Không gian kiến trúc cảnh quan Hồ hoàn Kiếm – Biểu tượng Văn hóa Lịch sử nhận diện đô thị Hà Nội

08/04/2022 Lượt xem : 851

Sinh viên Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham quan thực tế tại Tập đoàn Triệu Điền: Hành trình khám phá cây xanh và không gian xanh
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024

Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) – Một viên ngọc lục bảo quý giá giữa lòng đô thị Hà Nội – Một cảnh quan văn hóa – lịch sử có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô đã đi vào “dòng chảy” của nghệ thuật và sống trong ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung. Có thể nói rằng, Hồ Hoàn Kiếm như là một chứng cứ lịch sử nghìn năm cho sự phát sinh, phát triển và trường tồn của đất Thăng Long văn vật. Rất hiếm một thành phố – Thủ đô nào trên thế giới có được sự ưu đãi như thế, khi thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội một báu vật thiêng liêng, có vẻ đẹp huyền thoại đến vậy. Trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, dù có rất nhiều biến động về không gian và thời gian, song Hồ Hoàn Kiếm với vị trí đặc biệt của nó vẫn luôn khẳng định vai trò như một biểu tượng nhận diện đô thị của Hà Nội. Dường như trong tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt, nói đến Thăng Long – Đông đô – Hà Nội là nói đến Hồ Hoàn Kiếm và ngược lại. Cảnh sắc thiên nhiên mỹ lệ với nhiều công trình kiến trúc, di sản của nhiều thời kỳ phát triển xung quanh khu vực Hồ Gươm đã chứng kiến rất nhiều những sự kiện lịch sử quan trọng, đưa Hồ Hoàn Kiếm trở thành một trong những điểm nhấn đô thị quan trọng nhất trong tổng thể thành phố Hà Nội.

Hồ Gươm xưa
Hồ Gươm xưa

Với di sản quý giá như vậy, chúng ta đã, đang và sẽ ứng xử như thế nào nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị, nâng cao vai trò của tổng thể khu vực cảnh quan lịch sử hồ Hoàn Kiếm trong quá trình phát triển của Hà Nội tương lai? Đây là một vấn đề đã và đang được sự quan tâm của thành phố Hà Nội, những người nghiên cứu lịch sử, các nhà làm quy hoạch kiến trúc … và trên hết là của nhân dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Để thực hiện công việc này, nhiều cuộc thi quy hoạch kiến trúc đã được tổ chức nhằm khai thác những ý tưởng đóng góp cho việc hình thành định hướng quy hoạch tổng thể cho khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận. Trong đó đáng kể nhất, năm 2009 UBND TP Hà Nội và Hội KTS Việt Nam đã phối hợp tổ chức Cuộc thi Ý tưởng Quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia tích cực của giới chuyên môn với 09 đồ án quy hoạch (03 đồ án do các chuyên gia nước ngoài thực hiện, 02 đồ án do các liên danh và 04 đồ án thuộc chuyên gia trong nước). Triển lãm sau cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của quần chúng và nhân dân thủ đô Hà Nội. Tháng 9/2013, Hội KTS Việt Nam, Hội KTS thành phố Genova (Italia) và Ban Quản lý Phố Cổ Hà Nội kết hợp tổ chức cuộc thi ý tưởng kiến trúc về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – Một trong những không gian công cộng quan trọng của khu vực Hồ Gươm – thuộc chương trình “Historical Hanoi 2013”. Cuộc thi này cũng thu hút đông đảo sự tham gia của các KTS trong nước và quốc tế. Kết quả của cuộc thi cũng được quảng bá rộng rãi nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Thông qua các cuộc thi ý tưởng kiến trúc và quy hoạch này, đã có nhiều phương án đề xuất có giá trị hướng đến việc bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị của khu vực cảnh quan đô thị Hồ Gươm và vùng phụ cận.

Phương án dự thi của công ty Nikken Sekkei Civil Engin EEG – ITD- một phương án quy hoạch được đánh giá cao về ý tưởng chung, song chưa đề xuất rõ về công trình bảo tồn và có những kiến nghị xây dựng mới chưa thực sự hợp lý (như đề xuất ở khu đất công ty Ðiện lực), chưa rõ định hướng về không gian xanh công cộng là yếu tố cần bảo tồn...
Phương án dự thi của công ty Nikken Sekkei Civil Engin EEG – ITD- một phương án quy hoạch được đánh giá cao về ý tưởng chung, song chưa đề xuất rõ về công trình bảo tồn và có những kiến nghị xây dựng mới chưa thực sự hợp lý (như đề xuất ở khu đất công ty Ðiện lực), chưa rõ định hướng về không gian xanh công cộng là yếu tố cần bảo tồn…

Gần đây, ngày 12/9/2014, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung thành phố Hà Nội, trong đó đã chỉ rõ những quy định cho khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận (Ký hiệu là khu A5 – trong quy hoạch chung). Đây là một cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc quản lý đầu tư và xây dựng cũng như chỉnh trang kiến trúc quy hoạch cho khu vực này.

Tuy vậy, để có thể từng bước đưa những ý tưởng đề xuất qua các cuộc thi quy hoạch kiến trúc vào thực tiễn, phù hợp với quy định quản lý của Hà Nội đã ban hành đòi hỏi nhiều nỗ lực của các nhà nghiên cứu chuyên môn cũng như cộng đồng. Trước hết, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận cần được nghiên cứu cơ bản một cách thật kỹ lưỡng, nhằm tạo tiền đề cho việc xây dựng một chiến lược phát triển cụ thể, làm cơ sở xây dựng những nhiệm vụ thiết kế chi tiết, hướng tới những tiêu chí sát với thực tiễn, tránh tình trạng xây dựng những ý tưởng trên những đầu bài còn thiếu dữ kiện (như đánh giá của một số chuyên gia qua hai cuộc thi nêu trên). Vì vậy, mặc dù có những yếu tố sáng tạo rất đột phá, được các hội đồng chuyên môn đánh giá rất cao, song việc đưa các ý tưởng vào triển khai trong thực tiễn còn quá nhiều thách thức, tạo ra sự mất cân bằng thấy rõ giữa thực tiễn và phương án đề xuất.

Trước hết, khu vực Hồ Hoàn Kiếm cần được nhận diện một cách đầy đủ và đúng với giá trị hệ thống di sản. Để có thể thực hiện được công việc này, cần tiến hành khảo cứu khu vực một cách tổng thể và toàn diện, với sự tham gia của một đội ngũ chuyên gia tổng hợp từ các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia kiến trúc, quy hoạch và những nhà hoạch định chiến lược. Có thể thấy xung quanh khu vực Hồ Gươm có rất nhiều công trình kiến trúc được xây dựng ở những giai đoạn khác nhau với những lớp thời gian khác nhau, thể hiện khá rõ dòng chảy thời gian khi quan sát các tuyến phố xung quanh Hồ Gươm. Mỗi công trình ở đây cần được lập hồ sơ đánh giá và phân loại một cách kỹ lưỡng nhằm xác định cụ thể vai trò của nó trong tổng thể khu vực di sản chung trên các hệ tiêu chí như: Giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc – quy hoạch, giá trị văn hóa, giá trị kinh tế… Trên cơ sở hệ thống đánh giá toàn diện này, chúng ta sẽ nhận diện được chính xác và khoa học hệ thống di sản mà chúng ta đang có, phân loại hệ thống này theo các cấp độ khác nhau, làm cơ sở cho những giải pháp đề xuất can thiệp phù hợp cũng như xác định đúng mức can thiệp cần thiết. Qua 2 cuộc thi kiến trúc quy hoạch vừa qua, có các nhóm tác giả khá lúng túng trong việc ứng xử một số công trình kiến trúc như: Bưu điện Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, công trình “Hàm cá mập”… và một số khu đất có thể giải tỏa hay không như khu đất của công ty Điện lực… dẫn đến tình trạng đánh giá thiếu thống nhất, giải pháp đề xuất thiếu toàn diện và triệt để. Mặt khác, với mức độ ưu tiên khác nhau, việc đề xuất chỉnh trang kiến trúc cũng có những tiết chế ở mức độ khác nhau nhằm tôn vinh không gian kiến trúc tổng thể.

Bước tiếp theo của việc nghiên cứu nhận diện, là cần xác định chức năng cơ bản của khu vực Hồ Gươm trên cơ sở vai trò của di sản này với tổng thể quy hoạch đô thị Hà Nội. Quá trình phát triển của Hà Nội qua những lần điều chỉnh quy hoạch chung những năm qua cho thấy rõ sự hình thành những trung tâm đô thị mới cùng sự dịch chuyển và chuyển hóa những chức năng cơ bản của các trung tâm đô thị lịch sử đã có. Việc xác lập này cần được thực hiện một cách khoa học nhằm đưa ra những quyết định chính xác cho việc chuyển hóa chức năng của một số công trình kiến trúc hiện trạng của khu vực có tính chất rất “nhạy cảm này”; đồng thời, tạo tiền đề cho các KTS đề xuất những không gian kiến trúc tương thích. Mặt khác, hệ thống chức năng đô thị được thống nhất của khu vực Hồ Gươm sẽ đưa đến việc dung nạp những ý tưởng sáng tạo của nhiều cuộc thi, hướng đến những mục tiêu chung là hoàn thiện, nâng cao giá trị không gian kiến trúc cảnh quan và hệ thống di sản kiến trúc của khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận. Qua hai cuộc thi nêu trên, việc thống nhất ý tưởng chung cho thấy rất khó có thể dung nạp một cách hoàn chỉnh cho cả ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và ý tưởng cho quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục.
Ngoài ra, khi chức năng đô thị của đồ án quy hoạch tổng thể được hoàn chỉnh và ổn định còn cần được căn cứ trên nền hệ thống kỹ thuật hạ tầng của khu vực và những đề xuất nâng cấp. Từ những tương tác giữa những yếu tố chức năng này, hệ thống hạ tầng cần được xem xét một cách tổng thể nhằm đáp ứng được những hoạt động chúc năng cụ thể và tiết chế được sự can thiệp quá mạnh mẽ làm mất đi hoặc ảnh hưởng đến không gian di sản đô thị của khu vực. Nhiều phương án quy hoạch kiến nghị tổ chức không gian chức năng ngầm cũng như kiến nghị mở rộng những nút hoặc tuyến giao thông xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Những kiến nghị này được thể hiện trong các ý tưởng của phương án quy hoạch khá mạnh mẽ và táo bạo. Song những đề xuất này cần được cân nhắc rất cẩn trọng, một mặt đáp ứng đúng chức năng cụ thể với quy mô và công suất tính toán hợp lý, mặt khác tránh can thiệp quá mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống cây xanh vốn mang rất nhiều “màu thời gian” của khu vực này.

Bên cạnh những chức năng được xác lập một cách khoa học và được cụ thể hóa trong nhiệm vụ thiết kế cho việc đề xuất những ý tưởng kiến trúc, để tăng được những màu sắc huyền thoại của khu vực Hồ Gươm, có thể nghiên cứu, coi không gian của khu vực này có những phần như bảo tàng “sống”, nhằm giới thiệu và ghi lại những dấu ấn thời gian thông qua những hệ thống giải pháp thiết kế đô thị cụ thể giúp cho con người tìm về những ký ức xưa. Những dấu ấn này giúp cho việc liên kết những hình ảnh đô thị của quá khứ với hiện tại, đồng thời có ý nghĩa giáo dục thế hệ sau tôn trọng những giá trị như những thực thể của thời gian, minh chứng cho quá trình phát triển của đô thị Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi.
Với những ý tưởng đề xuất nghiên cứu cho khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận nhằm bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị của không gian kiến trúc cảnh quan, hệ thống di sản đô thị hòa nhập vào những tiến trình phát triển của đô thị Hà Nội đương đại, Khu vực này cần một thiết chế quản lý quy hoạch, kế hoạch thực hiện và bảo tồn di sản một cách chặt chẽ và cụ thể, có sự tham gia, giám sát của nhiều ngành và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng.

Không gian kiến trúc Hồ Gươm – báu vật của Thăng Long – Hà Nội sẽ đẹp hơn, quý giá hơn trong hiện tại và tương lai, có thể phát huy mạnh mẽ vai trò của một biểu tượng văn hóa – lịch sử như một yếu tố nhận diện bản sắc đô thị đang là niềm mong chờ của người dân Hà Nội.

Tài liệu tham khảo:
– Triển lãm cuộc thi Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và Vùng phụ cận
– Triển lãm cuộc thi Ý tưởng quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục
– Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông: Thăng Long – Hà Nội mười thế kỷ đô thị hóa – NXB Xây dựng.
– Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long – Tập 1 – NXB Văn hóa thông tin – 2010.

PGS.TS.KTS Lê Quân
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội