Loại hình kiến trúc cảnh quan: Nâng cao chất lượng sáng tác
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Có thể nói, kiến trúc cảnh quan là lĩnh vực nghề nghiệp non trẻ nhất trong nhóm lĩnh vực hành nghề kiến trúc nói chung tại Việt Nam. Do đó, số lượng KTS thực sự hành nghề Kiến trúc cảnh quan còn khá khiêm tốn, chỉ một số ít được đào tạo bài bản và đúng chuyên ngành, phần lớn đều là những KTS được đào tạo về Kiến trúc và Quy hoạch. Với nền tảng chuyên môn và khả năng tư duy tốt về tổ chức không gian, hình khối và thẩm mỹ đô thị – kiến trúc, các KTS Quy hoạch và Kiến trúc (sau đây gọi chung là KTS cảnh quan) đã nhanh chóng tiếp cận, đam mê sáng tạo và sáng tác được không ít những tác phẩm cảnh quan và không gian cảnh quan đô thị chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội cũng như giải quyết vấn đề khủng hoảng về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu đã.
Bài viết chia sẻ một số quan điểm về những thành tựu đã đạt được của một số KTS cảnh quan Việt Nam trong 5 năm qua. Tác giả không chỉ đề cập đến những thành công của các tác phẩm và công trình cảnh quan đơn thuần, mà còn bàn luận về vai trò và giá trị của cảnh quan được các KTS lồng ghép trong các đồ án quy hoạch đô thị, công trình chỉnh trang cảnh quan đô thị, công trình kiến trúc dân dụng và công nghiệp cũng như những giải pháp thi công cảnh quan đặc sắc, giải quyết tốt bài toán môi trường khí hậu và phù hợp với xu hướng chung của kiến trúc cảnh quan thế giới.
Dấu ấn sáng tác
Trước sức ép của quá trình đô thị hoá, những ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu, các đô thị luôn tìm kiếm những giải pháp phát triển bền vững, tạo lập môi trường sống hạnh phúc cho cộng đồng. Những giải pháp kiến trúc cảnh quan thân thiện môi trường nhằm tạo ra môi trường sống lý tưởng, thu hút cư dân đô thị tham gia các hoạt động cộng đồng trong các không gian mở ngày càng được chú trọng và thể hiện vai trò không thể thiếu của yếu tố sinh thái cảnh quan. Khu đô thị sinh thái biển Lạc Việt – KTS Nguyễn Chí Thành thực hiện (Giải Bạc Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia (GTKTQG) năm 2018) là một minh chứng cụ thể cho xu hướng này. Dự án lấy vùng cảnh quan cây xanh mặt nước ở trung tâm đô thị làm ý đồ chiến lược tổng thể; kết hợp với việc khai thác giá trị tự nhiên, tính bản địa và kỹ thuật xử lý nước bằng thực vật. Giải pháp này không chỉ tạo ra một môi trường trong lành và hòa hợp với thiên nhiên, mà còn là điểm đến để nghỉ ngơi, thư giãn của cư dân sinh sống trong khu đô thị cũng như điểm tham quan hấp dẫn cho khách du lịch; qua đó, giúp gắn kết cộng đồng, nâng tầm giá trị nhân văn, tăng hiệu quả và giá trị công năng cũng như thẩm mỹ của toàn khu vực đô thị.
Chỉnh trang cảnh quan đô thị cho dịp tết cổ truyền dân tộc được đẩy mạnh trong thời gian qua tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM hay Vũng Tàu… Để có được những ngày vui xuân của cộng đồng thêm đa dạng hay thu hút khách thập phương, các đô thị lớn đã tổ chức cải tạo cảnh quan đô thị quy mô, bài bản, và trở thành những sự kiện cảnh quan được cộng đồng mong chờ. Những hình thức trình bày gắn với không chỉ linh vật của năm mà còn truyền tải thông điệp về niềm tin, khát vọng, định hướng phát triển của chính quyền và cư dân của mỗi đô thị. Hàng năm tuyến đường Hoa Nguyễn Huệ tại TP HCM, các công viên tại Vũng Tàu, công viên Văn Lang tại Việt Trì, hay Hồ Hoàn Kiếm tại Hà Nội… được thiết kế và thi công bởi các KTS, nhà thiết kế và thi công cảnh quan Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng cảnh quan đô thị, khoác lên chúng những bộ áo mới, làm thay đổi diện mạo, hình thành nét văn hoá đặc trưng và hòa cùng với không khí vui tươi đón xuân của mỗi đô thị.
Cùng với đó, không thể không kể đến những biện pháp thực thi của chính quyền địa phương trong cải tạo cảnh quan đô thị nhằm hướng đến những môi trường cảnh quan lý tưởng cho cuộc sống của cộng đồng dân cư đô thị cũng như phát triển du lịch. Cuộc thi quốc tế Thiết kế cảnh quan ven sông Hàn tại Đà Nẵng, Dự án chỉnh trang cảnh quan ven sông Hương tại Huế, … với sự tham gia nhiệt tình của các nhà tư vấn cảnh quan là những minh chứng rõ ràng cho thực tiễn hoạt động này.
KTS cảnh quan Việt Nam đang dần khẳng định vai trò, năng lực thực hiện, phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng của các dự án, nhất là trong các dự án bất động sản và nghỉ dưỡng. Đối với các dự án cảnh quan khu đô thị, các dự án Green City của (KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền), Goldmark City (KTS Lê Tuấn Long), Park Hill của (KTS Nguyễn Chí Thành), … đều là những đồ án thiết kế cảnh quan đô thị tiêu biểu. Mỗi công trình đều để lại nhiều dấu ấn trong việc xây dựng hình ảnh đặc trưng, kết hợp hài hoà, cân bằng giữa công trình kiến trúc và cảnh quan hay lợi ích kinh tế và giá trị cộng đồng. Tất cả các dự án đều có nét tương đồng: Yếu tố cảnh quan trở thành một trong những yếu tố quan trọng quyết định, nâng tầm dự án và tạo sự khác biệt mạnh mẽ về chất lượng dịch vụ và giá trị thẩm mỹ công trình.
Đối với nhóm dự án cảnh quan khu nghỉ dưỡng, Dự án Naman Retreat Pure Spa Đà Nẵng (Giải The Architecture MasterPrize 2019) và Oceanami Resorts (Giải Đồng GT KTQG 2018) của KTS Nguyễn Hoàng Mạnh là những công trình điển hình cho sự kết nối hài hòa giữa không gian nội thất, công trình kiến trúc với giá trị cảnh quan sinh thái, thiết lập vi khí hậu thuận lợi để hình thành nên môi trường lý tưởng cho nghỉ dưỡng, làm giàu cảm xúc và mang đến sự thư thái cho người sử dụng. Trong khi đó, Dự án Radison Blue (Malibu) của KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền đề cao những giải pháp kết hợp đầy tinh tế giữa cội nguồn của các giá trị bản địa và nghệ thuật tạo hình hiện đại tiếp thu từ nền kiến trúc cảnh quan thế giới.
Nhóm công trình cảnh quan trường học bước đầu được quan tâm nhưng chưa nhiều trong thời gian qua. Khai thác những giá trị cảnh quan tự nhiên cho các trường học sẽ đem lại những cơ hội học tập và trải nghiệm có giá trị cho học sinh, góp phần phát triển bền vững trong môi trường giáo dục đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho người học có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với môi trường thiên nhiên. Đặc biệt là các trường học tại các khu vực đô thị hoặc đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nơi mà không gian tự nhiên đang dần bị thay thế bởi hiện tượng bê tông hóa bề mặt và các công trình kiến trúc phục vụ cho các hoạt động của con người. Trường mầm non tư thục Abi, TP Bến tre (Giải Đồng GT KTQG 2018) của KTS Huỳnh Đàm Quốc Vũ đã thành công trong việc tạo lập môi trường cảnh quan trường học thân thiện và gắn kết với không gian xung quanh, mang đến cho các học sinh không gian học tập, vui chơi lý tưởng, phát huy được những tố chất và khả năng tiềm ẩn.
KTS cảnh quan còn trực tiếp thực hiện thi công cảnh quan, góp phần hiện thực hóa những ý tưởng thiết kế táo bạo, mang tính đột phá, khai thác các giá trị công nghệ cảnh quan; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị bất động sản cho các công trình thuộc thể loại khu đô thị và nhà ở. Công trình Mũi Né Bay resort của KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền đã lồng ghép sáng tạo giữa những công nghệ quen thuộc (nhạc nước) và mới (nghệ thuật chữ rơi) để hình thành những không gian mới lạ, mang tính hấp dẫn cao. Trong khi đó, KTS Nguyễn Chí Thành đề xuất giải pháp công nghệ bể ngầm thu gom nước mưa để tái sử dụng và bảo vệ bộ rễ cây xanh cho rất nhiều dự án, trong đó có Dự án thi công cảnh quan trường Đại học Việt Đức, Bình Dương. Giải pháp bể ngầm góp phần giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của hiện tượng ngập lụt, tăng mức độ tiện nghi và linh hoạt sử dụng công năng cho các không gian cảnh quan. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ trong thi công vườn đứng, vườn trên mái, khai thác tự động hoá trong quản lý và phát triển công trình cảnh quan đang ngày càng được chú trọng nhằm tạo dựng điều kiện sống thân thiện môi trường và tăng tính tiện nghi cho tổng thể công trình. Đây là những hoạt động mang tính thích ứng cao và phù hợp với xu hướng phát triển của cảnh quan thế giới.
Các dự án hạ tầng cảnh quan thân thiện môi trường như: Dự án thí điểm cải tạo bờ sông ngăn sói lở tại trang trại An Nhiên của KTS Ngô Anh Đào hay giải pháp thi công bờ kè sinh thái tại dự án Làng Mít của KTS Vương Đạo Hoàng là những ví dụ tiêu biểu cho việc nghiên cứu và ứng dụng hạ tầng cảnh quan “mềm” thay cho “cứng”, nhằm hướng đến một môi trường sinh thái bền vững hơn trong tương lai.
Các KTS cảnh quan còn khẳng định được năng lực chuyên môn và khả năng thực hiện các dự án có quy mô trong các đơn vị tư vấn nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam như Belt Collint (Hồng Kông), Ego Group (Ý) hay Land Sculptor Studio (Thái Lan)… Trong môi trường hợp tác này, các KTS cảnh quan Việt Nam đã thể hiện rất tốt năng lực hành nghề và sáng tác được nhiều tác phẩm, không chỉ có chất lượng tốt, giá trị thẩm mỹ cao mà còn lồng ghép nhiều triết lý thiết kế, giá trị văn hoá và bản sắc trong từng công trình cụ thể.
Khai thác giá trị tự nhiên để tạo sự khác biệt là giải pháp khá hiệu quả trong việc hình thành các công trình cảnh quan điểm nhấn và đã được vận dụng sáng tạo trong thời gian qua. Dự án cầu vàng tại khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills của KTS Vũ Việt Anh cho thấy khả năng sáng tạo và khai thác giá trị địa hình mạnh mẽ và ấn tượng khi giải pháp thiết kế cây cầu dài 150m ở độ cao 1000m so với mực nước biển vươn ra từ vách đá và được nâng đỡ bởi đôi bàn tay khổng lồ đã tạo ra lối đi ngoài không trung với tầm nhìn rộng lớn, bao quát cảnh quan tự nhiên của núi rừng trùng điệp.
Thể loại công trình công nghiệp cũng đang ngày càng quan tâm khai thác giá trị cảnh quan nhằm tạo ra môi trường lao động lý tưởng cho công nhân trong các nhà máy. Dự án Nhà máy TNG Võ Nhai của KTS Vương Đạo Hoàng là công trình tiêu biểu cho dự án cảnh quan khu công nghiệp. Giải pháp cảnh quan chung của dự án là sự kết hợp hài hoà giữa không gian sản xuất với khu vực vườn cảnh mang đậm giá trị đặc trưng của nhà máy may. Xen giữa các khối nhà xưởng sản xuất quy mô lớn là một không gian xanh mát với nhiều không gian nghỉ ngơi, trao đổi nhóm, thể dục thể thao, dạo bộ kết hợp với không gian hoạt động tập thể tạo cảm giác không còn là không gian công nghiệp mà là một khu công viên hấp dẫn, cuốn hút công nhân đến với không gian sản xuất có môi trường sinh thái bền vững và vô cùng lãng mạn. Qua đó, thể hiện sâu sắc triết lý lấy công nhân làm trung tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy.
Song song với việc hướng đến sinh thái bền vững, KTS cảnh quan Việt Nam trong thời gian qua còn có vai trò rất lớn trong việc định hướng sử dụng vật liệu cảnh quan, trong đó đặc biệt là vấn đề khai thác giá trị cây xanh cho từng loại hình cảnh quan đặc trưng. Khi thực hiện triển khai khu nhà mẫu Vinhomes Central Park, KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền sử dụng cây Chà Là làm loài cây chủ đạo trong khu đô thị, hình thành một chuẩn mực cây trồng đặc trưng mà hàng loạt các dự án của tập đoàn Vingroup và nhiều khu đô thị mới khác áp dụng. Đồng thời, các dự án cảnh quan cũng đang hướng đến đảm bảo tiêu chuẩn kiến trúc xanh nhằm tạo dựng môi trường phát triển bền vững cho các công trình cảnh quan.
KTS cảnh quan Việt Nam còn góp phần vào việc xây dựng các sự kiện và tác phẩm mang tính nghệ thuật cảnh quan có giá trị và tạo bước đột phá lớn trong lĩnh vực hoạt động kiến trúc cảnh quan. Đi đầu trong hoạt động này không thể không nhắc đến Nghệ sỹ cảnh quan Andy Cao, người đã có rất nhiều giải thưởng và tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng trên khắp thế giới như Crystal Cloud ở công ty Swarovski ở Áo, Vườn Thủy Tinh ở Los Angeles, Crystal Cloud ở sân bay Jewel Changi… Tại Việt Nam, Andy Cao đã cùng với ngươi dân bản địa tạo ra tác phẩm nghệ thuật “Mây Pha Lê” trên đồi Mâm xôi, Mù Cang Chải. Đây không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật cảnh quan khai thác yếu tố vật liệu mới “xa xỉ” ở vùng đất xa xôi mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối cộng đồng và sự tham gia của họ trong quá trình xây dựng nên tác phẩm.
Các KTS cảnh quan đã tham gia nhiều hơn trong mảng nghiên cứu khoa học và công bố các nghiên cứu. Khởi đầu cho hoạt động này không thể không nhắc đến các tác phẩm của những KTS cảnh quan đầu ngành như: “Kiến trúc Phong cảnh” (Nguyễn Thanh Thuỷ, 1996), “Kiến trúc cảnh quan” (Hàn Tất Ngạn, 1999), “Nghệ thuật Vườn – Công viên” (Hàn Tất Ngạn, 2000). Tuy nhiên, phải một thời gian dài sau mới xuất hiện thêm một số tác phẩm thuộc lĩnh vực kiến trúc “cảnh quan như” Thiết kế Kiến trúc cảnh quan Khu ở” (Đàm Thu Trang, 2011). Trong 5 năm trở lại đây, số lượng ấn phẩm công bố có xu hướng tăng lên, điển hình như: “Nhập môn Kiến trúc Cảnh quan và Vẽ kỹ thuật xây dựng cảnh quan” (Phạm Anh Tuấn và Lê Khánh Ly, 2015), “Kiến trúc Cảnh quan Việt Nam – Truyền thống và Hiện đại” (Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và Tôn Ánh Hồng, 2017), “Lịch sử vườn cảnh” (Phạm Anh Tuấn và Lê Khánh Ly, 2020). Tuy số lượng đầu sách vẫn còn hạn chế so với các KTS hoạt động trong lĩnh vực Quy hoạch và Kiến trúc của Việt Nam, nhưng đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn trong việc truyền tải thông tin và góp phần đưa kiến trúc cảnh quan đến gần hơn với cộng đồng xã hội. Cùng với viết tài liệu chuyên khảo, các KTS cảnh quan tham gia ngày càng nhiều hơn trên các diễn đàn và đóng góp ý kiến chuyên môn cho các vấn đề liên quan của xã hội thông qua các bài viết sắc sảo và có tính phản biện cao.
Lời kết
Mặc dù gặt hái được một số thành công nhất định, hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan cũng vẫn còn một số tồn tại không nhỏ. Trong đó, việc định hình phong cách cho từng đơn vị thiết kế chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế, vẫn còn nhiều tác phẩm, tác giả chưa thể hiện được phong cách rõ nét, còn nhiều dự án mang phong cánh lai tạp, nhại cổ, không gian cảnh quan đơn điệu và dập khuôn mẫu vẫn hiện diện ở khắp mọi miền của tổ quốc. Bên cạnh đó, công trình cảnh quan mới chỉ được đầu tư tập trung vào các công trình nhà ở và dịch vụ nghỉ dưỡng bởi những giá trị và hiệu quả kinh tế đem lại cho nhà đầu tư. Những nhóm công trình tôn giáo, cơ quan, công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật… chưa thực sự được quan tâm nhiều. Đây là những mảng công trình còn rất nhiều tiềm năng cần được nghiên cứu.
Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa và hội nhập quốc tế, những dấu ấn tác phẩm và những “luồng gió mới” trong tư tưởng sáng tác cùng tiến bộ xã hội sẽ góp phần thu hẹp những trào lưu, tư duy và giải pháp thiết kế đi ngược với sự tiến bộ của toàn xã hội. Những giá trị bản sắc vùng miền, chuẩn mực sáng tác sẽ góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của giới KTS cảnh quan trong công cuộc chinh phục những giá trị bền vững mới, tạo lập môi trường sống lý tưởng và phù hợp với hơi thở của thời đại.
Sự tham gia vào hoạt động phản biện các đồ án, dự án và chiến lược tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho các đô thị, đặc biệt tại các khu vực đặc thù có giá trị văn hoá, xã hội, lịch sử, và cảnh quan… còn hạn chế. Chưa phát huy được vai trò và quan điểm dưới góc nhìn cảnh quan để bổ sung và hoàn chỉnh nội dung phản biện mang tính đa chiều cho giới KTS Việt Nam.
Thực tế cho thấy, mảng công việc gắn với kiến trúc cảnh quan thường đi sau so với tổ chức không gian đô thị và xây dựng công trình kiến trúc, cách triển khai thực hiện này đã và đang hạn chế nguồn năng lượng và sự đóng góp của các KTS cảnh quan cho sự thành công hơn nữa của từng công trình, dự án.
Nhu cầu xã hội đối với lĩnh vực kiến trúc cảnh quan không hề nhỏ, nhưng số lượng các đơn vị tư vấn chuyên sâu ở Việt Nam chưa nhiều với số lượng KTS cảnh quan vô cùng hiếm, công tác đào tạo KTS cảnh quan còn nhiều hạn chế. Do đó, số lượng công trình cảnh quan do các KTS Việt Nam thực hiện còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua cũng như xu hướng hiện nay, số lượng công trình cảnh quan được thực hiện bởi KTS Việt Nam sẽ ngày càng chiếm ưu thế bởi lòng tin của chủ đầu tư với đội ngũ đang từng bước lớn mạnh này.
Với nhu cầu của xã hội và thực tế triển khai thực hiện của các đơn vị tư vấn như hiện nay, nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kiến trúc cảnh quan là vô cùng lớn. Đây cũng là động lực quan trọng thúc đẩy công tác mở ngành và nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành kiến trúc cảnh quan tại các trường đại học của Việt Nam.
Cuối cùng, KTS cảnh quan đã tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế cả trong nghiên cứu khoa học và hành nghề, nhưng vẫn mang tính chất cá nhân là chủ yếu. Chính vì vậy, KTS cảnh quan cần có một hội tổ chức nghề nghiệp chính thống, được xã hội công nhận nhằm bổ sung hoàn chỉnh hệ thống tổ chức và xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện với Hội KTS Việt Nam cũng như Hiệp hội Kiến trúc Cảnh quan thế giới.
TS.KTS. Phạm Anh Tuấn
Chủ nhiệm Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2020)