Chuyện nghề Kiến trúc cảnh quan – Góc nhìn từ những câu chuyện thực tiễn
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Sáng ngày 04/06/2020, tại Đại học Xây Dựng (Hà Nội) đã diễn ra Talkshow số đầu tiên Chuyện nghề cảnh quan do Bộ môn Kiến Trúc cảnh quan – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – trường ĐH Xây dựng tổ chức với sự đồng hành của các trường đào tạo chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan, các công ty, đơn vị doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan; Tạp chí Kiến trúc với vai trò đơn vị bảo trợ truyền thông của sự kiện.
Talkshow đã thu hút đông đảo sự quan tâm từ các chuyên gia, doanh nghiệp, kiến trúc sư hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc, cảnh quan, sinh viên kiến trúc và đặc biệt có sự góp mặt của Ban giám hiệu trường Đại học Xây Dựng: PGS.TS. Phạm Xuân Anh – Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây Dựng, TS. Nguyễn Cao Lãnh – Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch, TS.Trương Ngoc Lân – Phó chủ nhiệm khoa Kiến trúc và Quy hoạch, ThS. Trần Quốc Việt – Phó trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch và khách mời đặc biệt: Nghệ sĩ Andy Cao thuộc đơn vị Cao Perrot Studio, Ths. Thái Lan Anh – Phó Giám đốc PLA Studio, KTS. Nguyễn Chí Thành – Giám đốc PALM Landscape, Ông Vũ Mai Phong – Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Ecopark.
Trên thực tế, Kiến trúc cảnh quan là một ngành đang phát triển ở Việt Nam, có vai trò và vị thế lớn trong các công trình kiến trúc, không gian đô thị và đóng góp không nhỏ vào chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên, những buổi tọa đàm, chia sẻ của các Kiến trúc sư và các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực này lại đang vắng bóng ở giảng đường các trường đại học. Trên tinh thần đó, hòa cùng không khí chuẩn bị Đại hội chi hội Kiến trúc Sư của trường Đại học Xây Dựng nhiệm kỳ 2020 – 2025, bộ môn Kiến trúc Cảnh quan tổ chức buổi tọa đàm về vai trò của Kiến trúc cảnh quan trong hoạt động tư vấn Kiến trúc và Quy hoạch thông qua các đồ án, dự án thực tế của các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan. Đây là buổi talkshow đầu tiên nằm trong chuỗi sự kiện “Chuyện nghề cảnh quan” mà bộ môn đang hướng tới tổ chức hàng năm.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng đã ghi nhận, đánh giá cao những phát triển của ngành kiến trúc cảnh quan trong những năm vừa qua. Đặc biệt ông chia sẻ một thông tin quan trọng đối với ngành Kiến trúc cảnh quan trong thời gian sắp tới là Trường đại học xây dựng sẽ tuyển sinh ngành kiến trúc cảnh quan trong năm học tiếp theo.
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả khách mời đã thảo luận về nghề kiến trúc cảnh quan, từ những góc nhìn khác nhau, bằng những kinh nghiệm, kiến thức thực tế và những trải nghiệm khi hành nghề trong lĩnh vực này, đồng thời giải đáp những thắc mắc và đưa ra lời khuyên cho sinh viên.
Chia sẻ về hệ sinh thái trong Kiến trúc cảnh quan, KTS. Nguyễn Chí Thành – Giám đốc công ty PALM Landscape đã mang đến một cái nhìn toàn cảnh về khái niệm hệ sinh thái, các yếu tố cấu thành, từ đó tiến hành nghiên cứu sâu hơn về hệ sinh thái thành phố cũng như những vấn đề đô thị – “những mối lo” đối với sinh thái thành phố. Theo KTS, để cân bằng lại hệ sinh thái cho thành phố, các không gian xanh sẽ đóng vai trò không thể thiếu.
Một góc nhìn khác từ trải nghiệm người dùng, được Ths. KTS. Thái Lan Anh nhấn mạnh đến việc nghiên cứu tiếp cận sẽ quyết định rất lớn đến sự thành công của dự án: “Trải nghiệm của người sử dụng sẽ hoàn toàn tác động và quyết định đến thiết kế. Với các dự án quy mô lớn, việc nghiên cứu dự án cần thực hiện đầy đủ và bài bản, do đó, chúng tôi sẽ tiếp cận từ các vấn đề vĩ mô như khi tiếp cận một đồ án thiết kế đô thị và thiết kế quy hoạch, sau đó từng bước rút gọn lại cho phù hợp với cách thiết kế cảnh quan.”
Nghệ sĩ Andy Cao chia sẻ về kỷ niệm thú vị khi làm “Đám mây pha lê”: “Ban đầu, ý tưởng về đám mây pha lê rất đơn giản, chúng tôi chỉ muốn làm một đám mây nhỏ trên hồ nước, chúng tôi muốn gắn những cánh hoa vào để tạo nên một đám mây. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi thấy đám mây nặng quá và đổi sang chỉ dùng lưới mắt cáo, nhưng như vậy quá giản dị, thiếu đi sự biến hóa của đám mây. Lúc đó chúng tôi quyết định đưa hạt pha lê vào, giống như là mây kèm theo mưa và nó sẽ biến hóa theo ánh sáng theo thời gian.”
Ông Vũ Mai Phong – Phó tổng Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn Ecopark kiêm Chủ tịch công ty cổ phần khai thác và quản lý dịch vụ Ecopark cũng góp ý tại tọa đàm: “Trong quá trình đào tạo Kiến trúc sư thiết kế, tôi thấy nên đào sâu hơn về cảnh quan cây xanh, hiểu biết về cây xanh của giới Kiến trúc sư cảnh quan hiện nay còn rất nhiều thiếu sót. Mới đây tôi có tham gia một dự án thiết kế cảnh quan cây xanh của trường Đại học Nông Nghiệp, và tôi đánh giá rất cao sự hiểu biết của họ về cây xanh bản địa. Trong thiết kế cảnh quan, vẽ và sáng tạo các không gian kiến trúc thì cũng chỉ là 1/2 công việc, phần còn lai phải về cây xanh.”
Khép lại tọa đàm với những câu chuyện chân thực về nghề cảnh quan, hy vọng Chương trình “Chuyện nghề cảnh quan” các số tiếp theo sẽ mang đến nhiều kiến thức bổ ích hơn nữa đối với các Kiến trúc sư, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan và sinh viên kiến trúc.
Minh Anh – TCKT.VN
© Tạp chí kiến trúc