Phát triển nâng cao chất lượng cảnh quan sinh thái tại Hà Nội

30/11/2021 Lượt xem : 342

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới

Phát triển đô thị và kinh tế đô thị đã phần nào làm cư dân lãng quên vấn đề chất lượng môi trường sống. Giải pháp cho vấn đề này chính là phát triển và nâng cao hơn nữa các giá trị sinh thái tự nhiên đang có trong lòng đô thị.

Với phạm vi của bài báo này, tác giả chỉ trình bày một góc nhìn đối với cảnh quan sinh thái đô thị như một không gian mở công cộng, giúp nâng cao chất lượng môi trường sống cho cư dân cũng như thẩm mỹ cho Hà Nội.

Cảnh quan sinh thái và sinh thái cảnh quan

Từ những thập kỷ 70 của thế kỷ 20, chúng ta đã chứng kiến sự kết hợp của nhiều lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, xuyên ngành có liên quan tới môi trường và con người, trong đó có ngành cảnh quan học và sinh thái học. Sự kết hợp của những ngành khoa học này với những mức độ khác nhau đã hình thành ra các ngành khác như: Sinh thái cảnh quan (STCQ) và Cảnh quan sinh thái (CQST). Sự khác biệt giữa STCQ và CQST là một bên nghiên cứu hệ sinh thái và chức năng của hệ sinh thái cụ thể trong các cảnh quan (các hệ sinh thái (HST) có thể bao trùm hoặc không bao trùm lên toàn bộ CQ), còn một bên nghiên cứu cảnh quan và chức năng sinh thái tổng hợp của tất cả các hệ sinh thái đang tồn tại và phát triển trên toàn bộ cảnh quan. Cả hai ngành đều là khoa học trung gian giữa sinh thái và cảnh quan, trong đó STCQ thuộc về sinh thái còn cảnh quan sinh thái thuộc về CQ nhiều hơn. [1]. Trong đó, các KTS sẽ quan tâm nhiều hơn đến chức năng cung cấp dịch vụ của hệ sinh thái, là các chức năng kinh tế, xã hội, môi trường, thẩm mỹ của cảnh quan có thể được chúng ta lựa chọn khai thác ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, có thể hiểu CQST là góc độ nghiên cứu mang tính tổng thể về các mối quan hệ vô sinh, hữu sinh trong cảnh quan. Trong khi đó, STCQ tập trung nhiều hơn tới HST cụ thể trong cảnh quan, do đó gần với sinh thái học nhiều hơn.

Từ khái niệm trên, cho thấy CQST đô thị là cảnh quan nhân văn với con người là trung tâm. Con người khai thác và tạo ra các dịch vụ gia tăng của cảnh quan, cũng đồng thời là đối tượng chịu tác động của cảnh quan đó trong một mối quan hệ tổng hòa. Các yếu tố cây xanh, mặt nước …trong đô thị với sự cố gắng gia tăng về diện tích sẽ không có nhiều ý nghĩa khi nó không được phục vụ cho chính người dân đô thị. Các TP đang biến đổi nhanh chóng, thách thức tính bền vững của cảnh quan, tài nguyên và dịch vụ HST trong đô thị. Các dịch vụ cảnh quan bị thay thế do nhiều tác động chủ quan của con người, đôi khi đi ngược với xu hướng của phát triển đô thị bền vững. Bài toán giữa lợi ích kinh tế ngắn hạn và lợi ích dài hạn đối với chất lượng môi trường sống luôn là một bài toán khó.

Vai trò của cảnh quan sinh thái với phát triển đô thị bền vững

Những năm đầu của thế kỷ 21, xu hướng phát triển đô thị bền vững là mong muốn chiếm ưu thế trên toàn cầu. Bên cạnh các chỉ số tăng trưởng kinh tế trong đô thị, các chỉ số phát triển con người cũng được quan tâm, làm thước đo cho chất lượng sống của người dân đô thị. Một trong những yếu tố quan trọng của chất lượng sống đô thị chính là sự tồn tại của CQST đô thị, là hình ảnh trực quan nhất cho chất lượng sống. Nếu ở thế kỷ trước, các công trình cao tầng luôn là biểu tượng giàu có và được nhiều đô thị hướng tới thì ngày nay, mối quan tâm lại là những không gian mở tự nhiên mới là biểu tượng cho sự giàu có và chất lượng sống của người dân.

Ảnh hưởng của đô thị hóa với hệ thống cảnh quan sinh thái Hà Nội
 

Như vậy, có thể thấy, hình ảnh của đô thị phát triển bền vững được phản ánh qua CQST đô thị, còn CQST của đô thị lại được phản ánh qua hình ảnh vui tuơi, nhộn nhịp các không gian mở công cộng trong đô thị. Nói đến CQST đô thị, chúng ta không chỉ nói đến cây xanh mặt nước , mà còn phải nói đến sự thu hút đa dạng phong phú các tầng lớp dân cư trong xã hội đến tham gia các hoạt động. Chính vì vậy, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động trong các không gian xanh (bao gồm cây xanh và mặt nước) chính là nâng cao chất lượng CQST trong đô thị. Cao hơn nữa là tăng cường khả năng kết nối không gian xanh giúp hình thành mạng lưới hạ tầng xanh bên cạnh sự phát triển của HTKT đô thị.

1. Sơ đồ nguyên tắc hình thành các công viên đô thị; 2) công viên, mảng xanh cấp đô thị; 3) công viên trong KĐTM Gamuda
 

Thực trạng cảnh quan sinh thái tại Hà Nội

Phát triển đô thị Hà Nội thành một đô thị bền vững luôn là mong muốn của chính quyền và người dân Hà Nội.

Nhìn lại hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, các hồ…của Hà Nội tập trung chủ yếu tại vành đai 1 (là khu vực cổ và cũ), mặc dù sau này cũng đã có nhiều ao hồ, nhánh sông nhỏ đã bị lấp đi một cách đáng tiếc để đổi lấy diện tích giao thông và ở. Đa số các công viên, vườn hoa, hồ …tập trung tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ. Còn các quận mới thành lập tuy có ưu thế về đất đai, ao hồ tự nhiên nhưng đáng tiếc là đã không có được sự quan tâm đúng mức cho CQST tại các khu vực này. Thực tế là thủ đô của chúng ta đã được mở rộng gấp 3 lần, trong đó cần kể đến những khu vực phát triển khác nhau tùy theo bối cảnh lịch sử của từng thời kỳ. Nếu coi mặt bằng tổng thể Hà Nội là một cái cây thì phần lõi của nó là khu vực đặc thù của 4 quận nội thành cũ. Những khu vực phát triển sau này là từ vành đai 2 đến vành đai 3, gần đây nhất là khu vực vành đai 4 với điểm bắt đầu, kết thúc bằng những cây cầu mới xây. Tuy nhiên, sự mở rộng của Hà Nội lại đi theo hướng ngược chiều, thu hẹp CQST. Đây chính là thực tại cần phải xem xét để có giải pháp điều chỉnh giúp Hà Nội cân bằng lại môi trường sống. Nhiều khu đô thị mới được xây dựng, nhưng các không gian cây xanh mặt nước chủ yếu chỉ được khai thác cho cư dân của KĐT, do đó hình thành các không gian xanh bị phân mảnh, chỉ thu gọn cho một nhóm cư dân, hình thành các ốc đảo riêng biệt tách rời khỏi đô thị… phần nào hạn chế sự phát triển chung của CQST đô thị cũng như những đóng góp của các KĐTM vào hình ảnh của đô thị bền vững.

1. Sơ đồ nguyên tắc hình thành các công viên đô thị; 2) công viên, mảng xanh cấp đô thị; 3) công viên trong KĐTM Gamuda
 
Sự trái ngược trong quan điểm phát triển đô thị. Ảnh 1 và 2 là cảnh quan suối Cheonggye, Seoun Hàn Quốc được phục hồi. Ảnh 3 là khu đô thị Linh Đàm
 

Điều này tạo ra một nghịch lý là hình ảnh của CQST khó nhận biết được tại các khu vực đô thị mới phát triển, trong khi đây lại là khu vực phát triển mới, rất thuận lợi cho phát triển CQST. Nếu xét dưới góc độ quy mô của đô thị, CQST phải được thể hiện tại các không gian mở tự nhiên cấp đô thị, không phải chỉ ở một số lượng không gian mở tự nhiên chỉ có trong các khu ở mới. Điều đáng tiếc là nhiều không gian sinh thái trong lòng Hà Nội đã bị biến mất hoặc dần biến dạng dưới áp lực của kinh tế bất động sản. Cái lợi chỉ cho một số nhỏ, còn cái hại thì cộng đồng chịu thiệt hại. Có thể lấy ví dụ như bán đảo Linh Đàm, trước khi phát triển, phát triển giai đoạn đầu và sau này đã không còn được như mong muốn của cộng đồng: Trước năm 1997, khi chưa có dự án khu đô thị Linh Đàm chúng ta đã có một khu CQST rất giá trị trong lòng Hà Nội. Nếu theo đúng quy hoạch, chúng ta cũng sẽ có một khu vực dân cư 200 ha, trong đó diện tích xây dựng chỉ chiếm 1/3, còn lại là không gian thiên nhiên. Nhưng hiện nay chúng ta đã không quản lý được như mong muốn.

Ngược lại, tại Seoun, Hàn Quốc, người ta đã tháo bỏ con đường cao tốc chạy qua trung tâm để phục hồi đoạn suối Cheonggye đã bị lấp trước đó để có được một hình ảnh CQST trong lòng đô thị. Đây là dự án rất tốn kém về kinh tế, nhưng kết quả thu được lại không phải là lợi nhuận của tiền bạc, mà là sự hài lòng của người dân, của cộng đồng. Có lẽ đây có thể là điều chúng ta cần xem lại để tránh những hậu quả khó có thể khắc phục hoặc khắc phục với chi phí lớn hơn nhiều lần lợi ích trước mắt. Thay cho việc lấp kênh mương làm đường đi, bãi để xe…hoặc lấp hồ, ao để xây dựng công trình, chúng ta cần có những quan điểm phát triển bền vững hơn, với tầm nhìn về lợi ích dài hạn hơn. Muốn vậy, sự phát triển của đô thị phải lấy con người làm trung tâm, trong đó chất lượng môi trường sống được thể hiện qua các không gian mở công cộng là những CQST trong đô thị. Như vậy, diện tích cây xanh, mặt nước cũng chỉ là hình thức của cảnh quan sinh thái. Phần nội dung cần hơn nữa chính là các hoạt động có thể thu hút cộng đồng tham gia.

Nếu chúng ta mới chỉ chú trọng tới tăng diện tích cây xanh, mặt nước mà coi nhẹ sự phát triển các hoạt động cộng đồng sẽ là một thiếu sót lớn trong việc tạo dựng CQST đô thị.

Phát triển và nâng cao chất lượng cảnh quan sinh thái tại Hà Nội

Những minh chứng cho các hoạt động thiếu hiệu quả của công viên – một thành phần của cảnh quan sinh thái trong lòng đô thị (Từ trái sang phải là công viên Thống nhất, công viên hồ Đền Lừ và công viên Tuổi Trẻ)
 

Hà Nội là một TP trong sông, do đó hệ khung sinh thái của Hà Nội sẽ là sông Hồng và những kênh mương, hồ nước có nguồn gốc được sinh ra từ dòng sông đó. Sự hình thành những công viên sinh thái ven sông sẽ giúp tạo ra hình ảnh một Hà Nội thân thiện với môi trường. Sự hình thành CQST ven các hồ, kênh mương sẽ giúp liên kết các mảng xanh trong một hệ thống, có tác dụng như một hạ tầng xanh, hỗ trợ cho HTKT, HTXH của đô thị. Với quy hoạch mở rộng Hà Nội, từ vành đai 3 đến 4 chúng ta đã có một hành lang xanh, bên cạnh đó là các nêm xanh có thể tiếp cận đến vành đai 3. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có các giải pháp quản lý tốt hoặc định hướng quy hoạch, thiết kế đô thị như một công cụ bảo vệ thiên nhiên một cách hiệu quả, có thể sẽ có những “Linh Đàm” tiếp theo. Bên cạnh những khu vực đô thị mới, chúng ta cũng cần chỉnh trang và nâng cao hiệu quả của các khu vực cây xanh, mặt nước trong khu vực đô thị cũ. Nghĩa là cần củng cố giữ gìn, nâng cao hiệu quả CQST tại khu vực cũ và định hướng phát triển CQST tại các khu vực dự kiến phát triển mới của đô thị với hình ảnh tiêu biểu là CQST cùng với các không gian công cộng thân thiện với con người.

  • Trong khu vực nội thành cũ, cần chỉnh trang và bổ sung hệ thống cây xanh tại các khu vực công viên, vườn hoa, các dải cây xanh ven hồ và trên các tuyến phố chính đô thị. Cần tận dụng tối đa các diện tích có thể trồng cây xanh hoặc thảm cỏ. Những diện tích không đủ lớn thì phủ cỏ, tăng bề mặt thấm của vỉa hè tại các tuyến phố đông dân cư. Chỉ nên lát đá tại một số khu vực tập trung không gian mở và các công trình công cộng, nơi có vỉa hè lớn, có thể trồng cây bóng mát để hạn chế bức xạ mặt hè;
  • Không gian xanh sẽ có thể bị hoang hóa và lấn chiếm nếu thiếu các hoạt động của cộng đồng, do đó bên cạnh việc nâng cao chất lượng không gian xanh, cần có các tiện nghi hợp lý đối với các quy mô không gian khác nhau để thu hút cộng đồng tới tham gia sinh hoạt. Đặc biệt, cần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả của các công viên – là các không gian xanh hiếm hoi còn lại trong lòng đô thị cũ. Như trên đã nói, CQST trong đô thị chỉ có thể phát huy hiệu quả thực chất khi được cộng đồng quan tâm sử dụng và tham gia bảo vệ. Không nên quan niệm đơn giản CQST đô thị chỉ là các không gian xanh;
  • Một số tuyến phố có vỉa hè lớn và cây xanh bóng mát, cần có thêm các tiện nghi nghỉ ngơi, ngắm cảnh và các hoạt động khác cho người dân đi qua phố đó;
  • Các khu vực CQST đô thị thường là cơ sở cho việc hình thành các không gian mở công cộng, được sử dụng chung cho tất cả mọi người, tuy nhiên việc các không gian công viên, vườn hoa, mặt nước hình thành trong KĐTM dưới sự quản lý của các chủ đầu tư có thể dẫn đến sự phân hóa xã hội. Hậu quả của các cảnh quan tự nhiên “khép kín” là hạn chế đóng góp cho chất lượng môi trường cũng như thẩm mỹ đô thị chung, do đó cần quan tâm kết nối hệ thống này với hệ thống của đô thị;
  • Tại những khu vực phát triển đô thị mới, chính quyền cần đánh giá các khu vực có tiềm năng hình thành công viên, mặt nước, cây xanh tập trung trước khi giao đất đầu tư, để các không gian mở sinh thái đó thuộc về hệ thống không gian mở tự nhiên của đô thị;
  • Khôi phục, cải tạo và xử lý ô nhiễm các tuyến kênh mương hiện có, hình thành sự kết nối với các khu vực hồ nước, công viên để hình thành khung xanh tự nhiên trong lòng Hà Nội. Đây là việc làm không dễ, đòi hỏi kinh phí và thời gian…Nhưng nếu chúng ta quan tâm từ ngay bây giờ thì chúng ta sẽ dần tạo nên một Hà Nội với CQST cho một đô thị phát triển bền vững.
  • Trong xã hội phát triển kinh tế thị trường, các mối quan hệ về lợi ích luôn đan xen nhau, do đó cần hình thành thực chất mối quan hệ tam giác giữa nhà đầu tư – nhà nước và cộng đồng. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về quy hoạch, kiến trúc, góp phần làm đẹp không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và hạn chế các hành vi vi phạm. Đại diện của cộng đồng dân cư hoặc cá nhân được quyền giám sát các hoạt động của chính quyền đô thị trong việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị cũng như trong việc bảo vệ, khai thác, cảnh quan đô thị theo quy định của pháp luật, chúng ta sẽ tiến tới gần hơn một đô thị bền vững
Khung thiên nhiên của Hà Nội.
 

Kết luận

  • CQST đô thị là cảnh quan nhân văn, là thước đo chất lượng sống của người dân đô thị. Phát triển và nâng cao hiệu quả CQST đô thị là một tiêu chí quan trọng hướng đến xây dựng một đô thị phát triển bền vững;
  • CQST đô thị chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được gắn với các hoạt động cộng đồng. Việc gia tăng các diện tích xanh trong đô thị sẽ không có nhiều ý nghĩa khi không có sức thu hút cộng đồng tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ;
  • Đô thị Hà Nội được thiên nhiên ban tặng cho một hệ sinh thái sông nước với một khung tự nhiên đã hình thành bởi mối quan hệ sông-hồ-kênh mương. Công nghiệp hóa và đô thị hóa đang phủ lên trên đó một lớp bụi mà chúng ta cần có thời gian để làm sạch trở lại, giúp cảnh quan của Hà Nội không chỉ có bản sắc của lịch sử với hình ảnh phố cổ, phố cũ, mà còn là bản sắc của thiên nhiên với CQST sông hồ trong lòng TP;
  • CQST Hà Nội có thể chia làm 2 khu vực là khu vực nội thành cũ (trong vành đai 1, 2) và các khu vực phát triển mở rộng mới từ sau vành đai 2,3,4). Với các khu vực nội thành cũ nên tập trung chỉnh trang, nâng cao hiệu quả sử dụng của các CQST đã có (gồm các đoạn sông, hồ, vườn hoa, công viên , các tuyến cây xanh đường phố có giá trị thẩm mỹ cao…), tạo các điều kiện tiện nghi bên trong và khả năng tiếp cận thuận lợi tới cộng đồng. Tại khu vực mở rộng, bên cạnh giữ gìn ý tưởng vành đai xanh, chính quyền nên có các định hướng quy hoạch trước các công viên, cây xanh, mặt nước cùng với vùng đệm sinh thái của các cảnh quan đó trước khi thực hiện các quy hoạch khác.

Nên có sự kết hợp phát triển hạ tầng xanh với HTKT và HTXH một cách hài hòa tại các khu vực mở rộng mới của đô thị, trong đó CQST không gian sông Hồng sẽ là trục cảnh quan chính, giúp hình thành một CQST cho Hà Nội.

PGS.TS.KTS Nguyễn Nam
Trường ĐH Xây dựng Hà Nội
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2021)


Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thế Thôn, 1993. Bàn về sinh thái cảnh quan và cảnh quan sinh thái, Thông báo khoa học Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, Tập II, chuyên san Sinh học – Địa lý, Hà Nội.
2. Luận văn cao học , ĐHXD, 2015 Kết quả khảo sát cây xanh mặt nước tại Hà Nội
3. Tổng hội xây dựng, viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, báo cáo tổng kết đề tài 01C-04/03-2014-2,
4. Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman – Hoa Kỳ, POSCO E&C và JINA – Hàn Quốc)
5. Webside https://urban-regeneration.worldbank.org/Seoul