Thực trạng cảnh quan nông thôn trong xây dựng nông thôn mới
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Giống như cảnh quan đô thị, cảnh quan nông thôn cũng có các yếu tố thiên nhiên và nhân tạo, nhưng mức độ nhân tạo ít hơn (Hàn Tất Ngạn, 2014). Trong những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới. Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai đã đem lại những thay đổi đáng kể về đời sống, hạ tầng kỹ thuật cũng như cảnh quan môi trường nhiều vùng nông thôn. Với tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hóa ngày càng nhanh chóng thì khoảng cách giữa điểm dân cư nông thôn với đô thị càng bị thu hẹp, tác động đến cảnh quan môi trường, văn hoá truyền thống nông thôn. Do đó, việc tổ chức và bảo vệ cảnh quan nông thôn cũng cần được quan tâm như cảnh quan đô thị.
Hiện nay, nhiều chuyên gia đã và đang quan tâm đến vấn đề môi trường nông thôn, còn cảnh quan nông thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Những nghiên cứu về gìn giữ cảnh quan nông thôn hiệu quả trong bối cảnh xây dựng NTM còn ít được đề cập. Một số chuyên gia đã đề xuất nên đưa kiến trúc cảnh quan trở thành tiêu chí trong xây dựng NTM. Thế nhưng, thực tế cho thấy, yếu tố không gian sống của người dân chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến những thay đổi ngoài mong muốn.
Các tác động đến cảnh quan nông thôn
1. Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2018, cả nước có 326 KCN được thành lập trên tổng diện tích xấp xỉ 93 nghìn ha, trong đó có 250 KCN đã đi vào hoạt động (Bộa KH&ĐT, 2018). Hằng năm, các đô thị đóng góp tới 70% GDP của cả nước. Như vậy, xu thế đô thị hóa là tất yếu ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề là đô thị hóa có gắn với phát triển bền vững hay không? – Xét về bản chất, công nghiệp hóa, đô thị hóa nhằm mục đích nâng cao đời sống, tăng sự tiện nghi và thoải mái cho người dân. Đô thị hóa mà vẫn không mất đi bản sắc cảnh quan kiến trúc, không bị xáo trộn nếp sống thì công cuộc hiện đại hóa mới thực sự thành công (Trần Hoàng Hoàng, 2018).
Tác động của quá trình đô thị hóa tới cảnh quan nông thôn được biểu hiện ở nhiều biến đổi tích cực. Cảnh quan nông thôn đã có nhiều đổi thay và phát triển hệ thống điện, đường, trường, trạm phục vụ tốt cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, quá trình này đồng thời kèm theo các hoạt động làm suy giảm giá trị tự nhiên và văn hóa của cảnh quan (Phạm Thị Trầm & nnk, 2018). Môi trường sinh thái nông thôn ở Việt Nam đang có nhiều tín hiệu đáng báo động liên quan đến thay đổi canh quan và ô nhiễm môi trường.
2. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, cảnh quan nông thôn đã có những thay đổi tích cực:
- Hệ thống cơ sở hạ tầng và cảnh quan nông thôn được cải thiện rõ rệt qua quá trình thực hiện nhóm tiêu chí (tiêu chí số 2 – 7) – Cơ sở hạ tầng và tiêu chí số 17 – Môi trường nông thôn;
- Về thực hiện tiêu chí số 9 – Nhà ở dân cư, người dân đã chủ động đầu tư sửa chữa nhà cửa bảo đảm theo tiêu chí “3 cứng”, hàng rào, ngõ xóm được chỉnh trang, tạo cảnh quan nông thôn sạch đẹp;
Tuy nhiên, trong bộ 19 tiêu chí NTM, có một số tiêu chí chưa thực sự phù hợp với một số vùng miền, ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn. Theo kết quả điều tra NTM tại Đắk Lắk (3/2019), tiêu chí NTM số 9 là “75% số hộ có nhà đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng” chưa phù hợp với nhiều bản làng Tây Nguyên vốn có phong tục dựng nhà sàn, nhà gỗ và vật liệu địa phương; việc “xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch” – tiêu chí NTM số 17 là chuyện không dễ để thực hiện vì nhiều bản vùng sâu, vùng xa, dân cư thường sống không tập trung.
Những thay đổi của cảnh quan nông thôn những năm gần đây
1. Cảnh quan thiên nhiên
Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá hiện nay gây tác động lớn đến cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là hệ sinh thái bản địa bị tác động, sự suy giảm đa dạng sinh học và gây ra gián đoạn về cảnh quan, tự nhiên và môi trường sinh thái.
Khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên làm tổn hại đến cảnh quan, cân bằng sinh thái và khả năng kiểm soát lũ của rừng. Hệ lụy từ khai thác rừng quá mức cũng đã hiện rõ. Vùng cao hiện nay là những nơi phải hứng chịu những cơn thịnh nộ từ thiên nhiên và biến đổi khí hậu.
2. Cảnh quan nhân tạo
Các hoạt động của con người trên bề mặt cảnh quan là một yếu tố tạo thành cảnh quan đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu và rộng tới cấu trúc, chức năng và động lực cảnh quan (Phạm Thị Trầm & nnk). Bên cạnh những giá trị còn được giữ lại và bảo tồn, cảnh quan nông thôn hiện nay ít nhiều đã biến đổi theo hướng suy giảm giá trị truyền thống.
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các công trình hạ tầng kinh tế – xã hội được trùng tu, tôn tạo và xây dựng mới, đem lại những thay đổi tích cực về kinh tế, văn hoá tinh thần cho người dân nông thôn. Một ví dụ điển hình, trên toàn tỉnh Nam Định hiện nay, đã có 13 đơn vị xã, thôn, xóm đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường giai đoạn 2019-2020.
Tuy nhiên hiện nay, nhiều tỉnh khá phổ biến với nhà ở kiểu đô thị với mật độ tương đối cao. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ cho việc không thể giữ gìn cảnh quan nông thôn truyền thống. Thực tế cho thấy việc quy hoạch các điểm dân cư NTM rất giống với quy hoạch các khu ở trong đô thị, nhà ở bố trí thẳng hàng như nhà mặt phố tạo nên bộ mặt kiến trúc nhà ở nông thôn khô khan. Ngoài ra, điểm dân cư NTM thiếu cây xanh, mặt nước, thiếu các công trình nghỉ ngơi, giải trí.
Qua quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, việc bê tông hoá làng quê đã ảnh hưởng không ít đến cảnh quan sinh thái. Ở nhiều địa phương, do nhìn nhận cứng nhắc mà phong trào bê-tông hóa diễn ra rầm rộ. Vẻ đẹp của làng quê, nhất là nét đẹp kiến trúc, cảnh quan với không gian xanh, với cổng làng, cây đa, bến nước, mái đình… đang dần biến mất.
3. Cảnh quan khu vực sản xuất
Ở nhiều tỉnh đồng bằng có tốc độ đô thị hoá cao, cảnh quan nông nghiệp không còn là ý nghĩa như một vùng kết nối cảnh quan sinh thái, mà có thể gọi là vùng sản xuất công nghiệp nông nghiệp, gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan sinh thái tự nhiên và môi trường. Tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp diễn ra khá phổ biến.
Ở vùng miền núi, các khu sản xuất nông lâm nghiệp hiện nay vẫn giữ được những giá trị cảnh quan với những loại cây trồng đặc trưng của các vùng miền khác nhau, có ý nghĩa nhất định không chỉ trong sản xuất mà còn trong khai thác du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Tuy nhiên, tình trạng suy thoái đất, biến đổi khí hậu những năm gần đây đã bước đầu có những ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nguy cơ suy giảm chất lượng cảnh quan trong tương lai.
Việc thực hiện tốt mô hình Phát triển cảnh quan nông nghiệp bền vững sẽ giúp con người không phải trả giá đắt cho việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: nước, khoảng sản, tài nguyên rừng, không khí…, hạn chế được sự suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái.
Định hướng giải pháp giữ gìn cảnh quan nông thôn trong xây dựng NTM
1. Vai trò của quy hoạch:
Hiện nay quy hoạch NTM đáp ứng được 3 tiêu chí là: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất, còn quy hoạch cảnh quan trong cùng bối cảnh ít được đề cập. Hơn nữa, nhiều đồ án quy hoạch nông thôn chưa chú trọng đến việc kế thừa bản sắc truyền thống.
Kiến tạo không gian nông thôn đáng sống là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM. Quá trình lập quy hoạch cảnh quan nông thôn cần chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng, xã vốn có trước đây. Căn cứ điều kiện địa lý của từng vùng, mỗi địa phương để lập quy hoạch, xây dựng cảnh quan bảo đảm phù hợp, nhưng vẫn tạo nên sự hài hòa và thân thiện với môi trường.
2. Xã hội hóa, vận động tuyên truyền trong xây dựng và giữ gìn cảnh quan nông thôn:
Xây dựng cảnh quan nông thôn phải được coi là nhiệm vụ của mọi người dân chứ không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước. Đối với các địa phương, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao vai trò và trách nhiệm trong việc giữ gìn cảnh quan nông thôn, thay đổi nhận thức từ các cấp chính quyền địa phương đến người dân.
- Xóa bỏ tư duy NTM nghĩa là cái gì cũng xây mới;
- Cần giải quyết được ba yếu tố: Nét truyền thống, sự đan xen, đổi mới trong bảo tồn;
- Xây dựng các công trình với mật độ thấp, thấp tầng, khuyến khích các mô hình nhà ở nông thôn truyền thống, nhà ở mô hình sinh thái;
- Gìn giữ những hàng rào xanh thay cho hàng rào gạch.
3. Xây dựng các mô hình NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường:
Trong giai đoạn tiếp theo của chương trình MTQG xây dựng NTM, cần tiến hành xây dựng những mô hình NTM kiểu mẫu gắn với đặc thù từng vùng, miền, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trên địa bàn nông thôn.
Các tỉnh, huyện cần xem xét, khảo sát kỹ, lựa chọn những khu vực phù hợp để triển khai mô hình NTM kiểu mẫu. Khu dân cư và vườn NTM kiểu mẫu nên được đánh giá theo các tiêu chí: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; bảo tồn không gian nông thôn truyền thống theo vùng, miền; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Kết luận
Cảnh quan nông thôn có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, đặc biệt là trong bối cảnh xây dựng NTM.
Các yếu tố công nghiệp hoá, đô thị hoá, thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM đều có tác động đến cảnh quan nông thôn truyền thống ở hai mặt tích cực và tiêu cực. Qua đó, cảnh quan thiên nhiên đã có sự suy giảm đáng kể, cảnh quan nhân tạo phát triển theo hướng hiện đại nhưng phần nào mất đi bản sắc; cảnh quan sản xuất nông nghiệp đang dần đối mặt với tình trạng suy giảm diện tích và thoái hoá đất.
Những thách thức đặt ra là rất lớn, việc xây dựng và giữ gìn cảnh quan nông thôn phải hài hòa, hợp lý và bền vững, vừa kế thừa được các giá trị truyền thống, vừa đáp ứng được yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Trong đó, công tác quy hoạch nông thôn cần đáp ứng được các yêu cầu cơ bản về phát triển kinh tế – xã hội và gắn kết với việc giữ gìn và phát triển văn hoá. Lựa chọn mô hình phát triển khả thi cho khu vực nông thôn trong tương lai để phát triển mà không mất đi bản sắc cảnh quan truyền thống là vấn đề không hề đơn giản, cần có sự tham gia đóng góp của nhiều ban, ngành và người dân nông thôn.
Quyền Thị Lan Phương
Khoa Tài nguyên & Môi Trường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2021)