Yếu tố tự nhiên tác động tới giải pháp tổ chức KGCC thành phố Hà Nội.

07/08/2023 Lượt xem : 1025

SỰ KIỆN HỘI THẢO XU HƯỚNG KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VIỆT NAM 2025 VÀ LỄ TRAO GIẢI ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN 2024
BUỔI LỄ CHẤM GIẢI THƯỞNG ĐỒ ÁN SINH VIÊN TỐT NGHIỆP XUẤT SẮC NGÀNH KIẾN TRÚC CẢNH QUAN NĂM 2024
Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan Cầu Long Biên – TP Hà Nội
Một hành trình – Triệu sắc Xanh: Chương trình “Chào K69 - Ngành Kiến trúc Cảnh quan”
Tre trong đời sống và xây dựng làng xã của người Việt vùng Đồng bằng Bắc Bộ
  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong lịch sử hình thành các thành phố từ trước tới nay, mọi môi trường đô thị đều gắn liền, kết hợp với các yếu tố tự nhiên. Thiên nhiên đã từng được hòa quyện với cuộc sống của cư dân thành phố trong suốt lịch sử phát triển đô thị. Với cuộc cách mạng công nghiệp và tốc độ đô thị hóa, sự tách biệt giữa môi trường sống của con người và thiên nhiên ngày càng tăng lên. Vào nửa sau thế kỷ 19, các nhà quy hoạch bắt đầu chủ ý tạo ra những mảng xanh ở trong thành phố. Tới thế kỷ 20, mật độ đô thị ngày càng tăng cao bắt buộc phải định vị thiên nhiên trong các không gian công cộng. Từ đó, các yếu tố tự nhiên có mặt ở các không gian công cộng đã đóng góp vào việc tạo ra sự cân bằng cho đô thị.

Ngày nay, với sự tăng trưởng đô thị không ngừng diễn ra, các không gian mở ngày càng trở nên có giá trị sâu sắc và các không gian công cộng cho xã hội được chú trọng nhiều hơn trong việc tổ chức quản lý, quy hoạch và thiết kế để tích hợp yếu tố thiên nhiên len lỏi vào trong thành phố.

Thực tế cho thấy các không gian công cộng có nhiều yếu tố tự nhiên hiện diện trong đó mang đến cảm nhận thoải mái và thích thú cho người dân nhiều hơn. Các yếu tố tự nhiên ngoài việc tạo ra sự cân bằng đô thị, nó còn góp phần tác động tích cực vào hành vi cư xử của người dân. Các không gian công cộng nếu nhìn nhận và thiết kế tốt các yếu tố tự nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và đáp ứng được nhu cầu của con người trong bối cảnh đô thị diễn ra tấp nập nhộn nhịp và căng thẳng. Tuy nhiên, việc thiết kế các yếu tố tự nhiên trong môi trường đô thị cần được xem xét và tích hợp với những yếu tố khác cấu thành KGCC của đô thị.

Theo quan sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, cách người dân tương tác với yếu tố tự nhiên ở không gian công cộng phụ thuộc vào loại hình và bối cảnh mà yếu tố tự nhiên đó được thiết kế hay đặt vào. Các yếu tố tự nhiên cần phải được bảo trì và duy trì tốt nhằm đảm bảo sự phát triển lâu dài. Các yếu tố tự nhiên có sự liên kết chặt chẽ với hoạt động của con người và các yếu còn lại cấu thành không gian công cộng.

Đối với người Việt Nam có đặc trưng văn hóa là gốc nông nghiệp lúa nước thì sự hiện diện của yếu tố tự nhiên trong thành phố và không gian công cộng là vô cùng gần gũi và quan trọng. Tinh thần nơi chốn đến từ những hình ảnh con sông, cây cổ thụ, hàng cây, mặt hồ nước phản chiếu hình ảnh tuyến phố… Sự thay đổi của tự nhiên theo mùa cũng tạo nên những diện mạo đặc biệt chỉ xuất hiện ở vài thời điểm trong năm, khơi lên những xúc cảm trong lòng người dân Hà Nội, đã được ghi chép ở trong rất nhiều bài hát, tranh và thơ của những thi sĩ...

Đặc biệt, trong cơ chế quản lý hiện nay ở thành phố Hà Nội, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm, các không gian công cộng rất được quan tâm, nhiều dự án chỉnh trang được hình thành, các cuộc thi tuyển ý tưởng được tổ chức để thu thập nhiều ý kiến của cộng đồng xã hội và giới chuyên môn.

  1. YẾU TỐ TỰ NHIÊN TÁC ĐỘNG VÀO TỔ CHỨC KHÔNG GIAN CÔNG CỘNG

Trong cảnh quan đô thị, không gian công cộng là nơi mà các yếu tố tự nhiên và xã hội cùng nhau định hình hệ sinh thái tương tác cộng sinh với nhau. Một trong những phương pháp để thiết kế dựa trên hệ sinh thái cảnh quan đó là dựa trên vị trí của các yếu tố tự nhiên, cấu trúc và hoạt động của các yếu tố đó và sự hình thành dựa trên các điều kiện có sẵn để tránh phá vỡ hiện trạng hiện hữu, mục đích cuối cùng là kết nối giữa con người cùng yếu tố nhân tạo hiện có với yếu tố tự nhiên sinh thái.

Trong các yếu tố tự nhiên thì cây xanh và mặt nước là hai yếu tố thể hiện rõ nét cho cái đẹp về thẩm mỹ trong thiết kế không gian, là yếu tố không thể tách rời khỏi cấu trúc đô thị góp phần tăng giá trị cảnh quan, tạo sự cân bằng cho hệ sinh thái tự nhiên cũng như xác định được bản sắc cho không gian công cộng trong đô thị. Cây xanh, mặt nước hiện hữu tự nhiên được ưu tiên hàng đầu trong quá trình định hình thiết kế không gian công cộng, yếu tố đó không chỉ mang tính chất sử dụng tức thời mà còn góp phần định hướng về tổng thể, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho không gian đô thị hình thành trong tương lai.

  1. VAI TRÒ CỦA YẾU TỐ MẶT NƯỚC.

3.1. Vai trò

Trong các yếu tố tự nhiên cấu thành đô thị và các không gian công cộng, yếu tố mặt nước mang đến những hiệu ứng đặc biệt, góp phần làm giàu và tạo ra các giá trị cảnh quan cao, đóng góp cho các thành phố hấp dẫn hơn. Đồng thời giúp xác định rõ được bản sắc, cấu trúc hình thái đô thị.

Về mặt vai trò, mặt nước ở khu vực thành thị có thể thúc đẩy khả năng phục hồi của môi trường đô thị. Nước có tầm quan trọng rất lớn đối với con người và những sinh vật khác nhau trên thế giới. Đó là yếu tố duy trì sự sống quan trọng nhất chỉ sau không khí, góp phần cung cấp năng lượng không chỉ cho con người mà còn cho các hệ sinh thái tự nhiên khác như cây xanh, đất... Từ những giá trị bền vững và thực tế của mặt nước, con người bị lệ thuộc và mê hoặc bởi giá trị thẩm mỹ, sinh thái của nó. Trong lịch sử hình thành cảnh quan vườn từ trước tới nay, mặt nước là một phần quan trọng không những của các khu vườn nổi tiếng mà còn là yếu tố tự nhiên cấu thành các không gian công cộng không thể thiếu trong suốt bề dày lịch sử.

Việc lấy mặt nước làm trung tâm, trở thành điểm nhấn quan trọng trong không gian cộng cộng như vườn hoa, công viên được áp dụng phổ biến ở các thành phố hiện đại bây giờ. Một số các không gian công cộng trở nên nổi tiếng cũng nhờ tận dụng thành công sự ưu ái của thiên nhiên là yếu tố mặt nước như: hồ nước, kênh mương, các bờ sông uốn lượn qua đô thị để khai thác triệt để cảnh quan mặt nước, từ đó phát triển cảnh quan không gian công cộng đa dạng gắn liền với mặt nước. Trong nhiều ví dụ phổ biến về kiến trúc và kiến trúc cảnh quan đã cho thấy rằng mặt nước đã thành công trong việc là điểm nhấn trung tâm có sức thu hút lớn đối với cộng đồng trong mọi thời đại.

Ngoài ra sự xuất hiện của yếu tố mặt nước trong không gian công cộng làm tăng yếu tố kính tế như giá trị bất động sản ở khu vực xung quanh.

Về mặt nhân văn, nhiều tài liệu đã đề cập đến phản ứng tích cực và khả năng phục hồi của không gian mặt nước trong cảnh quan. Các không gian công cộng có yếu tố nước được mọi người ưa chuộng nhiều hơn. Cả mặt nước tự nhiên và nhân tạo đều được đánh giá cao về sự ảnh hưởng tích cực đến khả năng phục hồi đối với cộng đồng xã hội. Những không gian cộng cộng có mặt nước sẽ giúp giữ chân người đi đường ở lại lâu hơn và mọi người có xu hướng ở gần mặt nước nhiều hơn. Mặt nước giúp tăng khả năng tương tác giữa con người với nhau và kích thích sự khám phá môi trường xung quanh của mọi người.

Ở góc nhìn khu vực, chính sách quản lý mặt nước sở thành phố Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng hầu như dành mức độ ưu tiên khá cao cho việc bảo tồn các hệ nguồn nước tự nhiên như sông, hồ, kênh, mương… phân loại mặt nước tự nhiên và mặt nước nhân tạo, mặt nước tĩnh và mặt nước động trong thiết kế không gian công cộng.

3.2. Thiết kế mặt nước ở không gian công cộng

Mặt nước tự nhiên: Chú ý tới các giải pháp kè hồ, hệ thống thủy văn, xử lý nguồn nước thải, vệ sinh môi trường,.. kết hợp các giải pháp trang trí như chiếu sáng, hiệu ứng phản chiếu của mặt nước.

Mặt nước nhân tạo: chú ý tới một số giải pháp như thiết kế quảng trường nước, đài phun nước kết hợp công nghệ, chiếu sáng, hướng gió, cách bố trí góp phần nâng cao môi trường sống trong đô thị

  1. VAI TRÒ CỦA YẾU TỐ CÂY XANH.

4.1. Vai trò

Trong các yếu tố tự nhiên ở Không gian công cộng, yếu tố Cây xanh là những vật thể hữu hình đẹp đẽ dễ được quan sát, ngắm nhìn – với hiệu ứng mang lại các cảm thụ thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác… với màu xanh, âm thanh tự nhiên đó là cách mà thiên nhiên tại mặt đất kết nối với bầu trời. Tuy nhiên, ngoài cái dễ quan sát đó, cây xanh về bản chất còn mang lại nhiều giá trị hơn không chỉ về cái đẹp và thẩm mỹ cho thiết kế cảnh quan không gian công cộng trong đô thị.

Giá trị lớn nhất mà yếu tố cây xanh mang lại cho chúng ta chính là các dịch vụ hệ sinh thái, giúp ích cho toàn bộ môi trường đô thị. Nhiều người không nhận ra rằng cây xanh không chỉ nhả ra Oxy – thứ rất cần thiết cho sự sống của con người, mà cây còn có thể hấp thụ nước, trao đổi dinh dưỡng địa chất thông qua bộ rễ của chúng. Ngoài ra, cây giúp chống xói mòn, giảm bớt sức nước do thiên tai lũ lụt, giúp cản gió. Các lợi ích mà cây xanh mang lại cho con người còn giúp tạo bóng râm, làm tăng giá trị tự nhiên cho một khu vực. Nếu chặt bỏ đi những cây xanh, đồng nghĩa với việc con người sẽ không còn nhận được những giá trị mà những cây xanh đó mang lại như trên nữa, từ đó mà chất lượng sinh sống tại khu vực sẽ bị giảm xuống.

Để hiểu về tầm quan trọng của cây, nên quan điểm rằng yếu tố cây xanh thuộc về cộng đồng xã hội chứ không đơn thuần chỉ là chủ sở hữu đất đai hay quản lý địa phương.

Có rất nhiều hiệu ứng tích cực đến từ việc trồng cây trong môi trường đô thị. Trồng cây thực sự có thể góp phần tận hưởng không khí sạch hơn, và điều đó góp phần vào cuộc sống lành mạnh hơn cho con người trong thành phố, vì cây hấp thụ CO2 và tạo ra oxy, đồng thời hấp thụ các chất ô nhiễm như nitơ, amoniac và lưu huỳnh điôxít. Ngoài ra, bằng cách che bóng mát cho đường phố bê tông, cây xanh giúp giảm nhiệt độ của không gian công cộng và toàn bộ thành phố. Với đặc tính che bóng này, cây cũng giúp làm chậm sự bay hơi nước từ các cây khác. Bằng cách trồng cây đúng cách, nước mưa cũng có thể được kiểm soát.

Ngoài ra, cây xanh có thể tạo nên các ý thức về bản sắc cho khu phố, tinh thần nơi chốn, cảm nhận thẩm mỹ về không gian công cộng; các KGCC có nhiều mảng xanh xung quanh sẽ có xu hướng có giá trị cao hơn so với những khu vực có ít hoặc không có mảng xanh.

Cây xanh là yếu tố then chốt tạo ra những thành phố tuyệt vời đáng sống vì các không gian công cộng xanh giúp cho cộng đồng xã hội phát triển tốt, nền kinh tế và môi trường sống lành mạnh. Ngoài ra, cây xanh là yếu tố không thể thiếu đối với bất kỳ một thành phố hay không gian công cộng nào.

Với mong muốn về cuộc sống đô thị với tầm quan trọng ngày càng tăng về hạ tầng xanh, không gian công cộng và đường phố hoàn chỉnh, việc hiểu và thiết kế đúng yếu tố cây xanh ngày càng trở nên quan trọng đối với sự thịnh vượng, bền vững của bất kỳ thành phố nào. Chính bởi vì cây là một thực thể sống cho nên việc thiết kế đúng một không gian để hỗ trợ cây sống kiên cường, khỏe mạnh trong môi trường đô thị là một nhiệm vụ quan trọng. Cây xanh là sinh vật sống và là một yếu tố quan trọng trong quy hoạch hạ tầng đô thị, nó cần phải được chú trọng trong mọi giai đoạn lập kế hoạch, thiết kế và phát triển đô thị. Nếu cây xanh được thiết kế hợp lý sẽ mang lại những giá trị đáng kể và trở thành một tài sản quan trọng lâu dài cho thành phố.

Một điều nữa cần phải xem xét khi bắt đầu xây dựng hay cải tạo một không gian công cộng đô thị là tiến hành điều tra, khảo sát hiện trạng, lịch sử của khu đất hay các yếu tố tự nhiên đang hiện hữu. Một số cây được xếp vào diện di sản (cây cổ thụ có kích thước lớn hoặc cây được một nhân vật nổi tiếng trồng) cần được bảo tồn. Những cây di sản thể hiện cho tính lịch sử của khu vực nên việc quy hoạch thiết kế các không gian xung quanh cần được chú trọng.

Để thiết kế đúng yếu tố cây xanh, cần phải hiểu giá trị cơ bản mà nó mang lại, ví dụ như:

- Giá trị kinh tế:

+ Tăng giá trị tài sản

+ Nâng cao ý thức nơi chốn, địa điểm.

+ Giảm chi phí làm mát cho KGĐT

+ Tăng sự ổn định kinh tế

+ Giảm chi phí cho cơ sở hạ tầng xám

+ Duy trì cuộc sống ngoài trời (vỉa hè, quảng trường, vườn hoa, công viên…)

+ Giảm lũ lụt, xói mòn.

- Giá trị sức khỏe / xã hội:

+ Cải thiện sức khỏe con người

+ Tạo bóng râm

+ Tạo lớp đệm về hình ảnh và âm thanh

+ Cải thiện, nâng cấp khu ở, đơn vị ở

+ Tạo tuyến trong đô thị (phố đi bộ, đại lộ…)

- Giá trị môi trường:

+ Giảm khí nhà kính

+ Cải thiện chất lượng không khí và nước

+ Giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị

+ Giảm tiêu thụ năng lượng

+ Giảm xói mòn đất

+ Cung cấp môi trường sống tự nhiên.

Tóm lại, cây xanh rất quan trọng đối với mô hình đô thị và có chức năng như vật liệu xây dựng sống tạo khung cho không gian và nhân bản hóa môi trường đô thị. Không gian xanh mang đến trật tự cân bằng vi khí hậu rất cần thiết giảm thiểu tác động của sự hỗn loạn trong môi trường đô thị.

4.2. Thiết kế yếu tố cây xanh

Cây là sinh vật sống và đòi hỏi môi trường trồng nhất định để tồn tại và phát triển. Để thiết kế đúng yếu tố cây xanh, phải có sự hiểu biết sâu sắc về đặc điểm sinh học của Cây. Sự hiểu biết này là cần thiết cho mỗi cây sống đủ lâu với sự bảo trì tối thiểu với mức chi phí hợp lý.

Việc trồng cây cần phải xem xét các bối cảnh không gian xung quanh, ví dụ như trong công viên vườn hoa đòi hỏi phải cắt tỉa ít hơn so với việc trồng ở những con đường hẹp với không gian hạn chế. Thân cây phải đủ xa khỏi các công trình và mái nhà để đảm bảo sự phát triển phù hợp của cây và ngăn chặn mọi thiệt hại cho cây khỏi sự phát triển của rễ và tán không được kiểm soát.

Việc duy tu bảo trì cây xanh cần có các đơn vị chuyên biệt và cần phải lựa chọn cây xanh dựa trên các đặc điểm sinh học (cành gãy, lá rụng ảnh hưởng đến mặt tiền của một công trình). Ngoài ra, việc xây dựng xung quanh một cái cây hay chèn một cái cây vào vị trí nào đó trong tổng thể không gian cũng cần có sự cân nhắc, bởi cây xanh có hệ thống rễ rất lớn và sức khỏe chất lượng của rễ sẽ quyết định sức khỏe của cây. Đề trồng một cái cây, các nhà thiết kế và thi công cần phải đảm bảo cây và rễ của nó có đủ không gian để mở rộng và phát triển. Sau khi trồng, cây cần được đánh giá thường kỳ về mặt chất lượng, sức khỏe. Một thiết kế cảnh quan sẽ bị ảnh hưởng diện mạo nếu cây đó xuống cấp hoặc bị chết. Đó là lý do vì sao cần phải xem xét cẩn thận, lựa chọn cây trồng phù hợp trước khi tiến hành xây dựng.

Nếu muốn tạo ra một không gian công cộng đẹp, đại diện hình ảnh cho khu vực hay thành phố, có khả năng tồn tại trong nhiều thập kỷ ở tương lại, cần phải thiết kế cây xanh kèm với việc kiểm tra chất lượng đất và môi trường tổng thể xung quanh. Nếu như nền đất yếu, không đủ dinh dưỡng thì cần phải có một số quy cách trồng và cải tạo đất nền, tương tự như vậy đối với các yếu tố khác.

Việc chọn đúng chủng loại cây cũng rất quan trọng, cần xem xét sự tương quan của cây đối với một số yếu tố trong không gian công cộng như biển báo, biển hiệu, đường dạo. Có thể lựa chọn cây lá hoặc cây thường xanh, vì lá rụng liên quan đến rất nhiều công đoạn dọn dẹp để quét dọn chúng. Ở một số khu vực đặt biệt như bãi đỗ xe nên trồng những cây có bộ rễ sau thay vì những bộ rễ trải dài theo bề mặt.

Các đường phố đô thị có sự cạnh tranh đáng kể về diện tích không gian nên việc trồng cây cần tính toán để được sinh trưởng và phát triển tốt, điều này đặc biệt quan trọng đối với những cây có tán lớn. Cần chú ý các kỹ thuật để tạo ra không gian phù hợp cho bộ rễ như quy cách trồng cây, tiêu chuẩn hố cây, vỉa hè, khoảng cách từ gốc cây cho đến bó vỉa và công trình.

Ngoài ra, cần phải tôn trọng nền đất trồng cây bởi vì cây sẽ tăng trưởng theo thời gian. Trồng đúng cây đúng vị trí bởi mỗi loại cây sẽ có nhu cầu sinh học khác nhau và khả năng thích ứng với môi trường khác nhau. Cần phải hiểu các yêu cầu đó của mỗi chủng loại cây khác nhau và lên kế hoạch cho vòng đời của không gian công cộng.

  1. MỘT SỐ DỰ ÁN TIÊU BIỂU.

5.1. Công viên trung tâm Central park

Công viên trung tâm Central Park nằm ở trung tâm đô thị Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Công viên có tuổi thọ khá lâu đời, từng được ra mắt vào năm 1857 với 3,41 km2 trên một phần đất rộng lớn thuộc quyền quản lý của chính phủ.

Công viên được thiết kế bởi Frederick Law Olmsted - ông là một kiến trúc sư cảnh quan người Mỹ, nhà báo, nhà phê bình và hoạt động xã hội. Olmsted được coi là cha đẻ của nền kiến trúc cảnh quan nước Mỹ, những tác phẩm của ông có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới kiến trúc cảnh quan của Mỹ ở những giai đoạn sau. Ông không chỉ là một kiến trúc sư cảnh quan thiết kế bản thân những công viên, mà còn là người nghiên cứu và đề xuất hệ thống không gian xanh hoàn chỉnh cho cả đô thị (Louisville, Kentucky, Milwaukee, Wisconsin).

Ban đầu công viên chỉ là một nơi sinh hoạt đơn giản dành cho người dân sống xung quanh và cảnh quan giống như một khu rừng nguyên sinh, với sự hiện diện của nhiều yếu tố tự nhiên như cây xanh mặt nước ở quy mô lớn và đa dạng phong phú. Sau này, với nhịp sống đô thị mạnh mẽ. Công viên Central Park đã trở thành một lá phổi xanh, một hình ảnh nhận diện đô thị, một biểu tượng cảnh quan, một xu hướng sinh thái trong đó yếu tố tự nhiên đóng vai trò vô cùng quan trọng.

5.2. Cải tạo sông Cheonggyecheon [1]

Năm 2006 chính quyền đô thị Seoul (Hàn Quốc) đã chính thức khánh thành dự án thiết kế chỉnh trang phục hồi dòng kênh Cheonggyecheon. Sau hơn 10 năm được phục hồi và chỉnh trang, dự án không chỉ có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị mà còn mang đến nhiều cơ hội phục hồi và tái thiết khu vực trung tâm cũ đã bị xuống cấp trong quá khứ, mang đến chất lượng tiện nghi sống, sự thịnh vượng mới cho người dân.

Khu vực kênh nước Cheonggyecheon có vị trí trung tâm quan trọng trong lịch sử TP Seoul (Hàn Quốc) khi vua Taejo thành lập triều đại Joseon vào năm 1392 đã chọn Hanyang (khu vực trung tâm phát triển CBD Seoul hiện tại) làm thủ đô. Lúc đó, kênh Cheonggyecheon có trục kéo dài xuyên tâm từ Tây sang Đông, chia đô thị cổ Hanyang thành hai phần. Vì dòng sông là nguồn nước chính của Thủ đô nên đã có nhiều nỗ lực để kiểm soát mực nước của dòng sông qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của Seoul. Tuy nhiên, khi công nghiệp phát triển giữa những năm 1950, kênh bị ô nhiễm trầm trọng. Để hạn chế ô nhiễm mùi hôi và chất thải với khu vực dân cư xung quanh, cũng như nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của một đô thị công nghiệp mới, trong những năm từ 1955 đến 1961, sông Cheonggyecheon đã được cống hóa và dành mặt bằng để xây dựng lên trên các hệ thống đường cao tốc đa tầng. Điều này không những khiến dòng sông bị chết mà còn làm đô thị lộn xộn và thiếu tính bền vững do bị phá vỡ cấu trúc tự nhiên một cách thô bạo.

Đây là một ví dụ điển hình về việc khai thác yếu tố mặt nước và chênh cốt địa hình trong khu vực nội đô trung tâm thành phố. Việc cải tạo thiết kế cảnh quan dự án này không chỉ mang đến hoạt động vui chơi giải trí cho người dân mà còn có ý nghĩa về mặt tự nhiên, môi trường, đồng thời tạo ra một hình ảnh đại diện cho tính nhân văn của thành phố.

5.3. Dự án Quảng trường Nước - Thành phố Bordeaux, Pháp

Dự án Water Mirror được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Michel Corajoud năm 2009, là một quảng trường Nước hình chữ nhật, nằm ở một điểm rất đặc biệt của thành phố Bordeaux (Pháp). Mặt nước rộng 3,450 mét vuông này nằm ở vị trí giữa sông Garonne và Place de la Bourse, giáp mặt với nhiều công trình di sản lịch sử  với đường nét kiến trúc của thế kỷ 18. Với sự đối lập này, dự án được hình thành như một trò chơi thiết kế thú vị giữa tổ hợp của tòa nhà lịch sử, quảng trường, dòng sông tự nhiên và mặt nước nhân tạo.

Hình 1: Yếu tố nước với hiệu ứng mặt gương tạo nên vẻ đẹp tổng thể với tinh thần tôn trọng lịch sử

Nguồn: http://www.morethangreen.es/en/water-mirror-a-place-to-cool-off-in-bourdeaux/

Hiệu ứng phản chiếu như gương của mặt nước mỏng càng trở nên mờ ảo bởi công nghệ phun tia màng hơi nước dạng lớp sương mờ ảo, ngoài việc giải nhiệt môi trường còn làm tôn lên hiệu ứng thẩm mỹ cho công trình di sản phía sau. Nhờ thiết kế độc đáo đó, dự án Water Mirror đã trở thành một không gian công cộng thu hút cho các hoạt động giải trí, nghỉ ngơi đặc biệt vào mùa hè.

Hình 2: Công nghệ phun nước tạo lớp màng nước dạng sương gây nên sự mờ ảo đồng thời làm mát không gian

Nguồn: http://www.morethangreen.es/en/water-mirror-a-place-to-cool-off-in-bourdeaux/

Với 2cm của lớp mặt nước trên phiến đá granite khổng lồ hình chữ nhật, Quảng trường đại diện cho một sự phá vỡ với thời trung cổ của Bordeaux, với thông điệp Thành phố cuối cùng đã được tự do phát triển! Nhưng vẫn tôn trọng những gì thuộc về lịch sử.

5.4. Dự án Gubei Gold Street - Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc

Dự án tuyến phố không gian công cộng với thiết kế cảnh quan tuyệt đẹp nằm tại quận Gubei, thành phố Thượng Hải - một trong những đô thị lớn nhất của Trung Quốc và được coi là cửa ngõ kinh tế với Thế giới, với hơn 640 tòa nhà chọc trời. Khi Thượng Hải trở nên quá phát triển thì các không gian công cộng trở thành một cái gì đó quý hiếm và vô cùng cấp thiết.

Dự án tuyến phố Gubei xuất hiện như một viên ngọc quý hiếm giữa nhịp sống tấp nập, vội vàng của người dân Thượng Hải. Lối đi dạo rộng rãi với sự xuất hiện đầy đủ của yếu tố tự nhiên như cây xanh, mặt nước không phải là hình ảnh mà dễ bắt gặp ở một thành phố ngày càng trở nên đông đúc như Thượng Hải.

Dự án tuyến phố không gian công cộng với thiết kế cảnh quan tuyệt đẹp nằm tại quận Gubei, thành phố Thượng Hải - một trong những đô thị lớn nhất của Trung Quốc và được coi là cửa ngõ kinh tế với Thế giới, với hơn 640 tòa nhà chọc trời. Khi Thượng Hải trở nên quá phát triển thì các không gian công cộng trở thành một cái gì đó quý hiếm và vô cùng cấp thiết.

Dự án tuyến phố Gubei xuất hiện như một viên ngọc quý hiếm giữa nhịp sống tấp nập, vội vàng của người dân Thượng Hải. Lối đi dạo rộng rãi với sự xuất hiện đầy đủ của yếu tố tự nhiên như cây xanh, mặt nước không phải là hình ảnh mà dễ bắt gặp ở một thành phố ngày càng trở nên đông đúc như Thượng Hải.

Khi lên ý tưởng cho dự án này, đơn vị thiết kế SWA muốn đưa ra một thiết kế thực sự độc đáo giữa thị trường thiết kế không gian công cộng và cảnh quan đang nở rộ. Việc chọn ra một vị trí để hình thành nên dự án này khá khó khăn bởi mật độ phát triển và xây dựng dày đặc của thành phố Thượng Hải. Cuối cùng, dự án được tọa lạc tại một hành làng không gian công cộng, cạnh các tòa tháp dân cư cao khoảng 20 tầng.

Mục đích hình thành của dự án không đơn giản chỉ là một tuyến phố đi bộ mà còn là một sự hiện diện của không gian công cộng mang tính biểu tượng, chính vì vậy, việc tích hợp và cộng sinh nhiều yếu tố tự nhiên lẫn nhân tạo trong thiết kế vô cùng được chú trọng. Tuyến phố đi bộ được mở rộng, phù hợp để đưa một số chức năng vào như quảng trường, dịch vụ cafe, đài phun nước, ki-ốt bán hàng.

Hình 3: Tuyến phố công cộng giữa lòng thành phố Thượng Hải nhộn nhịp

Khi lên ý tưởng cho dự án này, đơn vị thiết kế SWA muốn đưa ra một thiết kế thực sự độc đáo giữa thị trường thiết kế không gian công cộng và cảnh quan đang nở rộ. Việc chọn ra một vị trí để hình thành nên dự án này khá khó khăn bởi mật độ phát triển và xây dựng dày đặc của thành phố Thượng Hải. Cuối cùng, dự án được tọa lạc tại một hành làng không gian công cộng, cạnh các tòa tháp dân cư cao khoảng 20 tầng.

Mục đích hình thành của dự án không đơn giản chỉ là một tuyến phố đi bộ mà còn là một sự hiện diện của không gian công cộng mang tính biểu tượng, chính vì vậy, việc tích hợp và cộng sinh nhiều yếu tố tự nhiên lẫn nhân tạo trong thiết kế vô cùng được chú trọng. Tuyến phố đi bộ được mở rộng, phù hợp để đưa một số chức năng vào như quảng trường, dịch vụ cafe, đài phun nước, ki-ốt bán hàng.

Tuyến phố thương mại - nơi nghỉ ngơi thanh bình giữa thành phố nhộn nhịp.

Quận Gubei là một trong những nơi đông đúc nhất ở thành phố Thượng Hải. Nhờ vào thiết kế không gian công cộng tuyệt với mà vị trí trung tâm đắt đỏ nhất của khu vực được dành cho người dân, nơi hình thành nên như một ốc đảo xanh mướt, thanh bình, một nơi mở rộng tầm mắt không chỉ cho cư dân địa phường mà còn cho khách du lịch. Đây là một ví dụ mà các thành phố nhộn nhịp khác nên xem xét và học hỏi về cách ứng xử với không gian công cộng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phát triển mạnh, mục đích để mang lại hòa bình và cơ hội thư giãn cho cộng đồng xã hội. Từ đó, hình ảnh về thành phố và khu vực cũng đẹp và thân thiện hơn.

Sự xuất hiện của yếu tố mặt nước ở quảng trường trung tâm với tạo hình đài phun nước như một điểm nhấn, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Đây là một vùng đệm giữa đường phố tấp nập với khu vực đi bộ yên bình.

Hình 4: Thiết kế cảnh quan chú trọng tạo hình yếu tố cây xanh, mặt nước

 

Thiết kế cổ điển xen lẫn hiện đại, kết hợp với lựa chọn yếu tố cây xanh tuyệt vời

Đối với các kiến trúc sư cảnh quan, dường như việc khó khăn nhất là chọn được yếu tố phù hợp đối với một không gian mở, chịu được tương tác với tự nhiên. Những yếu tố này ngoài việc thực hiện đúng chức năng còn phải mang lại cảm giác về thẩm mỹ. Một số chi tiết hiện đại được kết hợp với mô tuýp Pháp cổ điển. Mọi thiết kế được đưa vào đây đều có ẩn ý. Một vài đường dạo được chèn thêm hàng cây rẻ quạt dáng cao tạo sự chuyển đổi thị giác mềm mại từ dãy nhà cao tầng sang tuyến phố mở rộng tầm mắt. Nhiều cây thường xanh được chọn để trồng ở đây để tạo ra không gian với nhiều tán cây xanh mát quanh năm. Một vài khu vực được trồng cây anh đào, hoa nở tạo ra sự đột biến màu sắc ở một vài tháng trong năm. Nhìn vào sự lựa chọn yếu tố cây xanh ở dự án này, mọi yếu tố tự nhiên được thiết kế nhằm tạo sự cân bằng với môi trường khắc nghiệt của thành phố.

Hình 5: Không gian công cộng dạng tuyến phố đa dạng về công năng và hình ảnh

Nguồn: https://land8.com/gubei-gold-street-brings-peace-to-the-busy-city-of-shanghai/

Thiết kế gợi mở mọi giác quan

Ngoài việc thiết kế các yếu tố có thể kích thích thị giác, nhiều cây xanh có hương thơm đặc biệt được đưa vào sử dụng để kích thích khứu giác. Cả tuyến phố mang đến một trải nghiệm tuyệt vời và hoàn chỉnh về giác quan.

Dự án tuyến phố Gubei dài 700m, rộng 60m khá độc đáo, như nguồn cảm hứng được khơi gợi từ các yếu tố cảnh quan hòa trộn hoàn hảo với nhau. Khu vực từ đường phố bê tông tầm thường trở thành một công viên đô thị, giúp làm giảm nhiệt độ môi trường, mật độ cây xanh góp phần lọc khí độc, làm mát không gian. Tổng thể cảnh quan hình thành khá thành công, được cộng đồng đón nhận, mang lại nhiều lợi ích cân bằng cho quận Gubei và thành phố Thượng Hải.

5.5. Dự án Tanner Springs, Mỹ

Dự án được thiết kế bởi Atelier Dreiseitl, tọa lạc tại Quận Pearl ở thành phố Portland, Oregon, Mỹ - trước đây vào cuối năm 1800, là một vùng đất trũng ngập nước với một nhánh tự nhiên của sông Willamette chảy qua.

Khu vực này trước đây là một nhánh của Lạch Tanner tiến vào Hồ Coach. Khoảng năm 1890, các vùng đất ngập nước trong đó có hồ Coach, đã bị rút cạn, bị lấp đi để nhường chỗ cho hệ thống đường sắt rộng lớn với hàng chục đường ray xe lửa để vận chuyển gỗ. Lạch Tanner sau đó bị giấu đi trong hệ thống đường ống nước hạ tầng ngầm dưới thành phố nhộn nhịp. Và các hệ sinh thái tự nhiên bị xóa để nhường chỗ cho sự phát triển của ngành công nghiệp và đường sắt.

Hình 6: Vị trí dự án Tanner Springs

Vị trí của dự án nằm ngay tại trung tâm của hồ Coach lịch sử, gần kênh Tanner Creek - được hình thành trong bối cảnh người dân khu vực đang tìm kiếm một không gian yên tĩnh, nơi có thể nghỉ ngơi, chiêm nghiệm, trái ngược với quảng trường Jamison gần đó. Họ mong muốn một nơi gần gũi với tự nhiên, nơi có khả năng phục hồi về mặt môi trường, sinh thái. Khi đưa vào sử dụng, công viên Tanner Springs được cộng đồng đón nhận bởi đã mô hình hóa và tái hiện lại được môi trường tự nhiên sinh thái của khu vực trước năm 1850 khi bị đô thị hóa. Về cơ bản, công viên là sự kết hợp giữa nước và các lối đi, nơi có thể tổ chức các sự kiện biểu diễn nhỏ, nơi trẻ em có thể vui đùa nghịch nước hay đơn giản là nơi ngắm cảnh tĩnh lặng cho người dân.

Dự án là một sự pha trộn phong phú của lịch sử tự nhiên và văn hóa mà nhóm thiết kế đã kết hợp đưa vào Công viên Tanner Springs. Công viên tái hiện lại một mô hình sinh thái với cộng đồng thực vật tự nhiên trước đây đã từng tồn tại ở thung lũng Willamette như ao nước ngọt, các vùng đất ngập nước ẩn hiện, hệ thống thủy sinh và thảo nguyên ngập nước, gỗ rừng sồi, cây cối thung lũng…

Dự án đồng thời thể hiện sự tôn trọng với lịch sử khi lưu giữ các chi tiết mảnh tường tái hiện lại hệ thống đường ray của thời kỳ cách mạng công nghiệp, thể hiện việc lưu giữ các tư liệu lịch sử, như kể lại câu chuyện của vùng đất từ một con lạch tự nhiên, đến ký ức của các khu công nghiệp và đường ray xe lửa cho đến thành phố hiện đại ngày nay.

Hình 7: Không gian công cộng không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí nghỉ ngơi cho người dân mà còn là một hệ thống sinh thái tự nhiên khép kín

Nguồn: https://greenworkspc.com/ourwork/tanner-springs-park

Đây là một công viên đô thị rộng 1 mẫu Anh, mới trọng tâm là vùng đất ngập nước - như trước đây lịch sử đã từng. Bản thân nó không đơn giản chỉ là một bảo tàng vùng đất ngập nước, mà nó là một trường sống thực sự của đô thị. Nó có hệ sinh thái đích thực và các kiến trúc sư đơn giản chỉ là dùng thiết kế nghệ thuật để giải thích chu trình tự nhiên đó. 

Dự án hướng đến thiết kế bền vững, nguồn cảm hứng đến từ thiên nhiên như tạo ra một chu trình sinh thái khép kín, có khả năng phục hồi về mặt tự nhiên, tái sử dụng nước mưa và thoát nước tự nhiên. Ao và hệ thống thực vật được làm sạch sinh học, không có hóa chất. Nước mưa của công viên được đưa vào chu trình sinh thái tự nhiên thay vì đi vào các đường ống hạ tầng như tuyến phố đô thị.

Hình 8: Mô hình hoạt động sinh thái tự nhiên về lớp thực vật, thoát nước của dự án

Nguồn: http://friendsoftannersprings.org/park-design/

Công viên này đã hiện thực hóa những giấc mơ và hy vọng của người dân địa phường về việc chạm đến những mảnh gần như tự nhiên nhất.

  1. KẾT LUẬN.

Tóm lại, việc quản lý và tổ chức KGCC cần xem xét và nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố tự nhiên đối với việc khai thác các hoạt động dịch vụ sao cho đảm bảo sự cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo của một đô thị phát triển bền vững. Cần đánh giá và phân cấp rõ ràng vai trò của các không gian công cộng, mảng xanh khác nhau ở trong đô thị để đề xuất mức độ tác động, tổ chức quản lý và thiết kế cải tạo. Hiện nay trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, sự mở rộng và phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ cao, con người ở trong đô thị có xu hướng bị giảm đi sự kết nối với thiên nhiên thì việc chú trọng tới sự quản lý môi trường yếu tố tự nhiên càng phải được xã hội chú trọng hơn nữa.

Tại thành phố Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng, các không gian công cộng chứa đựng các yếu tố tự nhiên là vô cùng quan trọng, cần đặt ưu tiên lên hàng đầu để bảo tồn, gìn giữ và có cách ứng xử phù hợp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

PTS.KTS. Nguyễn Thị Thanh Thủy (1997), Tổ chức và quản lý môi trường cảnh quan đô thị, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội.

Phạm Anh Tuấn, Phạm Hoàng Phi (2016), Vai trò của cây xanh đô thị tại Hà Nội, Tạp chí Quy hoạch xây dựng, số 82 năm 2016, trang 86-89. ISSN 1859-3054.

[1] Báo xây dựng online. Phục hồi kênh Cheonggyecheon Seoul Hàn Quốc – Bài học cho Việt Nam. "https://baoxaydung.com.vn/phuc-hoi-kenhcheonggyecheon-seoul-han-quoc-bai-hoc-cho-viet-nam-259024.html," <Truy cập ngày 15.7.2020 >

 

Bài tham luận đã được biên tập trong kỷ yếu Hội thảo “Cơ sở khoa học của việc tổ chức không gian công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch”, thuộc Đề tài NCKH “Tổ chức không gian công cộng khu vực quận Hoàn Kiếm - Hà Nội phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch”

Nguồn: Tác giả: TS. Phạm Anh Tuấn,Ths. Doãn Minh Thu - Bộ môn Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch trường đại học Xây dựng Hà Nội.