Định hướng giải pháp cải tạo không gian mặt nước làng Chuông theo hướng phát triển du lịch làng nghề

18/08/2023 Lượt xem : 990

Làng Chuông là tên nôm của xã Phương Trung, là làng nghề làm nón truyền thống nổi tiếng của thành phố Hà Nội. Làng có 8 thôn, 21 xóm gắn liền với hệ thống không gian mặt nước độc đáo, một yếu tố tạo nên tài nguyên du lịch hấp dẫn cho làng nghề truyền thống.

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới

       Làng xã là nơi khởi đầu các giá trị văn hóa của người Việt, trong đó mặt nước và không gian mặt nước là thành phần không thể thiếu được. Từ xa xưa, ông cha ta đã xây dựng ngôi đình làng với lối kiến trúc gắn liền với không gian ao (hay còn gọi là ao đình) để tạo cảnh quan đẹp và cũng gắn liền với ý nghĩa tâm linh trong đó. Khởi nguồn từ hệ thống đầm lầy, cộng đồng người dân vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng đã đào ao, "vượt thổ" để có đất cư trú, từ đó không gian mặt nước gắn với làng xã đã bắt đầu hình thành. Cộng đồng sử dụng mặt nước vào hoạt động sản xuất như nuôi cá, tôm, tưới cây, ngâm tre, lấy bèo cho lợn gà ăn.., vào sinh hoạt như giặt quần áo, tắm,... Không gian mặt nước còn là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống mỗi khi nông nhàn như thi bơi, bơi thuyền, hát giao duyên… Trong bối cảnh đô thị hóa làng xã hiện nay, không gian mặt nước vẫn luôn là một thành tố quan trọng trong đời sống cộng đồng, là yếu tố quan trọng trong ngôn ngữ hình thái học cảnh quan làng xã truyền thống. Với làng Chuông, không gian mặt nước gắn với hệ thống sông, ao hồ, giếng nước là tiềm năng lớn trong tiến trình phát triển du lịch làng nghề truyền thống.

1. Cấu trúc hệ thống mặt nước của làng Chuông

    Không gian mặt nước Làng Chuông được được cấu thành bởi hành lang sông Đáy, ao làng, giếng nước và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất.

Hình 1. Cấu trúc hệ thống không gian mặt nước làng Chuông

  • Sông Đáy nằm phía Tây của làng, nguồn cung cấp nước chính cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp của làng. Bến nước bên sông Đáy là nơi rửa chân tay khi đi làm đồng về, rửa nông sản trước khi ra chợ bán, tắm cho trâu, …
  • Ao nằm đan xen trong không gian làng là khu vực điều hòa và tiêu thoát nước cho khu vực dân cư sinh sống và hoạt động sản xuất của làng.
  • Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu từ những người cao tuổi, làng Chuông vốn có nhiều giếng khơi có kích thước lớn từ 15-18m đường kính nằm xen trong khu dân cư theo thôn xóm, đã từng là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư. Cho đến gần đây, người làng Chuông mới được tiếp cận sử dụng nước sạch từ nhà máy cho nên vai trò cung cấp nước sinh hoạt của hệ thống giếng khơi là hết sức quan trọng trong một thời gian dài. Đến nay, người dân không còn sử dụng nước giếng làm nước sinh hoạt nhưng không gian giếng nước vẫn được tôn trọng với giá trị tâm linh lâu đời và sử dụng cho các hoạt động sản xuất làng nghề và trở thành những không gian đặc trưng của làng Chuông.
  • Kênh, mương nằm ven làng là hệ thống cấp và tiêu thoát nước cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Bảng 1. Thống kê các giếng làng Chuông được ghi nhận

 

TT

Tên giếng

 Địa điểm

1

Giếng chùa Chuông

Thôn Chung Chính

2

Giếng sau chùa Chuông

Thôn Chung Chính

3

Giếng đền Thượng (giếng mắt ngọc)

Thôn Quang Trung

4

Giếng đền Ông (giếng mắt ngọc)

Thôn Mã Kiều

5

Giếng thôn Mã Kiều

Thôn Mã Kiều

6

Giếng quán Trung (thờ Nguyễn Xí)

Thôn Mã Kiều

7

Giếng thôn Tân Tiến

Thôn Tân Tiến

8

Giếng thôn Quang Trung

Thôn Quang Trung

9

Giếng thôn Tân Dân

Thôn Tân Dân

2. Thực trạng không gian mặt nước làng Chuông

a. Không gian mặt nước gắn với quá trình sản xuất làng nghề truyền thống

    Quá trình làm nón lá truyền thống làng Chuông có 3 công đoạn chính như hình sau:

Hình 2. Sơ đồ quá trình sản xuất nghề truyền thống tại làng Chuông

   Quá trình sản xuất nón lá sử dụng các nguyên vật liệu chủ yếu có nguồn gốc thiên nhiên như lá lụi, lá cọ (lợp nón), song guột (vòng nón) nên không gây ô nhiễm môi trường nước. Trong quá trình làm nón lá, công đoạn ngâm nước là có tác động trực tiếp đến không gian mặt nước. Lá sau khi phơi nắng sẽ được ngâm nước khoảng 3 tiếng để cho mềm và là phẳng. Người dân sử dụng vật dụng như chậu, thùng phuy để ngâm lá. Nước dùng sau khi được ngâm lá được đổ ra vườn, hồ ao. Công đoạn này không sử dụng nhiều nước, do đó không tác động nhiều đến môi trường nước của làng. Quá trình sản xuất nghề cũng tận dụng chân đê sông Đáy để phơi lá lụi, giếng chùa để phơi và vò lá. Các không gian công cộng có diện tích lớn thường được sử dụng cho việc phơi lá lụi, xử lý vật liệu và là nơi giao lưu của chị em phụ nữ làm nón. Trong số đó, không gian quần thể giếng chùa và một số giếng khác ở các thôn xóm đã trở thành không gian hấp dẫn cho khách du lịch trải nghiệm và thăm quan hoạt động sản xuất nghề truyền thống.


Hình 3. Lá lụi được phơi ven đê

Hình 4. Phơi và vò lá bên giếng chùa

b. Không gian mặt nước trong hệ thống di tích lịch sử

   Làng Chuông có lịch sử hơn 1000 năm với nhiều biến động thăng trầm lịch sử phát triển xứ Đoài nên có một quỹ di sản phong phú với nhiều loại hình như đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ họ, nhà thờ giáo xứ, giếng cổ và hộ gia đình làm nghề truyền thống. Không gian mặt nước là bộ phận không tách rời của không gian các công trình di tích: Điếm xóm 2 ven sông Đáy, quần thể chùa làng, đền Thượng thờ vua Phùng Hưng, đền Ông thờ sáu vị thành hoàng làng, đền thờ danh tướng Nguyễn Xí đều gắn liền với những chiếc giếng lớn.

Hình 5. Sơ đồ tổng hợp hiện trạng vị trí di sản văn hóa lịch sử và hộ gia đình làm nón

c. Không gian mặt nước trong hệ thống hạ tầng làng Chuông

   Không gian mặt nước gắn với hệ thống cấp nước: Trong xã hiện có 3.376 hộ sử dụng nước giếng khoan (có bể lọc thô sơ chiếm 81,94% tổng số hộ), 25 hộ dùng nước từ giếng đào và giếng đất công cộng (chiếm 0,61%) và 719 hộ dùng nước mưa không ổn định và các nguồn khác [1] [2]. Tuy nhiên, các hộ gia đình có sử dụng thêm nguồn nước mưa cho sinh hoạt và sản xuất. Dung tích bể chứa nước mưa từ 2 - 3 m3. Theo điều tra khảo sát hiện trạng, số hộ dùng nước hợp vệ sinh của xã Phương Trung hiện nay chiếm 70,6%.

   Không gian mặt nước gắn với hệ thống thoát nước thải và nước mưa: Hiện nay hệ thống thoát nước thải và nước mưa theo hình thức tự chảy (đang sử dụng mương tiêu thoát nước mặt và thoát nước thải chung). Nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt hiện nay vẫn chưa được xử lý. Hiện tại đã có 1 điểm thu gom rác thải 333m2, cần cải tạo, mở rộng thêm diện tích, xây mới 1 điểm thu gom rác thải với diện tích 500 m2. Nước thải cục bộ được thoát ra những điểm trũng (hồ, ao trong khu dân cư), phần còn lại thoát vào hệ thống rãnh thoát nước, mương tiêu thoát chung của xã. Hướng thoát nước chính của xã là từ Tây sang Đông và từ Nam lên Bắc, thu về kênh tiêu chính và qua trạm bơm tiêu ra sông Đáy. Phần lớn nước thải sinh hoạt không được xử lý trước khi thải vào hệ thống chung nên có hiện tượng gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.

d. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước làng Chuông

   Làng Chuông có mật độ cư trú rất cao với khoảng gần 4000 người/km2 và chịu áp lực của đô thị hóa rất lớn. Mật độ và tốc độ xây dựng công trình tư nhân cao cũng là một nguyên nhân gây ra ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn cho không gian mặt nước. Theo khảo sát, cộng đồng dân cư vẫn xả nước thải sinh hoạt trực tiếp ra các bề mặt như ao, giếng và kênh mương của làng. Theo quan sát bằng mắt thường thì các bề mặt nước ở làng Chuông đều ở tình trạng bẩn, đục, có màu tối và đôi chỗ còn có mùi khó chịu.

a)      Ao chùa Chuông

b) Giếng thôn Mã Kiều

Hình 6. Hiện trạng ô nhiễm nước mặt ở làng Chuông

   Nhóm nghiên cứu đã lấy 2 mẫu nước từ các nguồn nước mưa cho sinh hoạt hộ gia đình và nước từ giếng làng. Theo kết quả phân tích thí nghiệm được chứng nhận bởi Viện khoa học và kỹ thuật môi trường Đại học Xây dựng xét nghiệm và chứng nhận như sau: Kết phân tích cho thấy, về mặt cảm quan và chỉ tiêu vật lý, hai mẫu nước giếng khoan và nước mưa đều có hàm lượng cặn nhỏ, TSS < 5mg/l đối với mẫu nước mưa, mẫu nước giếng khoan sở dĩ có hàm lượng TSS cao hơn TSS=27 mg/l là do có kết tủa của hydroxit sắt. Tuy nhiên, về mặt vi sinh thì 2 mẫu nước này đều không đảm bảo chất lượng nước cấp cho sinh hoạt theo QCVN: 02/2009/BYT. Lượng coliform trong mẫu nước mưa và mẫu nước giếng khoan đều ở mức 104, giá trị này lớn hơn 2 log so với tiêu chuẩn theo mức II của Bộ Y tế (áp dụng đối với các hình thức khai thác nước quy mô hộ gia đình). Điều đó cho thấy 2 mẫu nước này đã bị nhiễm bẩn bởi nước thải hoặc chất thải sinh hoạt.

3. Giải pháp cải tạo không gian mặt nước làng Chuông theo hướng phát triển du lịch làng nghề truyền thống

3.1. Quan điểm

    Các giải pháp phải có tính đồng bộ và phù hợp với đặc điểm không gian mặt nước của làng Chuông như sau:

    Bảo vệ nghiêm ngặt các không gian mặt nước hiện có với đầy đủ các đặc tính và chức năng vốn có như chứa nước mặt, cân bằng sinh thái, điều hòa vi khí hậu, sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng, tâm linh và góp phần phát triển kinh tế của địa phương. [3]

    Phục hồi và phát triển hệ sinh thái tự nhiên của không gian mặt nước hiện có.

   Gia tăng giá trị kinh tế du lịch làng nghề truyền thống từ không gian mặt nước làm cơ sở cho bảo tồn và phát triển các không gian này.

3.2. Nguyên tắc

   Tái sinh hệ sinh thái mặt nước, tạo dòng chảy liên tục;

   Trồng bổ sung cây xanh, thảm cỏ vào vùng đệm – vùng bảo vệ của không gian mặt nước;

   Kết nối chặt chẽ với không gian văn hóa lịch sử gắn với làng nghề;

   Tổ chức đa dạng các hoạt động dịch vụ du lịch làng nghề theo hướng bền vững.

3.3. Các giải pháp

a. Giải pháp cấu trúc không gian mặt nước làng Chuông

    Khoang vùng bảo vệ các không gian mặt nước hiện có: Quy hoạch bảo tồn các không gian mặt nước hiện có ( phân vùng bảo tồn): Mặt nước cảnh quan Mặt nước sản xuất; Mặt nước thuộc hạ tầng xử lý nước thải;

   Quy hoạch không gian mặt nước gắn với hoạt động dịch vụ du lịch làng nghề: Kết hợp đồng thời hai hành lang và các đặc điểm không gian mặt nước đan xen trong cấu trúc làng.Thành phần hàng lang không gian tuyến tính có thể vươn dài hoặc gắn bó chặt chẽ vào những yếu tố văn hoá làng nghề.

    Cấu trúc không gian nước làng chuông được thiết lập với hai hành lang không gian nước chủ đạo sau: 

i. Hành lang nước bám theo sông Đáy (HL1): Lấy hệ thông cây xanh hiện có, di tích, điểm dân cư nông thôn là yếu tố cốt lõi. Tăng cường không gian xanh bằng giải pháp trồng bổ sung cây xanh ven sông tại khu vực bãi đất trống. Bổ sung một bến thuyền du lịch, vận chuyển sản phẩm nghề. Xây dựng tuyến đi bộ dọc theo sông Đáy.

 » Hoạt động khai thác du lịch: Tham quan sông Đáy,  đua thuyền, trải nghiệm lễ hội làng gắn với sông Đáy, dã ngoại ven sông.

ii. Hành lang nước ven làng (HL2): Lấy hệ thống kênh mương, ao hồ, di tích, giếng, nhà ở làm nghề làm yếu tố cốt lõi để thiết lập. Bổ sung các đoạn kênh mương nhằm khai thông dòng chảy giữa ao hồ trong làng và ngoài làng, giữa hệ thống mặt nước của làng với sông Đáy, tạo điều kiện về sinh thái. Bổ sung hệ thống cây xanh, cây hoa, thảm cỏ bám theo hành lang kênh mương, kết nối với hành lang sông Đáy thành tuyến đi bộ liên hoàn. 

» Các hoạt động khai thác du lịch: Thăm quan làng nghề, trải nghiệm sản xuất làng nghề, dã ngoại,

   Các điểm không gian mặt nước ( Đ1, Đ2,Đ3): nằm đan xen trong khu vực dân cư không thể kết nối về dòng nước với các hành lang nước chung của xã. Các điểm này lấy không gian ao hồ, di tích lịch sử văn hoá làm yếu tố cốt lõi để thiết lập. Đề xuất nạo vét lòng ao hồ, giếng đảm bảo lưu trữ được nước mặt liên tục và không ô nhiễm. Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, cải tạo hệ thống kè từ dạng cứng ( bê tông, xây gạch ) của ao hồ sang kè mềm bằng cọc tre, xếp đá hoặc gạch, tăng cường chu trình sinh địa hoá ven bờ. 

» Các hoạt động khai thác du lịch: Thăm quan làng nghề, trải nghiệm sản xuất làng nghề, lễ hội truyền thống, homestay gắn với nhà ở sản xuất nghề.

Hình  6. Khung cấu trúc không gian mặt nước làng Chuông

Hình 7. Minh họa tổ chức không gian cảnh quan kênh mương dẫn nước [5]

Hình 8.  Minh họa cảnh Tổ chức không gian cảnh quan mặt nước sản xuất nông nghiệp [5]

Hình 9. Minh họa không gian kênh mương nội đồng [5]

Hình 10. Minh họa  tổ chức không gian cảnh quan đường dạo ven sông Đáy [5]

 

Quy hoạch hạ tầng thoát nước:

+ Thoát nước mặt: Kết nối nước mặt trong và ngoài hành lang, tạo dòng chảy liên tục;

+ Thoát nước thải: Quy hoạch các điểm xử lý nước thải sinh hoạt phân tán theo các lưu vực; hộ gia đình. Lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến phù hợp với đặc điểm của từng loại nước thải làng Chuông; Khuyến khích các hộ gia làm nghề áp dụng công nghệ tuần hoàn tái sử dụng nước thải của công đoạn ngâm lá và sinh hoạt vào việc rửa sân, tưới cây, .... Đề xuất công nghệ xử lý nước thải phân tán đã được đã được công ty Greenso thiết kế xử lý nước thải cho các hộ sản xuất làng nghề, chăn nuôi gia sucs gia cầm, nuôi trồng thuỷ hải sản.... Trong một không gian có diện tích dưới 1000m2 với công suất xử lý nước thải nằm trong khoảng từ 20 - 100m3/ ngày đêm. Hệ thống vận hành tự động và liên tục, nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn B-QCVN14:2008.

Hình 11. Minh hoạ cho sản phẩm bồn xử lý nước thải [5]

b. Giải pháp khôi phục hệ sinh thái mặt nước

i)Giải pháp khôi phục hệ sinh thái mặt nước làng nghề 

            Đây là vấn đề có vai trò quan trọng nhất trong các giải pháp cải tạo không gian mặt nước, do đó cần phải thực hiện ngay. Giải pháp này bao gồm 4 vấn đề chính và thực hiện đồng bộ như sau:

• Cắt bỏ, loại bỏ ngay nguồn gây ô nhiễm: Bắt buộc phải loại bỏ đường ống, rãnh thoát nước thải, rác thải rắn đổ trực tiếp xuống không gian mặt nước trước khi tiến hành các biện pháp khôi phục. Đề xuất xử dụng công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha của Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường - Đại học Bách khoa Hà Nội. Mô hình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha sử dụng vật liệu đốt là củi nên chi phí khá thấp, sử dụng hết nguồn rác thải sản xuất nghề và sinh hoạt ở làng Chuông.

• Xử lý ô nhiễm nguồn nước: Áp dụng công nghệ bãi lọc trồng cây xử lý nước thảitrong việc xử lý ô nhiễm hiện trạng. Trồng cây sậy, thủy trúc, rau muống, thả bèo tấm dọc theo hệ thống sông, hồ, kênh mương để xử lý nước thải.

  

Hình 12. Công nghệ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha [5]

Hình 13. Công nghệ bãi lọc trồng cây xử lý nước thải tạo cảnh quan hấp dẫn [5]

• Khôi phục hệ sinh thái mặt nước làng xã: Kết nối các ao hồ trong làng, ao hồ trong làng với hành lang nước ngoài làng tạo dòng chảy liên tục trong hệ thống mặt nước làng xã. Bổ sung sinh vật như ốc, cua, cá,... khôi phục hệ sinh thái mặt nước tự nhiên.

• Duy trì đa dạng sinh học trong quần thể hệ sinh thái sau khôi phục: bảo vệ các loài động, thực vật đặc hữu của làng Chuông.

Hình 14.  Tái lập hệ sinh thái tự nhiên trong tổng thể không gian mặt nước làng xã

ii) Giải pháp phục hồi hệ sinh thái hộ làm nghề 

            Đối với chất tẩy rửa trong sinh hoạt: Khuyến khích các hộ gia đình sử dụng các chất tẩy rửa trong sinh hoạt có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường. Các chất tẩy rửa hóa học, không thân thiện với môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước, nếu sử dụng thì nước thải bắt buộc phải xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra hệ thống chứa nước chung của làng xã.

c. Giải pháp nâng cao ý thức và gắn kết cộng đồng 

           Tuyên truyền quảng bá, giáo dục cho các thế hệ dân cư biết trân trọng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làng nghề. Tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa và nghệ thuật với sự tham gia của cộng đồng. Có thể khuyến khích hoạt động tình nguyện do các tổ chức phi chính phủ hoặc các viện/trường đào tạo triển khai một số dự án phát triển không gian công cộng như xây dựng sân chơi hoặc mỹ thuật như vẽ tranh tường hoặc nghệ thuật công cộng.

d. Giải pháp khai thác giá trị kinh tế dịch vụ du lịch làng nghề

           Khai thác giá trị kinh tế du lịch làng nghề trực tiếp từ mặt nước: Tổ chức nuôi các loài thuỷ sản đặc hữu của địa phương có giá trị kinh tế cao, đảm bảo thực phẩm sạch. Tổ chức trồng sen lấy hoa, ướp trà, lấy hạt, lá làm đồ uống thực phẩm chức năng, tơ làm nguyên liệu dệt may, thả các loại rau muống, rau rút, rau ngổ, tổ chức xen canh gối vụ, gia tăng giá trị kinh tế.

            Khai thác giá trị kinh tế du lịch làng nghề gia tăng từ không gian mặt nước: Tổ chức các hoạt động du lịch liên quan đến không gian mặt nước. Tổ chức các dịch vụ gia tăng từ mặt nước như bơi thuyền, chụp ảnh mùa hoa sen, hoa súng .... tổ chức hoạt động lễ hội, các khoá lễ tâm linh, cầu siêu, cầu an... phóng sinh thả hoa đăng,.... 

Bảng 2. Tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch làng nghề theo khu vực không gian mặt nước [4]

TT

Công trình gắn với không gian mặt nước

Các hoạt động dịch vụ du lịch khai thác công trình gắn với không gian mặt nước

1

Công trình di tích lịch sử đình, chùa, miếu, nhà ở gắn với nghề làm nón

Tổ chức tế lễ, hội.

Tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử, nghề truyền thống

2

Công trình sinh hoạt cộng đồng làng nghề: nhà văn hóa xã, thôn.

Hoạt động nghệ thuật giao lưu văn nghệ, tổ chức sự kiện.

Hoạt động làng nghề truyền thống: trưng bày sản phẩm nghề, có thể sử dụng làm không gian bán hàng lưu niệm, trải nghiệm các hoạt động sản xuất nghề trong khi các công trình dịch vụ khác chưa đầu tư xây dựng.

3

Công trình triển lãm làng nghề trong và ngoài nhà

Hoạt động dã ngoại theo chủ đề.

Tham quan tìm hiểu sản xuất nghề truyền thống.

4

Công trình vui chơi giải trí làng nghề

Trẻ em: vui chơi tự do, trò chơi trải nghiệm làm nón,

Thanh, thiếu niên: chơi thể thao bơi lội, đua thuyền…

Trung, cao tuổi: tập thiền, dưỡng sinh gắn với mặt nước

5

Công trình dịch vụ homestay

Nghỉ ngơi cuối tuần, trải nghiệm sản xuất nghề truyền thống....

6

Công trình dịch vụ làng nghề

Đồ lưu niệm làng nghề như nón, chuông gió, đồ trang trí nội thất khác; ẩm thực dân gian, đương đại; bán đồ lưu niệm, nông sản địa phương

Kết luận

            Không gian mặt nước là thành phần không thể thiếu được trong hệ sinh thái tự nhiên và giá trị văn hóa của làng Chuông. Cải tạo không gian mặt nước làng Chuông theo định hướng phát triển du lịch bền vững là một công việc mang tính thực tiễn góp phẩn cải thiện môi trường làng nghề, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch làng nghề. Với những phân tích đánh giá thực trạng bối cảnh hệ thống không gian mặt nước làng Chuông, bài báo đã đưa ra các giải pháp cấu trúc không gian, khôi phục hệ sinh thái, nâng cao ý thức cộng đồng và phát huy giá trị mặt nước làng Chuông theo định hướng phát triển du lịch bền vững. Trên cơ sở các quan điểm nguyên tắc, giải pháp này, Chính quyền địa phương có thể đề xuất và triển khai các dự án, chương trình phát triển cụ thể để cải tạo không gian mặt nước làng Chuông. 

Tác giả: TS.Nguyễn Văn Tuyên, ThS. Phùng Thị Mỹ Hạnh, ThS. Nguyễn Công Thiện, Ths. Dương Quỳnh Nga

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Báo cáo kinh tế xã hội xã Phương Trung năm 2011.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng năm 2018 của xã Phương Trung.

Nguyễn Minh Hạnh, (2012), Nghiên cứu, khai thác bảo vệ không gian mặt nước hồ trong quy hoạch và quản lý đô thị (Nghiên cứu thí điểm tại Thành phố Hà Nội), mã số: RD 17.

Nguyễn Công Thiện (2017), Tổ chức không gian mặt nước làng xã ngoại thành Hà Nội theo định hướng phát triển bền vững, Đại học Xây dựng.

Tham khảo thông tin liên quan đến làng Chuông trên internet.

Nguồn: Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - Số 229 Tháng 07 năm 2020, ISSN 0868-3768.