Nghiên cứu không gian kiến trúc cảnh quan nhằm phát triển du lịch cộng đồng xã Hòa Bắc

03/11/2021 Lượt xem : 380

SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ

Trong suốt 3 năm (2019-2021) thực hiện mô hình Học cùng cộng đồng (Community Engaged Learning/Service Learning -CEL/SL) tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang – Một khu vực nằm dọc theo thung lũng sông Cu Đê ở phía Tây TP Đà Nẵng – gần 300 sinh viên (SV) Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu, học tập về môi trường không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của khu vực, khám phá các văn hóa bản địa của đồng bào Cơ Tu và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Sông Cu Đê – Hòa Bắc_Nguồn: Trang Phan
 

Hòa Bắc và tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Là vùng đệm chuyển tiếp giữa hai khu bảo tồn thiên nhiên là Bà Nà – Núi Chúa và Vườn Quốc gia Bạch Mã, Hòa Bắc đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam (Hoàng Văn Long, Nguyễn Văn Vân, 2019). Trải dài dọc theo thung lũng sông Cu Đê là sự hấp dẫn của những con suối trong vắt, những cánh rừng hoang sơ chưa bị khai thác ở thượng nguồn, vùng cảnh quan nông nghiệp trù phú và vùng cửa sông rộng lớn ở hạ nguồn. Bên cạnh đó, nơi đây còn có nhiều sản phẩm mang đậm văn hóa của người đồng bào Cơ Tu, từ kiến trúc (nhà Guol), văn hóa lễ hội (múa Tung tung Da Dá), ẩm thực (bánh sừng trâu, chè dây), trang phục cho đến các nghề thủ công truyền thống (Nguyễn Hoài Nhân, Nguyễn Thanh Tú, 2021). Với mục tiêu cải thiện điều kiện kinh tế xã hội địa phương, chính quyền xã Hòa Bắc định hướng phát triển hoạt động du lịch bền vững dựa trên bản sắc văn hóa của cộng đồng người dân tộc Cơ Tu.

Trải nghiệm mô hình Học cùng cộng đồng – Nghiên cứu không gian kiến trúc cảnh quan hướng đến phát triển du lịch cộng đồng tại Hòa Bắc

Trong những năm gần đây, chương trình đào tạo của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và tính thực tiễn trong dạy và học. Thay vì riêng rẽ từng chuyên ngành, xu hướng xây dựng các chương trình học tập tổng hợp, đa ngành mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy trao đổi kiến thức và tư duy đa chiều. Nhận thấy rằng Hòa Bắc không chỉ có tiềm năng trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách mà còn là một địa điểm học tập rất phong phú, năm 2019, Trường đã xác định khu vực này trở thành một địa bàn học tập thực tế trọng điểm. Thông qua mô hình Học cùng cộng đồng (CEL/SL), Hòa Bắc cung cấp cho sinh viên (SV) nguồn tri thức đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ những ngành thiết kế như kiến trúc, nội thất, đồ họa cho đến các ngành xã hội, môi trường và du lịch bền vững. Đồng thời, SV cũng tham gia hỗ trợ cộng đồng trong việc quảng bá du lịch, thiết kế cảnh quan và nhận diện thương hiệu cho địa phương. Một số chương trình tiêu biểu bao gồm:

  • Khóa học mùa hè: Là khóa học do Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Frankfurt University of Applied Scienes và Tổ chức AT-Verband đồng tổ chức dưới sự tài trợ của Quỹ Nghiên cứu và Giáo dục Đức (BMBF). Khóa học được thực hiện trên một phạm vi khoảng 23 km dọc thung lũng sông Cu Đê, được chia thành 3 khu vực:
    • Làng Trường Định – Thủy Tú ở vùng cửa sông Cu Đê;
    • Khu trung tâm hành chính xã Hòa Bắc và các làng nông nghiệp;
    • Thôn Tà Lang – Giàn Bí – Cộng đồng dân tộc người Cơ Tu ở vùng thượng nguồn.

Nội dung chính của chương trình là phân tích tổng quan những tiềm năng về du lịch bền vững, nông nghiệp, phát triển môi trường xây dựng và không gian mở của từng khu vực và đề xuất một chiến lược vùng để tích hợp kết nối cả 3 khu vực lại với nhau (Global Urbanization Research Team, Frankfurt University of Applied Sciences, 2019).

  • Một trong những ý tưởng của Khóa học mùa hè là đề xuất việc hình thành “Làng du lịch học tập” tại các vùng cảnh quan trên thông qua các hoạt động học hỏi, tìm hiểu thiên nhiên, nơi có nhiều đặc điểm văn hóa thế mạnh cần được duy trì và sử dụng để thu hút du lịch đến khu vực. Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra nhu cầu hình thành các trung tâm tiếp đón du khách do người dân địa phương quản lý, có đầy đủ cơ sở hạ tầng cơ bản như nhà vệ sinh, internet, và cung cấp các thông tin du lịch cơ bản. Trong bối cảnh hợp tác với UBND và Hội Phụ nữ xã Hòa Bắc, Quỹ Môi trường toàn cầu Liên hiệp quốc (GEF), các tài trợ nhỏ của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS) và Quỹ viện trợ Ireland (IrishAid), chuỗi Workshop nghiên cứu không gian kiến trúc, cảnh quan và thiết kế nhận diện thương hiệu cho các trung tâm tiếp đón du khách tại địa phương được thực hiện tại homestay Alang Như (thôn Giàn Bí) và homestay Nam Yên (Thôn Nam Yên). Với sự tham gia của ĐH Kiến trúc Đà Nẵng (3 chuyên ngành gồm Đồ họa, Kiến trúc và Du lịch) và Khoa Địa lý, ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng (chuyên ngành Địa lý, Môi trường), các workshop tập trung vào các thiết kế nội thất, cảnh quan sân vườn và các sản phẩm nhận diện thương hiệu cho homestay dựa vào những dữ liệu về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc cảnh quan đặc trưng của người đồng bào Cơ Tu.
  • Lồng ghép với các workshop là chương trình ký họa do Câu lạc bộ Đồ họa tự khởi xướng xuất phát từ những tình cảm của sinh viên đối với thiên nhiên và con người tại Hòa Bắc. Chương trình thu hút hơn 50 SV tham gia và nhiều tác phẩm có chất lượng cao đã được triển lãm cộng đồng và được trao tặng lại cho địa phương.
  • Song song với các chương trình workshop ngoại khóa, Hòa Bắc cũng trở thành một địa điểm học tập thực tế rất thú vị cho SV thông qua các môn học về môi trường và du lịch bền vững. SV tìm hiểu về những giá trị văn hóa bản địa, nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa lễ hội địa phương và hỗ trợ quảng bá, kết nối du lịch địa phương thông qua mô hình du lịch học tập.
Ý tưởng thiết kế phân vùng cảnh quan và hoạt động ở vùng cảnh quan nông nghiệp – Nguồn: Summerschool
 
Ý tưởng thiết kế phân vùng cảnh quan và hoạt động ở vùng cảnh quan nông nghiệp – Nguồn: Summerschool
 
Ý tưởng thiết kế logo và một số sản phẩm nhận diện thương hiệu homestay Nam Yên_Nguồn: Workshop thiết kế nhận diện thương hiệu và cảnh quan homestay tại Hòa Bắc
 

Những tác động tích cực đến trường ĐH và cộng đồng từ mô hình CEL/SL tại Hòa Bắc

1. Đối với trường ĐH

  • Giáo dục trải nghiệm đóng vai trò nền tảng cho việc phát triển kiến thức và trách nhiệm của SV đối với cộng đồng (Heffernan, 2001). Thông qua chuỗi hoạt động này, SV được trang bị nhiều kỹ năng giải quyết vấn đề và khám phá các mối liên hệ giữa lý thuyết môn học thiết kế vận dụng các lý thuyết này để giải quyết nhu cầu thực tế của cộng đồng tại Hòa Bắc;
  • Việc học tập trong một môi trường thực tế tạo ra nhiều cảm hứng cho chính giảng viên, SV và cộng đồng trong bối cảnh tương tác và phối hợp thường xuyên. Cộng đồng không phải là “đối tượng nghiên cứu” mà là “khách hàng”, là những chuyên gia chia sẻ rất nhiều kiến thức bản địa và góp ý cho những ý tưởng của SV. Bên cạnh các kỹ năng chuyên ngành, hoạt động học tập này còn tăng tính chủ động, củng cố các kỹ năng tư duy phản biện, thuyết trình trước đám đông, hoạt động tập thể và nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội cho SV.
Triển lãm tranh ký họa của sinh viên tại cộng đồng_Nguồn: Dung Nguyễn
 
Cộng đồng tham quan triển lãm tại Hòa Bắc_Nguồn: Lê Hải Sơn
 

2. Đối với cộng đồng

  • Trong khi hỗ trợ việc học tập của SV, cộng đồng cũng được hưởng lợi từ nhiều mặt. Đầu tiên là được thực hành các nghiệp vụ du lịch, SV chính là “khách hàng” để cộng đồng tập dượt việc xây dựng các tour tham quan học tập tại xã, trình diễn văn hóa, thực hành các nghề thủ công truyền thống và phục vụ ẩm thực địa phương;
  • Trong các chương trình workshop, SV hỗ trợ cộng đồng thiết kế cảnh quan các homestay, thiết kế nội thất, gợi ý đặt tên, thiết kế logo và những sản phẩm quảng bá thương hiệu cho các trung tâm du khách. Nhiều ý tưởng của SV đã được tiếp thu và triển khai tại các homestay;
  • SV cũng trở thành những đại sứ truyền thông rất tích cực, thiên nhiên và con người Hòa Bắc thông qua những câu chuyện và hình ảnh của các bạn đã lan tỏa rộng khắp, góp phần quảng bá du lịch địa phương.
Sinh viên ký họa tại Hòa Bắc_Nguồn: Sinh viên Lê Hải Sơn
 
Sinh viên Khoa Du lịch thực hành làm bánh sừng trâu – một loại bánh đặc sản của địa phương – với sự hướng dẫn của cộng đồng trong môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam_Nguồn: Trang Phan
 

Thay lời kết

Xây dựng mối quan đối tác tốt giữa Trường ĐH và cộng đồng là một trong những yếu tố quyết định trong thành công của mô hình học tập tại Hòa Bắc. Trong suốt thời gian dài liên tục tương tác với nhiều hoạt động, mối quan hệ này cũng trở nên gần gũi, đa dạng và đạt được sự đồng thuận trong việc ra quyết định với những kế hoạch đồng triển khai tại địa phương (Robert G. Bringle and Patti H. Clayton, 2013). Bên cạnh việc tiếp tục các chuỗi hoạt động, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng còn nỗ lực kết nối những hợp tác, hỗ trợ khác từ các trường ĐH , tổ chức phi chính phủ và các đối tác trong và ngoài nước khác cùng tham gia, tạo thành một hệ sinh thái học tập và hợp tác giữa các đối tác. Có thể thấy, mô hình CEL/SL là một cầu nối tiềm năng. Một trường ĐH tập trung vào việc gắn kết với cộng đồng địa phương sẽ định hướng lại các sứ mệnh cốt lõi của học thuật – giảng dạy xoay quanh việc chuyển hóa cộng đồng.

ThS.KTS. Phan Trần Kiều Trang
Trung tâm Học tập Gắn kết Cộng đồng – Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng(CELC-DAU)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 08-2021)