Nhận dạng Cảnh quan Kiến trúc Hồ Gươm

30/08/2021 Lượt xem : 503

Sinh viên Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham quan thực tế tại Tập đoàn Triệu Điền: Hành trình khám phá cây xanh và không gian xanh
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
 

Hồ Gươm không tạo dòng chảy nhờ các con sông, nhưng lại tạo dòng chảy của cuộc sống đô thị bao quanh nó.

Hồ Gươm không tạo dòng chảy nhờ các con sông, nhưng lại tạo dòng chảy của cuộc sống đô thị bao quanh nó.

Đặt vấn đề
Các đô thị của phương Tây thường tạo điểm nhấn cho không gian trung tâm bằng những tòa nhà cao tầng, hoặc những công trình kiến trúc cổ tọa lạc trên các quả đồi cao trong thành phố.

Ngược lại, Hà Nội lại tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm cũ bằng mặt hồ nước thanh tịnh của Hồ Gươm. Hồ Gươm không tạo dòng chảy nhờ các con sông, nhưng lại “tạo ra” dòng chảy của cuộc sống đô thị bao quanh nó. Đó chính là đặc điểm hấp dẫn của cảnh quan thiên nhiên bé nhỏ của Hà Nội, chứa đựng sức lôi cuốn đối với không chỉ cộng đồng cư dân thành phố mà cả những người khách nước ngoài.

Bản đồ quy hoạch Hà Nội 1898
Bản đồ quy hoạch Hà Nội 1898

Bản đồ quy hoạch Hà Nội 1920
Bản đồ quy hoạch Hà Nội 1920

Giá trị văn hóa và lịch sử của Hồ Gươm đã được các nhà nghiên cứu lịch sử nhắc tới nhiều, thậm chí đã được một KTS thành danh của Hà Nội đưa vào trong bài hát nổi tiếng Truyền thuyết Hồ Gươm.

Tuy nhiên, cần phải nhận dạng rõ những giá trị khác của Hồ Gươm dưới góc độ phân tích vị trí địa điểm cũng như đặc trưng hình thái kiến trúc, quy hoạch và cảnh quan nhằm bảo tồn và phát huy giá trị một danh thắng có một không hai của Hà Nội trong quá trình biến đổi và phát triển mạnh mẽ.

Trước hết, cần phải nhận thấy rằng: Từ trong lịch sử, hệ thống mặt nước của Thăng Long Hà Nội đã được hình thành vô cùng phong phú và đa dạng. Trong quá trình biến đổi có 3 yếu tố mặt nước có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của Hà Nội. Đó là sông Hồng, Hồ Tây và Hồ Gươm.

Trong 3 yếu tố nước đó, Hồ Gươm là bé nhất, dễ thương và gần gũi nhất. Nó nằm lọt ở trung tâm phố Cổ, phố Cũ và kết nối sang phố Tây. Hình thái của Hồ Gươm có dạng thuôn dài, mà ở hai đầu của Hồ có hai kiểu tổ chức không gian công cộng khác nhau. Đó là điểm rất đặc biệt của cảnh quan không gian Hồ Gươm.

Phía Bắc Hồ Gươm có một không gian mở - Quảng trường - là điểm đến của những tuyến đường dẫn từ khu phố cổ
Phía Bắc Hồ Gươm có một không gian mở – Quảng trường – là điểm đến của những tuyến đường dẫn từ khu phố cổ

1. Phía Bắc Hồ Gươm có một không gian mở – Quảng trường – là điểm đến của những tuyến đường dẫn từ khu phố cổ, điển hình là 2 tuyến: Hàng Ngang – Hàng Đào, và Hàng Cân – Lương Văn Can.

Cả 2 tuyến phố này đều kết nối với các khu vực buôn bán sầm uất của một thành phố Kẻ Chợ. Đó là một chuỗi các chợ: Chợ Đêm, Chợ “Phố”, Chợ Đồng Xuân, Chợ Đầu cầu Long Biên… mà tính chất của nó là: Chật chội, đông đúc và náo nhiệt, gắn liền với phần “Thị” của Đô thị. Nhưng nó lại như một dòng chảy của cuộc sống cư dân Phố cổ tỏa đến không gian Hồ Gươm. Dòng người tỏa đến Hồ Gươm vào mỗi buổi bình minh như để tận hưởng sự trong lành của cây, cỏ, hoa và khí trời có chút hơi nước buổi sớm, để bắt đầu cho một ngày mới. Và dòng người lại đến với Hồ Gươm khi hoàng hôn xuống như để rũ hết buồn phiền và mệt mỏi sau một ngày làm việc. Hồ Gươm như một không gian ký ức và biết ơn cho những người đã từng sống một cuộc sống khó khăn trong những năm tháng chiến tranh…

Trong hai tuyến phố tỏa ra Hồ Gươm, tuyến Hàng Ngang – Hàng Đào đóng một vai trò hết sức quan trọng với điểm kết của nó là Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa thục lịch sử. Đã có những đồ án dự thi quốc tế về khu vực này, nhưng hình chưa phải là của nó – một khoảng trống, khoảng mở kề cận Hồ Gươm. Người Pháp đã tạo một đài phun nước ở đây để nếu đi từ phố cổ ra Hồ, người ta sẽ nhìn thấy những tia nước được phun lên ở phía trước một mặt nước.

Tất cả các con phố chật chội và đông đúc đi từ trong khu vực phố cổ, kể cả Hàng Gai, Ngọc Khánh, cho tới Đinh Liệt, Cầu Gỗ đều được giải tỏa ức chế khi gặp Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục và Hồ Gươm. Quảng trường này có những nét của châu Âu, có khoảng trống, có Đài phun nước, có công trình chủ đạo là Tòa nhà Long Vân – Hồng Vân, được xem như phần “Đô” của Đô thị, để cân bằng hóa cái chất “Thị” đang trào ra từ các ô phố cổ. Vì vậy, trước sau cũng phải biến không gian này thành một Quảng trường thực sự, chứ không phải đơn thuần một Vòng xuyến giao thông.

Ở một góc nhìn khác, tuyến đường thứ 2: Lương Văn Can – Hàng Cân hướng tới Hồ Gươm chưa thực sự phát huy tác dụng là bởi vì nó chưa được kết nối với quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục. Hiện nay nó chỉ đóng vai trò như một tuyến đường chia sẻ lưu lượng giao thông cho tuyến Hàng Ngang – Hàng Đào. Mặc dù trong những dịp lễ hội của Thành phố, cả 2 tuyến phố này đều có mật độ giao thông ngang nhau, nhưng tuyến Lương Văn Can gần như tắc nghẽn bởi chúng không được kết nối với Quảng trường Đông Kinh Nghĩa thục, cũng như bị chặn không nhìn thấy không gian mặt nước Hồ Gươm. Giá như toàn bộ tầng 1 tòa nhà “Long Vân – Hồng Vân” được để trống; giá như cái lô đất nhỏ đó được cân nhắc một cách thật sự về chức năng sử dụng và tổ chức không gian; giá như có thể tạo sự kết nối giữa tuyến Lương Văn Can phía sau với Quảng trường ở phía trước… thì chúng ta sẽ có một không gian liên thông – mở. Và Hà Nội sẽ có một không gian đẹp nhất thế giới. Hiện nay, thành phố đang cân nhắc tới việc xây dựng một tòa nhà đối diện nhà Thủy Tạ. Nếu tòa nhà này được xây dựng, thì nó sẽ là dấu chấm hết của chuỗi không gian mở bao quanh và hướng tới Hồ Gươm. Cần phải rất thận trọng, cho dù công trình xây dựng ở khu vực này đem lại lợi nhuận rất cao, nhưng giá trị cảnh quan và giá trị không gian Hồ Gươm là vô giá, và thật đáng tiếc nếu lại bị chặn một lần nữa.

Phía Nam Hồ Gươm có một không gian mở - không phải Quảng trường, mà là Không gian Xanh ven hồ - là điểm đến của những tuyến đường dẫn từ khu phố Pháp
Phía Nam Hồ Gươm có một không gian mở – không phải Quảng trường, mà là Không gian Xanh ven hồ – là điểm đến của những tuyến đường dẫn từ khu phố Pháp

2. Ngược lại, phía Nam Hồ Gươm có một không gian mở – không phải Quảng trường, mà là Không gian Xanh ven hồ – là điểm đến của những tuyến đường dẫn từ khu phố Pháp, điển hình là 2 tuyến dọc Phố Huế – Bà Triệu và 1 tuyến ngang là Tràng Tiền – Hàng Khay.
Nếu như phía Bắc Hồ Gươm có Quảng trường kết nối với Khu phố cổ, thì phía Nam Hồ Gươm có không gian Xanh kết nối với Khu phố Pháp. Thậm chí ngày xưa tại khu vực này còn có một cái Quán nhỏ bán hoa tươi nằm ở góc đường (khu vực Đồng hồ đếm ngược hiện nay). Người Pháp đã để thoáng một không gian xanh ở khu vực này – như một điểm kết của các tuyến phố bố cục theo mạng kẻ ô, góp phần làm mềm hóa một kiểu hình thái kiến trúc phương Tây, với các tuyến đường thẳng, với các tòa nhà lớn, vỉa hè rộng…
Nếu như trường hợp ở phía Bắc Hồ Gươm, Quảng trường và Đài phun nước tạo hiệu quả thoáng, mở, làm Âu hóa không gian phố cổ đậm chất phương Đông; thì ở phía Nam, thảm cỏ và nhà bán hoa tươi làm mềm hóa không gian khu phố Pháp đậm chất phương Tây. Chúng được xem như phần “Thị” của Đô thị, để cân bằng hóa cái chất “Đô” đang trào ra từ các khu phố Pháp. Đây là một hình thái tương phản với đầu hồ nước phía kia, là đặc điểm thú vị của sự đa dạng hình thái Hồ Gươm, để chúng ta lưu ý tuyệt đối không chất tải các công trình kiến trúc tại nơi đây. Nếu có thể, hãy khôi phục lại Nhà bán hoa tươi ở khu vực này thì sẽ có thêm một cảnh quan ký ức.

Cảnh quan xung quanh Hồ Gươm là sự kết hợp của cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc.
Cảnh quan xung quanh Hồ Gươm là sự kết hợp của cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc.

3. Không gian tuyến đường vòng bao quanh Hồ Gươm.
Cảnh quan xung quanh Hồ Gươm là sự kết hợp của cảnh quan thiên nhiên và cảnh quan kiến trúc. Hồ Gươm đẹp một cách giản dị, vẻ đẹp khiêm nhường và tao nhã. Cây xanh và mặt nước đến với nhau một cách tự nhiên mà không hề ép buộc. Cây xanh tỏa bóng mát nhưng không che khuất tầm nhìn, cây xanh nghiêng mình rủ bóng xuống mặt nước Hồ Gươm, cây xanh tạo hình thái phân lớp ở khu vực Đền Ngọc Sơn và cây xanh tạo hương sắc trên các tuyến đi dạo ven hồ.

Không gian Hồ Gươm vẫn còn may mắn giữ lại được những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, là những kiến trúc nhỏ tản mạn bao quanh hồ. Chúng có vẻ biết cách khép mình để trở thành một phần của cảnh quan thiên nhiên. Bên kia đường, các dãy nhà mặt phố được cải tạo lại đã có ý thức về sự hiện diện của mình trong một không gian được cả thế giới viếng thăm. Chính quyền thành phố biết Hồ Gươm hấp dẫn nên đã quan tâm cải thiện chất lượng cảnh quan kiến trúc khu vực trung tâm. Nhưng nhiều tác phẩm mới đang bị nhầm lẫn với cái chất của Hồ Gươm. Liệu có nên tạo điểm nhấn bằng sự hoành tráng, tương phản, bằng các công trình xây dựng quy mô, hiện đại? Liệu có nên dùng màu sắc và ánh sáng lòe loẹt ở khu vực này? Đối với Hồ Gươm, chúng ta nên hạn chế yếu tố nhân tạo trong tổ chức cảnh quan thiên nhiên. Không nên sử dụng các “ Hàng rào hoa khẩu hiệu” dọc tuyến đi dạo, làm chật không gian đi bộ và làm chặn lại hướng nhìn ra mặt Hồ Gươm, làm khô cứng những tuyến đường uốn quanh Hồ Gươm. Có nhiều cách để làm truyền thông và quảng cáo tốt hơn là việc sắp xếp các chậu hoa đặt nghiêng trên tuyến đường đi dạo.

Hà Nội có truyền thống văn minh, thanh lịch. Không gian kiến trúc Hà Nội không có sự kỳ vĩ. Nó là những mảng hình thái chia cắt, đa dạng và đầy màu sắc. Phải hiểu rõ điều đó trước khi can thiệp và cải tạo không gian Hồ Gươm.

Việc tạo dựng không gian sắp đặt bao quanh Hồ Gươm cần phải có ý đồ quy hoạch và thiết kế đô thị. Những mong muốn chất tải lên không gian này các nội dung chính trị, văn hóa, lịch sử cần phải được cân nhắc để tạo một hình ảnh thân thiện, văn minh và bản sắc, có sự kết hợp của KTS cảnh quan.

Kết luận:
Để bảo tồn và phát huy giá trị thắng cảnh Hồ Gươm không phải chỉ cần nhiệt huyết, mà còn cần sự thận trọng và hiểu biết. Một chi tiết nhỏ có thể làm hỏng cả một tổng thể lớn. Vì vậy Hà Nội cần tổ chức các trao đổi với cộng đồng, cũng như các chuyên gia trước khi định cải tạo hoặc làm mới không gian Hồ Gươm.

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi
Viện QH và KTĐT, Đại học Xây dựng