Thực trạng cây xanh đường phố tại Hà Nội
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Nhắc đến Hà Nội, chúng ta không thể không nhắc tới hệ thống cây xanh và không gian xanh đô thị – thường được ví như lá phổi của đô thị. Hệ thống này có vai trò rất quan trọng đối với môi trường, cải tạo vi khí hậu, bảo vệ môi trường sống đô thị, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan và là một bộ phận không thể thiếu trong hệ sinh thái tự nhiên.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, cây xanh đô thị của Hà Nội luôn là vấn đề được quan tâm và phát triển.. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, cây xanh Hà Nội đang gặp phải rất nhiều vấn đề liên quan đến giá trị thẩm mỹ, mức độ an toàn và sức khỏe cây xanh đô thị. Nguyên nhân chủ yếu từ quá trình đô thị hóa, hiện tượng biến đổi khí hậu và vấn đề lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng.
Thực trạng cây xanh đường phố tại Hà Nội
1. Đánh giá chung
Trên mỗi tuyến phố Hà Nội, số loài cây do Nhà nước và dân trồng thường đan xen lẫn nhau với tính chất lấp chỗ trống và thậm chí trồng không đúng chủng loại cây theo quy định. Điều này tạo nên hình ảnh của tuyến phố không chỉ đa dạng về loại cây mà còn đa dạng về lứa tuổi, chiều cao và đặc điểm hình thái khác nhau, tạo nên sự hỗn loạn của cảnh quan đường phố.
Cây xanh bóng mát trên đường phố thuộc 12 quận nội thành Hà Nội phong phú và đa dạng về chủng loài; có số lượng khoảng 75.000 cây thuộc 175 loài, 55 họ thực vật; trong đó có 12 họ thực vật có từ 5 loài trở lên. Một số loài cây được coi là cây truyền thống của Hà Nội và được trồng với số lượng lớn như: Xà cừ, Sữa, Sấu, Muồng, Bằng lăng, Lim xẹt, Chẹo, Phượng vĩ, Quyếch, Nhội, Bàng… Ngoài ra còn một số loài cây mới được đưa vào trồng thử ở Hà Nội hay do dân trồng tự phát chưa được thống kê như: Cây Lát Mehicô, Bao báp, Trứng cá…
Trong các quận, do lịch sử hình thành và phát triển cũng như sự quan tâm đến cây xanh từng giai đoạn có sự khác nhau, sự phân bổ các loài cây trên các quận có sự khác biệt rõ rệt. Quận có số lượng cây nhiều nhất là quận Hai Bà Trưng (8.489 cây) và quận có số lượng cây ít nhất là quận Long Biên (1.891 cây). Tuy nhiên, quận Ba Đình lại là quận đã có hệ thống cây bóng mát với số lượng lớn và phát triển ổn định nhất. Trong quá trình phát triển, các tuyến phố mới mở đã được quy hoạch trồng các loài cây đô thị như: Sữa, Dái ngựa, Muồng, Phượng, Bằng lăng, Hoa sữa, Sấu; và đang được quản lý duy trì đáp ứng yêu cầu về cảnh quan, môi trường và kiến trúc đô thị. Tuy nhiên, với việc trồng quá dày cây Sữa như trên đường Nguyễn Chí Thanh đã ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện vi khí hậu khi mùa hoa này nở – không những không tạo nên vẻ đẹp lãng mạn như trong thơ ca “…Hoa Sữa nồng nàn đầu phố đêm đêm…”, mà còn gây dị ứng cho những người dân sống quanh vùng. Chính vì lẽ đó, thời gian vừa qua, một lượng lớn cây Sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được đánh chuyển và thay thế bằng cây Lát hoa.
Sự phân bố của hệ thống cây xanh cũng cho thấy những phân định rõ rệt và chưa đồng đều, cụ thể:
- Cây lớn tập trung ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm. Những quận mới thành lập và xây dựng sau này số lượng cây nhỡ và nhỏ chiếm đại bộ phận.
- Giữa các khu phố cổ, phố cũ và phố mới cũng có sự khác biệt. Phố cổ rất ít cây và thường là cây nhỏ. Ở một vài phố còn sót lại một số cây to như Xà cừ, Nhội được trồng từ thời Pháp thuộc. Phố cũ tập trung nhiều cây nhất với những cây lớn hình thành những hàng cây đẹp với loài cây như: Sấu, Xà cừ, Sao đen, Phượng vĩ, Sữa… Những loài cây này phát huy tốt giá trị cây xanh của chúng ở đô thị hiện nay.
- Phố mới với những con đường mới mở rộng, có dải phân cách và đang bắt đầu hình thành những hàng cây bóng mát.
2. Sức khỏe cây xanh đô thị
Mặc dù cây xanh đô thị có nhiều giá trị và lợi ích cả về vật chất, tinh thần và cải thiện vi khí hậu, nhưng chúng vẫn chưa được sự quan tâm đúng mực của cộng đồng và xã hội. Cây xanh hàng ngày vẫn đang bị bức tử và gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe và đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây xanh.
- Tác động từ các hoạt động của con người
Hệ thống cây xanh đô thị chịu nhiều sức ép và tác động do các hoạt động của con người tới quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng. Đặc biệt, đối với cây xanh đường phố, không chỉ chức năng tạo cảnh quan và cải thiện vi khí hậu, người dân còn sử dụng cây xanh cho nhiều mục đích khác nhau nhằm phục vụ cho các hoạt động của bản thân: Làm biển quảng cáo, đóng đinh hay các vật sắc nhọn; thậm chí bị bức tử khi hố trồng gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh, hiện tượng bê tông hóa hố trồng cây khá phổ biến trên toàn thành phố. - Cây nghiêng, đổ ra đường do thiếu không gian sống
Ngoại trừ những cây xanh trồng trên tuyến phố cũ (đường thẳng, vỉa hè rộng và công trình lùi sâu vào một khoảng cách nhất định), cây xanh bóng mát trên tuyến phố còn lại (phố cổ và phố mới) đa phần được trồng trên vỉa hè hẹp và có độ rộng không đều. Chính vì vậy, trong quá trình sinh trưởng phát triển, cây xanh có xu hướng nghiêng ra đường (nơi có không gian và chiếu sáng tốt hơn), sẽ tạo bóng mát và cải thiện vi khí hậu tốt hơn cho tuyến đường, nhưng hiện tượng này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông và làm giảm đi giá trị không gian kiến trúc cảnh quan đường phố. - Sống thiếu không gian, rễ cây phát triển trong không gian chật hẹp và đổ gẫy khi mưa bão
Theo các nghiên cứu của chuyên gia người Đức, mối quan hệ giữa tán và rễ là quan hệ thể tích. Đối với cây xanh bình thường, cứ 1m3 rễ tương đương với 4 – 5m3 tán. Có nghĩa là, để nuôi sống một cây gỗ tầm đại với tán cây to khoảng 1.000-4.000 m3 thì phải đảm bảo cho cây có khoảng 300m3 đất cho hệ rễ phát triển bình thường[1], tương đương với một diện tích mặt bằng khoảng 100m2 và lớp đất tốt sâu tới 3m. Đây là một thể tích gần như không thể có được trong điều kiện đường phố Hà Nội hiện nay.
Đa phần, cây xanh trên đường phố Hà Nội được trồng trong những hố có kích thước không đảm bảo tiêu chuẩn. Xung quanh hố là vật liệu xây dựng hệ thống giao thông đã được lu lèn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hoặc là phần vật liệu phục vụ công tác hoàn thiện bề mặt. Đối với những cây được trồng lâu năm, khi thực hiện nâng cấp hệ thống, hệ rễ cây cổ thụ đã bị xâm hại nghiêm trọng. Rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Điều này đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên của cây xanh, làm mất cân bằng giữa phần tán lá và bộ rễ. Chính vì vậy, việc đổ gãy trong mùa mưa bão là không thể tránh khỏi và gây thiệt hại lớn về người và của cho dân cư đô thị.
Đặc biệt, với chủ trường 1 triệu cây xanh cho thành phố Hà Nội, thời gian qua công tác trồng cây xanh diễn ra ồ ạt, thiếu quy hoạch và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật: cây trồng chưa qua giâm ủ, cây trồng chưa đúng khoảng cách hoặc trồng trên những dải phân cách hay vỉa hè hẹp đang ẩn chứa những nguy cơ rất lớn về sự phát triển bền vững của cây xanh đường phố trong tương lai.
- Sâu bệnh theo quy luật tự nhiên, do tuổi thọ và cắt tỉa cành chưa đúng kỹ thuật
Ngoài việc bị tác động từ các hoạt động của con người, cây xanh cũng chịu nhiều ảnh hưởng của chính hệ sinh thái tự nhiên. Cây xanh được ví như cơ thể người thì bệnh tật cũng là quy luật không thể tránh. Chính vì vậy, Sâu mục là hiện tượng khá phố biến và mang tính quy luật tự nhiên. Rất khó quan sát được bằng mắt thường đối với hiện trượng sâu mục trong thân và cành cây.
Một nguyên nhân quan trọng khác đó chính là kỹ thuật cắt tỉa tạo tán và công tác cắt tỉa cành trước mùa mưa bão đang được thực hiện chưa đúng quy trình. Để đảm bảo cây xanh phát triển tốt, vết thương trên cây sau khi cắt tỉa cành cần được bảo vệ bằng lớp màng ngăn chặn nước mưa và nấm mốc xâm nhập vào thân cây. Trên thực tế, công tác chăm sóc cây xanh chỉ dừng lại việc cắt tỉa cành, do đó việc thân cây bị mục rỗng hoặc bị côn trùng sâm nhập từ vết thương sau khi cắt cành và dần làm rỗng ruột thân cây là khó tránh khỏi. - Mạng lưới hạ tầng gây nguy hiểm khi chập cháy.
Hệ thống hạ tầng đô thị Hà Nội đa phần vẫn đi nổi trên những vỉa hè chật hẹp. Hệ thống cây xanh không chỉ bị vướng dưới bộ rễ dưới ngầm mà còn cả ở trên không trung. Sự đan xen giữa cây xanh và hệ thống dây điện nóng và điện nhẹ đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập cháy trong mùa mưa bão.
Đề xuất một số giải pháp phát triển cây xanh đường phố Hà Nội
1. Hoàn chỉnh các văn bản pháp quy
Để quản lý tốt và phát huy có hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển cây xanh đường phố cần đảm bảo một hệ thống văn bản pháp quy thống nhất và đồng bộ. Các thuật ngữ, định nghĩa và quy định chung mang tính ràng buộc cần chuẩn hóa, thống nhất và đầy đủ theo trật tự: Luật, Nghị định, Thông tư, tiêu chuẩn kỹ thuật Chương trình phát triển, các đồ án quy hoạch (từ quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị), Quy chế quản lý theo các đồ án quy hoạch được duyệt và các đồ án thiết kế chi tiết không gian kiến trúc cảnh quan… Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý ban hành cần dựa trên nguyên tắc về sự đồng thuận của các bộ, ban ngành và tổ chức liên quan; nhằm đạt được sự thống nhất cao trong công tác quản lý nhà nước; từ đó công tác triển khai thực hiện mới thực sự hiệu quả; xóa bỏ sự chồng lấn và thiếu thông tin liên ngành như giai đoạn hiện nay. Từ đó, mỗi địa phương có những hướng dẫn cụ thể phù hợp với đặc trưng văn hóa, không gian kiến trúc cảnh quan và điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của từng khu vực. Các văn bản thực thi tại địa phương chỉ nên dừng lại ở mức độ hướng dẫn mang tính mở, không nên trở thành các quy định mang tính chất ràng buộc và cứng nhắc. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện cần tuân thủ sự ràng buộc chặt chẽ với các đồ án quy hoạch và thiết kế cây xanh đã được phê duyệt.
2. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng là giải pháp mang tính xã hội cao. Công tác tuyên truyền góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư, các tổ chức và cơ quan đoàn thể trong công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị. Công tác này thường xuyên cần được rà soát, đánh giá và rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức nhằm không chỉ tăng tính hiệu quả trong các khâu chỉ đạo và tổ chức thực hiện; mà còn tránh làm suy giảm lòng tin của cộng đồng và phát huy vai trò và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và lợi ích của cộng đồng. Nội dung cụ thể bao gồm: Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các chương trình lồng ghép, hưởng ứng các sự kiện quốc tế gắn với môi trường và cây xanh như: Ngày môi trường thế giới, chiến dịch thế giới xanh…; Tổ chức các hội nghị, tập huấn và bồi dưỡng.
3. Quản lý sự phát triển các khu đô thị mới và kiểm soát các khu ở hiện hữu
Quá trình đô thị hóa là tất yếu của Hà Nội. Chính vì vậy, sự đồng bộ và được kiểm soát trong quá trình phát triển hạ tầng cảnh quan và kỹ thuật và môi trường văn hóa – xã hội các khu đô thị mới góp phần không nhỏ vào mục tiêu chung của từng phân khu trong quy hoạch chi tiết, cũng như chiến lược phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội đến 2030, và tầm nhìn đến 2050. Ngoài một số rất ít các dự án khu đô thị mới quan tâm đến cây xanh đường phố, các khu đô thị đang triển khai tập trung chủ yếu đầu tư cho các công trình xây dựng; Bên cạnh đó, công tác quản lý chặt chẽ các chỉ tiêu về xây dựng và cây xanh trong quá trình thi công tại các đô thị mới góp phần tạo sự phân bố đồng đều diện tích cây xanh, góp phần giảm sự khác biệt về chất lượng không gian xanh tại các phân khu trong toàn đô thị Hà Nội.
4. Quy hoạch và thiết kế cây xanh đô thị
Xây dựng quy hoạch chiến lược hệ thống cây xanh đô thị nhằm phát triển dạng “đi tắt, đón đầu” trong quá trình phát triển đô thị, phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Quy hoạch này cần chỉ rõ ba giai đoạn cụ thể: 1) ngắn hạn, 2) trung hạn, và 3) dài hạn. Các kịch bản hoạt động cần được cụ thể hóa trong các hoạt động thực tiễn và thường xuyên được cập nhất và điều chỉnh theo yêu cầu và điều kiện thực tế trong quá trình triển khai.
Quy hoạch chi tiết và thiết kế hệ thống cây xanh đô thị cần quan tâm đến tính chất đặc thù về không gian và hoạt động của con người trên từng tuyến đường, bao gồm: chủng loại cây, hình thức không gian, kích thước không gian, khống chế chiều cao cây, khoảng cách trồng cây… Từ đó góp phần hình thành các tuyến đường đặc trưng về cảnh quan và từng bước nâng cao chất lượng cảnh quan và môi trường cho đô thị Hà Nội. Cần gắn thiết kế cây xanh đô thị với công tác thiết kế đô thị.
Quy hoạch cây xanh phải được thực hiện và xem là một thành phần không thể thiếu trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật trong công tác quy hoạch xây dựng đô thị. Góp phần đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng cảnh quan với hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đồng thời chuẩn hóa công tác quản lý và kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan và không gian công trình ngầm đô thị. Từng bước hạn chế sự chồng chéo trong quản lý và thi công công trình ngầm đô thị giữa các ban ngành và lĩnh vực liên quan: giao thông, điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, môi trường và cây xanh đô thị…
Ngoài ra, cần sớm triển khai thực hiện xây dựng hệ thống vườn ươm nhằm đảm bảo cung cấp cây con, cây giống, cây thay thế hay không gian giâm ủ và nguồn cung cấp cây xanh cho công tác trồng và phát triển cây xanh đô thị.
5. Giải pháp khoa học kỹ thuật
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong cải thiện các đặc điểm sinh thái (học) của một số loài cây có vai trò trong hình thành không gian kiến trúc cảnh quan, cải tạo môi trường đô thị nhưng đang chịu sức ép về vấn đề biến đổi khí hậu hoặc ô nhiễm môi trường như ngày nay. Từ đó nghiên cứu và lai tạo ra các giống mới vừa giữ được những ưu điểm của chúng đối với môi trường sinh thái và thẩm mỹ không gian kiến trúc cảnh quan, nhưng đồng thời cải thiện khả năng thích ứng của chúng sự biến đổi của yếu tố môi trường và thời tiết.
Nghiên cứu thử nghiệm, trồng bổ sung một số loài cây mới (cây từ tự nhiên và cây nhập nội) theo quy trình cụ thể và nghiêm ngặt nhằm tìm ra những loài cây phù hợp với các điểu kiện mới; cây cần được tạo tán từ vườn ươm từ 5-10 năm để đảm bảo thích ứng với mọi điều kiện thời tiết. Có thể trồng thử mỗi nằm một vài loài cây mới tại các khu vực đặc trưng khác nhau về môi trường, điều kiện tự nhiên (nước ngầm, ô nhiễm…), không gian kiến trúc cảnh quan để lựa chọn các loài phù hợp trước khi trồng đại trà.
Tình trạng ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng, đòi hỏi các nhà chuyên môn cần nghiên cứu giá trị sinh thái cây xanh đô thị; khả năng hấp thụ chất ô nhiễm môi trường của từng loài cây xanh với các chất độc hại có trong đó… góp phần hình thành các không gian cảnh quan mang lại giá trị thẩm mỹ và môi trường. Sự đa dạng của thành phần loài góp phần đa dạng sinh học cho môi trường đô thị và cũng góp phần nâng cao tính ổn định và hạn chế rủi ro về dịch bệnh của hệ sinh thái đô thị (đa dạng sinh học bao gồm cả phát triển các loài sinh vật mang vai trò thiên địch đối với các loài sâu bệnh hại đô thị ví dụ như: cóc, ếch, kiến và bọ ngựa).
6. Hoàn chỉnh các tiêu chí chọn loài cây xanh đường phố
Nghiên cứu đề xuất các tiêu chí về cây xanh đường phố mang tính mở, chủ yếu nên xây dựng các hướng dẫn phát triển cây xanh trong đô thị thay cho việc định rõ các loài. Cần phân loại những loài cây xanh đô thị theo hướng cây chủ đạo, làm khung hướng dẫn cho đô thị, ngoài ra có thể phát triển các loài cây xanh khác ở các vị trí cho phép thì sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, để khống chế sự phát triển của cây xanh sau khi đem trồng, đặc biệt là đối với cây đường phố; công tác tạo tán ngay từ vườn ươm trước khi đem trồng có vai trò quyết định đến sức khỏe cây xanh cũng như chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan sau này. Hình thái tán cần được định hình và chỉnh trang nhờ hệ thống phân cành thứ cấp, góp phần đảm bảo sự phát triển của cây xanh sau khi trồng theo đúng ý tưởng thiết kế không gian kiến trúc cảnh quan cho từng tuyến phố. Đồng thời cần đa dạng hóa về loại hình cây xanh: cây thảm, cây bụi, cây dây leo và cây thân gỗ…nhằm thích ứng với đặc trưng không gian theo từng giai đoạn lịch sử hình thành của các tuyến phố nội thành Hà Nội.
7. Xã hội hoá công tác quản lý và phát triển cây xanh đô thị
Công tác phát triển hệ thống cây xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đóng vai trò vô cùng to lớn và hiệu quả khi được phát huy. Tuyên truyền và vận động người dân trồng cây xanh theo định hướng quy hoạch chung và các hồ sơ thiết kế cảnh quan cây xanh đường phố cho các vị trí trồng cây xanh trước cửa nhà cũng là giải pháp nhằm tăng cường sự đóng góp của người dân, đồng thời tăng cường ý thức bảo vệ theo tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng trong việc đầu tư hạ tầng cây xanh ở quy mô lớn cần gắn giữa lợi ích các bên. Giải pháp đổi đất lấy hạ tầng (xanh) hay cơ chế về lợi ích của các bên tham gia đầu tư cây xanh rõ ràng sẽ góp phần không nhỏ trong việc kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cây xanh đô thị của Hà Nội từ nguồn lực ngoài nhà nước.
Tài liệu tham khảo
- Clemens Heidger, Bài trình bày “Cây là thiên nhiên cho loài người chúng ta”, trình bày tại hội thảo Sức khỏe cây đô thị, Hà nội 2006;
- UBND thành phố Hà Nội. Kế hoạch về Đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước thành phố Hà Nội giai đoạn đến 2015, số 134/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội ngày 16 tháng 8 năm 2013;
- Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hà nội, 2013.
TS.KTS. Phạm Anh Tuấn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 5 – 2017)