Cải tạo cảnh quan ven sông Lừ theo mô hình công viên dạng tuyến

06/10/2021 Lượt xem : 677

THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”

Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một hoạt động mang lại rất nhiều ý nghĩa cho các em sinh viên (SV) trong quá trình học tập tại các trường đại học. Ngoài học tập theo chương trình đào tạo, NCKH không chỉ giúp các em có thêm kiến thức chuyên sâu về chủ đề nghiên cứu mà còn xây dựng nền tảng phương pháp luận, tư duy sáng tạo và phản biện, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm…

Bài viết này trình bày kết quả NCKH của nhóm SV Kiến trúc hệ Anh ngữ, khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng. SV đã tiến hành thực hiện bài bản với phương pháp luận khoa học, đề xuất cải tạo cảnh quan ven sông Lừ theo mô hình công viên dạng tuyến – Đây là cách tiếp cận hiệu quả cho SV gắn lý thuyết với thực tế hành nghề của KTS.

Đặt vấn đề

Hà Nội (đô thị trong nước) được hình thành và phát triển từ một khu vực đầm lầy với hệ thống sông hồ dày đặc. Cấu trúc tự nhiên của các dòng sông đóng vai trò xương sống và định hình cấu trúc cảnh quan, định hướng hình thành các điểm dân cư; đồng thời là mạng lưới giao thông đường thủy và hệ thống thoát nước quan trọng của đô thị cổ trong việc chống ngập lụt cho Hà Nội trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, những dải đất tự nhiên ven sông là không gian xanh quan trọng trong hệ sinh thái của đô thị.

Cảnh quan dòng sông Mill trước cải tạo (trái) và sau cải tạo (phải)- Dự án dành giải thưởng kiến trúc cảnh quan Mỹ năm 2015
 

Trước sức ép của quá trình đô thị hóa, những dải đất ven sông dần biến mất, dòng sông không chỉ đóng vai trò thoát nước mưa mà còn cả vai trò của thoát nước thải sinh hoạt. Các quá trình biến đổi này dần biến các con sông trở thành những mương thoát nước thải cho đô thị, làm mất dần vai trò hành lang sinh thái và biến chúng trở thành những không gian kém hấp dẫn và ô nhiễm nhất trong đô thị. Nhất là những dòng sông trong nội đô như: Tô Lịch, Lừ, và Kim Ngưu…

Đã có nhiều dự án nghiên cứu một số con sông chính của Hà Nội. Tuy nhiên, chưa có dự án nào thành công bởi nhiều nguyên nhân khác nhau từ cơ chế chính sách đến sự tham gia của cộng đồng dân cư… Chính vì vậy, để làm rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp khả thi, cần có những nghiên cứu sâu về thực trạng và các bài học kinh nghiệm nhằm khôi phục hình ảnh tự nhiên, tìm kiếm không gian công cộng mới và nâng cao vài trò của các con sông trong hệ sinh thái đô thị. Trước những vấn đề trên, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn dòng sông Lừ làm đối tượng nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

1. Các bài học kinh nghiệm:

Các mô hình cải tạo cảnh quan ven sông trên Thế giới và Việt Nam được lựa chọn và nghiên cứu để rút ra bài học kinh nghiệm. Đăc biệt là cải tạo các con sông có điều kiện tương đồng trở thành những dòng sông mang đầy sức sống của cả hệ sinh thái tự nhiên và hoạt động cộng đồng, như: Suối Cheonggyecheon, Seoul, Hàn Quốc; sông Mill, Stamford, bang Connecticut, Mỹ; sông Torrens, Adelaide, Nam Úc; kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, TP HCM….

2. Hiện trạng sông Lừ

Sông Lừ dài khoảng 10 km, lòng sông rộng từ 10 đến 20 m, độ sâu mặt nước từ 40cm đến 150cm, thuộc danh sách những “dòng sông chết” tại Hà Nội với mức độ ô nhiễm nguồn nước và không khí nặng. Sông Lừ chảy qua địa bàn quận Đống Đa, Thanh Xuân và Hoàng Mai. Đến Phương Liên, sông Lừ chia làm hai, một nhánh rẽ sang phía Đông tới Giáp Bát và hội lưu với sông Sét, một nhánh chảy tiếp về phía Nam qua Định Công và hội lưu với sông Tô Lịch. Dòng chảy nhánh hội lưu với Tô Lịch thì càng gần đến điểm hội lưu dòng chảy càng bị thu hẹp lại.

Dòng sông bị chia cắt mạnh chủ yếu bởi hai tuyến đường ven sông. Quá trình đô thị hóa mạnh dẫn tới việc dòng sông và không gian trống ven sông bị thu hẹp ngày càng nhiều với chất lượng cảnh quan thấp. Bờ sông đa phần được cứng hóa bằng kè bê tông.
Hoạt động ven sông hầu như không có vì vỉa hè hẹp. Cư dân ven sông chủ yếu kinh doanh nhỏ lẻ, nhiều điểm lòng đường ven sông được tận dụng làm nơi gửi và đỗ xe.

Hình thái kiến trúc tại một số nơi đầu nguồn là nhà dân san sát nhỏ hẹp, chất lượng sống thấp, nhà biệt thự và nhà lô xuất hiện nhiều ở khu vực giữa sông và cuối nguồn chủ yếu là chung cư cao tầng và nhà ở dịch vụ thương mại.

Hiện trạng không gian kiến trúc cảnh quan ven sông Lừ
 
Định hướng cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan ven sông Lừ với 4 phân đoạn theo đặc trưng từng khu vực
 

3. Quan điểm thiết kế:

  • Kết nối cảnh quan ven sông với hệ thống không gian mở đô thị nhằm tăng tính đa dạng nhưng hài hòa về hình thức và hướng tới tạo lập hạ tầng sinh thái;
  • Khôi phục thiên nhiên và bảo tồn văn hóa xã hội cho không gian ven sông là thước đo sự phát triển bền vững;
  • Cải tạo cảnh quan làm tăng tính kết nối và gắn với sự tham gia của cộng đồng.
Mặt cắt minh họa cảnh quan đầu đoạn 1 với thác nước nhân tạo vừa hình thành điểm nhấn cảnh quan và ẩn nguồn cấp nước sạch cho dòng sông
 
Minh họa mặt cắt và phối cảnh [2] đoạn 2
 
Các mặt cắt minh họa cảnh quan đoạn 4
 

4. Giải pháp cải tạo cảnh quan:

Từ kết quả nghiên cứu, khảo sát và đánh giá hiện trạng, giải pháp cải tạo cảnh quan ven hai bờ sông Lừ được đề xuất với 4 đoạn có các đặc trưng không gian riêng biệt. Các giải pháp cải tạo cảnh quan được đề xuất dựa trên những nguyên tắc chung, bao gồm:

  • Quy hoạch tổng thể dựa trên khai thác tối đa điều kiện hiện hiện trạng, đa dạng hình thái không gian, gắn với nhu cầu thực tế cộng đồng nhằm hướng đến sự tham gia tích cực của họ từ giai đoạn thiết kế, thi công, quản lý và vận hành khai thác;
  • Cải thiện triệt để chất lượng môi trường nước ô nhiễm: Tách nước bẩn sinh hoạt vào hệ thống cống ngầm, bổ sung nguồn nước sạch từ sông Hồng thông qua hệ thống cống ngầm cho toàn hệ thống sông Hà Nội, và cải thiện môi trường nước sông (gồm tầng đáy, tầng giữa và tầng mặt);
  • Xây dựng hạ tầng sinh thái ven sông kết hợp bổ sung các giải pháp kết nối hai bờ sông nhằm tăng tính tương tác của cộng đồng;
  • Khai thác cảnh quan biến đổi theo mùa dựa theo đặc điểm sinh học của cây xanh và đa dạng thành phần loài cây xanh theo hướng đa tầng kết hợp cải thiện môi trường nước, và vật liệu thân thiện môi trường (gạch tự thấm và bê tông trồng cỏ…);
  • Tái sử dụng bê tông từ kè cũ phá dỡ làm ghế ngồi, kè bờ sinh thái…;
  • Ứng dụng năng lượng sạch và công nghệ cảnh quan, wifi miễn phí…;
Giải pháp phối trí cây xanh đa tầng nhằm tăng tính đa dạng sinh học cho hệ sinh thái đô thị
 
Giải pháp lọc nước tầng bậc bằng bộ lọc sinh học của thảm thực vật.
 

Kết luận

Hệ thống sông hồ là khung không gian vô cùng quan trọng trong cấu trúc hệ sinh thái đô thị Hà Nội. Sức ép của quá trình đô thị hóa làm giảm vai trò của các dòng sông, biến chúng thành các kênh thoát nước thải và bị bê tông hóa nghiêm trọng. Trước sức ép của ô nhiễm môi trường và tác động của hiện tượng biến đổi toàn cầu, các dòng sông lại nhận được sự quan tâm to lớn của cộng đồng xã hội và có nhiều cơ hội hồi sinh mãnh liệt.

Cải tạo chất lượng môi trường nước kết hợp với cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan khu vực ven sông, biến chúng thành những công viên dạng tuyến không chỉ góp phần khôi phục vai trò của chính các dòng sông cùng hệ sinh thái tự nhiên ven sông mà còn tạo lập không gian hoạt động cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân dọc theo hai bờ sông. Giải pháp cải tạo cảnh quan sông Lừ có giá trị tham khảo để phát triển mô hình công viên dạng tuyến cho các dòng sông còn lại của Hà Nội cũng như các đô thị khác trên cả nước.

Không chỉ học tập và hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học trở thành những hoạt động bổ ích cho các em sinh viên khi còn đang theo học tại các trường đại học. Nghiên cứu khoa học cho những trường hợp cụ thể không chỉ có khả năng áp dụng cao, giúp sinh viên nắm chắc kiến thức đã được học mà còn tiếp cận nhiều kiến thức mới, giúp sinh viên phát triển và rèn luyện các kỹ năng tư duy sáng tạo và phản biện, hình thành thói quen và đam mê nghiên cứu, kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn
Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng.
Nguyễn Thị Minh Hạnh, Trịnh Thuý Hiền, 
Vũ Thảo Nguyên, Đinh Thanh Tùng:
Lớp 63KDE, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng.
Trần Kiều Oanh
Lớp 64KDEC, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường Đại học Xây dựng.
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2021)


Chú thích: 
Bài báo là kết quả nghiên cứu của đề tài nghiên cứu Khoa học sinh viên được tài trợ bởi Quỹ nghiên cứu khoa học công nghệ của Trường Đại học Xây dựng trong đề tài mã số KD 2021 – 21.

Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.asla.org/2015awards/95842.html
[2] https://chroniques-architecture.com/les-j-o-ile-saint-denis-cest-deja-parti/)
[3] https://www.pinterest.com/pin/444941638192260420/