Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Quận Long Biên – Thành phố Hà Nội

08/03/2024 Lượt xem : 902

Sinh viên Kiến trúc Cảnh quan Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tham quan thực tế tại Tập đoàn Triệu Điền: Hành trình khám phá cây xanh và không gian xanh
Bảo vệ Luận án Tiến sĩ cấp trường của Nghiên cứu sinh Phùng Thị Mỹ Hạnh
THÔNG CÁO BÁO CHÍ HỘI NGHỊ VÀ TRIỂN LÃM THÀNH TỰU CHI HỘI KIẾN TRÚC SƯ CẢNH QUAN VIỆT NAM
SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024

Đặt vấn đề

Quận Long Biên nằm ở khu vực phân lưu của hai con sông Hồng và sông Đuống. Phần lớn diện tích quận Long Biên thuộc quy hoạch phân khu đô thị N10, phần còn lại thuộc quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị Sông Đuống. Cấu trúc không gian được phát triển dựa nhiều và hiện trạng và dự án đầu tư khu đô thị mới. Các không gian xanh đầu tư xây dựng mới chủ yếu tại các đồ án khu đô thị mới; Các khu vực dân cư hiện hữu gần như không có nhiều không gian xanh do quỹ đất hạn chế. Chính vì vậy, cấu trúc không gian cảnh quan giữa các khu vực đô thị mới và đô thị cũ có nhiều sự khác biệt lớn. Trước sức ép của đô thị hóa và suy giảm chất lượng môi trường, việc tổ chức, quản lý và khai thác hiệu quả không gian kiến trúc cảnh quan sẽ là thách thức không nhỏ cho chính quyền địa phương, đòi hỏi phải có sự tham gia có hiệu quả của các bên liên quan để đảm bảo phát triển không gian đô thị phù hợp, phát huy vai trò của các không gian công cộng và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng dân cư.

1. Thực trạng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Quận Long Biên

Sau gần 10 năm phát triển, về cơ bản cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan được xây dựng và quản lý phát triển theo đúng đồ án quy hoạch phân khu N10 được duyệt. Mặc dù quận Long Biên sở hữu quy hoạch đô thị khá hoàn chỉnh, được quan tâm đầu tư phát triển nhưng cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan chưa thực sự hấp dẫn. Hệ thống không gian xanh chưa hình thành mạng lưới kết nối có hiệu quả giữa các không gian cảnh quan ven sông với hệ thống không gian xanh khu vực nội quận và hệ thống không gian cách ly. Mạng lưới các không gian xanh được quy hoạch dạng phân tán dựa trên điều kiện thực tế, khai thác nhiều các không gian xen kẹt đủ lớn trong đô thị cũ và là không gian trung tâm của các khu đô thị mới. Yếu tố tuyến tính trong hệ sinh thái đô thị chưa được quan tâm đúng mức trong đồ án quy hoạch phân khu được duyệt làm mất đi vai trò tạo lập hệ khung sinh thái và cấu trúc cảnh quan đặc trưng cũng như khai thác hiệu quả hệ sinh thái ven sông Hồng và sông Đuống.

Các không gian xanh trên địa bàn của quận mới được chú trọng đầu tư tại các khu đô thị mới như Việt Hưng và Vinhome, còn lại thì gần như chưa được đầu tư xây dựng, kể cả các không gian xanh cấp thành phố. Do đó, không gian xanh đô thị của quận còn rất nhiều hạn chế và có sự phân bố không đồng đều giữa các khu đô thị mới và các khu đô thị hiện hữu. Kết quả này tác động không nhỏ tới tính hiệu quả hoạt động của các không gian công cộng và tăng sự đứt gãy của hệ sinh thái đô thị vốn đã chưa được quy hoạch hoàn chỉnh. Các công viên và vườn hoa được đầu tư xây dựng vẫn đang ở quy mô nhỏ với hình thức đơn giản. Mức độ chăm sóc, duy trì và duy tu cảnh quan còn hạn chế nên chất lượng các không gian cảnh quan chưa cao. Hơn nữa, quận hiện có 341,2 ha đất chưa sử dụng thuộc bãi bồi ven sông Hồng và sông Đuống; đây là quỹ đất có giá trị cho việc canh tác nông nghiệp và có thể tổ chức các không gian cảnh quan và hành lang xanh ven sông hấp dẫn.

Công tác duy trì, duy tu cảnh quan còn hạn chế tại vườn hoa Ngọc Lâm (Phạm, 2023)
 
Đầu tư có mức độ về cảnh quan nhưng tạo lập không gian mặt nước lớn giúp cải thiện vi khí hậu và ngập úng hiệu quả cho đô thị (https://www.qdnd.vn)
 

Cấu trúc cảnh quan đường phố cũng có sự khác biệt lớn giữa khu vực đô thị cũ và mới. Các tuyến đường khu vực đô thị cũ có vỉa hè hẹp, thậm chí là không có đã tạo ra không gian đường phố chật hẹp, cây xanh được trồng trên những vỉa hè hẹp đã không phát huy được tối đa vai trò cải thiện vi khí hậu và chất lượng cảnh quan đường phố; đồng thời ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, khả năng sinh trưởng và phát triển của cây xanh. Trong khi đó, tại các khu đô thị mới, cảnh quan đường phố được đầu tư bài bản, không gian đường phố được phối hợp hài hòa giữa yếu tố cảnh quan, hạ tầng và kiến trúc. Cây xanh có đủ không gian sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, công tác lựa chọn loài cây xanh vẫn chưa tính đến đặc thù không gian và phát huy tối đa vai trò của cây xanh đô thị.

(Trái) Cây xanh chen lấn với hạ tầng và công trình trên các tuyến đường có vỉa hè chật hẹp tại khu vực đô thị cũ; (Phải) Cây xanh có đủ không gian sinh trưởng và phát triển trên các tuyến đường có vỉa hè và dải phân cách rộng nhưng chọn loài cây xanh chưa đem lại hiệu quả vi khí hậu và chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan. (Phạm, 2023)
 

Giải pháp kè cứng đang sử dụng phổ biến cho các giải pháp cải tạo mặt nước tại Long Biên. Giải pháp này vừa làm cứng hóa bờ nước, giảm sự tương tác giữa con người với không gian mặt nước và không phát huy được vai trò của không gian mở này trong đô thị. Đồng thời hạn chế các giải pháp hình thành không gian cộng đồng ven mặt nước. Không gian mặt nước chỉ đóng vai trò chính là giảm ngập úng đô thị, mang nặng vai trò kỹ thuật hạ tầng đô thị hơn là khai thác giá trị cảnh quan và cải thiện môi trường đô thị.

Kè hồ đảm bảo công tác quản lý diện tích mặt nước nhưng hạn chế khả năng tiếp cận của người dân và làm đơn điệu các giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan quanh Hồ bến xe Ngọc Lâm. (Phạm, 2023)
 

Không gian xanh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cộng đồng. Số lượng và chất lượng không gian xanh hạn chế là nguyên nhân làm giảm khả năng tương tác và giao lưu của cộng đồng tại quận Long Biên. Giải pháp quy hoạch phân tán hoặc kết hợp với nút giao thông quan trọng và bán kính phục vụ lớn là một trong những trở ngại cho việc tiếp cận của cộng đồng tới các khu vực không gian xanh này. Chính vì vậy, tính hiệu quả cho khai thác và kết nối cộng đồng của các không gian xanh chưa thực sự hiệu quả khi chỉ đáp ứng được một bộ phận nhỏ cộng đồng dân cư sống quanh khu vực. Cùng với các không gian xanh công cộng, các không gian cảnh quan công trình tôn giáo cũng đang phát huy tốt vai trò không gian kết nối cộng đồng.

Hoạt động vui chơi giải trí và thể dục thể thao cộng đồng tại vườn hoa Ngọc Lâm. (Phạm, 2023)
 

2. Một số đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho quận Long Biên

Cùng với Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch phân khu cần được rà soát và điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Qua đó, để khắc phục sự đứt gãy của hệ sinh thái đô thị, đồ án cần nghiên cứu điều chỉnh cấu trúc khung cảnh quan của quận nhằm tăng cường gắn kết các yếu tố tự nhiên có sẵn của cảnh quan mặt nước và ven sông Hồng và sông Đuống. Tăng cường khai thác hệ thống nêm xanh và hành lang xanh dựa vào các khu đất chưa xây dựng và điều chỉnh cục bộ nhằm khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng cảnh quan đô thị. Góp phần hoàn chỉnh hệ sinh thái đô thị dựa trên các tiềm năng tự nhiên của quận.

Khai thác hành lang sinh thái ven các nhánh sông, kênh thủy lợi và các tuyến đường giao thông để kết nối các không gian xanh đô thị nhằm hình thành hệ sinh thái đô thị hoàn chỉnh tại Austin, Texas, Mỹ (https://www.mvvainc.com)
 

Để tạo sự cân bằng và phân bố đều các không gian xanh trên địa bàn toàn quận, cần chuyển đổi các khu vực nhà máy xí nghiệp thành các không gian bảo tồn, tăng cường mảng xanh cho đô thị, mở rộng quy mô và khả năng tiếp cận không gian công cộng cho cộng đồng dân cư. Khai thác cảnh quan thích ứng nhằm bảo tồn các giá trị vật chất và tinh thần, giá trị lịch sử của các công trình này, điển hình như nhà máy xe lửa Gia Lâm. Đồng thời tạo nhiều không gian công cộng mới cho các khu vực đô thị cũ, cải thiện đáng kể môi trường cảnh quan đô thị và tăng chỉ tiêu đất cây xanh cho quận. Hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các nhà máy, xí nghiệp thành các khu đô thị hay trung tâm thương mại… Giải pháp biến đổi các khu vực chứa chất thải công nghiệp và độc hại, cơ sở hạ tầng, nhà máy và xí nghiệp không còn được sử dụng hoặc không được sử dụng thành không gian cảnh quan đô thị có giá trị. Những nơi bị bỏ quên này, mặc dù thường có tác động tiêu cực đến môi trường và cộng đồng xung quanh, nhưng lại là một phần di sản văn hóa của quá trình phát triển đô thị. Để làm nổi bật tầm quan trọng của những không gian này và tiềm năng chúng có thể trở thành một thứ gì đó hơn là sự lãng quên hoặc tàn lụi, quận cần tận dụng để biến đổi chúng thành những không gian cảnh quan đặc sắc; đồng thời bảo tồn lịch sử của các công trình đó cùng ý nghĩa và giá trị văn hóa…

Chuyển đổi đổi cảnh quan công nghiệp với sự can thiệp tối thiểu, tái sử dụng và làm mới hình ảnh của các vật thể kiến trúc đang mục nát thành những địa điểm thơ mộng để bày tỏ sự tôn trọng đối với quá khứ của địa điểm và giá trị di sản công nghiệp – Công viên công nghiệp Duisborg Nord, Duisberg Đức
(https://assets.latzundpartner.de)
 

Cải tạo cảnh quan ven mặt nước bằng các giải pháp kỹ thuật mềm cho các dự án xây mới cũng như các dự án cải tạo các vườn hoa, công viên, cảnh quan ven sông và các mặt nước hiện hữu. Các giải pháp sinh thái không chỉ cải thiện chất lượng không gian kiến trúc cảnh quan, đưa thiên nhiên lan sâu vào đô thị; mà còn góp phần cải thiện điều kiện vi khí hậu, tạo điều kiện cộng đồng dân cư thêm nhiều không gian hoạt động ngoài trời và tiếp cận với yếu tố nước. Từng bước thay thế những bờ kè bê tông, đá trước đây bằng các giải pháp thân thiện môi trường và sinh thái.

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan không chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước; sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đóng vài trò vô cùng to lớn và hiệu quả khi được phát huy. Tuyên truyền và vận động người dân trồng cây xanh hay cải tạo mặt tiền tuyến phố theo định hướng chung và các hồ sơ thiết kế cảnh quan đường phố cũng là nhóm giải pháp nhằm tăng cường sự đóng góp của người dân, đồng thời tăng cường ý thức bảo vệ không gian cảnh quan theo tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Để thúc đẩy quá trình hình thành các không gian công cộng trong cấu trúc cảnh quan của đô thị, cần có các cơ chế chính sách phù hợp nhằm kêu gọi các thành phần khác nhau trong xã hội tham gia đầu tư xây dựng có hiệu quả các không gian công cộng theo hướng sinh thái ở các cấp độ khác nhau. Xã hội hóa trong công tác duy trì và duy tu cảnh quan, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng sẽ góp phần nâng cao chất lượng cảnh quan cho các vườn hoa, công viên nhỏ.

Cảnh quan và môi trường trước và sau cải tạo công viên và hành lang xanh ven sông Mill tại TP Stamford, Connecticut, Mỹ (https://www.asla.org)
 
Các vườn hoa trong không gian chật hẹp tại Thượng Hải, Trung Quốc là giải pháp phù hợp cho các khu vực đô thị cũ của quận Long Biên. (https://www.archdaily.com)
 

Cải tạo cảnh quan đường phố cần gắn với sự tham gia của cộng đồng, kết hợp lựa chọn các loài cây xanh phù hợp với từng đặc trưng không gian và các giải pháp thiết kế cảnh quan cứng sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường và cảnh quan đường phố; nhất là đối với các tuyến đường tại khu vực đô thị cũ hay các điểm nút giao thông quan trọng và có tính lịch sử như không gian đầu cầu Long Biên và cầu Đuống để tạo lập tính kết nối không gian hai bờ sông Hồng và sông Đuống. Hình thành các loại hình vườn hoa nhỏ (porket garden) và cây dây leo trong các ngõ xóm hay tuyến đường không phù hợp cho phát triển các loài cây xanh bóng mát nhằm tạo tính đa dạng và tối ưu sự phân tán của các không gian công cộng. Giải pháp này hiệu quả cho các không gian chật hẹp và cải thiện môi trường cảnh quan và tăng tiện ích cho không gian cảnh quan đô thị.

Chiến lược phát triển “Hệ sinh thái tự nhiên đô thị” bền vững cho Vũng Tàu dựa trên nền tảng liên kết các mảng xanh (điểm) dạng phân tán bằng hệ thống tuyến cây xanh sinh thái (tuyến là hệ thống các hành lang xanh dọc theo các tuyến đường và hệ thống thuỷ kênh rạch nội đô) và dựa trên nền tảng của đặc điểm vi khi hậu của thành phố Vũng Tàu. Lồng ghép quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc với các giải pháp sử dụng cây xanh không chỉ cho các không gian công cộng, công sở trường học; mà còn trong các khu ở. (Phạm, 2019)
 
Sử dụng cây dây leo và cây bụi hay cây trồng chậu ven chân tường kết hợp với phân tích hiệu quả vi khí hậu không chỉ tăng diện tích cây xanh cho các tuyến đường, gia tăng tiện nghi và cảm xúc cho người tham gia giao thông trên những tuyến đường có vỉa hè hẹp, mà còn cải thiện môi trường cảnh quan hiệu quả khi tạo được bóng đổ trên các mặt tiền chịu nắng gay gắt – Giải pháp cải tạo cảnh quan cho tuyến đường Nguyễn Gia Thiều tại thành phố Vũng Tàu. (Phạm, 2019)
 

3. Kết luận

Mặc dù có nhiều thành tựu trong việc hiện thực hóa đồ án phân khu N10, cấu trúc không gian kiến trúc cảnh quan quận Long Biên chưa thực sự hoàn chỉnh và thiếu tính kết nối với những giá trị tự nhiên đặc thù của khu vực gắn với hai con sông Hồng và sông Đuống. Cần có những nghiên cứu và giải pháp kết nối có hiệu quả cấu trúc không gian cảnh quan trong quy hoạch chung điều chỉnh của thành phố nhằm định hướng cấu trúc không gian cảnh quan cho quận Long Biên dựa vào cấu trúc tự nhiên theo hướng bền vững và tạo lập hệ sinh thái đô thị hoàn chỉnh. Biến chúng trở thành cấu trúc khung cho quá trình phát triển đô thị và tạo bản sắc cho cảnh quan đô thị Long Biên.

Các giải pháp cụ thể theo hướng thân thiện môi trường, hạn chế tác động vào cấu trúc tự nhiên nhưng cải thiện được điều kiện môi trường cảnh quan đô thị và đáp ứng cùng lúc nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu hoạt động văn hóa, thể dục và thể thao của cộng đồng dân cư; Đồng thời giảm thiểu mức độ bê tông hóa bề mặt và làm tăng cơ hội tiếp xung thiên nhiên cho người dân đô thị.

Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan có sự tham gia của cộng đồng sẽ giảm bớt áp lực từ nguồn ngân sách nhà nước, tăng cơ hội tương tác, trải nghiệm và đóng góp của cộng đồng xã hội. Xã hội hóa trong tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan phù hợp với các không gian quy mô nhỏ, gắn trực tiếp tới quyền lợi và hoạt động của cộng đồng dân cư; góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính hiệu quả trong công tác triển khai các đồ án quy hoạch vào thực tế.

TS. Phạm Anh Tuấn
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 09-2023)