Một số gợi ý cho kiến trúc và cảnh quan nông thôn trong tương lai

20/08/2021 Lượt xem : 321

Sinh viên Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham quan thực tế tại Tập đoàn Triệu Điền: Hành trình khám phá cây xanh và không gian xanh
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024

Nông nghiệp, nông thôn đang bị coi là lạc hậu, không có tương lai?

Trung tâm hội nghị làng Shitang Village
 

Việt Nam là một nước nông nghiệp lâu đời, với một lượng lớn người dân vẫn và sẽ còn sống trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cho tới nay, ngành nông nghiệp cũng như nông thôn đều bị coi là lạc hậu, cần phải vượt qua. Các chiến lược kinh tế thì tìm cách giảm thiểu tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu. Người dân thì tìm cách bỏ nông thôn ra thành thị. Đối với người dân, nông nghiệp đồng nghĩa với thu nhập thấp, vất vả, hôi thối, ô nhiễm. Những chương trình như nông thôn mới cố gắng tạo ra một mức sống tối thiểu cho người nông dân về góc độ hạ tầng, dịch vụ xã hội, nhưng cũng không phải là hướng tới một chất lượng sống đáng mơ ước. Về góc độ kiến trúc, tuy có những nghiên cứu về kiến trúc cổ truyền, cũng như một số quan điểm hoài cổ muốn giữ lại nếp nhà tre, gỗ mái tranh hay mái ngói ba gian năm gian ngày xưa, với sân gạch, giếng khơi, trước cau sau chuối… Nhưng nhìn chung, đa số người dân, kể cả nông thôn cũng như thành thị đều không còn nhiều mặn mà với hình thức kiến trúc này, từ nhiều lý do như đất chật người đông, giá đất tăng, nhu cầu sản xuất nông nghiệp, phơi phóng giảm, thị hiếu thay đổi, thị trường đưa vào vật liệu mới, giải pháp mới…

Nên coi toàn bộ vùng đồng bằng là đô thị

Trung tâm nghệ thuật Rural West Australian
 

Từ góc độ quy hoạch lãnh thổ, ta thấy Việt Nam có 4/5 diện tích tự nhiên là địa hình đồi núi không thuận lợi cho phát triển. Vì vậy dân số đông đúc chủ yếu tập trung vào các khu vực đồng bằng. Khu vực này vừa là đất ở, vừa là đất sản xuất. Mật độ dân cư trung bình ở toàn vùng đồng bằng Việt Nam lên tới hàng ngàn người/km2.Với diện tích đồng bằng tương đối nhỏ hẹp và mật độ cao như vậy, tính theo tiêu chuẩn quốc tế thì gần như có thể coi toàn bộ vùng đồng bằng Việt Nam là một vùng đô thị, bởi vì về lâu dài, với mật độ dân cư như vậy, ngành nông nghiệp không thể cung cấp thu nhập và việc làm cho đại đa số nhân dân, hay nói cách khác là tỷ lệ phi nông nghiệp buộc phải cao. Trên thực tế, mật độ dân cư trên đất ở tại các vùng nông thôn đồng bằng của Việt Nam đa số cao không kém gì đô thị. Cấu trúc các khu định cư cũng như hình thái kiến trúc đều ngày một tương tự như đô thị. Như vậy, có thể nói là đối với khu vực đồng bằng, không nên phân biệt nông thôn và thành thị, mà chỉ có đô thị, với những không gian xây dựng và không gian trống. Những không gian trống đó, phần nhiều là đất sản xuất nông lâm ngư nghiệp, và trước đây, đó chính là cốt lõi của khái niệm nông thôn. Tuy nhiên, nếu coi đây là không gian trống của đô thị, thì nó sẽ có rất nhiều chức năng khác với sản xuất nông nghiệp, từ cảnh quan, sinh thái, kỹ thuật, điều tiết vi khí hậu, đến tín ngưỡng, giáo dục, du lịch, điều dưỡng, vui chơi giải trí… Tất cả những chức năng đó sẽ phục vụ cho một xã hội đô thị đông đảo, nhằm tăng chất lượng cuộc sống, bù đắp cho những thường nhật mưu sinh đông đúc, chật chội, ô nhiễm, bon chen trong nội đô. Vì thế, cần phải có những quy hoạch tổng thể toàn vùng đô thị, cả đất trống lẫn khu vực xây dựng, chứ không phải tách riêng nông thôn khỏi thành thị, và phần nông thôn chỉ cần quan tâm tới quy chuẩn nông thôn mới, tức là để đạt mức sống tối thiểu cho một cụm dân cư nông thôn.

Những cơ hội và chủ đề lớn cho kiến trúc đương đại gắn liền với bối cảnh nông nghiệp, nông thôn

Cả những văn phòng tên tuổi như Zaha Hadid cũng tham gia thiết kế trường học nông thôn, đủ thấy tầm quan trọng của chủ đề này như thế nào
 

Nông thôn truyền thống có cây đa, bến nước, sân đình, là những nơi hội tụ của một tiểu xã hội nhỏ, đồng thời cũng tạo nên bản sắc cảnh quan vùng nông thôn. Khi nhìn nông thôn mới như vùng trống cảnh quan của đô thị, thì việc đầu tiên phải nghĩ đến là những công trình công cộng đô thị lớn, hiện đại, có thể được xây dựng ở đây như bảo tàng, thư viện, nhà hát, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm văn hoá, hoặc đơn giản chỉ là những điểm dừng chân, ngắm cảnh. Bởi vì ưu điểm ở khu vực này là có cảnh quan, có không gian để triển khai những công trình đặc sắc, hấp dẫn, làm điểm thu hút cộng đồng:

  • Văn hoá: Đặc biệt quan trọng là những công trình văn hoá nghệ thuật, vì văn hoá nghệ thuật gắn liền với thiên nhiên, cảnh quan là một trong những lợi thế rất lớn để dẫn truyền cảm thụ cho người xem.
  • Công nghệ: Quan trọng thứ hai là các công trình công nghệ tiên tiến, bởi lẽ công nghệ và cảnh quan đi cùng với nhau cũng sẽ là một thế mạnh lớn, nhấn mạnh vào phát triển bền vững.
  • Trường học: Tương lai của một dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống giáo dục. Thiên nhiên là một trong những trường học quan trọng và không gian là một trong những điều kiện cần để có được một bối cảnh tốt cho trẻ phát triển lành mạnh. Vì thế, trường học trong bối cảnh nông thôn là một trong những chủ đề lớn tương lai, không chỉ cho nhóm dân cư nông thôn, mà cho cả xã hội. Vấn đề không chỉ là cung cấp những phòng học, mà là những thế giới quan, nhân sinh quan, và những ước mơ tương lai.
  • Bệnh viện, trạm xá, điều dưỡng: Lĩnh vực chữa bệnh trước đây thường gắn liền với bệnh tật, đau đớn, chết chóc. Trong bối cảnh nông thôn, điều kiện về kỹ thuật và không gian đều thuận lợi hơn rất nhiều cho chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Một trung tâm về khoa thần kinh được bố trí ở vùng nông thôn Memorial Healthcare in Ossowo – Mỹ
 
  • Chợ, Hội chợ: Chợ là hoạt động chắc chắn cần ở mọi nơi, chợ quê, chợ phiên, với những bản sắc địa phương, luôn là những yếu tố có thể hấp dẫn du khách.
Một khu chợ dân sinh
 

Sự phối hợp giữa kiến trúc và cảnh quan nông thôn

  • Kiến trúc chìm vào cảnh quan nông nghiệp: Kiến trúc nông trại hiện đại ở Trung Quốc. Nếu kiến trúc ẩn vào cảnh quan, thì tất cả một vùng cảnh quan sẽ trở thành cấu phần của công trình kiến trúc. Lợi thế của nhiều cảnh quan nông nghiệp là tính kỷ hà, thẳng thớm, rất phù hợp với ngôn ngữ kiến trúc.

  • Kiến trúc tạo điểm nhấn tương phản với cảnh quan nông nghiệp:Đối với những cảnh quan nông nghiệp hùng vĩ như ruộng bậc thang thế này, kiến trúc chế ngự một vùng cảnh quan lớn, sẽ có sức mạnh tạo hình vượt nhiều khỏi hình thức cụ thể của nó.

  • Kiến trúc cảnh quan tương tác với cảnh quan nông nghiệp: Kiến trúc không nhất thiết phải chế ngự cảnh quan, mà có thể chỉ là những điểm dừng chân để con người có thể hoà nhập với cảnh quan nông nghiệp.
Góc ngồi học trong trường đại học ở Trung Quốc.
 
  • Mỗi diện tích nông nghiệp là một vườn cảnh quan: Không nên phân biệt kiến trúc cảnh quan, công viên và những diện tích sản xuất. Mỗi diện tích sản xuất nông nghiệp đều có thể đóng góp hiệu quả vào bức tranh cuộc sống chung và làm tăng đáng kể giá trị sống ở đó, chưa kể đến sức hút du lịch.
Một làng quê ở Côn Minh.
 
Kiến trúc chuồng gà ở Thổ nhĩ Kỳ, do công ty kiến trúc thiết kế, và được giải thưởng kiến trúc
 
  • Mỗi công trình nông nghiệp là kiến trúc: Từ xa xưa, con người vẫn coi vật nuôi là bạn. Người Shaker ở Mỹ làm những chuồng trại gia súc cẩn thận và đẹp đẽ như nhà cho người. Họ cho rằng vấn đề không phải là ở thẩm mỹ một cái chuồng, mà là ở thái độ sống của người tử tế. Nếu một người sống tử tế, hết lòng với cả con chó con gà, thì hẳn sẽ tử tế với con người, với thiên nhiên. Và để học làm người tử tế, cần phải bắt đầu từ rất sớm, cũng như trong mỗi sinh hoạt, ứng xử hàng ngày.

TS.KTS Phó Đức Tùng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 10-2020)