Đào tạo nguồn nhân lực kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức

11/10/2021 Lượt xem : 785

Sinh viên Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham quan thực tế tại Tập đoàn Triệu Điền: Hành trình khám phá cây xanh và không gian xanh
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024

Đặt vấn đề

Kiến trúc Cảnh quan (KTCQ) là lĩnh vực chuyên môn khoa học tổng hợp, ứng dụng hài hoà các nguyên lý về khoa học và nghệ thuật, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều lĩnh vực khác nhau (Quy hoạch không gian, Hạ tầng kỹ thuật cảnh quan, Kiến trúc công trình, Sinh thái cảnh quan, Thực vật học, Sinh vật học, Điêu khắc, Hội họa…) để giải quyết những vấn đề tổ chức môi trường nghỉ ngơi – giải trí, thiết lập và cải tạo môi sinh, bảo vệ môi trường, tổ chức nghệ thuật kiến trúc nhằm mang lại mối quan hệ tổng hòa và bền vững giữa Thiên nhiên – Con người – Kiến trúc.

Với tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đô thị hoá gia tăng trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác công trình cảnh quan khu vực đô thị sẽ gia tăng nhanh chóng. Điều này dẫn tới nhu cầu về KTS, và cán bộ kỹ thuật về lĩnh vực KTCQ (thiết kế, thi công xây dựng, cung cấp vật tư – trang thiết bị, vận hành và khai thác các công trình cảnh quan; quản lý nhà nước ở Trung ương và các địa phương; giảng dạy và nghiên cứu khoa học…) ngày càng cao, cả về số lượng và chất lượng.

Kiến trúc cảnh quan nâng tầm chất lượng và giá trị cuộc sống
 

Hành nghề Kiến trúc cảnh quan ở Việt Nam mới phát triển mạnh trong 10 năm trở lại đây. Lực lượng KTS và KS cảnh quan Việt Nam chưa thực sự đông đảo, có rất ít chuyên gia được đào tạo bài bản và đúng chuyên ngành, đa phần là những KTS ngành Quy hoạch và Kiến trúc đam mê nghiên cứu và theo đuổi KTCQ. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh, sự hoành hành của thiên tai và dịch bệnh hiện nay đặt ra các thách thức rất lớn cho việc bảo tồn cảnh quan và môi trường sinh thái bản địa gắn liền với phát triển bền vững. Do đó đội ngũ nhân lực về lĩnh vực Kiến trúc cảnh quan cần có kiến thức sâu, rộng để có thể kiểm soát tốt công việc, áp dụng các cách tiếp cận và đề xuất giải pháp mang tính tổng hợp, đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo tồn giá trị văn hóa và bản sắc vùng miền và thích ứng với sự biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai.

Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực Kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam

Hiện nay, cả nước có 04 trường có chương trình đào tạo KTS cảnh quan (ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Xây dựng và ĐH quốc tế Hồng Bàng) trong đó có 02 trường đã có sinh viên (SV) theo học (ĐH Kiến trúc Hà Nội và ĐH Kiến trúc TPHCM), 01 trường bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2021-2022 (ĐH Xây dựng) và 01 trường đào tạo KS cảnh quan (Đại học Lâm nghiệp). Chỉ tiêu tuyển sinh hiện nay của các trường là từ 50 – 100 sinh viên. Số lượng chỉ tiêu như hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguồn nhân lực thực tế của xã hội. Ngoài ra, điểm tuyển sinh có những biến động khá lớn ở mỗi trường đào tạo, và có sự tách biệt giữa đào tạo KTS và KS cảnh quan, cụ thể được tổng hợp ở các bảng sau:

Bảng 1. Tổng hợp điểm chuẩn và tổ hợp xét tuyển vào ngành KTCQ của các trường ĐH tại Việt Nam những năm gần đây
 
Bảng 2. Chỉ tiêu tuyển sinh Kiến trúc cảnh quan năm học 2021-2022:
 
Bảng 3. Thời gian và chương trình đào tạo Kiến trúc cảnh quan
 

Ngoài các trường đào tạo KTS và KS KTCQ trên, hiện nay còn có trường ĐH Nông Lâm TP HCM đào tạo KS ngành Cảnh quan và kỹ thuật hoa viên (chuyên ngành Cảnh quan, kỹ thuật hoa viên và chuyên ngành Thiết kế cảnh quan). Học Viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan. Hai chương trình này có mục tiêu tương đối giống nhau và đang có sự đan xen giữa đào tạo kỹ sư thiết kế cảnh quan và kỹ sư cây trồng phục vụ cho cảnh quan và hoa viên nhưng thiên về khoa học cây trồng.

Buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư cảnh quan đầu tiên năm 2018 của Sinh viên trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh
 

Các trường đang đào tạo KTS cảnh quan hiện nay chỉ mới có Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan mà chưa có khoa Kiến trúc cảnh quan (ĐHKiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Xây dựng, ĐH quốc tế Hồng Bàng). Đối với đào tạo Kỹ sư cảnh quan, tại trường Đại học Lâm nghiệp, Bộ môn KTCQ trực thuộc Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị. Do đó, các bộ môn chưa thực sự đủ mạnh để quản lý và vận hành hiệu quả quá trình đào tạo KTCQ. Tính tự chủ trong công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn do tính liên ngành, lực lượng cán bộ cơ hữu có giới hạn và khả năng hợp tác ở quy mô lớn còn nhiều hạn chế do rào cản về pháp lý và tầm ảnh hưởng chưa đủ mạnh.

Chương trình đào tạo ngành KTCQ ở Việt Nam nói chung chưa theo kịp với sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo hiện nay cũng đã có nhiều đổi mới nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu của người học và sự tiến bộ của xã hội. Ngoài ra, tính cập nhật và sự minh bạch về chương trình đào tạo ngành KTCQ ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Trên các trang web của các cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo ngành KTCQ chỉ giới thiệu tổng quan mà chưa giới thiệu cụ thể khung chương trình và nội dung môn học. Một số trường có giới thiệu khung chương trình tạo thì đã được thực hiện từ nhiều năm trước và thiếu tính cập nhật những đổi mới của chương trình đào tạo theo quy định của Bộ giáo dục và đào tạo. Đây cũng là yếu tố làm giảm sức hấp dẫn đối với người học; giảm tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy nhu cầu học tập và nhận thức của xã hội về sự cần thiết của lĩnh vực KTCQ.

Về xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo, có thể nói, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đi đầu trong việc “nhập khẩu” chương trình đào tạo ngành KTCQ. Theo Nguyễn Tuấn Anh và Lê Ngọc Kiên (2021), Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội kế thừa chương trình liên kết đào tạo KTS cảnh quan giữa ĐH Kiến Trúc Hà Nội, ĐH KTCQ Quốc gia Bordeaux và các trường Kiến trúc Pháp ngữ từ năm 2010. Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã xây dựng các chương trình đào tạo có khả năng kích thích tư duy độc lập, tăng cường khả năng tự học và phát huy tư duy sáng tạo của SV với môi trường đào tạo linh hoạt, gắn với thực tiễn, lấy người học làm trung tâm. [2]

Chương trình đào tạo KTCQ tại Trường ĐH Kiến trúc TPHCM thường xuyên cập nhật các kiến thức mới theo chuẩn quốc tế và điều chỉnh theo thực tiễn của Việt Nam.

Để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội, Trường ĐH Xây dựng đã xây dựng chương trình đào tạo KTCQ theo Chuẩn đào tạo KTS của Ủy ban kiểm định Kiến trúc quốc gia Mỹ (NAAB) và giảng dạy theo Phương pháp tiếp cận CDIO (C – Conceive – Hình thành ý tưởng, D – Design – Thiết kế, I – Implement – Triển khai, O – Operate – Vận hành) nhằm trang bị cho SV không chỉ kiến thức nền tảng rộng về Quy hoạch và Kiến trúc, kiến thức chuyên môn sâu về KTCQ, mà còn trang bị các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo và khởi nghiệp để có thể làm việc trong môi trường toàn cầu.

Cơ hội và thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực Kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam

1. Cơ hội

Với nhu cầu phát triển môi trường sống bền vững và tiện nghi, các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng ngày càng coi trọng vai trò đóng góp của ngành KTCQ, trong khi số lượng KTS cảnh quan ở Việt Nam còn rất hạn chế. Đây là cơ hội rất lớn cho các trường mở ngành đào tạo, nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo KTCQ. Như vậy, cơ hội việc làm có thu nhập tốt và ổn định cho SV ngành KTCQ sau khi ra trường rất cao, làm việc cho các văn phòng – công ty tư vấn trong nước và các công ty tư vấn nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam. Nhu cầu nguồn nhân lực về KTCQ tại các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương cũng vô cùng lớn.

Sinh viên trường Đại học Xây dựng đi khảo sát hiện trạng trong quá trình tham gia cuộc thi thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông giai đoạn 1 – Khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina năm 2021
 

Sự hội nhập quốc tế, hợp tác và liên kết đào tạo của các trường đào tạo KTS cảnh quan hiện nay giúp SV theo học ngành này có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Nỗ lực cải tiến chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội của các trường tạo điều kiện cho SV Việt Nam giao lưu, học hỏi; nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng hành nghề KTCQ trong tương lai; đồng thời, giúp SV dễ dàng tiếp cận các chương trình học bổng, tham gia các chương trình ngắn hạn và nâng cao, tại Việt Nam cũng như ở các trường đào tạo KTCQ tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Mặt khác, giảng viên (GV) các trường cũng có cơ hội hợp tác, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia, các giáo sư hàng đầu trên thế giới thông qua các xưởng thiết kế, hội thảo, hội nghị và chương trình trao đổi GV.

Các cuộc thi dành cho SV trong lĩnh vực KTCQ ngày càng nhiều. Năng lực chuyên môn và trình độ tiếng Anh được cải thiện sẽ giúp SV dễ dàng tiếp cận với các cuộc thi và nâng cao khả năng đoạt giải thưởng trong các cuộc thi trong nước và quốc tế.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa và đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh vật của Việt Nam vô cùng phong phú và đa dạng (khoảng 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn) [3]. Trong đó, có rất nhiều loài mang tính đặc trưng bản địa và có khả năng ứng dụng rất cao trong cảnh quan. Đây là một cơ hội rất lớn cho các GV ngành KTCQ nghiên cứu và lựa chọn các loại cây xanh cảnh quan theo nguyên tắc tạo lập bản sắc vùng miền trong cả lý thuyết lẫn thực tế triển khai các dự án cảnh quan; tạo lập những hệ sinh thái đặc trưng nhằm phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học cho mỗi vùng miền khác nhau trên cả nước.
Chi hội KTS cảnh quan Việt Nam trực thuộc Hội KTS Việt Nam đã được thành lập 1/2021. Một trong những mục tiêu của Chi hội KTS cảnh quan là kết nối hoạt động trong lĩnh vực KTCQ, tạo sân chơi và giao lưu học hỏi cho GV, SV không chỉ ngành KTCQ mà còn cả ngành Quy hoạch và Kiến trúc. Chi hội hiện đang xây dựng hệ thống các Giải thưởng KTCQ Việt Nam, trong đó có giải thưởng dành cho SV. Đây sẽ là những cơ hội lớn cho SV theo học ngành KTCQ khẳng định năng lực chuyên môn, được cộng đồng công nhận – Một trong những khởi đầu thuận lợi cho quá trình hành nghề và phát triển năng lực chuyên môn cho SV sau khi ra trường.

2. Thách thức

Ngành Kiến trúc cảnh quan là lĩnh vực chuyên môn có tính liên ngành cao, đòi hỏi GV và SV phải dành nhiều tâm sức trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và học tập mới có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực ngày càng cao của xã hội. Đồng thời, mỗi cơ sở đào tạo đều có những triết lý và thế mạnh riêng trong quá trình đào tạo ngành KTCQ, điều này đòi hỏi người học cần nghiên cứu và lựa chọn địa chỉ học tập phù hợp với khả năng của mỗi cá nhân. Đây cũng là một khó khăn cho các em SV khi lựa chọn trường theo học do tính công khai về chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo còn hạn chế và thiếu tính cập nhật.
Quá trình hội nhập quốc tế đem đến những cơ hội rất lớn cho GV và SV trong việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cũng như tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới. Đây cũng là thách thức không nhỏ cho các GV trong việc đẩy mạnh nghiên cứu và tìm ra các giá trị bản sắc KTCQ Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của chúng trong quá trình hội nhập quốc tế.

Sự thiếu hụt nguồn GV được đào tạo bài bản theo đúng chuyên ngành đang là một thách thức lớn cho các trường đào tạo ngành KTCQ. Mặc dù đã có trên 10 năm đào tạo KTS cảnh quan, nhưng đa số GV có nền tảng là KTS công trình, quy hoạch, kỹ sư lâm nghiệp đô thị, nhà thực vật học hoặc sinh vật học. Do đó, nhiều thế hệ SV được đào tạo ngành này sẽ khó được trang bị đầy đủ và chuyên sâu về kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành. GV bắt buộc phải học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, đây cũng đồng thời là thách thức cho chính các cơ sở đào tạo khi lực lượng GV còn mỏng, việc tách GV đi tu nghiệp nước ngoài là vấn đề không đơn giản.

Mặc dù nhu cầu nhân lực ngành KTCQ của xã hội là rất lớn, nhưng nhận thức về vai trò và giá trị của ngành KTCQ trong xã hội nói chung còn nhiều hạn chế. Một phần bởi tính non trẻ của một ngành đào tạo, một phần bởi tính truyền thông và giới thiệu về ngành KTCQ chưa được quan tâm. Chi hội KTCQ Việt Nam mới được thành lập và chưa có nhiều hoạt động thực tế bởi các điều kiện khách quan trong năm 2021. Hơn nữa, về quản lý nhà nước, hệ thống các văn bản pháp lý về KTCQ cũng đang còn mờ nhạt và chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bản nào mang tính tổng thể về quy chuẩn, quy phạm trong, các quy định về hồ sơ KTCQ (bao gồm Quy hoạch cảnh quan và Thiết kế cảnh quan), thiết kế phí cảnh quan…

Kết luận

Mặc dù là ngành đào tạo non trẻ nhất trong số các ngành đào tạo cho các KTS Việt Nam với số cơ sở đào tạo ít và còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng có thể khẳng định đào tạo và hành nghề KTCQ là một trong những lĩnh vực chuyên môn có tương lai tươi sáng.

Các trường đào tạo ngành KTCQ cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công khai minh bạch khung chương trình, đổi mới chương trình đào tạo liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. Bộ môn KTCQ tại các cơ sở đào tạo cần có kế hoạch và chiến lược phát triển thành khoa để nâng tầm vị thế, năng lực và quy mô trong công tác đào tạo, hợp tác trong nước và quốc tế, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về KTCQ – Tạo lập thế vững chắc và toàn vẹn cho các ngành Quy hoạch – Kiến trúc – Cảnh quan – Nội thất tại các cơ sở đào tạo.

Đào tạo nguồn nhân lực KTCQ cần gắn lý thuyết với thực tiễn thông qua các đồ án môn học gắn với các trường hợp nghiên cứu cụ thể, tham quan công trình thực tế… Ngoài ra, SV cần được sớm được gửi đi thực tập tại các đơn vị tư vấn thiết kế và thi công ngay từ khi còn đang học tập tại trường nhằm tạo điều kiện cho các em có cơ hội va chạm công việc thực tế, nuôi dưỡng đam mê và đạo đức hành nghề, rèn luyện kỹ năng và nâng cao quyết tâm theo đuổi lĩnh vực KTCQ.

TS.KTS. Phạm Anh Tuấn
Trưởng bộ môn KTCQ , Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, trường ĐH Xây dựng – Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2021)


Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Tuấn Anh và Lê Ngọc Kiên (2021) “Kiến trúc cảnh quan – từ thực tiễn đến đào tạo”, Tạp chí Khoa học Kiến trúc – Xây dựng, Số 40/2021, trang 4-12, ISSN 1859-350X;
2. Ngô Viết Nam Sơn (2016) “Nhìn về tương lai ngành kiến trúc cảnh quan tại Việt Nam”, Tạp chí kiến trúc số 1+2/2016;
3. Viện Sinh thái học miền Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và thách thức bảo tồn; <https://vjst.vn/vn/_layouts/15/ICT.Webparts.TCKHCN/mt_poup/Intrangweb.aspx?IdNews=3184>
5. Các trang web;
https://canhquan.net/
www.hau.edu.vn
https://hcmuaf.edu.vn
http://uah.edu.vn
http://vnuf.edu.vn
https://www.iflaworld.com/
http://www. nuce.edu.vn