Một số xu hướng trong thiết kế cảnh quan đương đại ở Trung Quốc

08/10/2021 Lượt xem : 613

SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ

I. Đặt vấn đề

Trung Quốc là một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới, nghệ thuật thiết kế vườn cảnh Trung Quốc đã có mấy nghìn năm lịch sử. Vườn cảnh đầu tiên được xây dựng ở Trung Quốc là vào cuối triều đại nhà Thương (1700 – 1027 TCN). Ban đầu khu vườn được thiết kế với mục đích săn bắn. Bắt đầu từ triều đại nhà Tùy (581 – 617) và qua triều đại nhà Đường (618 – 907), các khu vườn ngoài chức năng vui chơi, thưởng ngoạn thì các nghệ nhân thiết kế sân vườn đã chú trọng đến việc lồng ghép các chủ đề văn học và nghệ thuật thông qua các hình thức tiểu cảnh. Nghệ thuật thiết kế sân vườn Trung Quốc phát triển rực rỡ vào triều đại nhà Minh (1368 – 1644) và nhà Thanh (1636 – 1912) để lại cho hậu thế nhiều khu vườn nổi tiếng với giá trị nghệ thuật rất cao đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới như Di Hòa Viên và các vườn cảnh ở Tô Châu.

Trong bối cảnh hiện nay khi xu hướng toàn cầu hóa đã diễn ra hết sức mạnh mẽ, sự khác biệt giữa văn hóa Phương Đông và Phương Tây, vấn đề hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường cũng đưa tới những thách thức chưa từng có đối với ngành thiết kế cảnh quan. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, ngành thiết kế cảnh quan ở Trung Quốc cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, chủ yếu tập trung vào hai xu hướng đó là thiết kế đương đại gắn liền với văn hóa bản địa và thiết kế đương đại gắn liền với phát triển bền vững.

Tổng thể sân vườn nhìn từ trên cao (Nguồn: blog.sina.com.cn)
 

II. Các xu hướng trong thiết kế cảnh quan đương đại ở Trung Quốc

Bắt nguồn từ văn hóa bản địa, tái hiện truyền thống dưới góc nhìn thiết kế cảnh quan đương đại

Xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa và văn hóa bản địa, sự đối lập giữa việc phát triển đô thị và gìn giữ đặc trưng nơi chốn, tư tưởng thiết kế cần nhấn mạnh việc bắt nguồn và trải nghiệm địa điểm. Trong thời đại mà sự toàn cầu hóa tiếp tục phát triển, đe dọa lớn đến văn hóa khu vực và quốc gia, thì lý luận và thực tiễn của thiết kế bản địa có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng lý luận và thực tiễn của thiết kế nói chung.

Tư tưởng thiết kế chủ yếu xoay quanh những vấn đề sau:

  • Mang văn hóa Trung Hoa thẩm thấu vào trong thiết kế;
  • Nhất thể hóa kiến trúc và cảnh quan;
  • Kế thừa và phát triển có chọn lọc văn hóa bản địa;
  • Hoài cổ và quảng bá văn hóa bản địa;
  • Tôn trọng và đề cao văn hóa tín ngưỡng;
  • Theo đuổi chất thơ trong thiết kế.

Những công trình tiêu biểu

1. Sân vườn cảnh quan Bảo tàng Mỹ thuật gạch đỏ Bắc Kinh

Sân trung tâm (Nguồn: travel.qunar.com)
 
Đường dạo, cảnh quan mở dần theo hướng tiếp cận (Nguồn: www.duitang.com)
 

Tọa lạc tại thị trấn Cui Ge Zhuang, quận Triều Dương, TP Bắc Kinh, Bảo tàng Mỹ thuật gạch đỏ Bắc Kinh bắt đầu khởi công vào năm 2007 trên diện tích đất 1,5 ha. Đây là một dự án cải tạo công trình kiến trúc trước đây là nhà xưởng. Tư tưởng chủ đạo trong thiết kế là phê phán sự tách biệt giữa kiến trúc và cảnh quan, sự khuôn mẫu nhàm chán của các thiết kế cảnh quan đương đại, đề cao tư tưởng nhất thể hóa kiến trúc và cảnh quan, dùng ngôn ngữ thiết kế đương đại tái hiện văn hóa và không gian sân vườn truyền thống Trung Quốc. Từ tổng thể bố cục, chi tiết sân vườn, đến thủ pháp phối kết đá cảnh, cây xanh, sử dụng vật liệu… đều thể hiện sự sáng tạo dựa trên chất liệu truyền thống, phản ánh truyền thống dưới góc nhìn thiết kế đương đại.

2. Vườn YueYuan

Vườn YueYuan nằm ở TP Tô Châu nơi có những vườn cảnh nổi tiếng. Các KTS thiết kế vườn YueYuan đã tiến hành thử nghiệm các loại vật liệu mới và ứng dụng các công nghệ đương đại nhằm tái hiện nghệ thuật thiết kế sân vườn cổ điển Tô Châu. Thiết kế cảnh quan không chỉ dừng lại ở việc thỏa mãn thẩm mỹ thị giác mà còn thể hiện một cách trừu tượng văn hóa bản địa, sáng tạo ra một không gian cảnh quan văn hóa hiện đại đặc sắc. Trong đó, hạt nhân của sự sáng tạo là sự kết hợp chặt chẽ giữa cảnh quan và điêu khắc.

Vườn Suối (Nguồn: cảnh quan Zhang Tang – Z+T studio
 

Thiết kế vườn YueYuan bắt nguồn từ cách lý giải mới về tính thẩm mỹ trong vườn cảnh Tô Châu cổ điển. Trong thiết kế sân vườn cổ điển Trung Quốc nước giữ vai trò quan trọng nhất, nước ở YueYuan đóng vai trò như một tuyến thị giác chính, kết nối hai khu vực trung tâm là “vườn suối” và “vườn hồ”. Đặc trưng lưu tuyến của khu vườn là du khách men theo con suối cạn uốn khúc để vào “vườn suối”. Chủ đề của tiểu cảnh nước được biểu hiện thông qua việc điêu khắc tinh tế các lớp vân đá hoa cương, tượng trưng cho các lớp trầm tích của dòng chảy qua hàng ngàn năm lịch sử, mô tả được quá trình xói mòn của lục địa. Dòng suối uốn lượn không chỉ tượng trưng cho hình thái của sông Trường Giang, mà lòng suối với các lớp vân đá hoa cương còn tạo thành một tấm gương phản chiếu bầu trời với những áng mây vần vũ. Mặt nước phản chiếu uốn lượn giống như một tác phẩm điêu khắc được tạo ra từ lòng đất kết hợp với bóng đổ từ sân trong của kiến trúc và âm thanh róc rách của tiếng nước chảy, tạo nên một không gian tĩnh lặng và trầm mặc. Ở đoạn cuối dòng suối, nước được hòa vào một hồ khác, đóng vai trò là chủ cảnh của khu vực “vườn hồ”. Cảm giác trải nghiệm từ động đến tĩnh đã được xử lý một cách đơn giản và khéo léo, đạt được sự hòa hợp lý tưởng trong một không gian sân vườn có diện tích chưa đầy 1000 m2.

Khác với những khu vườn cổ Tô Châu, thiết kế YueYuan ứng dụng thủ pháp tối giản trong phối kết cây xanh và sử dụng vật liệu đá, thể hiện sự xử lý vật liệu tinh tế trong thiết kế cảnh quan đương đại. Sự độc đáo của cảnh quan YueYuan đến từ việc lựa chọn và sử dụng một cách thích hợp các yếu tố cảnh quan nước, đá và thực vật. Trong không gian vườn, sự luân chuyển của thời gian, sự thay đổi của bóng đổ hô ứng với sự biến chuyển linh động của không gian cảnh quan, kết hợp với những chi tiết hiện đại và những đường cong uyển chuyển của nghệ thuật điêu khắc đá Hoa Cương đã đem đến cho con người một trải nghiệm không gian hoàn toàn khác biệt.

3. Sân vườn cảnh quan Bảo tàng Tô Châu

Bảo tàng Tô Châu nằm ở Trung tâm TP Tô Châu, bên cạnh có khu vườn cảnh cổ điển nổi tiếng Chuyết Chính Viên là di sản văn hóa thế giới. Tư tưởng thiết kế sân vườn cảnh quan của bảo tàng dựa trên cơ sở thấu hiểu văn hóa bản địa, dùng ngôn ngữ kiến trúc hiện đại diễn giải ý nghĩa nội hàm của vườn cảnh truyền thống Tô Châu.

Cảnh quan mặt nước (Nguồn: mt.sohu.com)
 

Sân vườn cảnh quan của bảo tàng nằm ở vị trí trung tâm, xung quanh là công trình kiến trúc, áp dụng thủ pháp tối giản trong thiết kế, chỉ dùng một số nhân tố trong cảnh quan để phản ánh tinh thần của vườn cảnh truyền thống và khéo léo xử lý mối quan hệ với khu vườn cảnh Chuyết Chính Viên bên cạnh để tạo thành một tổng thể một cũ, một mới nhưng hài hòa, thống nhất.

Mặt nước là nhân tố chủ đạo trong thiết kế, sử dụng cầu đá hình dáng gấp khúc kết nối hai bờ. Chủ cảnh của toàn thể khu vườn là dãy non bộ với bối cảnh là bức tường trắng – ranh giới với Chuyết Chính Viên. Thủ pháp chế tác dãy non bộ thể hiện chất tinh túy nhất của nghệ thuật xếp đá giả sơn Trung Quốc, “lấy vách làm giấy, lấy đá làm mực” vẽ ra một bức tranh sơn thủy cảnh quan hết sức độc đáo.
Vườn cảnh truyền thống cần được bảo tồn, nhưng cảnh quan hiện đại luôn phải phát triển, thiết kế cảnh quan sân vườn bảo tàng Tô Châu là một hình thức thực nghiệm tìm cách cân bằng giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát triển.

Bắt nguồn từ sinh thái, tạo lập cảnh quan phát triển bền vững

Tư tưởng thiết kế cảnh quan sinh thái là sự chuyển biến từ con người là trung tâm sang lấy tự nhiên là trung tâm, nhấn mạnh việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên là giá trị cốt lõi. Thiết kế cảnh quan sinh thái kế thừa tư tưởng phát triển bền vững, chú trọng mối liên hệ chặt chẽ của con người với tài nguyên thiên nhiên, thông qua việc tái sử dụng phế thải và tiết kiệm tài nguyên. Trong khái niệm cảnh quan sinh thái, ý nghĩa nội hàm của cảnh quan không giới hạn bởi một khu vực có phong cảnh đẹp đơn thuần, thiết kế cảnh quan không chỉ là xử lý những vấn đề thuần túy về phương diện thị giác, tỷ lệ, màu sắc, đường nét mà cần quan tâm đến những vấn đề lớn hơn như môi trường, những mối liên hệ giữa không gian sống của con người và môi trường tự nhiên.

Trong thiết kế cảnh quan sinh thái, nhà thiết kế cần chú trọng kết hợp giữa sinh thái học và những nguyên tắc mỹ học trong cảnh quan. KTS cảnh quan cần phải có những kiến thức về khoa học sinh thái một cách hệ thống. Những lĩnh vực sinh thái học như sinh thái học thực vật, sinh thái học thủy văn, sinh thái học môi trường v.v. đều đóng vai trò định hướng quan trọng trong thiết kế cảnh quan sinh thái. Tư tưởng thiết kế chủ yếu xoay quanh những vấn đề sau:

  • Lấy thế giới tự nhiên làm trung tâm;
  • Thoát khỏi tư tưởng thẩm mỹ truyền thống;
  • Lấy thiết kế sinh thái làm chủ đạo.

Những công trình tiêu biểu

1. Công viên sinh thái ShanShuiJian

Cầu trượt tận dụng địa hình tự nhiên (Nguồn: cảnh quan Zhang Tang – Z+T studio)
 

Công viên sinh thái ShanShuiJian có vị trí tại TP Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Công viên là một không gian xanh điển hình nằm trong một khu dân cư có mật độ cao. Công viên được bao quanh bởi các tòa nhà chung cư cao tầng, với chức năng là cung cấp không gian hoạt động ngoài trời cho cư dân. Diện tích công viên rộng 1,4 ha, thiết kế cần đáp ứng các yêu cầu về mặt công năng cho những nhóm đối tượng khác nhau. Khu vực công viên nằm ở vị trí trũng nhất của cả quần thể kiến trúc, trong đó có một diện tích rừng lớn và hồ cá sinh thái cần được bảo tồn. Tôn chỉ của phương án thiết kế cảnh quan là tôn trọng nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn, cố gắng giữ nguyên thảm thực vật và hệ thống thủy văn hiện hữu. Nhằm mục đích thỏa mãn những nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của người dân, thiết kế một hệ thống không gian và địa điểm hoạt động được liên kết chặt chẽ với thiên nhiên và tạo thành một thể thống nhất. Hệ thống điều tiết nước mưa gắn kết chặt chẽ với các địa điểm hoạt động và thông qua một hệ thống biển báo và thiết bị mang tính giáo dục về môi trường làm tăng sự tương tác giữa các hoạt động của cư dân với hệ thống trữ nước mưa sinh thái, ví dụ như trong lúc trẻ em chơi cũng đồng thời sẽ tìm hiểu được những kiến thức liên quan đến việc tái sử dụng nước mưa. Tận dụng địa hình có sẵn ở vị trí giữa các rừng cây và hồ cá tạo lập khu vui chơi cho trẻ em. Hệ thống cầu trượt được cải tạo từ sườn dốc sẵn có, thiết kế khán đài gỗ được lấy cảm hứng từ hình thức ruộng bậc thang bản địa, tạo thành những không gian nghỉ ngơi thú vị.

2. Công viên sinh thái QiJiang Trung Sơn

Công viên sinh thái QiJiang nằm ở TP Trung Sơn tỉnh Quảng Đông, là một công trình cải tạo từ một nhà máy đóng tàu, diện tích công viên rộng 11 ha trong đó có 3,6 ha là không gian mặt nước. Hiện trạng vẫn giữ nguyên kết cấu chính của các xưởng đóng tàu và các trang thiết bị cơ khí khác. Các hạng mục thiết kế cải tạo bao gồm: cải tạo và tái sử dụng tháp nước cũ, tái sử dụng ống khói, cẩu tháp, đường ray và các trang thiết bị cơ khí. Phương án thiết kế công viên chú trọng nhấn mạnh tư tưởng tái sử dụng, phục hồi sinh thái các cơ sở công nghiệp bị bỏ hoang.

Công viên nhìn từ trên cao (Nguồn: TuRenScape)
 

Đặc trưng thiết kế sinh thái thể hiện trên ba phương diện

(1) Bảo tồn: Bảo tồn các hệ thống và yếu tố tự nhiên, về cơ bản giữ nguyên dạng mặt nước và kè bờ, giữ nguyên vị trí các cây cổ thụ. Bảo tồn các cấu trúc cũ, giữ nguyên các kết cấu thép, bê tông, ống khói tháp nước v.v. của nhà xưởng cũ. Bảo tồn những thiết bị cũ của nhà xưởng như cẩu tháp, tích hợp trong thiết kế, trở thành nhân tố cảnh quan quan trọng đem lại trải nghiệm phong phú về địa điểm.

(2) Biến đổi và tái sử dụng: Thiết kế công viên không theo đuổi vẻ đẹp của hình thức, đường nét, mà thể hiện sự ngẫu nhiên được hình thành theo nguyên tắc kinh tế và hiệu quả, sự ngẫu nhiên bao gồm cấu trúc mạng chằng chịt của hệ thống đường đi bộ, trật tự không gian, vườn hoa, lớp lát v.v. Tái sử dụng bao gồm tận dụng lại những kết cấu nhà xưởng và trang thiết bị cũ.

(3) Tái hiện và thiết kế mới: Vật liệu gốc trong khu nhà xưởng như thép, gạch đỏ, vật liệu địa phương đều được tận dụng để tái thiết kế, với mục đích thỏa mãn công năng sử dụng và hiển thị loại hình cảnh quan mới.

Hình thái đường dạo (Nguồn: TuRenScape)
 

III. Kết luận

Ngành cảnh quan đương đại Trung Quốc đang từng bước chuyển mình, ứng phó với việc văn hóa bản địa và môi trường hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng. Các thiết kế cảnh quan đương đại Trung Quốc thể hiện rõ được hướng đi riêng, đó là triệt để khai thác các nhân tố văn hóa bản địa phong phú và đa dạng; gìn giữ và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, với mục đích cuối cùng là tạo lập một môi trường sống tốt, bền vững cho con người.

Ngành thiết kế cảnh quan ở Việt Nam cũng cần đáp ứng được những yêu cầu của thời đại và bắt nhịp với các xu hướng, trào lưu của cảnh quan thế giới. Thiết kế cảnh quan đương đại Việt Nam không thể dừng lại ở việc sao chép hoặc mô phỏng các thiết kế cảnh quan nước ngoài, mà thông qua quá trình chắt lọc những kinh nghiệm của thế giới, thiết kế cảnh quan đương đại Việt Nam cần được lồng ghép những nội hàm của văn hóa bản địa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt, giúp con người Việt Nam gắn bó với môi trường sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững.

TS.KTS Nguyễn Ngọc Anh
(Bộ môn kiến trúc cảnh quan, Khoa Quy Hoạch Đô Thị – Nông Thôn, Trường đại học kiến trúc Hà Nội)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2021)


Tài liệu tham khảo
1. Zhi Wen Jun, kiến trúc đương đại Trung Quốc, nhà xuất bản khoa học kỹ thuật Liêu Ninh Trung Quốc, 2008 – 2012, 2008
2. Cảnh quan Zhang Tang, Z+T studio 2009 – 2018, nhà xuất bản đại học Đồng Tế Thượng Hải, 2008
3. Long Wei, cảnh quan – thực tiễn – những tác phẩm tiêu biểu của GuangZhou Turenscape , Nhà xuất bản đại học công nghệ Đại Liên, 2013
4. Dong Yu Gan, cửu chương tạo Viên (9 chương thiết kế vườn cảnh), Nhà xuất bản đại học Đồng Tế Thượng Hải, 2016