Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan nhà ở nông thôn kết hợp dịch vụ du lịch tại làng cổ Đường Lâm

09/03/2022 Lượt xem : 582

BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Tổng quan về áp dụng sinh thái cảnh quan vào công tác quy hoạch trên Thế giới

Đường Lâm là một xã thuộc thị xã Sơn Tây gồm 9 thôn: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụ Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Trong đó có 5 thôn có hệ thống nhà cổ, công trình đền chùa, di tích phong phú, bao gồm các thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm. Đây là các làng cổ trước đây thuộc cổ ấp Đường Lâm với lịch sử hàng ngàn năm. Làng cổ Đường Lâm nổi tiếng là quê hương của 2 vua Ngô Quyền và Phùng Hưng, có 19 công trình đã được xếp hạng di tích lịch sử và hàng trăm ngôi nhà cổ, đền, phủ, miếu, giếng cổ. Làng cổ ở Đường Lâm cũng được biết đến là “làng Việt cổ đá ong” với vật liệu đá ong xây dựng làng xóm tạo nên cảnh quan rất đặc trưng, tiêu biểu cho làng truyền thống vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay, sự phát triển cũng đi đôi với nguy cơ mất mát các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều làng xã có giá trị văn hóa lâu đời đã bị mai một và quá trình này càng ngày càng phổ biến, lan rộng. Làng cổ Đường Lâm hiện nay tuy đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá nhưng cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ do sự phát triển thiếu kiểm soát, do sự tác động của quá trình đô thị hoá và sức ép của các hoạt động du lịch. Một số không gian di tích, không gian kiến trúc cảnh quan và công trình của làng cổ, trong đó có nhà ở nông thôn (NONT) đã bị biến dạng, không còn giữ được các giá trị ban đầu. Chính vì vậy cần có giải pháp tổ chức không gian phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm.

Cấu trúc không gian NONT truyền thống vùng ĐBSH

Khuôn viên NONT trong làng xã truyền thống vùng ĐBSH có nhiều giá trị về kiến trúc và tổ chức không gian ở. Khuôn viên thường rộng 1-2 sào (1 sào = 360m2). Không gian hướng nội, chỉ có một cổng nhỏ vào nhà, nhà không trổ cửa ra mặt đường. Khuôn viên nhà gồm có nhà chính, nhà phụ, khu vệ sinh riêng, khu vực chăn nuôi, giếng nước, sân phơi, vườn cây và ao nuôi cá. Bố cục mặt bằng nhà chính và nhà phụ thường được bố trí theo dạng tổ hợp nhà kiểu nhà chính vuông góc nhà phụ (chữ L), kiểu nhà chính song song nhà phụ (chữ nhị), kiểu nhà chính vuông góc với hai nhà phụ (chữ môn). Trong đó tổ hợp nhà kiểu nhà chính vuông góc nhà phụ, hay còn gọi là tổ hợp theo kiểu thước thợ (hình chữ L) được áp dụng phổ biến nhất.

  • Tổ hợp nhà chính vuông góc với nhà phụ: Là giải pháp phát triển từ bố cục hình chữ L tạo thành, giải pháp bố trí dãy nhà phụ để đồ đạc làm nông nghiệp quay tường hậu ra ngoài đường, xây tường rào bao bọc đóng kín lấy khuôn viên nhà ở. Phía ngoài sát đường giao thông có một cổng ra vào từ đường làng, đi qua sân rộng để vào nhà chính và hai nhà phụ. Giải pháp này có ưu điểm tạo nên tính bề thế cho ngôi nhà ở, mối liên hê giữa nhà chính phụ thuận lợi, tạo nên sân trong rộng hướng tâm cho sinh hoạt gia đình;
  • Tổ hợp nhà chính song song với nhà phụ: Là giải pháp nhà chính và nhà phụ đặt song song với nhau, có sân giữa tạo nên nhiều lớp mái lô xô trong cảnh quan làng. Nhà chính liên hệ với nhà phụ thông qua các không gian đệm như: Sân, vườn. Chuồng trại, nhà vệ sinh đặt phía sau nhà phụ;
  • Tổ hợp nhà chính vuông góc với hai nhà phụ: Là giải pháp nhà chính và hai nhà phụ đặt vuông góc với nhau. Nhà chính liên hệ với nhà phụ thông qua các không gian đệm như: Sân, vườn, chuồng trại, nhà vệ sinh đặt phía sau nhà phụ;
Cấu trúc khuôn viên nhà truyền thống
 

Các thành phần chức năng trong khuôn viên NONT truyền thống:

  • Nhà chính: Có chức năng để ở và thờ cúng, tiếp khách, thường quay hướng Nam hoặc Đông Nam nhìn ra sân rộng trước nhà. Nhà thường là 3-5 gian, 2 chái, nhà một mái hoặc hai mái, hai chái lợp ngói mũi, bên dưới có ngói liệt. Các gian nhà thông nhau và không có vách ngăn, gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách, gian bên là chỗ ngủ của chủ nhà và các sinh hoạt thường ngày của gia đình; hai phòng phụ còn lại, một phòng để đồ đạc quý hoặc lúa thóc, phòng kia là phòng ngủ của phụ nữ và con gái;
  • Nhà phụ: Có tác dụng bổ trợ cho nhà chính về các chức năng hoạt động, sinh hoạt khác như chỗ ở, bếp, kho, chuồng chăn nuôi, vệ sinh, sản xuất phụ…;
  • Sân: Phục vụ sản xuất, làm nghề phụ hay là không gian để phục vụ sinh hoạt chung của gia đình;
  • Vườn: Gồm có vườn cây ăn quả và vườn rau, vườn cảnh. Vườn cây ăn quả lâu năm được bố trí ở phía trước nhà, vườn rau, chuối ở bên cạnh và phía sau nhà;
  • Ao: Nhà có ao thường là nhà có khuôn viên rộng hoặc nhà ở khu vực địa hình trũng nên đào ao để lấy đất đắp nền nhà, nền sân và ao được bố trí phía trước hoặc bên cạnh nhà chính;
  • Cổng: Được bố trí đi vào từ cạnh bên nhà chính, hoặc ở phía trước nhà chính nhưng không bao giờ ở vị trí chính giữa, nhìn thẳng vào gian chính của nhà. Cổng thường xây bằng tường gạch, đá kiên cố, hay có khi chỉ là những thanh tre, nứa đơn giản mang tính chất tạm thời;
  • Hàng rào: NONT đều có hàng rào riêng. Hàng rào có thể được xây bằng gạch hoặc chỉ là cọc tre, cây bụi…
  • Giếng và bể nước: Giếng đào cạnh sân và bếp, tiện cho việc sử dụng. bể nước trong nhà thường được bố trí ở giữa khu nhà chính và nhà phụ để thu nước mưa chảy từ mái nhà xuống;
  • Nhà tắm, nhà vệ sinh: Chỗ tắm thường ở cạnh giếng nước, hoặc có khi chỗ tắm và vệ sinh cạnh nhau ở một góc khuôn viên.
Khuôn viên ông Kiều Anh Bằng xóm Phủ Hậu thôn Đông Sàng – làng cổ Đường Lâm
 

Những biến đổi chức năng, tác động hoạt động du lịch đến không gian cảnh quan NONT truyền thống tại làng cổ Đường Lâm

Mô hình phát triển du lịch homestay này được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa không gian NONT truyền thống và dịch vụ du lịch tham quan trải nghiệm. Ảnh hưởng của mô hình hoạt động du lịch đến tổ chức cảnh quan NONT tại làng cổ Đường Lâm như sau:

1. Khuôn viên:

NONT gắn với du lịch xuất phát điểm ban đầu từ mô hình thăm quan, trải nghiệm không gian NONT truyền thống, trải nghiệm nghề phụ như làm tương, kẹo và các loại bánh. Loại hình du lịch chủ yếu là homestay – Nhà ở có bổ sung thêm các chức năng dịch vụ du lịch mới trong không gian nhà như: Lưu trú, ăn uống giải khát và vui chơi truyền thống. Mặt khác, một số công trình bám theo trục đường có cải tạo bổ sung thêm thêm chỗ đỗ xe chokhách du lịch.

2. Nhà chính: Được cải tạo nâng cấp cho phù hợp với các hoạt động sinh hoạt của hộ gia đình, đây cũng là không gian tiếp khách chung cho hoạt động dịch vụ du lịch.

  • Mặt bằng: Phòng khách vẫn được giữ là không gian chính. Các không gian phòng ngủ, chái hai bên có thể tận dụng cho các hoạt động lưu trú và trải nghiệm của khách du lịch;
  • Mặt đứng: Có xu hướng giản lược phù hợp với hoạt động du lịch.
  • Kết cấu, vật liệu: Có sử dụng kết cấu mới trong việc cải tạo nâng cấp công trình như bê tông, sắt hộp, mái tôn.

Giải pháp tổ chức không gian NONT gắn với hoạt động du lịch tại làng cổ Đường Lâm

1. Quan điểm

  • Tuân thủ các quy định, yêu cầu chung về bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm;
  • Việc nghiên cứu cải tạo chỉnh trang không gian NONT phải gắn liền với công tác khảo sát hiện trạng, điều tra thực tế ở địa phương. Tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nắm bắt được nguyện vọng của người dân, những thay đổi trong phát triển dịch vụ du lịch, điều kiện sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ du lịch;
  • Xác định các giá trị đặc thù cần bảo tồn và phát huy giá trị của di tích làng cổ Đường Lâm để từ đó tổng hợp, phân tích, chọn lọc để đưa ra những giải pháp tổ chức không gian NONT phù hợp trong bối cảnh quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh như hiện nay.

2. Mục tiêu

  • Việc nghiên cứu giải pháp cải tạo chỉnh trang với mục đích định hướng xây dựng các công trình NONT và định hướng cải tạo các công trình hiện có phù hợp với làng cổ Đường Lâm;
  • Định hướng giải pháp tổ chức không gian ở, mối liên hệ các khối chức năng trong công trình phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch;
  • Góp phần làm tăng giá trị di tích làng cổ Đường Lâm trong việc kết hợp giữa cấu trúc không gian văn hóa làng xã truyền thống;
  • Bảo tồn được vốn giá trị làng cổ nhưng vẫn phải đáp ứng được những nhu cầu về tăng chất lượng không gian ở, không gian dịch vụ du lịch…

Giải pháp tổ chức không gian khuôn viên NONT kết hợp dịch vụ du lịch

Mô hình cấu trúc không gian khuôn viên nhà NONT

Trên cơ sở 03 mô hình cấu trúc NONT truyền thống bài báo đề xuất 03 mô hình cấu trúc không gian khuôn viên cho NONT kết hợp du lịch tại làng cổ Đường Lâm. Cấu trúc không gian lấy không gian sân làm trung tâm, để tổ hợp các hạng mục công trình: Không gian nhà chính kết hợp với sân tạo thành trục không gian chính của toàn bộ bố cục khuôn viên nhà. Không gian nhà phụ được cải tạo nâng cấp và mở rộng để phục vụ các hoạt động du lịch. Tổng diện tích công trình NONT kết hợp du lịch tối thiểu 150m2. Chiều sâu lô đất tối thiểu 20m. Chiều cao công trình không quá 1,5 tầng.

Mô hình cấu trúc không gian NONT gắn với du lịch tại làng cổ Đường Lâm
 

a. Không gian chính:

Không gian ở là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt và nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình, bao gồm các không gian tiếp khách, sinh hoạt kết hợp với không gian thờ cúng tổ tiên. Cũng có nơi là không gian sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc không gian thăm quan cùng trải nghiệm cho du khách.

Không gian sản xuất có chức năng sản xuất, kho chứa nguyên liệu và sản phẩm. Đề xuất bố trí thêm các không gian chức năng dành cho khách du lịch đến thăm quan hoặc tổ chức các hoạt động cho khách du lịch cùng tham gia. Ngoài ra, có thể có các không gian chức năng khác như: Ăn uống, giải khát và lưu trú cho du khách khi có nhu cầu.

Không gian du lịch bố trí rong khu vực sản xuất, làm nghề, bố trí thêm các không gian chức năng khách để trưng bày sản phẩm và thăm quan cho du khách hoặc không gian cho du khách trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất.

b. Không gian phụ:

  • Vườn rau và cây ăn quả bố trí ở trước nhà chính, bên cạnh hoặc phía sau nhà để tạo cảnh quan và giải quyết các vấn đề vi khí hậu khi tổ chức các hoạt động du lịch bên trong đơn vị cư trú;
  • Bếp được bố trí tách khỏi nhà chính, trong nhà phụ. Trong một số trường hợp bếp được bố trí chung với không gian sản xuất;
  • Sân nhà ở phía trước nhà có thể được dùng trực tiếp làm nơi sản xuất thủ công hoặc là khu vực phơi sản phẩm nghề. Trong đó có thể bố trí các loại bồn hoa, cây cảnh truyền thống để tạo cảnh quan thu hút khách du lịch;
  • Khu sân rửa và bể nước mưa được bố trí ở trước sân của nhà chính hay bên cạnh đầu hồi nhà chính với bếp. Phục vụ trực tiếp cho qua trình sơ chế nguyên vật liệu và thau rửa các vật dụng phục vụ cho sản xuất và du lịch;
  • Cổng nhà là không gian kết nối của đơn vị cư trú và không gian làng cổ. Cổng bố trí liền kề với đường làng, có mái che hoặc không. Cổng thường xây bằng gạch đỏ, gạch đất, đá ong, hoặc đơn giản bằng gỗ và trồng cây xanh;
  • Tường bao, hàng rào được xây bằng gạch đỏ, gạch đất, đá ong (chủ yếu tại các thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh). Hàng rào có thể tạo lập bằng cách trồng cây xén tỉa (chủ yếu tại thôn Cam Lâm và các đơn vị cư trú giáp đồng ruộng, ao hồ);
  • Ngõ kết nối cổng và sân nhà. Hiện nay đa số ngõ sử dụng bằng vật liệu chống trơn trượt như lát gạch nghiêng, đá ong. Phía trên bố trí giàn cây leo tạo bóng mát;
  • Hành lang là bộ phận kết nối không gian nhà chính, phụ với nhau. Trong các đơn vị cư trú cho hộ làm dịch vụ du lịch, hành lang có thể kết hợp giàn cây che nắng tạo bóng mát.
Mặt bằng điển hình tổ chức không gian NONT gắn với du lịch tại làng cổ Đường Lâm
Kết luận
 

Ngoài ra, còn một số thành phần chức năng phụ như khu vực gom chất thải sản xuất, khu vực để nguyên vật liệu. Không gian này bố trí cuối hướng gió và xa với nhà chính, khuất tầm nhìn, gần với khu vực chuồng trại.

Kết luận

Bài báo đã làm rõ quan điểm, mục tiêu và giải phát tổ chức không gian NO phù hợp với mục tiêu bảo tồn di tích tại làng cổ Đường Lâm, đồng thời đề xuất mô hình cấu trúc và giải pháp tổ chức không gian NONT ở quy hoạch tổng mặt bằng. Kết quả nghiên cứu của bài báo là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về đưa ra các giải pháp tổ chức không gian công trình, thi công xây dựng nhà ở nông thôn tại làng cổ Đường Lâm, hướng tới phát triển bền vững thông qua xác lập các giải pháp phù hợp với cảnh quan chung của làng cổ, bảo tồn phát huy giá trị di tích và đặc biệt cải thiện thu nhập cho các hộ dân.

TS. KTS Nguyễn Hoài Thu
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2021)