THIẾT KẾ HIỆU ỨNG MẶT NƯỚC TRONG TỔ CHỨC KIẾN TRÚC CẢNH QUAN HIỆN ĐẠI

12/07/2023 Lượt xem : 1148

Bài viết có nội dung nghiên cứu chủ yếu về việc nhấn mạnh lại giá trị lợi ích và hiệu ứng mà mặt nước mang lại về khía cạnh môi trường – con người – thẩm mỹ, góp phần làm nâng cao chất lượng không gian sinh sống, làm việc và hưởng thụ giải trí của con người. Qua đó, với góc nhìn tổng thể hơn về tư duy thiết kế trong việc tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại, bài viết tập trung ở phạm vi các loại hình không gian có quy mô vừa và nhỏ

CÁC CÔNG NGHỆ KHẢO SÁT VÀ PHÂN TÍCH CẢNH QUANTHÔNG QUA HÌNH ẢNH BẢN ĐỒ
Talkshow " Truyền thống và Ý tưởng: Thách thức và Xu hướng Thiết kế Cảnh quan và Không gian mở tại Hungary"
THÔNG BÁO TỔ CHỨC THI MÔN VẼ MỸ THUẬT - KỲ TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2024
Ngành Kiến trúc cảnh quan khát nhân lực vì công ty, doanh nghiệp cần nhân sự này
BUỔI TỌA ĐÀM "LỰA CHỌN DANH MỤC CÂY XANH CHO DỰ ÁN"
  1. GIỚI THIỆU

Mặt nước là một trong những thành tố tự nhiên quan trọng và cần thiết trong loại hình cảnh quan tự nhiên và nhân tạo. Các yếu tố vật chất trên thế giới tồn tại, phụ thuộc liên tục vào nước. Con người thường bị thu hút bởi mặt nước vì đó là nhân tố chính của sự sống. Trong thiết kế kiến trúc cảnh quan đô thị trước và nay, mặt nước là một công cụ chìa khóa được sử dụng và khai thác nhiều với mục đích mang thiên nhiên gần đến với con người, tạo nên các giá trị đa chiều về môi trường, con người, thẩm mỹ. Sự xuất hiện của mặt nước với các tính năng đa dạng làm tăng chất lượng của không gian sống, chủ yếu bằng cách tạo hiệu ứng ấn tượng và đem đến sự thư giãn.

 

Hình 1: Minh họa về không gian vườn trong nhà ở có sự xuất hiện của nước [ST]

Trong lịch sử kiến trúc cảnh quan, nước đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan trong không gian sống ở các nền văn hóa. Việc sử dụng yếu tố nước được chứng minh trong nhiều khu vườn cảnh nổi tiếng ở Ai Cập, Babylon, Hy Lạp, Trung Quốc… các dự án cảnh quan nổi tiếng: Taj Mahal, Bảo tàng Louvre, Central Park, Ueno Park … Còn xu thế hiện đại ngày nay trong thiết kế kiến trúc cảnh quan, yếu tố mặt nước tiếp tục hiện diện theo nhiều hình thức đa dạng và các kịch bản khác nhau.

Đối với các đô thị trung tâm chật chội, nóng bức và thiếu các không gian thiên nhiên như tp. Hà Nội, tp. Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác ở Việt Nam, việc khai thác yếu tố mặt nước cần được thiết kế bài bản và được sự quan tâm của các cấp quản lý, ban ngành chuyên môn.

  1. VAI TRÒ CỦA MẶT NƯỚC TRONG KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN ĐÔ THỊ HIỆN NAY

Nước hiện diện ở nhiều cấp độ quy mô khu vực, nó có thể là ao, suối, hồ bơi, thác nước, bể sinh học, đài phun nước, tường nước… Nếu được áp dụng vào đúng khu vực với quy mô phù hợp, mặt nước sẽ phát huy được hết các giá trị về khía cạnh môi trường – con người – thẩm mỹ không gian, cụ thể:

  • Giá trị môi trường
  • Nước là yếu tố nằm trong vòng tuần hoàn của tự nhiên, góp phần tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh.
  • Có tác dụng cải thiện vi khí hậu, làm mát không gian.
  • Nước cùng với các đặc điểm, tính năng của nước góp phần thúc đẩy các phẩm chất phục hồi của môi trường.
    • Giá trị nhân văn (con người)

Nước mang đến các giá trị ngắn hạn và dài hạn về hỗ trợ phục hồi tâm lý và sức khỏe cộng đồng.

  • Nước là yếu tố có thể tương tác và kích thích được với mọi giác quan của con người. Nổi bật nhất là hiệu ứng thị giác, thính giác.
  • Mặt nước thu hút thị giác về sự tương phản, màu sắc, hiệu ứng phản chiếu hình ảnh, soi bóng, ánh sáng, nhân bản, đối xứng, nhịp điệu…
  • Nước động tạo ra sự thú vị về hiệu ứng âm thanh. Các tiếng giọt bắn, róc rách, sủi bọt rất quan trọng, đôi khi còn góp phần làm giảm ô nhiễm tiếng ồn đô thị.
  • Ngoài ra, nước giúp giải tỏa căng thẳng, cải thiện sức khỏe và tâm lý cho con người.
    • Giá trị thẩm mỹ
  • Khắc phục sự đơn điệu trong không gian kiến trúc cảnh quan.
  • Tạo yếu tố điểm nhấn trong cảnh quan.
  • Tạo hiệu ứng thị giác đa dạng về phản xạ, phản chiếu, chiều sâu các lớp không gian.
  1. THỰC TRẠNG TẠO DỰNG YẾU TỐ MẶT NƯỚC TRONG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN

Khi khảo sát việc thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan, tác giả nhận thấy nhiều chủ đầu tư, doanh nghiệp, kiến trúc sư cảnh quan ít chú trọng đến việc tạo dựng hình ảnh mặt nước do các lý do phức tạp về tài chính, thi công xây dựng, vận hành và bảo dưỡng. Thực tế hiện nay thiết kế của kiến trúc sư đề xuất có yếu tố mặt nước như (Quảng trường nước, bể tràn, đài phun nước…) khá khó khăn trong quá trình phê duyệt của nhà đầu tư do còn e ngại sự phức tạp trong vận hành và giải pháp thi công.

Một số không gian mặt nước khi không được nghiên cứu bài bản sẽ gây nên các bất cập trong quá trình vận hành và hiệu quả sử dụng kém, việc bảo trì bảo dưỡng không đúng cách, khiến cho công trình xuống cấp hoặc không thể sử dụng gây mất thẩm mỹ trong không gian chung.

Trong môi trường đào tạo, sinh viên kiến trúc cũng chưa nhận thức được các cách ứng dụng mặt nước trong thiết kế đồ án kiến trúc cảnh quan sao cho phù hợp và có tính thẩm mỹ, ứng dụng hiệu quả. Vì vậy phương án thiết kế thường không sát với thực tế, giải pháp kỹ thuật còn nhiều bất cập do chưa hiểu rõ nguyên lý hoạt động gây trở ngại trong quá trình sáng tạo và thiết kế đồ án.

  1. GIẢI PHÁP TẠO HIỆU ỨNG MẶT NƯỚC TRONG KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC CẢNH QUAN HIỆN ĐẠI

Hình 2: Sơ đồ các yếu tố cần lưu ý khi thiết kế cho các tính năng của mặt nước [TG]

  • Cấu trúc mặt nước động - tĩnh

Mặt nước thường được hiện diện dưới 2 hình thức cơ bản đặc trưng trong nghệ thuật là ở dạng tĩnh, động hoặc kết hợp động - tĩnh.

Cấu trúc nước tĩnh như hồ, ao tạo nên hiệu ứng phản chiếu gương nước trong bối cảnh tổng thể nhiều yếu tố cảnh quan cộng hưởng. Các yếu tố như thực vật, mây trời, ánh sáng có nhiều ý nghĩa trong bề mặt của cấu trúc nước tĩnh này [5]. Mặt nước tĩnh lặng mang đến sự yên tĩnh và thư giãn cho con người, chụp phản chiếu vạn vật về thị giác, lan tỏa độ ẩm về môi trường.

Cấu trúc nước động như thác, suối, kênh, vòi phun nước, màn nước, đài nước tạo nên hiệu ứng về sự chuyển động dòng chảy và các tia nước. Hiệu ứng ở cấu trúc này là sự lấp lánh, kết hợp với ánh sáng tạo nên các dải màu sắc. Mặt nước động mang đến âm thanh về sự vui nhộn, bắt mắt về thị giác, tạo nên sức sống hay điểm nhấn cho khu vực [4].

Bên cạnh đó, cũng có một số khu vực mặt nước có thể kết hợp hiệu ứng động và tĩnh cùng lúc, thay đổi theo kịch bản, kết hợp các yếu tố công nghệ về âm thanh, chiếu sáng lazer... Có thể tạo sự kết hợp động – tĩnh này ở những khu vực mặt nước giật cấp hoặc có diện tích đủ rộng.

 

  • Hình thái và quy mô mặt nước

Để tạo nên một không gian kiến trúc cảnh quan thú vị và thành công, cần quy hoạch mặt nước phù hợp với bối cảnh đặc thù của không gian đó. Tư duy toàn diện về công năng và hình thái của mặt nước với mọi quy mô dự án nhỏ hay lớn. Lưu ý, cân đối về diện tích của mặt nước, vị trí và cách sắp xếp trong tổng thể mặt bằng, sự liên kết với các yếu tố tự nhiên và nhân tạo khác như thực vật, nguồn cấp và thoát nước, hạ tầng, ánh sáng và bóng râm, kiến trúc, vật liệu… Mục đích cuối cùng là tạo nên một quần thể cảnh quan hoàn chỉnh trong đó có yếu tố mặt nước.

 Hình 3: Minh họa về mặt nước sử dụng trong không gian cảnh quan khu ở [2]

Hình thái đường nét (shape) mềm mại hay vuông thẳng phụ thuộc vào ngôn ngữ chung của tổng thể không gian kiến trúc.

Hình 4: Sơ đồ các yếu tố cần lưu ý khi thiết kế cho các tính năng của mặt nước [TG]

 

Hình 5: Hình thái đường nét vuông thẳng và mềm mại của mặt nước [ST]

Cao độ nền đáy của nước cần được tính toán về độ nông sâu để đảm bảo độ an toàn và khả năng nhìn thấy được đáy. Lưu ý thiết kế bề mặt đấy là vật liệu nhân tạo hay xử lý tự nhiên.

Các cấp độ, cao độ, các tầng bề mặt nước tạo nên hiệu ứng giật tầng, thú vị về thị giác. Có thể kết hợp cao độ khác nhau để tạo ra dòng nước chảy tràn, thác nước dạng đứng.

Hình 6: Minh họa hiệu ứng mặt nước giật tầng, các cấp cao độ, mặt nước tràn [3]

Quy mô mặt nước liên quan tới diện tích bề mặt, khối tích mặt nước, lưu lượng dòng chảy, số lượng và cường độ phun tia. Cần được tính toán chi tiết bởi liên quan tới tỷ lệ không gian, mức độ sử dụng và khả năng vận hành bảo dưỡng sau này.

Hình 7: Minh họa hiệu ứng mặt nước vòi phun nghệ thuật [3]

  • Thực vật và vật liệu hoàn thiện

Kết hợp với thực vật: cây bóng mát, cây bụi, cây thảm với các thành phần loài khác nhau để xây dựng kịch bản đa dạng về sắc thái màu hoa, hình thức tán lá, mùa nở hoa, hương thơm, quả…phù hợp với khí hậu bản địa.

Vật liệu hoàn thiện cần được lưu ý sử dụng tính năng chống trơn (mặt nhám), mầu sắc trong tổng thể, công nghệ thân thiện với môi trường và có độ bền cao.

 

Hình 8: Minh họa hiệu ứng mặt nước vòi phun nghệ thuật [TG]

  • Kỹ thuật, thiết bị, máy móc, hạ tầng - Tích hợp công nghệ hiện đại

Đề xuất sử dụng các công nghệ lọc tự nhiên, giảm thiểu tối đa việc sử dụng hóa chất.

Tích hợp mặt nước tuần hoàn ở vùng bơi nhân tạo và vùng tái sinh tự nhiên như công nghệ Bể bơi tự nhiên lọc sinh thái thủy sinh.

Tạo dòng nước liên tục, tái sử dụng qua bộ phận lọc tuần hoàn, hạn chế thay thế trong quá trình sử dụng.

Công nghệ hiện đại tiên tiến nhưng vẫn đáp ứng được công tác duy tu, bảo dưỡng không phức tạp, chi phí bảo dưỡng thấp, dễ dàng trong vấn đề chuyển giao công nghệ.

Hệ thống vận hành, quản lý thông minh, sử dụng thuận tiện.

 

Hình 9: Sản phẩm bể bơi sinh thái – công ty CNC [1]

Tạo màn sương từ công nghệ phun sương tạo ra các vùng mờ ảo làm tăng hiệu ứng thẩm mỹ, cảm nhận không gian hoặc có thể sử dụng để chiếu laser hình ảnh.

  • Khai thác điều kiện tự nhiên

Khi tạo hình mặt nước về vị trí và quy hoạch trong tổng thể cần xem xét tính thích ứng trong điều kiện tự nhiên như nhiệt độ, nắng, gió, độ ẩm, mưa, địa hình, thực vật, bóng râm tại khu vực nghiên cứu. Hạn chế các nhược điểm và phát huy các ưu điểm trong điều kiện tự nhiên tại đây, từ đó sẽ đưa ra được các giải pháp thiết kế bền vững, phù hợp, mang tính cộng sinh cùng môi trường xung quanh.

 

  • Khai thác tính thẩm mỹ và gắn liền với công năng sử dụng xung quanh

Nước, có thể coi như một loại vật liệu cấu thành kiến trúc, tham gia cùng các vật liệu khác trong kiến trúc. Tuy nhiên nước là một loại vật liệu đặc biệt, không sử dụng để làm những cấu kiện hay chi tiết kiến trúc; mà góp phần tạo nên các giá trị công năng, thẩm mỹ trong tổng thể công trình kiến trúc.

Mặt nước được thiết kế là một phần trong tổ hợp cảnh quan tổng thể và cũng là yếu tố mềm mại nhất có tính kết nối không gian cao, vì vậy việc sử dụng mặt nước hiệu quả cần bố trí gắn kết linh hoạt với các thành phần chức năng khác giúp cho công năng chung phát huy được tính liên kết, đáp ứng được nhu cầu sử dụng tốt (mặt nước kết nối với đường dạo, khu nghỉ ngơi, tiểu cảnh vườn, khu thể dục thể thao, sân chơi, sảnh...)

Tạo sự an toàn đối với các đối tượng ở lứa tuổi khác nhau. Xét với các đối tượng khác nhau tiếp cận với mặt nước, sự an toàn của trẻ em là cực kỳ quan trọng trong thiết kế không gian có mặt nước. Thận trọng và tuyệt đối lưu ý về cao độ nông – sâu của sàn nước, đồng thời sử dụng vật liệu chống trơn, vách ngăn cách, hệ thống điện và các thiết bị an toàn.

  1. KẾT LUẬN

Hiện đại hóa và đô thị hóa mang lại những rủi ro về môi trường cảnh quan tự nhiên. Mật độ dày đặc đã khiến không gian mở trong các thành phố bị thu hẹp đáng kể. Do đó, các không gian nhỏ có tiềm năng phục hồi nên được tạo ra trong các khu vực sinh sống để giảm thiểu các vấn đề liên quan đến căng thẳng trong cuộc sống thành thị. Bài viết khẳng định lại sự quan tâm của mọi người đối với yếu tố mặt nước và những phẩm chất khiến mặt nước trở thành yếu tố có giá trị cao, được ưu tiên sử dụng trong công việc thiết kế cảnh quan trước và nay. Là thành tố cảnh quan đại diện cho sự tươi mới, sảng khoái, thanh bình.

Tích hợp tính năng của mặt nước vào kiến trúc cảnh quan trong đô thị nhằm thúc đẩy cảm giác hấp dẫn không gian về mọi giác quan của con người. Chú trọng tư duy thiết kế vào việc nghiên cứu hiệu ứng mặt nước, giải pháp công nghệ xây dựng, vận hành hiệu quả trong đời sống đô thị mang lại nhiều giá trị tinh thần bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Công ty CNC Natural swimming pools, “Sản phẩm bể bơi tự nhiên CNC”.
  • Công ty cổ phần tư vấn thiết kế PLA Việt Nam, 2020, “Dự án thiết kế cảnh quan chung cư Haven Park”.
  • Francesca Maria Assunta Calarco, 2015 “Soundscape design of water feature used in outdoor spaces where road traffic noise is audible”, School of Energy, Geoscience, Infrastructure and Society.
  • Mahire Özçalik, Murat Özyavuz, 2018 “Water Garden Design in Landscape Architecture”, Deutsche Nationalbibliothek.
  • Öztan. Y, 1970, “Water in Landscape Architecture”, Journal of Landscape Ar-chitecture, Ankara

Ths.KTS. Doãn Minh Thu

Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Email: thudm@huce.edu.vn