thích ứng với các phương án kỹ thuật cải tạo môi trường đất tại khu vực ngập nước hoặc có thể ngập nước, quản lý nước mưa…Weiliu Wetland Park là một ví dụ điển hình về dự án bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên hướng đến sự phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hóa tăng nhanh hiện nay.

Dựa trên thực trạng hiện nay cùng các kinh nghiệm nước ngoài, chúng ta nghiên cứu để ứng dụng vào đề xuất chiến lược, mô hình giải quyết đối với khu vực bãi bồi, bãi giữa Sông Hồng như sau:

Nguyên tắc thiết kế

  1. Thiết kế xem xét đến sự phục hồi của khu vực: Khả năng phục hồi của khu vực này có nghĩa là sự thích ứng hoặc chống lại sự xáo trộn về mặt tự nhiên sinh thái. Lập kế hoạch và thiết kế có khả năng phục hồi kết hợp khả năng dự phòng và dự đoán sự thay đổi theo chu kỳ thời gian.
  2. Đưa ra các giải pháp hiệu quả nhân đôi: Các giải pháp cần tối đa hóa các lợi ích về mặt phát triển kinh tế, sinh thái và văn hóa.
  3. Tăng cường sự tham gia đóng góp của cộng đồng: Sự tham gia tích hợp của nhiều bên, đặc biệt về phía cộng đồng xã hội mang đến bản sắc văn hóa, trong quá trình tổ chức sẽ xác định những lợi ích và nhu cầu của cộng đồng tham gia trực tiếp sử dụng khu vực này.
  4. Xây dựng kế hoạch và quy chế quản lý riêng đối với khu vực nhạy cảm này là điều cần thiết để hướng dẫn và kiểm soát sự cân bằng giữa các yếu tố.
  5. Lập kế hoạch dài hạn: Thiết kế thích ứng BĐKH, đặc biệt là với mực nước thay đổi đòi hỏi thiết kế và lập kế hoạch về tính linh hoạt và khả năng thích ứng theo thời gian các chu kỳ, nên được thực hiện theo từng giai đoạn một và có khả năng thay đổi dựa trên các điều kiện bên ngoài.

Bản đồ vị trí các bãi sông Hồng trong khu vực quy hoạch [6]
 

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy văn minh đô thị hội tụ và được phản ánh bên những dòng sông, với những không gian, công trình tiêu biểu và làm nên bản sắc của khu vực đô thị.

Chiến lược

Lên kịch bản chiến lược đối với các khu vực khác nhau. Với khu vực có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất, sẽ cần phải có kế hoạch tổ chức cảnh quan như thế nào, sử dụng đất ra sao? và ngược lại, đối với khu vực ít bị ảnh hưởng cần có giải pháp thế nào?

Chiến lược 1: Quy hoạch cảnh quan sẽ thích ứng với cả mùa lụt và mùa không lụt, hỗ trợ quá trình phục hồi môi trường tự nhiên

Quy hoạch cảnh quan khu vực phục vụ cho cộng đồng trong đó cần khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên trong các thời điểm, kịch bản khác nhau nhưng vẫn đạt được nhu cầu tiện ích sử dụng cao.

Ngoài ra, phương án quy hoạch cảnh quan phải tính toán các giải pháp hỗ trợ, phục vụ quá trình phục hồi tự nhiên, môi trường sống của hệ sinh thái thực vật thủy sinh và các động vật lưỡng cư, các loại chim di cư hay cư trú.

Chiến lược 2: Cảnh quan thích ứng

Sản phẩm là kiến trúc cảnh quan mà phải thích ứng với môi trường tự nhiên tại đây, đề xuất được một mô hình cảnh quan công cộng với một cấu trúc đan xen rõ ràng về địa mạo, thủy văn, mảng xanh và điều kiện đất đai gắn liền với thực trạng khu vực để bảo tồn tài nguyên nước, trữ nước, thoát nước và xử lý nước, đồng thời kết hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Những đề xuất chiến lược cảnh quan công cộng được coi như một động lực giúp TP có thể thích ứng, phù hợp với quy hoạch thoát lũ ven sông Hồng trong bối cảnh mới.

Chiến lược 3: Kiến trúc thích ứng, lắp ghép, linh hoạt, nhiều hình thức

Trong thời đại công nghệ 4.0 cần đưa ra các giải pháp áp dụng cái thông minh, hệ thống cảnh quan, số hóa, cung cấp và lưu trữ dữ liệu thông tin, đưa ra những sơ đồ sử dụng không gian thay đổi trong 2 mùa và theo các chu kỳ. Giải pháp thông minh đi kèm với quản lý thông minh.

Như vậy, kiến trúc cảnh quan thích ứng với BĐKH nghĩa là thời tiết thay đổi thì cảnh quan cũng thay đổi thích ứng. Tổ chức và thiết kế cảnh quan để phần bị ngập và những phần không bị ngập đều không bị ảnh hưởng. Giá trị khai thác của những khu không bị ngập sẽ bù đắp cho những chỗ bị ngập. Khi thiết kế về cảnh quan, cần phải căn cứ vào số liệu, điều tra để xác định khu vực nào bị ảnh hưởng và khu vực nào không bị ảnh hưởng.

Từ khu vực bị ảnh hưởng nhiều hay ảnh hưởng ít, ta sẽ quy hoạch trên cơ sở compact – nén. Theo đó, chỉ tập trung những yếu tố quan trọng vào những khu không bị ảnh hưởng. Khu phụ trợ sẽ theo dạng hài hòa tổng hợp. Trường hợp bị tác động BĐKH, có thể rút gọn tại những điểm còn lại theo sơ đồ thiết kế thích ứng. Quy hoạch nén là tập trung tất cả các chức năng vào một khu vực. Đối với thiết kế cảnh quan, khái niệm nén cần phải được ứng dụng trong mùa bão lũ, khi các chức năng cơ bản được tập trung ở những khu vực có cao độ an toàn. Ngược lại, trong mùa cạn, yếu tố nén sẽ được chuyển hóa thành biến đổi linh hoạt các không gian chức năng theo dạng phân tán. Những không gian thiên nhiên mới hình thành sau bão lũ sẽ là những chủ đề mới để tạo dựng cảnh quan thích ứng. Đó là sự khác biệt của yếu tố nén trong tổ chức cảnh quan và nén ở trong đô thị, nơi tập trung xây dựng các tòa cao ốc.

Thay cho lời kết

Tóm lại, chìa khóa để thành công là: 1) Tầm nhìn dài hạn; 2) Hệ thống hóa thông tin liên ngành; 3) Có sự tham gia đồng thời của các bên liên quan.

Sông Hồng như một dải lụa thiên nhiên mềm mại, vắt ngang trung tâm thủ đô Hà Nội. Theo dòng chảy thời gian, sông Hồng bồi đắp phù sa hình thành nên một vùng đất đai màu mỡ. Mỗi nơi sông Hồng chảy qua, đều để lại những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là văn hóa Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội sâu đậm, là nền tảng tạo tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển bền vững của Thủ đô. Một Hà Nội văn minh hòa quyện nhưng không hòa tan theo dòng chảy. Sông Hồng với những bãi bồi bãi đắp, thấp thoáng những không gian xanh sẽ là một trong những yếu tố cấu thành bản sắc hà Nội. Cùng với dòng sông, nó sẽ kết nối lịch sử-tương lai và sứ mệnh đổi mới hội tụ đôi bờ.

ThS. KTS. Doãn Minh Thu
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
ThS. KTS. Vương Nga My
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2022)