Bảo tồn và phát huy giá trị phế tích kiến trúc, cảnh quan tại Vườn Quốc gia Ba Vì

31/08/2021 Lượt xem : 246

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới

Núi Ba Vì là vùng đất thiêng bởi gắn với Đức Thánh Tản Viên – một trong bốn vị thần uy linh nhất trong quan niệm “Tứ bất tử” của dân tộc Việt. Bên cạnh giá trị văn hóa tinh thần quý giá ấy, vùng Núi Ba Vì còn sở hữu một tài nguyên thiên nhiên độc đáo, khí hậu mát mẻ, cảnh quan đa dạng với tầm nhìn bao quát cả một vùng đồng bằng rộng lớn phía sông Đà, sông Lô và sông Hồng.

Nhưng mãi đến thời Pháp thuộc, hơn 90 năm trước, điều kiện thiên nhiên, khí hậu thuận lợi trên các cốt 400, 600, 700, 800 và 1000m của vùng núi Ba Vì mới được người Pháp khai thác để xây dựng thành khu nghỉ dưỡng.

Ngày nay, sau những biến cố của lịch sử và thời gian lãng quên, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc tại các cốt 400, 600, 700, 800 và 1000m đã có nhiều thay đổi. Công trình kiến trúc đổ nát chỉ còn là phế tích lẫn trong bao loại cây rừng nhiệt đới, tạo nên một vẻ hấp dẫn mới, huyển ảo và quyến rũ về một khu đô thị nghỉ dưỡng vang bóng một thời tại Vườn Quốc gia Ba Vì hôm nay.

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt năm 2010 Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Ba Vì và năm 2014 Quy hoạch chi tiết phân khu hành chính dịch vụ I – Vườn Quốc gia Ba Vì. Từ đó những công trình đầu tiên với số lượng hạn chế đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu của người dân về văn hóa tâm linh, du lịch khám phá và nghỉ dưỡng.

Tiếp tục phát triển hoàn chỉnh khu du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử tại Vườn Quốc gia Ba Vì là cần thiết và sẽ có nhiều vấn đề phải được giải quyết. Nhưng, chắc chắn việc đầu tiên, không thể thiếu làm cơ sở cho các công việc tiếp theo, là: So sánh quy hoạch xây dựng thời Pháp với quy hoạch xây dựng hiện nay và đánh giá hiện trạng phế tích kiến trúc và cảnh quan còn lại. Trên cơ sở đó nêu một số nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị phế tích kiến trúc và cảnh quan tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì.

Tạo hồ cảnh quan mới – Một thành công của Melia Bavi Mountain Retreat giai đoạn 1
Tạo hồ cảnh quan mới – Một thành công của Melia Bavi Mountain Retreat giai đoạn 1
 

So sánh quy hoạch xây dựng thời Pháp với quy hoạch xây dựng hiện nay

Quy hoạch xây dựng thời Pháp

Muộn hơn so với các khu nghĩ dưỡng khác được người Pháp gần như đồng loạt xây dựng ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX theo sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer, như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo,… khu nghỉ dưỡng Ba Vì được quy hoạch và xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ 20, mặc dù sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp và điều kiện tự nhiên, khí hậu thuận lợi và gần Hà Nội hơn so với Tam Đảo. Để lý giải, phải chăng bởi Ba Vì là vùng đất thiêng của người Việt mà người Pháp phải thận trọng trong các can thiệp xây dựng?

Trên cơ sở nghiên cứu các bản vẽ quy hoạch tổng thể và chi tiết khu nghỉ dưỡng Ba Vì thời Pháp, tham khảo các tài liệu lưu trữ và khảo sát các phế tích kiến trúc còn lại, có thể khẳng định: Người Pháp trước khi quy hoạch đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng về các giá trị của địa hình, khí hậu và cảnh quan rừng nhiệt đới Ba Vì. Bản quy hoạch trên các cốt 400, 600, 700, 800 và 1000m đã thể hiện rõ sự tôn trọng địa hình, cảnh quan trong việc đề xuất khai thác các vị trí cụ thể và điểm nhìn cảnh quan. Đồng thời kèm theo bản quy hoạch là những quy định quản lý cụ thể khi xây dựng công trình trong khu quy hoạch. Ví dụ: Công trình phải phù hợp các tiêu chí về nghệ thuật và thỏa mãn các điều kiện về bảo vệ sức khỏe cộng đồng của Nghị định ngày 7/8/1929 của Thống sứ Bắc Kỳ; Tòa nhà chính không được vượt quá 1/5 diện tích lô đất; Khoảng lùi 6m; Hàng rào thưa, cao không quá 1,5m;…

Cho đến năm 1951, quy mô diện tích của quy hoạch tổng thể là 272,5 ha, trong đó: Cốt 400m là 196 ha, gồm 29 công trình; Cote 600-700m rộng 55 ha là tương đối bằng phẳng với 82 công trình; Cote 800m là 3.5 ha, gồm 16 công trình; Cote 1000m rộng 18 ha quy hoạch cho 34 công trình (không xây dựng) (Hình 1,2)

Quy hoạch xây dựng hiện nay

Có 2 quy hoạch đã được lập là: Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Ba Vì (2010) và Quy hoạch chi tiết phân khu hành chính dịch vụ I – Vườn Quốc gia Ba Vì (2014). Trên cơ sở đó những công trình đầu tiên đã được quy hoạch và xây dựng trên các cốt 400m, 600m và 700m (Hình 3)

 

Hình 3. Quy hoạch tổng mặt bằng tại các cốt 600, 700, 800m thuộc phân khu hành chính dịch vụ 1, vườn Quốc gia Ba Vì. [4]
Hình 3. Quy hoạch tổng mặt bằng tại các cốt 600, 700, 800m thuộc phân khu hành chính dịch vụ 1, vườn Quốc gia Ba Vì. [4]
 

Nhìn chung, các quy hoạch hiện nay đều tôn trọng quy hoạch tổng thể thời Pháp. Cụ thể: Vườn Quốc gia Ba Vì được bảo tồn; Vẫn giữ chức chính là năng du lịch nghỉ dưỡng với các phân khu và các tuyến đường chính; Bảo tồn các phế tích kiến trúc và cảnh quan phục vụ du lịch khám phá văn hóa, lịch sử; Xây dựng hạn chế và hài hòa với các nền phế tích kiến trúc và cảnh quan phục vụ du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng.

 

Đặc biệt, những công trình đầu tiên đã được quy hoạch và xây dựng trên các cốt 600m và 700m thuộc giai đoạn 1 của Melia Bavi Mountain Retreat phục vụ mục đích du lịch nghỉ dưỡng và khám phá được đánh giá là thành công vì đã tạo nên một tổ hợp kiến trúc mới với quy mô và ngôn ngữ kiến trúc hài hòa với khung cảnh và trên cơ sở tôn trọng và khai thác hợp lý giá trị của các phế tích kiến trúc, cảnh quan. (Hình 4)

 

Hình 4. Quy hoạch xây dựng giai đoạn 1 Melia Bavi Mountain Retreat [5]
Hình 4. Quy hoạch xây dựng giai đoạn 1 Melia Bavi Mountain Retreat [5]
 

So sánh với quy hoạch thời Pháp trên các cốt 600m và 700m với quy mô diện tích 55ha và 82 công trình, nay chỉ còn là phế tích dưới dạng nền công trình, thì Dự án Melia Bavi Mountain Retreat giai đoạn 1 chỉ mới tác động đến 12 nền phế tích kiến trúc nhỏ và ở vị trí không quan trọng so với các nền phế tích còn lại trên tổng số 82 phế tích kiến trúc thời Pháp.

 

Như vậy, có thể khẳng định những can thiệp của dự án Melia Bavi Mountain Retreat Giai đoạn 1 trên cốt 600m, 700m đã tôn trọng quy hoạch thời Pháp, không vượt quy mô mà trước đây người Pháp đã xây dựng cũng như không vượt quá các chỉ tiêu cho phép của Quy hoạch chi tiết khu hành chính dịch vụ I – Vườn quốc gia Ba Vì và của Rừng Quốc gia Ba Vì.

Hiện trạng phế tích kiến trúc, cảnh quan

Kết quả khảo sát hiện trạng phế tích kiến trúc và cảnh quan trên các cốt 400m, 600m, 700m, 800m và 1000m tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì cho thấy còn lại 127/161 công trình được quy hoạch thời Pháp dưới dạng vết tích và phế tích kiến trúc.

Hình 5.Toàn cảnh công trình - sân đỗ trực thăng
Hình 5.Toàn cảnh công trình – sân đỗ trực thăng
 

Trên cốt 600m, có phế tích kiến trúc của các công trình chính, như: Sân đỗ trực thăng cao 1 tầng với diện tích nền là 759m2; nhà nghỉ dưỡng (trại gái) còn nguyên vẹn nền và một phần tường trên diện tích 442 m2. (Hình 5,6)

Trên cốt 700m còn phế tích của các công trình: Nhà đại tá (có quy mô khá lớn ở vị trí có tầm nhìn đẹp, còn nguyên vẹn nền kích thước 26mx46m trên diện tích 1196 m2); Nhà trung tá (còn nguyên vẹn nền, tường bao che kích thước 14mx11m (Hình 7,8)

Hình 8. Kết nối phế tích và cảnh quan trên các cốt tại khu nghỉ dưỡng Ba Vì
Hình 8. Kết nối phế tích và cảnh quan trên các cốt tại khu nghỉ dưỡng Ba Vì
 

Trên cốt 800 có công trình chính nằm ở vị trí trung tâm của khu vực là Nhà thờ đá. Công trình còn phần nền với kích thước 11m x 19m và tường bao bằng đá với mặt tường hậu còn nguyên hình thánh giá lớn xẻ suốt mặt tường cho thấy rõ hình dáng công trình nhà thờ xưa. Hiện nay, công trình ẩn trong rừng cây với tường đá rêu phong, chìm trong sương mù thường trực, thảng hoặc ánh sáng tự nhiên chiếu qua thánh giá, mang lại cho không gian Nhà thờ cảm giác siêu thực, huyền ảo đầy quyến rũ. (Hình 9)

Hình 9. Nhà thờ đá trên cốt 800m
Hình 9. Nhà thờ đá trên cốt 800m
 

Quan điểm, nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị phế tích kiến trúc, cảnh quan

Quan điểm bảo tồn và phát huy giá trị phế tích kiến trúc và cảnh quan

Bảo tồn trong phát triển bền vững, tuân thủ pháp luật và phục vụ người dân. Đó là đề xuất các giải pháp trên cơ sở vận dụng hợp lý các nguyên tắc can thiệp, phù hợp với vị trí, đặc điểm, ý nghĩa và tình trạng phế tích kiến trúc, cảnh quan của từng khu vực để bảo tồn, phát huy giá trị phế tích kiến trúc, cảnh quan cũng như giá trị văn hóa phi vật thể ở khu vực núi Ba Vì, đáp ứng các nhu cầu văn hóa, xã hội đương đại nhưng không phá vỡ hay tác động tiêu cực đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử vốn có của vùng đất thiêng Ba Vì.

Như vậy là cần thiết khai thác giá trị phế tích kiến trúc, cảnh quan, văn hóa tâm linh và đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Ba Vì phục vụ người dân Hà Nội và cả nước. Khai thác hợp lý chính là chủ động bảo vệ và làm tăng giá trị phế tích kiến trúc, cảnh quan và đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Ba Vì theo hướng bền vững. Như vậy, khi can thiệp phải cân nhắc cẩn thận sao cho không tác động tiêu cực đối với từng phế tích kiến trúc, cảnh quan và tài nguyên Vườn Quốc gia Ba Vì.

Nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị phế tích kiến trúc và cảnh quan

Trong thiết kế quy hoạch và kiến trúc khu nghỉ dưỡng Ba Vì, có nhiều nguyên tắc can thiệp để bảo tồn và phát huy giá trị của phế tích kiến trúc, cảnh quan phục vụ nhu cầu du lịch. Về quy hoạch tổng thể, nguyên tắc can thiệp cơ bản nhất nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị cuả phế tích kiến trúc, cảnh quan cũng như đáp ứng tốt nhất các nhu cầu du lịch là kết nối các phế tích kiến trúc và cảnh quan trên các cốt khác nhau thành một hệ thống. (Hình 10)

 

Hình 10. Xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực đồi thông (Vườn trẻ thời Pháp) ở cốt 600m [7]
Hình 10. Xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực đồi thông (Vườn trẻ thời Pháp) ở cốt 600m [7]
 

Đối với thiết kế kiến trúc, để bảo tồn và phát huy giá trị cuả phế tích kiến trúc, cảnh quan phục vụ nhu cầu du lịch có nhiều nguyên tắc can thiệp khác nhau, đồng thời có thể sử dụng kết hợp các nguyên tắc, tùy vào giải pháp kiến trúc cụ thể.

 

Dưới đây là những nguyên tắc chính trong bảo tồn và phát huy giá trị của phế tích kiến trúc, cảnh quan khu nghỉ dưỡng Ba Vì phục vụ nhu cầu du lịch:

Nguyên tắc 1: Kết hợp dựa vào phế tích kiến trúc và cảnh quan để xây dựng công trình mới với chức năng mới tạo nên một tổng thể kiến trúc hài hòa với khung cảnh. Nói cách khác, phế tích kiến trúc sống cùng (cộng sinh) với công trình kiến trúc mới, trong đó giá trị phế tích kiến trúc và cảnh quan được trân trọng, bảo tồn và cùng với kiến trúc mới phục vụ nhu cầu của cuộc sống đương đại.

Đối với những phế tích có diện tích lớn, là điểm nhấn của khu vực nhưng không còn nhiều dấu tích để lại, giá trị lịch sử kiến trúc không điển hình, nên cần có sự can thiệp để phế tích trở lại với cuộc sống hiện tại, phục vụ cho nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, cần hạn chế tối đa việc đưa kiến trúc không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên , đồng thời phải gìn giữ các nét tiêu biểu, đặc trưng nhận diện của phế tích trong công trình kiến trúc mới, lồng ghép hài hòa giữa mới và cũ.

Trên thực tế, có thể thấy, khu vực bể bơi ngoài trời và nhà hàng của Melia Bavi Mountain Retreat giai đoạn 1 là minh chứng tốt nhất cho nguyên tắc 1 – Vừa tôn trọng di sản vừa hài hòa với cảnh quan và phục vụ hiệu quả nhu cầu du lịch đương đại (Hình 11)

 

Hình 11. Khu bể bơi ngoài trời của Melia Bavi Mountain Retreat giai đoạn 1 [3]
Hình 11. Khu bể bơi ngoài trời của Melia Bavi Mountain Retreat giai đoạn 1 [3]
 

Nguyên tắc 2: Bảo tồn chính là bảo tồn phế tích kiến trúc và cảnh quan lịch sử tại khu vực Vườn Quốc gia Ba Vì. Có thể cho phép tác động < 5 % vào công trình phế tích, cảnh quan nhằm bảo trì chất lượng cho công trình.

 

Phế tích kiến trúc và cảnh quan được lựa chọn để bảo tồn nguyên trạng với tư cách là di sản lịch sử, như là một thành phần cảnh quan gợi nhớ về một thời kỳ đã qua. Đó là các phế tích kiến trúc, trải thời gian cộng sinh hữu cơ với cây xanh tạo thành một di sản độc đáo, hấp dẫn, chắc chắn là điểm đến phục vụ hiệu quả cho loại hình du lịch, thưởng ngoạn, khám phá ngoài trời. Đồng thời, kết hợp với tiến bộ của công nghệ số sẽ góp phần tái tạo đầy đủ ký ức của khu vực, nơi chốn.

Công trình tiêu biểu để bảo tồn là Nhà thờ đá trên cốt 800 do cha xứ Paul Seitz xây dựng trong những năm 1932-1940. Theo thời gian, nhà thờ kết hợp với cây cối, cảnh quan xung quanh thành một thể thống nhất và tính nguyên sơ, huyền bí của Nhà thờ như được tăng thêm. Vì thế, Nhà thờ hiện nay là điểm thu hút đông khách du lịch dù chưa có sự can thiệp (Hình 12)

Hình 12. Hiện trạng Nhà Đại táHình 12. Hiện trạng Nhà Đại tá
Hình 12. Hiện trạng Nhà Đại tá
 

Nguyên tắc 3: Xây dựng mới đó là việc xây dựng công trình mới trong điều kiện cho phép bên cạnh phế tích kiến trúc và cảnh quan. Đây là nguyên tắc có thể gây tranh cãi về lý thuyết, nhưng cần thiết và hợp lý trong thực tiễn theo hướng phát huy hiệu quả các giá trị của di sản, không để di sản bị bảo tàng hóa mà tạo điều kiện hợp lý để di sản tham gia phục vụ nhu cầu của cuộc sống đương đại.

Tuy nhiên, công trình kiến trúc mới phải đảm bảo không lấn át mà tôn thêm giá trị của công trình phế tích kiến trúc và cảnh quan. Theo nguyên tắc này, có thể nhận thấy, nhiều vị trí trên các cốt 600, 700 và 800m đủ điều kiện để vận dụng, như: Xây dựng mới các biệt thự bên cạnh các phế tích được bảo tồn; Khu vực đồi thông trên cốt 600m (Vườn trẻ thời Pháp), đủ diện tích và không gian để xây dựng mới thành khu nghỉ dưỡng cao cấp bên cạnh các phế tích còn lại.

Nguyên tắc 4: Phục dựng (hay phỏng dựng) công trình từ phế tích kiến trúc và cảnh quan cho phép tác động từ 20% đến 80% vào phế tích. Phục dựng là một cách tạo cảm nhận hồi suy, có ý nghĩa giáo dục lịch sử và hấp dẫn du khách.

Việc phục dựng được thực hiện trên cơ sở: Quy hoạch định hướng tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị phế tích kiến trúc và cảnh quan của khu vực Vườn quốc gia Ba Vì; đánh giá các phế tích còn lại tại chỗ và tư liệu lưu trữ tin cậy, như tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I.

Đối với các phế tích có giá trị tiêu biểu về lịch sử và thẩm mỹ kiến trúc, đồng thời nằm ở vị trí đắc địa, thì cần có sự xem xét kĩ lưỡng để phục dựng lại công trình. Trong phục dựng, có thể đưa chức năng mới phù hợp nhu cầu của thời đại, nhưng giá trị lịch sử cần được trân trọng, bảo vệ. Trong giải pháp, tùy từng trường hợp có thể không phục dựng toàn bộ công trình mà chỉ một phần, bởi giữ lại nét dang dở của một phế tích trong tương quan chung của tổng thể và cảnh quan cũng là một giải pháp phục dựng hiệu quả.

Trong bối cảnh vườn Quốc gia Ba Vì, dựa theo tài liệu của người Pháp do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cung cấp và kết quả khảo sát hiện trạng năm 2020, thì phế tích nhà Đại tá là một trong những công trình cần phục dựng.

Nguyên tắc 5: Bảo tồn và tôn tạo cảnh quan nằm trong khu bảo tồn – Vườn Quốc gia Ba Vì, nơi có sự đa dạng về địa hình, cảnh quan với sự đa dạng của các loài động, thực vật và khí hậu mát mẻ, khu nghỉ dưỡng Ba Vì có nhiều lợi thế rất khó tìm thấy ở các địa điểm khác quanh Hà Nội. Vì vậy, khi phát triển khu nghỉ dưỡng, trước hết, cảnh quan thiên nhiên hiện có của vườn quốc gia là đối tượng bảo tồn nghiêm ngặt nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học, phục vụ mục tiêu giáo dục môi trường sinh thái tự nhiên và du lịch trải nghiệm, khám phá. Đó là cảnh quan diện rộng, bao gồm: Thảm thực vật nhiệt đới đa dạng với nhiều loại cây rừng, thảm cỏ,… trên các cao độ địa hình khác nhau với các điểm nhìn cảnh quan rộng mở về phía đồng bằng.

Bên cạnh đó, trong khu nghỉ dưỡng, các phế tích kiến trúc, trải thời gian đã bị nhiều loại cây xanh xâm thực. Đến nay phế tích kiến trúc cộng sinh với cây xanh trở thành một tổng thể cảnh kiến trúc-cảnh quan hữu cơ, hoàn chỉnh và có giá trị độc đáo, hấp dẫn du khách. Có thể đánh giá, đây là một phần của cảnh quan diện hẹp có giá trị gia tăng, phục vụ hiệu quả cho du lịch nên rất cần được nghiên cứu, khai thác theo hướng bảo tồn và tôn tạo cảnh quan.

Tôn tạo cảnh quan, nghĩa là tổ chức cảnh quan mới trên cơ sở lựa chọn có chủ ý chủng loại cây xanh bản địa để tạo nên dấu ấn đặc trưng của khu vực thiết kế. Cả trên phương diện tổng thể (diện rộng) và chi tiết cảnh quan (diện hẹp).
Nguyên tắc này, khi áp dụng trong khu du lịch nghỉ dưỡng, cho phép chủ động khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên, có ý nghĩa giáo dục thiên nhiên, môi trường sinh thái. Đồng thời không những làm tăng chứ không làm giảm diện tích phủ xanh của khu vực rừng quốc gia Ba Vì mà còn tạo nên sự đa dạng sinh học và tăng thêm giá trị của rừng quốc gia Ba Vì.

Một ví dụ thành công về việc bảo tồn và tôn tạo cảnh quan dựa trên thiên nhiên, đó là tận dụng khe suối, biến thành hồ cảnh quan mới cho cụm biệt thự – nghỉ dưỡng của Melia Bavi Mountain Retreat giai đoạn 1.

Kết luận

Núi Tản Viên và Vườn quốc gia Ba Vì với giá trị văn hóa tâm linh, điều kiện khí hậu mát mẻ, cảnh quan nhiệt đới còn hoang sơ chưa bị tác động nhiều của con người cùng với nhiều phế tích kiến trúc Pháp rải rác là một tài nguyên quý giá. May mắn, nguồn tài nguyên quý giá này nay trở thành duy nhất ở nước ta do chưa bị khai thác vội vã và quá mức như đã diễn ra ở những địa danh khác trong những năm gần đây. Vì thế rất cần được khai thác một cách thông minh để phát triển bền vững du lịch văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu của cuộc sống đương đại.

Trong quá trình khảo sát, đánh giá hiện trạng, có thể khẳng định, cách tiếp cận và đầu tư của Melia Bavi Mountain Retreat Giai đoạn I theo hướng xanh, sinh thái và nhân văn, trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị thiên nhiên, văn hóa và lịch sử tại khu vực Vườn quốc gia Ba Vì là đúng, cần được ghi nhận và trân trọng. Đây là hướng đi hợp lý vừa phát huy giá trị nguồn tài nguyên quý giá, vừa đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn của khu vực Vườn quốc gia Ba Vì. Vì thế rất cần được khuyến khích và tạo điều kiện để tiếp tục triển khai.

Đầu tư, khai thác một cách thông minh khu vực vườn quốc gia Ba Vì để phát triển bền vững du lịch văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng phục vụ nhu cầu của cuộc sống đương đại của người dân thủ đô và cả nước là cần thiết, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, môi trường, văn hóa, xã hội và giáo dục.

Phát triển bền vững du lịch văn hóa, sinh thái và nghỉ dưỡng chính là động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm, trong đó có việc làm cho người dân địa phương. Khuyến khích phát triển mới nhưng không phá vỡ cân bằng sinh thái môi trường, đồng thời làm tăng giá trị sinh thái tự nhiên của Vườn quốc gia Ba Vì và quảng bá, phát huy giá trị văn hóa Ba Vì. Tất cả góp phần tích cực trong nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân tộc, cũng như trong giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước và ý thức trách nhiệm xã hội của công dân đối với các hoạt động xã hội, nhất là bảo vệ môi trường sống.

GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông
Hội KTS Việt Nam
TS.KTS Nguyễn Việt Huy
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2020)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Các văn bản pháp luật liên quan;
  2. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Tư liệu lưu trữ liên quan đến quy hoạch và kiến trúc khu vực Ba Vì thời Pháp (năm 1914 – 1951);
  3. Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD) – Tài liệu nghiên cứu về khu vực Ba Vì; Các tư liệu sưu tập: Bản vẽ quy hoạch, kiến trúc, nhân vật và lịch sử liên quan đến Khu nghỉ dưỡng Ba Vì thời Pháp;
  4. Công ty khảo sát và thiết kế xây dựng Trung Nghĩa. Bản đồ đo đạc địa hình tỷ lệ 1/500 của Phân khu Hành chính dịch vụ I. 10/2010;
  5. Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD). Bản đồ Quy hoạch tổng thể dự án Melia Ba Vì Mountain Retreat. 2014;
  6. E. Baschet. Les Grands Dossiers de L’ilustration L’Indochine. Histoire d’un siècle 1843-1944. Ed. Le livre de Paris…;
  7. Các ký họa của KTS Vũ Hồng Thủy;
  8. Một số trang mạng Internet.