Kiến trúc cảnh quan – Gìn giữ giá trị bản sắc, nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện môi trường

27/09/2021 Lượt xem : 329

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới
 
TS. KTS Phạm Anh Tuấn
 

Tháng 1 năm 2021, Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam ra mắt với sự kết nối với các KTS cảnh quan trên cả nước. Lần đầu tiên, Trường ĐH Xây dựng tuyển sinh chuyên ngành Kiến trúc cảnh quan cho năm học 2021-2022… Có thể nói, ngành Kiến trúc cảnh quan hiện nay đang ngày càng phát triển và mở rộng, các KTS cảnh quan cũng ngày càng khẳng định được vai trò của mình.

Trong Chuyên đề Kiến trúc cảnh quan – Phát triển và hội nhập, PV TCKT đã có cuộc trò chuyện với TS.KTS. Phạm Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, ĐH Xây dựng Hà Nội) – Chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

TS.KTS Phạm Anh Tuấn: Như các bạn đã biết, Kiến trúc cảnh quan (KTCQ) là hoạt động nghề nghiệp non trẻ nhất nhưng góp phần hoàn chỉnh các lĩnh vực hoạt động của giới KTS Việt Nam hiện nay. Các KTS cảnh quan gần đây đã thể hiện được vai trò của mình qua sự thành công của nhiều dự án, công trình kiến trúc, không gian đô thị – Hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ngành KTCQ hiện nay đang ngày càng phát triển và mở rộng, không chỉ các KTS mà còn rất nhiều cá nhân có chuyên môn khác cũng tham gia vào hoạt động tư vấn thi công, giám sát và cung cấp vật tư trang thiết bị cảnh quan…

Sự ghi nhận của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia dành cho các công trình KTCQ cũng chính là sự tôn vinh dành cho các KTS cảnh quan và đánh giá đúng tầm quan trọng của lĩnh vực này. Công tác phê bình cũng được chú trọng hơn trong lĩnh vực KTCQ, nhiều ý kiến phản biện đối với một số vấn đề nóng và chuyên sâu cùng các dự án trọng điểm của quốc gia, ngành… góp phần hoà nhập và hoàn chỉnh các chuyên ngành của giới KTS Việt Nam trong các lĩnh vực: Quy hoạch – Kiến trúc – Cảnh quan và Nội thất.

Quá trình giao thoa và hội nhập quốc tế đang là cơ hội lớn cho những người hoạt động trong lĩnh vực KTCQ tiếp cận với những tiến bộ khoa học và công nghệ chuyên ngành, học hỏi và giao lưu với cộng đồng KTCQ thế giới. Cùng với đó, những giá trị bản sắc vùng miền, chuẩn mực sáng tác sẽ góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành KTCQ Việt Nam trong công cuộc chinh phục những giá trị bền vững mới, định hình bản sắc, tạo lập môi trường sống lý tưởng…

Phóng viên (P/v): Có thể nói đó là những thuận lợi, tạo đà cho KTCQ phát triển bền vững ở Việt Nam. Vậy còn những khó khăn thì sao, thưa anh?

TS.KTS Phạm Anh Tuấn: Mặc dù gặt hái được một số thành công nhất định, hoạt động trong lĩnh vực KTCQ cũng vẫn còn một số tồn tại và thách thức không nhỏ. Trong đó, việc định hình phong cách cho từng đơn vị tư vấn thiết kế hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế, vẫn còn nhiều tác phẩm, dự án mang phong cách lai tạp, nhại cổ, không gian cảnh quan đơn điệu và dập khuôn… đang hiện diện ở khắp mọi miền của tổ quốc. Ngoài ra, công trình cảnh quan mới chỉ được đầu tư tập trung chủ yếu vào các công trình khu đô thị mới, nhà ở và dịch vụ nghỉ dưỡng bởi những giá trị và hiệu quả kinh tế đem lại cho nhà đầu tư. Những nhóm công trình tôn giáo, cơ quan, công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật… chưa thực sự được quan tâm nhiều. Nhiều mảng công trình còn rất nhiều tiềm năng cần được nghiên cứu. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức không hề nhỏ cho giới KTS cảnh quan Việt Nam.

Ở Việt Nam, mảng công việc gắn với KTCQ thường đi sau so với tổ chức không gian đô thị và xây dựng công trình kiến trúc trong đa phần các dự án đầu tư mới. Cách triển khai thực hiện này đã và đang hạn chế nguồn năng lượng và sự đóng góp của ngành KTCQ cho sự thành công của từng công trình hay dự án.

Sự tham gia vào hoạt động phản biện các đồ án, dự án và chiến lược tổ chức không gian KTCQ cho các đô thị, đặc biệt tại các khu vực đặc thù có giá trị văn hoá, xã hội, lịch sử, và cảnh quan… còn hạn chế. Chưa phát huy được vai trò và quan điểm dưới góc nhìn cảnh quan để bổ sung và hoàn chỉnh nội dung phản biện mang tính đa chiều cho giới KTS Việt Nam.

Từ thực tiễn hoạt động hành nghề hiện nay, xã hội đang có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn của ngành KTCQ. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị tư vấn chuyên sâu ở Việt Nam chưa nhiều, số lượng KTS cảnh quan vô cùng hiếm, công tác đào tạo KTS cảnh quan chỉ giới hạn trong một số trường đại học và chất lượng đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, trong thời gian gần đây, các công ty hoạt động trong lĩnh vực KTCQ thường trong tình trạng quá tải về khối lượng công việc thực hiện.

Sự phát triển của xã hội, thách thức của phát triển bền vững và thực tế hành nghề của các đơn vị tư vấn đã cho thấy nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kiến KTCQ là vô cùng lớn. Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy công tác mở ngành và nâng cao chất lượng đào tạo ngành KTCQ các trường đại học của Việt Nam.

P/v: Và đó cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc thành lập Chi hội KTS cảnh quan phải không, thưa anh?

TS.KTS Phạm Anh Tuấn: Cũng có thể nói như vậy. Tôi cũng xin nói thêm về các mục tiêu hoạt động của Chi hội KTS cảnh quan Việt Nam như sau:

  • Xây dựng và phát triển, mở rộng mạng lưới và môi trường hành nghề KTCQ tại Việt Nam và từng bước hội nhập quốc tế;
  • Lan tỏa lĩnh vực hoạt động, vai trò và ý nghĩa của KTCQ đối với đời sống xã hội tới cộng đồng sinh viên tại các trường đào tạo KTS và cộng đồng xã hội;
  • Bảo vệ quyền lợi hội viên thông qua các hoạt động cộng đồng và chuyên môn;
  • Tập hợp, liên kết và đoàn kết KTS và các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực KTCQ, hướng tới định hướng phong cách KTCQ Việt Nam hiện đại có bản sắc;
  • Phản biện chuyên môn trong lĩnh vực KTCQ cho cộng đồng và xã hội;
  • Hỗ trợ Hội KTS Việt Nam trong việc định hình phong cách và mối quan hệ hài hoà giữa Cảnh quan – Kiến trúc – Nội thất thông qua các hoạt động liên kết giữa các Chi hội. Từ đó, góp phần xây dựng Hội KTS Việt Nam phát triển toàn diện các lĩnh vực chuyên môn;
  • Thúc đẩy hoạt động nghề nghiệp KTCQ trong sự hợp tác của các ngành nghề kiến trúc, xây dựng và những lĩnh vực hoạt động có liên quan;
  • Thông qua các hoạt động cộng đồng, hoạt động kết nối các trường đào tạo KTS nhằm góp phần nâng cao nâng cao các tiêu chuẩn về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu và thực hành chuyên môn. Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, bao gồm tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, cũng như lãnh đạo và quản lý trong mọi lĩnh vực liên quan.

P/v: Sau một thời gian thì Chi hội đã hoạt động như thế nào?

TS.KTS Phạm Anh Tuấn: Sau khi thành lập, Chi hội đã lên rất nhiều kế hoạch hoạt động cho năm 2021. Các hoạt động này hướng đến việc chia sẻ hoạt động, lan tỏa và gắn kết cộng đồng hành nghề KTCQ. Nhưng đến nay, do vướng dịch bệnh ở nhiều nơi nên vẫn chưa triển khai được nhiều. Tuy nhiên, Chi hội đã có một số hoạt động tiêu biểu như sau:

  • Không ngừng kết nối và mở rộng mạng lưới thành viên của Chi hội, các trường đào tạo KTS nói chung và KTS cảnh quan nói riêng trên địa bàn cả nước. Chi hội đã làm lễ ra mắt và giao lưu với cộng đồng KTCQ tại TP. HCM, khu vực miền Trung và miền Nam;
  • Một số thành viên của BCH Chi hội tham gia các hoạt động chấm giải thưởng các cuộc thi của SV các trường ĐH Xây dựng và Đại học Kiến trúc Hà Nội (Cuộc thi tuyển ý tưởng thiết kế cảnh quan hai bên bờ sông GĐ 1 KĐT du lịch Cát Bà Amatina); phản biện các dự án KTCQ của Bộ Quốc Phòng; tham gia phản biện các sự kiện về KTCQ tại Việt Nam;
  • Chi hội đang hoàn thiện nội dung cho kế hoạch tổ chức hệ thống Giải thưởng KTCQ, bao gồm: 1) Giải thưởng KTCQ Việt Nam – Vietnam Landscape Architecture Award – VLA AWARD. Đây là giải thưởng dành cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và thi công công trình KTCQ Việt Nam; 2) Giải thưởng KTCQ dành cho sinh viên – Vietnam Landscape Architecture Student Award – VLAS AWARD. Trước mắt áp dụng ngay với “Giải thưởng đồ án tốt nghiệp xuất sắc” dành cho sinh viên tại các trường đào tạo KTS Quy hoạch và Kiến trúc nói chung và KTS cảnh quan tại Việt Nam;
  • Xây dựng Logo cho Chi hội;
  • Trong thời gian qua, Chi hội đã liên hệ với Hiệp hội Cảnh quan Châu Á – Thái Bình Dương và thường xuyên tương tác, tham gia các hoạt động của Hiệp hội;
  • BCH Chi hội cũng đã có buổi làm việc online với Lãnh đạo của Hội đồng đăng ký KTCQ Mỹ về khả năng phát triển và hợp tác. Một số thành viên của BCH Chi hội đã tham gia mạng lưới quốc tế của Hội đồng đăng ký KTCQ này.

P/v: Anh có thể chia sẻ với độc giả TCKT về định hướng hoạt động của Chi hội trong thời gian tới?

TS.KTS Phạm Anh Tuấn: Trong thời gian tới, Chi hội tiếp tục thực hiện một số kế hoạch, cụ thể như sau:

  • Tiếp tục kết nối và mở rộng mạng lưới các thành viên của Chi hội trên địa bàn cả nước;
  • Hoàn thiện nội dung cho kế hoạch tổ chức hệ thống các giải thưởng KTCQ:
  • Hoàn thiện logo của Chi hội;
  • Tích cực tham gia các hội đồng giải thưởng và phản biện chuyên môn trong lĩnh vực KTCQ cho cộng đồng và xã hội.
  • Đẩy mạnh hoạt động của CLB KTS trẻ Cảnh quan thông qua các hoạt động thực tiễn thiết thực.

Chi hội đã nhận được nhiều sự hỗ trợ và tạo điều kiện rất lớn của Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cùng các thành viên trong BCH Hội KTS Việt Nam. Tuy nhiên, với tổ chức vừa mới được thành lập nên còn nhiều bỡ ngỡ, chi hội rất mong muốn tiếp tục nhận được những hỗ trợ từ Hội KTS Việt Nam, cụ thể như sau:

  • Tạo điều kiện cho công tác kết nạp thành viên mới để mở rộng Chi hội cho những đợt bất thường để đảm bảo khả năng xây dựng lực lượng của Chi hội. Qua đó, đáp ứng các hoạt động tốt hơn của Hội KTS Việt Nam nói chung và của Chi hội nói riêng;
  • Tạo điều kiện về cơ chế hoạt động tự chủ cho Chi hội. Cụ thể, đề nghị Hội xem xét cho Chi hội có thể có con dấu và tài khoản riêng giống như các Chi hội khác như hiện nay. Với đặc thù là Chi hội có thành viên tham gia trải rộng khắp cả nước, nên Chi hội không trực thuộc bất kỳ địa phương hay tổ chức nhà nước nào, mà trực tiếp thuộc Hội KTS Việt Nam;
  • Tạo điều kiện để Chi hội có các số chuyên đề riêng về KTCQ thường niên trên Tạp chí Kiến trúc. Qua đó, tạo điều kiện cho cộng đồng KTCQ giới thiệu và chia sẻ các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn;
  • Tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ cho Chi hội trong các hoạt động mang tính cộng đồng, học thuật và chuyên môn.

Với tính chất là ngành non trẻ so với các lĩnh vực hoạt động chuyên môn khác của KTS Việt Nam, nên toàn bộ các thành viên chi hội là những KTS trẻ. Chính vì vậy, ngay từ khi thành lập, Chi hội cũng đã ra mắt CLB KTS trẻ Cảnh quan. Hiện nay, mọi hoạt động có sự tham gia của cách thành viên thực chất cũng là hoạt động của CLB này. Từ khi thành lập, CLB đã lên kế hoạch để tham gia cùng các hoạt động của CLB KTS trẻ Việt Nam và hướng đến tham gia hoạt động Festival KTS trẻ toàn quốc theo kế hoạch chung của Hội.

P/v: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc Chi hội phát triển vững mạnh và tiếp tục có những đóng góp tích cực cho những hoạt động của giới nghề!

Trúc linh (thực hiện)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2021)